Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

KỶ NIỆM ĐỜI LÍNH (Việt Dũng)


1- NHẬP NGŨ.
        Đang là học sinh lớp 10 trường phổ thông cấp III Trần Phú (Hà Nội), tôi xung phong lên đường nhập ngũ và trở thành tân binh của Bộ Tư lênh Thủ đô từ tháng 4 năm 1972. Thời kỳ đó quân và dân ta ở chiến trường miền Nam đang mở nhiều chiến dịch quân sự sôi động, đặc biệt là chiến dịch Xuân – Hè trên chiến trường Trị - Thiên, nên nhu cầu cung cấp nhân lực cho quân đội đặt ra rất lớn đối với cả hậu phương miền Bắc. Từ giữa năm 1971 đến suốt năm 1972 và các năm sau, học sinh, sinh viên đang học tập trên địa bàn Thủ đô thực hiện lệnh Tổng động viên, lên đường nhập ngũ rất đông. Cứ một, hai tháng, tại các trường phổ thông cấp III, hay các trường đại học như: ĐH Bách khoa, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng, ĐH Tài chính – Kế toán… liên tục có các cuộc tiễn đưa học sinh, sinh viên lên đường nhập ngũ. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư lệnh Thủ đô (nay là Quân khu Thủ đô) trong năm 1971, Hà Nội có 7.259 thanh niên nhập ngũ; Năm 1972, thực hiện lệnh Tổng động viên của Bộ Quốc phòng, các cấp chính quyền Thành phố đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch tuyển quân, giao quân với 14. 367 người. 
Ba tháng "tân binh" trước khi ra chiến trường.
Vào bộ đội khi đó là ước nguyện, là vinh dự của tuổi trẻ ở miền Bắc XHCN. Không ít bạn trẻ đã viết đơn bằng máu để xin nhập ngũ, mặc dù đang ở trong diện chính sách chưa phải đi. Những năm tháng hào hùng đó, mỗi khi thấy đoàn xe quân sự chở tân binh nhập ngũ, nhân dân hai bên đường lại đứng vẫy chào và nói to những lời động viên: “Các con đi mạnh khỏe nhé”, “Cố gắng chiến đấu trả thù cho bà con bị chết vì bom đạn giặc Mỹ nhé”.


       Dọc đường sắt từ ga Hà Nội chạy vào phía Nam, mỗi khi có đoàn tàu chuyển quân ra mặt trận, bất kể ngày hay đêm, hàng trăm lá thư gửi lời chào từ biệt hậu phương của những người lính trẻ được rải trắng suốt con đường. Nhân dân hai bên đường lại cẩn thận nhặt hết thư từ, tìm đến bưu điện gần nhất mua con tem dán vào rồi gửi giúp bộ đội. Cứ sẩm tối, các chuyến tàu, chuyến xe chở quân, hay kéo pháo lại hành quân xuyên qua thành phố, hối hả tiến vào phía Nam, nơi mặt trận đang nóng bỏng.
      Như vậy, vào năm 1972, tôi cùng nhiều bạn bè đã lên đường nhập ngũ trong những tháng ngày tràn ngập không khí “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” của quân và dân Thủ đô như thế. Tạm biệt gia đình, bạn bè, thầy cô, tạm biệt mái trường yêu dấu, những chàng tân binh tuổi Giáp Ngọ lên đường vào đơn vị huấn luyện tại địa bàn tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa và một số tỉnh khác. Đơn vị nơi tôi huấn luyện trước khi vào chiến trường mang mật danh C53, D 64, E 59 thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô (sau này là Quân khu Thủ đô). Trong những năm 1971 – 1972, do yêu cầu của Bộ Quốc phòng đang cần tuyển nhiều lớp chiến sĩ có trình độ văn hóa để xây dựng các đơn vị tên lửa và pháo cao xạ, nên học sinh các trường phổ thông cấp III và sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai các trường Đại học được tuyển vào phục vụ binh chủng Phòng không - Không quân nhiều. Dù có vào những đơn vị bộ binh, thì lính Hà Nội cũng hay được chọn vào các đơn vị trinh sát, thông tin, cơ yếu hay pháo binh.
Những nụ cười vô tư... họ đâu có biết phía trước là sự sống, cái chết gần nhau trong tấc gang.
      Và trong những tháng năm cả nước cùng miền Nam ra trận khi đó, đội ngũ học sinh, sinh viên nhập ngũ đã xuất hiện nhiều nhà thơ, nhà văn tài năng như Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Vũ Đình Văn, Trần Nhương, Hoàng Nhuận Cầm… Cho đến cuối năm 1975, rời quân ngũ về học ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), tôi vẫn thấy nhiều sinh viên hí hoáy ngồi chép những vần thơ của lớp “Nhà văn Trung úy” vào sổ tay. Tôi nhớ, khi đó tôi cũng rất thích bài thơ “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu” của nhà thơ – chiến sĩ Hoàng Nhuận Cầm:
         - Vào mặt trận lúc giọng ve rất dài
           Như sông suối, như đoàn quân vô tận
           Da diết tiếng ve ngân chẳng tắt
           Tiếng ve bay theo chân bước trùng trùng.

           Vào mặt trận lúc giọng ve đang rung
           Chúng tôi sống tháng năm xao động lắm.
           Truy kích giặc có rất nhiều đêm trắng
           Nhiều đêm trong, tâm hồn cùng thức bên nhau.

           Ra mặt trận lúc giọng ve kêu mau
           Là khẩu lệnh khẩn trương vào trận cuối
           Những báng súng trong tay đều nóng hổi
           Những tim người đập theo tiếng ve kêu…

          Những tân binh Thủ đô, vốn là học sinh, sinh viên, công nhân lần đầu mang quân phục bắt đầu làm quen với nếp sống kỷ luật, khắc khổ của quân đội. Từ nếp ăn, ở, sinh hoạt, tập luyện đều phải tuân thủ giờ giấc chặt chẽ. Thời gian đầu các tân binh cũng thấy gò bó, khổ sở, song mọi việc cũng dần quen. Tháng đầu tiên ở nơi huấn luyện, nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội cũng tranh thủ đảo lên quân trường thăm con, để xem các “cậu ấm” sinh hoạt, tập luyện ra sao. Lặn lội lên tận Lương Sơn (Hòa Bình) thăm con, thấy con và các bạn bè sinh hoạt nề nếp, khỏe mạnh, lại được cán bộ nơi huấn luyện dẫn đi thăm nơi ăn nghỉ, nhà bếp của đơn vị, nên khi ra về các bậc cha mẹ cũng thấy yên tâm.

         2- HUẤN LUYỆN TÂN BINH.
        Cũng như đối với bất kỳ người thanh niên nào mới nhập ngũ, thời kỳ huấn luyện để trở thành người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đối với tôi là những trải nghiệm vô cùng sâu sắc. Công tác huấn luyện tân binh trong quân đội được làm rất bài bản, từ một học sinh, sinh viên để trở thành một người lính chiến đều phải qua các khóa huấn luyện khắt khe. Kể cả sau này anh được điều về các quân, binh chủng kỹ thuật hay hậu cần… trước đó đều phải được tập huấn về tác phong, điều lệnh, được học tập nâng cao về trình độ chính trị - tư tưởng và phải thành thạo các kỹ năng cơ bản của người chiến sĩ bộ binh.
        Ngoài những giờ học chính trị, tập điều lệnh, đội ngũ, tôi và anh em tân binh thích nhất là các khoa mục học sử dụng các loại vũ khí, khí tài. Thôi thì đủ các loại như súng trường bán tự động CKC, tiểu liên AK, trung liên đại đội RPK, súng chống tăng cá nhân B40, rồi ném lựu đạn, bộc phá… Các khái niệm và kỹ năng chiến đấu mà bất kỳ người chiến sĩ nào cũng phải nắm vững như phương pháp lấy điểm ngắm, điều khiển ngón tay cò để có thể bắn điểm xạ ngắn, điểm xạ dài. Và thực hành các tư thế bắn như: nằm bắn, quì bắn, bắn súng trong hành tiến… Rồi thực hành các bài bắn ban ngày, ban đêm với các loại bia như “bia lọ mực”, “bia thằng còm”, “bia hai lọ mực”… Học thuộc kỹ năng tính toán lấy thước ngắm của các loại súng bộ binh thông dụng, học bảng bắn và tính toán hướng gió để thực hành bắn súng chống tăng, học kết nối lượng nổ để đánh lô-cốt, phá hàng rào… Vất vả nhất là khoa mục hành quân xa mang nặng, mỗi chiến sĩ phải mang vác trung bình 28 đến 30 ki-lô-gam trên lưng, một khẩu súng tiểu liên và hai cơ số đạn, hành quân, trèo núi, vượt sông… Vất vả nhất là những anh em ở trung đội hỏa lực, phụ trách súng 12,7 ly hay mang vác súng cối 82 ly. Có những buổi tập tình huống “báo động di chuyển địa điểm vào ban đêm”, lính ta biết trước, khi nằm ngủ trên sạp tre vẫn phải mặc quân phục và đi cả giày để khi có báo động thì chạy cho kịp. Cứ thế, những chàng trai trẻ ngày nào còn là học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, qua mấy tháng rèn luyện vất vả trong quân trường đã dần trở thành những người chiến sĩ thực thụ. Vất vả là thế, mà không hiểu sao các tân binh cứ đều đặn tăng cân qua các lần kiểm tra định kỳ sức khỏe. Vui nhất là những lần nhận được thư nhà, hay đôi khi có người nhà của anh chàng nào đó lên đơn vị thăm con, hay thăm anh, em ruột.
        Trước khi lên đường đi B, lính ta còn phải học cách sử dụng mặt nạ phòng độc, học băng bó sơ cứu thương binh, học cách tự ga-rô khi bị thương…Và phải học những cái tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất thiết thực như học cách sắp xếp ba-lô cho khoa học và học cách mắc võng, cách nấu cơm không khói trên đường hành quân… Nói thêm về cách sắp xếp ba-lô: để mang vác chiếc ba-lô nặng, gồm nhiều vật dụng của người lính mà đi đường dài đỡ mỏi, thì phải sắp xếp đồ vật một cách khoa học, hợp lý, đồ nặng phải xếp ở đáy ba-lô, đồ nhẹ được xếp ở trên, thì khi hành quân xa ba-lô bám sát lưng, không bị kéo ngửa về phía sau, phải nhớ phía trên cùng sát nắp ba-lô là tăng (tấm ni-lon to làm mái che mưa trên võng) và võng, để nếu có lệnh nghỉ đêm thì có thể rút tăng - võng ra thao tác ngay. Còn kỹ thuật mắc võng cũng là điều hết sức quan trọng, vì nó liên quan đến giấc ngủ của người lính. Khi đến trạm dừng chân, người lính phải nhanh chóng tìm hai thân cây gần nhau đủ khoảng cách có thể mắc võng, nhưng trước khi mắc võng, ta phải đi tìm hai thân cây bằng cổ tay, chặt lấy mỗi khúc cao chừng 1,5m để làm cọc phụ, gọi là “cọc phụ”, nhưng tác dụng lại rất lớn, vì khi có cọc phụ, dây võng không trực tiếp buộc vào cây lớn theo chiều dốc xuống, mà dây võng qua cọc phụ, mắc vào cây lớn theo chiều dốc ra ngoài đầu võng, để khi mưa to, nước mưa không theo đầu dây chảy vào võng, vì đầu cọc phụ đã được che mưa dưới mái tăng ni-lon. Còn cả chuyện buộc dây võng thế nào để khi có lệnh hành quân gấp, thì người lính chỉ cần rút nút buộc là tuột ra ngay, chứ không phải đứng đấy 15 phút mà tháo dây võng. Chỉ lấy hai ví dụ nhỏ như trên để cho bạn đọc thấy, người lính vào chiến trường phải được trang bị các kỹ năng sống tỷ mỷ đến thế nào. Đúng như câu khẩu hiệu nằm lòng của lính: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu”.
       Sau 3 hay 4 tháng miệt mài trên thao trường, những chàng thanh niên, sinh viên mới nhập ngũ ngày nào đã trở thành anh bộ đội rất chững chạc, sẵn sàng lên đường vào chiến trường khi có lệnh.



9 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc bài viết những kỉ niệm huấn luyện tân binh trước khi ra trận thật cảm động. Từ những cậu hoc sinh ngơ ngác, sau 3 tháng họ trở thành người lính và phải xông pha nơi lửa đạn. Trong số hàng vạn lính trẻ ấy, nhiều người vĩnh viễn nằm lại chiến trường, đến nay vẫn chưa trở về...

Nặc danh nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Viên Thạch nói...

Một thời chiến tranh nhưng cũng là một thế hệ thanh niên 18 đôi mươi đầy nhiệt huyết, trong sáng và lý tưởng. Nhìn những bức hình mà thấy lòng se sắt lại, bởi giờ đây tìm đâu những vô tư trong sáng như thế nữa? Tìm đâu những tự hào căng tràn trong nụ cười, ánh mắt tuổi thanh xuân như vậy nữa...? Rồi hình ảnh những bức thư bay rải trắng dọc ga tàu...
Bài viết hay và cảm động quá anh Dũng ạ.

Viên Thạch nói...

Đọc bài này một lần lại muốn đọc lại lần nữa. Hay quá! Giá mà thời nay mỗi năm quân đội mở ra những lớp 3 tháng huấn luyện cho học sinh sinh viên như vậy thì tốt biết mấy.

NH nói...

Cháu VT ơi! không phải cứ dạy cứ huấn luyện là sinh ra lòng dũng cảm được đâu. Thời thế tạo anh hùng mà. Chúng ta nghĩ sao khi "tàu lạ" giết người, cướp của ngư dân ta mà ta lờ đi. Thế thì hô hào chiến sĩ hải đảo hy sinh sao được. Giờ đây đi bộ đội là nghĩa vụ bắt buộc chứ làm gì có tình nguyện như cái thời các chú ngày xưa.

V. D nói...

Cám ơn các anh, chị độc giả, cám ơn Viên Thạch đã chia sẻ. Bài này còn tiếp 1 kỳ nữa.

Nặc danh nói...

Bạn viết qúa hay.và rất trung thực.cám ơn tác gỉả...
Ktx

Nặc danh nói...

Bài viết hay.và rất trung thực...
Ktx

TranKienQuoc nói...

Bao nhiêu bạn tôi khi tầu chạy từ Yên Viên, Đông Anh đã vứt những lá thư xuông ven chắn tầu Trần Phú, Điện Biên, Cửa Nam... thực sự trắng đường tầu. Ai ơi, cô bác ơi, hãy chuyển thư này cho mẹ con, để mẹ biết rằng con đã lên đường.
Thế hệ bọn tớ từng thế đấy!!!