Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

TRUNG QUỐC MUỐN GÌ ? (Cao Huy Thuần)


Tham luận tại Hội thảo Hè,
Toulouse 31/7-01/8,2014
...

II. Nhìn từ bên trong: Trung Quốc tự định nghĩa
2008. Năm Thế Vận Hội. Ngọn đưốc Thế Vận chuyền tay từ Hy Lạp qua Bắc Kinh, trên một lộ trình dài 85.000 dặm, dừng chân trên 135 thành phố. Khoảng thời gian ấy, Trung Quốc bị thế giới lên án gay gắt, nhất là về nhân quyền và đàn áp ở Tây Tạng. Luân Đôn, Paris, San Francisco, Canberra... khắp nơi, các hội đoàn nhân quyền tổ chức phản đối khi đuốc Thế Vận rước qua. Thế nhưng, khắp nơi, Hoa kiều bừng bừng lửa hận đáp trả, khí thế ngùn ngụt không thua gì ở chính quốc, nhất là trong giới thanh niên, sinh viên ở các trường đại học tiến bộ, Duke, Berkeley, Chicago... khắp nơi! Siêu thị Carrefour của Pháp, đang ăn khách thế, phát đạt mở nhánh trên 20 thành phố, bị dân chúng ồ ạt tấn công. Khẩu hiệu, la hét:

Nói không với Carrefour!!! Nói không với bọn đế quốc Pháp!!!
Cực lực phản đối cuộc xâm lăng Anh-Pháp năm 1860!
Toàn dân Trung Quốc đứng lên!!!


Ô hay, Thế Vận Hội thì có ăn nhậu gì với liên quân Anh Pháp hồi xửa hồi xưa, hồi cố nội cố ngoại các vị ấy chưa đẻ? Ấy thế mà lịch sử bốc máu chảy rần rần trong gân cốt. Ai cả gan động đến cái lông chân Trung Quốc ngày nay, mà lại xấu số trót sinh vào đất Nhật hay đất Tây phương, hãy coi chừng: "Đừng quên quốc sỉ!" Wuwang guochi! Bốn chữ (Bất vong quốc sỉ) ấy ngự trị trên bàn thờ, tín đồ của cái đạo dân tộc chủ nghĩa ấy đạp nát như voi đạp bã mía bất cứ ai dám cả gan thách thức. Các nhà nghiên cứu đánh cuộc cho hòa bình cũng hãy coi chừng! Cái thứ lửa tân chủ nghĩa ấy đốt râu quý vị bao giờ không hay.

Quá dễ dàng để minh chứng điều ấy qua vài biến cố lớn đã xảy ra: vụ Mỹ ném bom nhầm trên tòa đại sứ Bắc Kinh ở Belgrade năm 1999 hay vụ đụng độ giữa máy bay Mỹ EP-3 và máy bay Trung Quốc F8 kế cận hải phận Hải Nam năm 2001. Lạ thật, tưởng giới trẻ dị ứng với chế độ, ai ngờ sinh viên rần rộ phô trương khí thế trước Sứ quán Mỹ, bao vây, ném đá, đốt xe, đốt cà nhà của tổng lãnh sự Mỹ ở Thành Đô. Lửa ấy, sách báo thế giới đã nói nhiều. Nhưng, để hiểu gan ruột anh Tàu, không phải cứ tìm đến những chuyện lớn mà hiểu; chính trong những chuyện tầm phào nhất, người Việt chúng tôi hiểu anh Ba(tầu) rành rọt hơn Tây. Chẳng hạn chuyện này: cái mề đay vàng của Thế Vận Hội.
Bất cứ ở nước nào, thể thao cũng là đầu tư cho chính trị quốc tế. Cả chính trị quốc nội nữa, vì chính quyền cũng được thơm lây nhờ thắng lợi của các lực sĩ. Ở Tàu cũng vậy thôi... nhưng mà khác. Phải là huy chương vàng kia! Đừng nói: thì ở đâu chẳng vậy! Không phải! Khác hẳn, chẳng giống ai. Ở đâu khác, được bạc hay đồng cũng vui rồi. Ở Tàu, phải là vàng! Bạc và đồng là sọt rác! Phải là vàng mới thiêng liêng. Và thiêng liêng như Thượng Đế. Nói theo giọng Mao, mề đay vàng là "khí giới nguyên tử tâm linh". Tại sao? Thì tại vì lịch sử! Tại vì "đừng quên quốc sỉ!" Trước đây, bọn Nhật Bản và bọn đế quốc Tây phương đã dám nói: Trung Quốc là "kẻ phàm phu bệnh hoạn ở Đông Á". Dongya bingfu! Thật ra, nguyên thủy, câu ấy ám chỉ sự suy nhược của nhà Thanh, giống như đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành "Đông Á bệnh phu" của châu Âu. Thế nhưng tín đồ của chủ nghĩa dân tộc cải biên ngày nay nghĩ khác: bọn đế quốc ấy dám chê hình hài thể xác của chúng ta! Đã thế thì phải cho chúng nó biết hình hài này đè bẹp thể xác chúng nó như thế nào. Thế là bắt đầu nhồi nhét lịch sử Thế Vận Hội vào đầu giới trẻ năm 2004:
"Trước 1949, lực sĩ Trung Quốc đã tham dự 3 Thế Vận, nhưng lần nào cũng trở về với thất bại, không đạt được huy chương nào. Một tờ báo ngoại quốc đăng một tranh hý họa: dưới lá cờ năm vòng tròn của Thế Vận, một toán Trung Hoa ốm yếu, da bọc xương, bận lễ phục quan gia và Âu phục, khiêng một quả trứng vịt khổng lồ – một con số không. Bức tranh hý họa đó nhan đề: " Đông Á bệnh phu". Đó là một chế diễu và nhục mạ" 10.

Thật ra, bức tranh châm biếm đó không phải đăng trên một tờ báo phương Tây mà trên một tờ báo Hoa ngữ ở Singapore. Nhưng hề chi sự thật, đây đâu phải là thể thao, đây là quốc nhục phải rửa.
Bởi vậy mà cái huy chương vàng của Liu Xiang ở Thế Vận Athens 2004 là thiêng liêng! Nó thiêng liêng vì nó là huy chương về môn chạy đua 110 mét có rào cản. Thế giới chứng kiến tận mắt: thân thể của anh phàm phu ngày xưa đè bẹp thân thể của bọn Tây phương ngày nay. Liu tuyên bố một câu danh ngôn tại Athens: "Chiến thắng của tôi chứng minh rằng lực sĩ da vàng có thể chạy nhanh như lực sĩ da đen hoặc da trắng". Ai nói đó là thành tích thể thao, người đó chẳng hiểu gì anh Ba. Đó là cả dân tộc Trung Hoa đứng lên xóa sạch tủi nhục của thế kỷ.
Bởi vậy mà phải là huy chương vàng! Bạc hay đồng thì hóa ra thân thể anh Tàu vẫn cứ bingfu, vẫn cứ thua thân thể anh Tây! Huy chương vàng vừa rửa hận vừa mang tính chính đáng đến cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Một tỷ trái tim cùng tung hô cặp giò của lực sĩ Liu nghĩa là một tỷ trái tim cùng tung hô Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ai đem lại tự hào này nếu không phải là Đảng! Ai đưa Trung Quốc từ địa vị cái trứng vịt lộn năm 1932 lên địa vị thượng đẳng 100 huy chương và 51 vàng năm 2008? Có lĩnh vực nào mang lại đồng thuận, đồng tình, đồng hỷ, đồng lạc, đồng bốp bốp vỗ tay như lĩnh vực thể thao? Đảng Cộng sản vạn vạn tuế!

Cái rủi của Trung Quốc hồi thê kỷ 19 biến thành cái may cho chế độ hiện hành. Khi hệ ý thức Mao không còn linh hiển nữa để giúp Ngu Công dời núi thì hệ ý thức dân tộc chủ nghĩa vù đến, đúng lúc, đúng thời, thay cái cũ bằng một cái mới đáp ứng đôm đốp tâm lý cộng đồng, đánh thức cả gia tài văn hóa ngàn đời nằm ngủ trong tận thâm sâu của tiềm thức dân tộc. Bởi vậy, câu hỏi mà nhiều giới quan sát ở Mỹ đã đặt ra nghe nó ngây ngô làm sao: dân tộc chủ nghĩa ấy là từ trên ban xuống hay từ dưới trồi lên? Hỏi vớ vẩn! Tất nhiên là cả hai! Cái dễ sợ, cái khiếp đảm của vũ bão triều cường đang cuồn cuộn phăng phăng trào lên ở phương Bắc là do ở chỗ gặp gỡ của hai hưng phấn, từ trên xuống và từ dưới lên, đưa đến một run rẩy hoan lạc song phương, từ đó thai nghén một đứa con bất trị có tên là chiến tranh.
Từ trên xuống: "Vật vong quốc sỉ" là khẩu hiệu dẫn đầu cả một quốc sách dạy con trẻ bằng sách giáo khoa, viện bảo tàng, nói chuyện tập thể, tiểu thuyết, văn thơ, nhạc, phim ảnh, nghỉ lễ, bản đồ, tham quan di tích lịch sử... dạy trẻ không được quên. Không được quên "thế kỷ tủi nhục" từ chiến tranh nha phiến 1840. Không được quên cái gì và phải nhớ cái gì: đó là nhét vào đầu con trẻ định nghĩa về Trung Quốc, về bản chất của dân tộc, về bản chất của chính người dân Trung Quốc, chính mỗi cá nhân. Đừng quên: tủi nhục ấy là trước Tây phương và trước Nhật Bản.

Và phải nhớ: "Trung Quốc" là nước ở trung tâm. Trung tâm ở đây không phải là khái niệm địa lý, cũng phải chỉ là khái niệm văn hóa: nó bao hàm cả ý nghĩa chính trị. Ai kiểm soát được trung tâm, kẻ ấy là nhà cầm quyền chính đáng để cai trị thiên hạ. Tác giả câu ấy là Tưởng Giới Thạch. Trung Quốc còn có tên nữa là Trung Hoa. Tôi được nghe một học giả cắt nghĩa nguyên thủy của từ này: "Hoa" là đẹp đẽ, áo quần đẹp, trang sức đẹp. Trung Quốc tự cho mình là "hoa", chung quanh tất cả đều là "di". Với văn hóa đẹp đẽ, Trung Quốc tự cho mình nhiệm vụ đồng hóa man di, "dụng Hạ biến di" ("yong xia bian yi") như lời của Mạnh Tử. Man di mà được biến đổi văn hóa thì "di" cũng thành "hoa", thành dân nước Hạ. Sĩ phu ta (VN) ngày xưa chắc đã mắc lỡm cái sách lược này: suốt đời dài lưng tốn vải cặm cụi sách đèn cố làm sao cho "giống", chứ không phải cho "khác" như anh hảo hán samourai Nhật kia. Cứ đọc sử thần Ngô Sĩ Liên thì rõ. Tôi lại được cắt nghĩa thêm: Trung Quốc lại còn có tên là Shenzhou (Thần Châu), xuất hiện từ thời Chiến Quốc, đất thiêng, đất thánh. lại còn được gọi là Thiên Triều, danh hiệu mà nghe nói giới trẻ ngày nay rất ưa dùng trên internet để gọi nước của họ.

Lại phải nhớ: trong tư tưởng cổ truyền của Trung Quốc, không có khái niệm "quốc gia", chỉ có khái niệm "thiên hạ" mà Trung Quốc chiếm vị trí trung tâm. "Thiên hạ" bao hàm nhiều nghĩa. Một, đó là cộng đồng văn hóa, khác với ý nghĩa chủng tộc, chính trị hoặc pháp lý trong khái niệm "quốc gia" của phương Tây. Văn minh là căn bản của khái niệm "thiên hạ". Với Khổng giáo, Trung Quốc tự cho mình là trung tâm của văn minh, nghĩa là văn minh cao hơn, đạo đức cao hơn. Hai, "thiên hạ" không có biên giới như biên giới của quốc gia ngày nay. Ai đồng chí với văn minh Hán thì là Hán: Mãn châu chẳng hạn. Ba, ta đã ở trung tâm, ta là cao nhất, vậy thì làm sao quan niệm được thế giới bao gồm (trên lý thuyết) các quốc gia bình đẳng? Trung Quốc là thế giới, đâu phải là một nước trong thế giới? Hồi bắt đầu chiến tranh nha phiến, Charles Elliot gửi một văn thư cho Lin Zexu ( Lâm tắc Từ), chức sắc của nhà Thanh phụ trách giao thương nha phiến, trong đó viên chức của nước Anh dại mồm gọi Anh và Trung Quốc là "hai nước". Liu nổi cơn thịnh nộ trả lại thư không thèm đáp, tên kia hỗn láo quá, "dưới vòm trời này không nơi nào có thể được xem như ngang hàng với thiên triều". Bốn, "thiên hạ" đặt trọng tâm trên sức mạnh mềm, như văn hóa, đạo đức, lễ nghĩa hơn là trên sức mạnh cứng - quân sự, kinh tế - để duy trì trật tự thế giới như ngày nay. Thần phục văn minh của thiên triều, tuân thủ lệ cống, lễ nghĩa trên dưới phân minh, ấy là trật tự của hệ thống "thiên hạ". Ai dám bảo điều này không cắt nghĩa thói hống hách, trịch thượng của thiên triều ngày nay?

Đừng quên và phải nhớ. Đừng quên nhục nhã. Phải nhớ vinh quang. Định nghĩa về Trung Quốc ngày nay dựa trên hái chân đứng đó. Và vinh quang ngày xưa được phục hồi ngày nay là nhờ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng ấy không còn định nghĩa mình là "người tiên phong của giai cấp vô sản" nữa, mà là người yêu nước "vững chắc nhất, hết lòng nhất". Nhiệm vụ của Đảng Cộng sản không còn là "thực hiện một xã hội cộng sản" nữa, mà là "đại phục hưng dân tộc Trung Quốc". Quốc sách "đừng quên, phải nhớ" là từ trên dội xuống bằng cả một hệ thống giáo dục, tuyên truyền mà sự thành công là nhờ ở đáp ứng hồ hởi của dân chúng từ dưới lên trên. Nước Mỹ bỏ tiền ra chiêu đãi sinh viên Trung Quốc, tưởng rằng giới trẻ này sẽ hấp thụ văn hóa phương Tây. Ô hô, măng này hùng hục dân tộc chủ nghĩa không thua gì tre già tre lão.
Thật ra, đây là làn sóng dân tộc chủ nghĩa thứ hai. Làn sóng thứ nhất, hồi thế kỷ 19, hãy còn yếu ớt lắm, và không hẳn từ trên xuống hay từ dưới lên. Trên thì nhà Thanh đã suy. Dưới thì dân ngu khu đen, chỉ khoái làm "cách mạng" kiểu A.Q của Lỗ Tấn. Dân tộc chủ nghĩa hồi đó phát khởi từ ở giữa, giữa trên và giữa dưới, từ tầng lớp trí thức mà tiêu biểu là phong trào Ngũ Tứ 1919. Làn sóng thứ nhất là dân tộc chủ nghĩa tự vệ: nó chính đáng và không nguy hiểm cho ai. Làn sóng thứ hai là dân tộc chủ nghĩa tấn công: nó nguy hiểm vì đến từ một nước bá quyền. Nó càng nguy hiểm hơn khi cả một dân tộc sôi sục tấn công, hung hăng đến nỗi cấp trên phải hãm bớt phanh, sợ chính mình cũng bị đốt cháy, sợ không điều khiển nổi cơn lũ. Từ một ý thức hệ do Nhà nước đẻ ra để chính đáng hóa lãnh đạo của mình, thứ "dân tộc chủ nghĩa Nhà nước" ("state nationalism") ấy đã trở thành "dân tộc chủ nghĩa xã hội" (social nationalism) khi nó động viên được cả xã hội. Mearsheimer gọi thứ dân tộc chủ nghĩa "bình dân" ấy của Trung Quốc ngày nay (popular nationalism) là "siêu dân tộc chủ nghĩa" (hypernationalism) có thể đưa đến những hiểm nguy khó lường. Nói như nhà văn danh tiếng Hồ Bình (Hu Ping), "đối với dân Trung Quốc, lịch sử là tôn giáo của chúng tôi... Chúng tôi không có một chuẩn mực siêu nhiên về phải trái, tốt xấu, cho nên chúng tôi xem Lịch Sử như là Quan Tòa tối cao... Mỗi người dân Trung Quốc khi sinh ra đã là tín đồ của dân tộc chủ nghĩa".


III. Lời kết
Lịch sử của nước nào cũng có lúc huy hoàng có lúc bi thảm. Lịch sử của nước nào mà chẳng có vết thương? Cái quái đản của Trung Quốc là bắt thế giới phải đau cái vết thương của chính họ và phải chấp nhận quyền của cái vết thương đó cứ mãi mãi là vết thương không lành, sẵn sàng chảy máu. Dân tộc chủ nghĩa, nước nào cũng có, không nhiều thì ít. Cái quái đản của Trung Quốc là bắt cả thế giới phải xem trường hợp của mình như là duy nhất, riêng biệt, thiêng liêng, ai cũng phải cúi đầu. Muốn chơi với Trung Quốc, ai cũng phải cúi đầu ký một câu mà trên thế giới không đâu thấy một tập tục ngoại giao tương tự: "Đài Loan là một phần của Trung Quốc..." Dân tộc chủ nghĩa ấy là mầm mống của chiến tranh.

Từ những trình bày trên đây, xin rút ra bốn kết luận:
1. Chỉ cần để ý một chút là thấy cái thâm ý gắn liền mưu đồ bá quyền với chính sách "quốc sỉ". Ta phải rửa nhục bằng cách lấy lại cái gì đã mất. Trong những cái đã mất ấy, có cái bản đồ. Về điểm này, Tàu Tưởng và Tàu Mao không khác nhau. Ngày 27-3-1934, Tưởng Giới Thạch ghi trong Nhật Ký quyết định soạn một sách giáo khoa dạy về bổn phận và trách nhiệm đối với nước. Mục 3: "Chiếm lại Đài Loan và Triều Tiên. Chiếm lại lãnh thổ nguyên thủy vốn là thành phần của triều Hán và triều Đường..; như vậy chúng ta, con cháu của Hoàng Đế, sẽ không còn hổ thẹn". Sáu mươi năm sau, sách giáo khoa của Bắc Kinh mở đầu chiến dịch giáo dục lịch sử ghi triều đại Goguryeo (37 trước TL - 668 sau TL) của Triều Tiên là thành phần của lịch sử Trung Quốc 11. Triều Tiên thôi sao? Nghe thêm than thở của các nhà ngoại giao Trung Quốc đầu thế kỷ 20: chúng ta đã mất "Hồng Kông của chúng ta", "Miến Điện của chúng ta", "Xiêm La của chúng ta", "An Nam của chúng ta". Bọn đế quốc đã "cắt giang sơn của chúng ta như cắt trái dưa hấu". Tiếp nối truyền thống, Tàu Mao ghi thêm quần đảo Trường Sa như là "đương nhiên của Trung Quốc" trong một bản đồ in năm 1999. Đó là những lãnh thổ mà chúng ta đã mất trong "thế kỷ tủi nhục", đương nhiên châu phải về hợp phố. Một sách giáo khoa khác viết rõ mồn một: "Lịch sử thế kỷ quốc nhục của chủng tộc Trung Quốc luôn luôn nhắc nhở chúng ta rằng các giống dân ngoại quốc xâm chiếm chúng ta bằng đường biển. Kinh nghiệm không ngừng buộc chúng ta phải nhớ: chiến hạm xuất hiện từ Thái Bình Dương: tổ quốc chúng ta chưa thống nhất toàn vẹn; cuộc tranh đấu về chủ quyền trên Trường Sa, Diaoyu Dao và biên giới Ấn-Trung vẫn còn tiếp diễn... ta phải xây dựng một hải quân hùng hậu để thu hồi toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ những quyền và đặc quyền về lãnh hải của ta" 12. Hay thật! Trung Quốc rửa nhục bằng cách xây dựng lại đế quốc của nhà Thanh! Bằng cách đòi hỏi "địa vị xứng đáng trên sân khấu quốc tế"! Ngôn từ "quốc sỉ" phà hơi vào than hồng chiến tranh, hiểm nguy hiện ra rõ hơn bao giờ hết.

2. Bởi vậy, thế giới phải nói thẳng với Trung Quốc: ông hãy chấm dứt cái trò quốc sỉ ấy đi. Quốc sỉ! Nhục của nước! Nhục nào? Cái nhục ấy đã có hơn trăm tuổi thọ rồi. Có người hỏi ông: bao giờ thì nó chấm dứt? Ông không chịu trả lời 13, bởi vì đó là con ngoáo ộp để ông dọa thiên hạ. Nước nào? Trung Quốc ngày nay đâu còn là Trung Quốc hút thuốc phiện! "Đã đến lúc Trung Quốc chấm dứt nói mình là nạn nhân và hãy sống như một quốc gia bình thường", một tác giả Mỹ đã viết như thế 14. Hay nói như một nhà văn Trung Quốc, Wang Shuo (Vương Sóc), trong tiểu thuyết "Please don't call me Human": "Cứu quốc! Quốc nào? Cứu ra khỏi cái gì? Cám ơn bạn, nước chúng ta làm ăn tốt, và càng ngày càng tốt" 15.
Làm ăn tốt: ai cũng mong muốn một Trung Quốc như thế, nhất là Mỹ. Không ai ngăn cản nổi một Trung Quốc trỗi dậy, một Trung Quốc cường thịnh. Nhưng một Trung Quốc cường thịnh phải là một Trung Quốc có trách nhiệm trên thế giới và cư xử một cách có trách nhiệm: lý thuyết của Mỹ là như thế ngay từ đầu. Nhưng Trung Quốc lại làm như thể mọi người phải gánh trách nhiệm về tủi nhục của ông, trước là Mỹ, bây giờ cả Mỹ lẫn Nhật. Có tác giả đã nhận định: "Chính quyền Trung Quốc tuyệt đối không muốn giải quyết vấn đề các đảo Senkaku. Nếu ngày mai Nhật trao Senkaku vào tay Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ lập tức bắt đầu nói đến Okinawa. Lập tức. Họ sẽ nói: "Chúng tôi không muốn Senkaku nữa. Chúng tôi muốn Ryukyus". Nói như vậy có thể là hơi quá. Nhưng câu tiếp theo thì không sai: "Hệ thống chính trị của họ cần phải có đối nghịch với Nhật. Đó là ô-xy của hệ thống. Họ không thể sống mà không có lập trường nghịch với Nhật. Các bạn không thể làm giảm căng thẳng, bởi vì phía Trung Quốc tuyệt đối cần phải có căng thẳng" 16. Đúng hay sai không phải là vấn đề ở đây. Vấn đề ở đây là: Trung Quốc không thể chiếm độc quyền về dân tộc chủ nghĩa. Dù Nhật có sai trái bao nhiêu đi nữa trong thế chiến thứ hai, ông khiêu khích tự hào dân tộc nơi họ, dồn họ đến chân tường, thì họ phản ứng thôi.

3. Nhận xét thứ ba liên quan đến việc sử dụng ý thức hệ "quốc sỉ". Khác với Tưởng, Mao không đặt đề tài "quốc sỉ" lên hàng đầu trong suốt thời gian kháng Nhật. Kẻ thù chính của Mao là nội thù, không phải ngoại thù. Là Tưởng. Là giai cấp tư sản. Chỉ thị của Mao gửi đến cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản năm 1937 viết: "Mục đích của ta là khai triển sức mạnh quân sự của Đảng Cộng sản để làm đảo chánh. Bởi vậy, phải quán triệt áp dụng chủ trương căn bản này: 70% cố gắng là để bành trướng, 20% là để đối phó với Quốc Dân Đảng, và 10% là để kháng Nhật. Toàn thể đảng viên và đoàn thể phải tuân lệnh, không được chống lại chỉ thị tối quan trọng này". Mao dĩ nhiên cũng khác Tưởng về vấn đề văn hóa. Với Tưởng, Khổng giáo vẫn là rường cột của nước. Với Mao, đó là văn hóa "phong kiến", nguyên do làm Trung Quốc lụn bại. Mao không đặt tính chính đáng của Đảng Cộng sản trên việc khai thác "quốc sỉ" mà trên chiến thắng của Cách Mạng. "Đông phương hồng" là bài hát thay thế địa vị của quốc ca trong suốt thời gian ngự trị của Mao (1949-1976). "Đông phương hồng" không có một chữ nào nhắc lại quá khứ. Chỉ hoan hô Chủ Tịch, hoan hô Đảng, hoan hô mặt trời trước mắt.

Các nhà viết sử sau này nhận xét: trong suốt thời gian Mao nắm quyền và cho đến Thiên An Môn, không có một quyển sách nào xuất bản trong khoảng 1947-1990 viết về đề tài "quốc sỉ". Cuộc thảm sát Nam Kinh bị loại bỏ một cách có ý thức. Năm 1962, các giáo chức khoa sử ở Đại Học Nam Kinh viết cuốn "Đế quốc Nhật và cuộc thảm sát Nam Kinh": sách ấy chỉ được lưu hành nội bộ, không xuất bản. Mãi đến 1982, chính quyền mới để ý đến biến cố đó. Các tác giả viết sử ấy giải thích: Một, trong ý thức hệ Mao, giai cấp mới là quan trọng, không phải dân tộc. Hai, dân tộc chủ nghĩa trái với quốc tế chủ nghĩa. Ba, lụn bại của Trung Quốc chính yếu là do tham nhũng và bất tài của giai cấp phong kiến, tư bản. Bốn, "chiến thắng" là ngôn từ căn bản để cắt nghĩa tính chính đáng của Đảng Cộng sản, "anh hùng" là mẫu mực để động viên dân chúng: Mao dẫn dắt nhân dân đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác. Không nói nhục, bởi vì chỉ có vinh. Chưa kể thêm lý do này nữa: trong vụ thảm sát Nam Kinh, chẳng có "anh hùng" nào ở Nam Kinh bởi vì đó là kinh đô của Tưởng năm 1937. Kẻ chết ở Nam Kinh, Thượng Hải, hoặc bất kỳ nơi đâu ở miền Nam phần nhiều là lính Tưởng. Các nhà viết sử này nói thêm: đúng là Mao còn phải biết ơn Nhật bởi vì nếu không có Nhật mở cuộc xâm lăng rộng lớn như thế từ 1937 đến 1945, quân đội của Mao đã bị Tưởng thanh toán. Lẩn tránh trong núi rừng Sơn Tây, chiến lược của Mao là tránh giao tranh với Nhật để bành trướng quân lực từ 30.000 người nhỏ nhoi lên cả 1 triệu quân cường tráng. Đối thoại sau đây giữa Mao và thủ tướng Nhật Tanaka Kakue ngày 27-9-1972, khi Nhật theo chân Mỹ mở bang giao chính thức với Bắc Kinh, rất thú vị, phải ghi chép lại đầy đủ để thấm thía hài hước của Chủ tịch Mao:
Mao nói: "Chúng tôi phải cám ơn nước Nhật. Nếu Nhật không xâm lăng Trung Quốc, chúng tôi chẳng bao giờ hợp tác được với Quốc Dân Đảng. Chúng tôi chẳng bao giờ phát triển và giành được chính quyền. Chính là nhờ Nhật giúp sức mà chúng ta bây giờ mới được gặp nhau ở Bắc Kinh"
Tanaka nhũn nhặn: "Xâm chiếm Trung Quốc, Nhật đã gây nhiều tổn hại cho Trung Quốc".
Mao đáp lại liền: "Nếu Nhật không xâm chiếm Trung Quốc, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không chiến thắng được, hơn nữa chúng ta sẽ chẳng gặp nhau được hôm nay. Biện chứng của lịch sử là như vậy".
Vậy thì làm sao và từ bao giờ biện chứng ấy bị trái gió lộn lèo? Cứ lấy ví dụ bài quốc ca cho cụ thể. Khởi đầu là bài "Chí nguyện quân hành khúc", lời của Tian Han, nhạc của Nie Er. Viết vào năm 1932, một năm sau khi Nhật chiếm Mãn Châu, bài hát thúc giục dân chúng đứng lên gia nhập kháng chiến. "Đứng lên, đứng lên, đứng lên! Dân tộc Trung Hoa đối mặt với hiểm nguy lớn nhất". Năm 1949, khi thảo luận về một bài quốc ca cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vừa thành lập, có người đề nghị đổi câu ấy thành câu khác, "biện chứng lịch sử" hơn: "Dân tộc Trung Hoa đã đến ngày giải phóng". Chu Ân Lai không đồng ý, cho rằng câu trong nguyên bản gợi cảm hơn và bao giờ cũng thích hợp để chống đe dọa ngoại xâm. Đến thời Cách mạng văn hóa, "Chí nguyện quân hành khúc" bị dẹp xó, thay thế bằng "Đông phương hồng" như đã nói. Đến khi Mao chết năm 1976, Hoa Quốc Phong tái lập "Chí nguyện quân hành khúc" vào địa vị quốc ca năm 1978, nhưng thay toàn bộ lời, tán dương Mao và Đảng. Năm 1982, tháng chạp, ngày 4, dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, hành khúc nguyên văn của năm 1935 được lập lại và Quốc Hội chính thức biểu quyết làm quốc ca.
Thế thì, từ 1921, khi thành lập Đảng Cộng sản, đến 1949, khi thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, tính chính đáng của quyền lực dựa trên hai chân: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc. Từ 1949 đến hết Cách mạng văn hóa năm 1976, tính chính đáng dựa trên Mao Chủ Tịch và viễn tượng đỏ rực của chủ nghĩa cộng sản. Từ 1976 đến 1991, phân vân xảy ra ngay trên tính chính đáng: mèo xám hay mèo đen, mèo nào bắt chuột giỏi? Thật vậy, bước qua những năm 1980, tình hình ý thức hệ trở nên trầm trọng, "tam tín nguy cơ" ("san xin weiji") xảy ra. Ba khủng hoảng niềm tin : tín tâm nguy cơ (xinxin weiji) tức là khủng hoảng niềm tin xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng nguy cơ (xinyang weiji) tức là khủng hoảng niềm tin mác xít, tín nhiệm nguy cơ (xinren weiji), tức là, nguy quá, khủng hoảng niềm tin vào Đảng. Cả ba niềm tin ấy đã thay thế niềm tin tôn giáo, vậy thì miếng đất tâm linh đã thành cái miếu hoang. Lấy gì thay thế vào đó?
Thiên An Môn ập tới năm 1989, sinh viên bê Nữ thần Tự Do đặt vào miếu. Thế thì loạn to! Lập tức chiến dịch giáo dục lịch sử được phóng ra, lái nhiệt huyết của giới trẻ từ đấu tranh với bên trong qua đấu tranh với bên ngoài, tái lập tính chính đáng trên cái chân dân tộc chủ nghĩa. Quên cái chân đấu tranh giai cấp rồi chăng? Đâu có! Loạn Thái Bình Thiên Quốc (1851-1864) cũng là nhân dân nổi dậy để chống áp bức. Và đâu có phải chỉ Trung Quốc là nạn nhân: giai cấp công nhân và nông dân Nhật Bản cũng là nạn nhân của quân phiệt đế quốc chủ nghĩa. Không quên lý thuyết giai cấp, nhưng dân tộc chủ nghĩa phất lên thành cờ lãnh đạo.

Từ bỏ hình ảnh oai hùng của kẻ chiến thắng ngày hôm qua - chiến thắng trên Quốc Dân Đảng - sách giáo khoa vẽ cho con trẻ hình ảnh tủi nhục của nạn nhân ngày hôm kia, nạn nhân của phương Tây và của Nhật. Trước, con trẻ học tung hô. Bây giờ, con trẻ học thù hận. Từ 1994 đến 2002, Giang Trạch Dân làm một cuộc cách mạng thầm lặng, biến Đảng Cộng sản Trung Quốc từ một đảng cách mạng thành một đảng dân tộc chủ nghĩa, lấy lòng yêu nước thay thế chủ nghĩa cộng sản như là ý thức hệ nòng cốt. Đảng dạy con trẻ: Thế nào là một công dân Trung Quốc chân chính? Ghét bọn xâm lăng ngoại quốc, khinh bỉ Hán gian, kính trọng người yêu nước.
Nói thêm một chuyện mới đây. Tập Cận Bình tuyên bố gì trong khi ngang nhiên cắm dàn khoan HD 981 trong vùng biển Hoàng Sa? Y chang một giọng: "Chính sự yếu kém của quốc gia trong quá khứ đã giúp những kẻ ngoại xâm phá vỡ phòng thủ biên giới trên bộ và trên biển của Trung Quốc hàng trăm lần, đẩy đất nước Trung Quốc đến tận cùng của tai họa" Vì vậy người dân Trung Quốc "không được quên quá khứ nhục nhã đó và phải xây dựng biên giới vững chắc" 17. Ai không được quên quá khứ nhục nhã nếu không phải chính là người Việt Nam chúng tôi trước hành động ngang ngược của ông?
Rất nhiều tác giả ngày nay nói: Khi Lỗ Tấn viết A Q, ông trào lộng con người Trung Quốc, xã hội Trung Quốc. Trí thức thời ấy không phải là không biết nhục trước đế quốc, nhưng họ nhắm vào cái cổ hủ, cái lụn bại của văn hóa Trung Quốc để đả kích, hòng canh tân, đưa Trung Quốc vào hiện đại. Hậu Thiên An Môn đi ngược lại chiều hướng ấy, lái dân tộc chủ nghĩa qua tham vọng bá quyền ở bên ngoài. Một bên nhắm vào bên trong để định nghĩa cái "ta". của Trung Quốc. Một bên nhắm vào bên ngoài , biến cái "ta" của Trung Quốc thành đe dọa thường xuyên. Không phải súng ống tàu bè làm Trung Quốc đáng sợ. Đáng sợ là cái thứ văn hóa chiến tranh ấy.
Người viết bài này không phải là tín đồ của văn hóa Tây phương. Nêu lên điểm nhận xét cuối cùng trong điểm 4 sau đây không phải để tán tụng, mà cốt để so sánh hai thứ văn hóa trong câu chuyện định nghĩa chữ "ta" này.

4. Vâng, so sánh thứ nhất là về cái mề đay. Tại Thế Vận Hội 2008 về môn điền kinh, đoàn Mỹ được huy chương đồng, đoàn Nhật huy chương bạc, đoàn Trung Quốc huy chương vàng. Đoàn Mỹ ôm nhau mừng rơn sau lễ trao huy chương, giơ cao huy chương đồng cho báo chí chụp ảnh. Được phỏng vấn, lực sĩ Jonathan Horton trả lời: "Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là được lên bục này; như vậy là chúng tôi đã lên được. Còn đồng, bạc hay vàng, điều đó không quan trọng". Ai muốn bình phẩm gì về câu đó, cứ bình phẩm. Nhưng hãy suy nghĩ về câu hỏi được nêu lên như đề tài nóng trong thảo luận "chat" trên mạng Bắc Kinh tối hôm đó: "Quái, sao chỉ được huy chương đồng mà bọn Mỹ hạnh phúc thế!" Đây là suy nghĩ của chính một tác giả Trung Quốc: "Một dân tộc bị ám ảnh về huy chương vàng đến mức phải khích động tình cảm dân tộc chủ nghĩa và tính chính đáng của chế độ, không phải là một chính quyền tự tin ở mình. Và một dân chúng không thể chấp nhận một cách hào hoa khi thua trong thể thao không phải là một dân chúng bình tỉnh và cảm thấy an ninh" 18.

So sánh thứ hai liên quan đến "Ngày tủi nhục dân tộc". Nhiều nước cũng có một ngày tưởng niệm như thế, cũng gọi ngày đó là "National Humiliation Day": ở Anh, ở Mỹ, ở Ấn Độ, ở Hàn Quốc... Bởi vì văn hóa trong các nước Anh Mỹ, nhất là trong các thế kỷ trước, là văn hóa Thiên chúa giáo, chiến tranh hay hòa bình, thắng hay bại, đều được cắt nghĩa là do ý muốn của Thượng đế. Bởi vậy, nước nào cũng quốc hữu hóa Thượng đế, cho rằng Thượng đế đứng về phe ta. Nhưng đó không phải là vấn đề ở đây, khi nói về ngày tủi nhục. Ở đây, kẻ thù chính hoặc đồng minh chính không phải là nước kia, mà chính là Thượng đế. Bởi vậy, rùng rợn biết bao khi nghĩ rằng Thượng đế là kẻ thù của mình trong chiến tranh. Cho nên cách để thắng trong chiến tranh không phải là ỷ vào sức mạnh vật chất hay tài nghệ chiến lược, mà là phải biết hối hận trước Thượng đế về những tội lỗi mà nước mình đã phạm và phải biết cư xử như một nước khiêm cung, hết lòng hối lỗi. Chân thành hổ thẹn để rửa sạch tội lỗi của dân tộc mình là cách để nắm lấy chiến thắng. Đó là lý thuyết mà nhà thờ giảng giải trước đây trong những ngày lễ "tủi nhục dân tộc". Lý thuyết đó còn nói thêm: bởi vì nguyên do của chiến tranh là mối tương quan giữa một dân tộc với Thượng đế, và bởi vì chiến tranh là một phán đoán của Thượng đế về tội lỗi của một dân tộc, đối phương trên chiến trường không nhất thiết phải bị biến thành kẻ thù, vì trả thù là tội lỗi. Nhiều nhà thờ còn khuyên hai đối thủ tái lập thân thiện. Dân tộc Việt Nam chúng ta chẳng cần ai khuyên cả, cứ vô tư hào hiệp "hello" với người Mỹ, người Pháp.
...

Tìm ở trong cái "ta" của chính ông, kẻ thù của Trung Quốc chính là cái định nghĩa của ông về ông, chính là cái sức mạnh đã cho phép ông định nghĩa như thế ngày nay: ông là con đẻ của lịch sử ngày xưa, là trung tâm của thế giới, là vương quốc trị vì thiên hạ. Cái tham vọng đó thôi thúc ông phải mạnh lên nữa, mạnh hoài, nhưng chính vì vậy mà ông bất an và ông làm thế giới bất an. Ông bất an vì tham vọng sẽ gặp tham vọng, sức mạnh sẽ gặp sức mạnh. Do đó ông phải tạo ra kẻ thù ở bên ngoài, tạo ra cái "quốc sỉ" vô thời gian, vô hạn định, ngòi lửa của chiến tranh. Ông là ông khổng lồ, nhưng là ông khổng lồ bất an, một "Goliath insecure" như có tác giả đã viết 19. Xét cho cùng, tìm Thượng đế như đồng minh cũng là để tìm an ninh, hỗ trợ an ninh súng đạn bằng an ninh tinh thần. Nhưng ngày nay, trong văn hóa Anh Mỹ, an ninh tinh thần ấy còn nằm ở nơi một ông Thượng đế khác , ông Thượng đế Dân chủ, và ông ấy nằm trong lòng dân. Trung Quốc không có Thượng đế, không có cả ông Trời mà ngay cả Khổng Tử cũng kính sợ. Chỉ còn lòng cuồng nhiệt của dân chúng để kích động, để tìm hỗ trợ an ninh. Nhưng ngay cả trong an ninh tinh thần ấy, ông cũng bất an, vì ông cứ phải nghe hoài câu nói của tổ tiên ông vọng lại từ Thiên An Môn: "dân như nước, nước chở thuyền nhưng cũng làm lật thuyền" 20. Bất an trong an ninh tinh thần, ông lại càng nổ đại bác quốc sỉ vào Biển Đông của chúng tôi.

Ông muốn gì? Muốn làm cha thiên hạ. Muốn thuộc địa hóa Việt Nam. Muốn đầy tớ hóa dân ta. Thật là buồn cười khi ta gọi ông là đồng chí. Đồng chí với chủ nghĩa dân tộc của ông ấy? Đồng chí để cùng Hán hóa nước ta?

Nguồn : tác giả


4 nhận xét:

tuli nói...

Tác giả có cái nhìn rất sắc, thấu đến hệ tư tưởng cốt lõi của nó. Từ nhiều năm nay báo chí thế giới đã cảnh báo hiểm họa đó, nhưng thật khó tránh mũi tên bắn tới lại được làm bằng vàng ròng.

Nặc danh nói...

Bài viết thật sâu sắc, càng thấy rõ bản chất của ý muốn Trung Hoa. Còn ta định trở lại chư hầu lệ thuộc sao? Bây giờ khác Đường Tống Minh Thanh xưa lắm. Nước xa thừa sức dập được lửa gần nếu biến chọn bạn mà chơi. TQ không còn sùng CNCS đâu kể từ khi "mèo trắng hay mèo đen" miễn là bắt được chuột. Chính TQ cũng đã biết CNCS đã lỗi thời và bế tắc( coi đó là chủ nghĩa phong kiến biến tướng mà thôi, kiểu "vua tập thể" mà phong kiến thoái trào thì tiến lên Tư bản. Nhưng phải nói CS TQ đã làm được việc lớn là hiện đại hóa TQ đưa TQ nghèo nàn thành nước kinh tế thứ 2 thế giới. Nếu tham vọng chiếm đất đai các nước xung quanh thành công thì đạt mục đích quá còn gì. Bản chất tham lam xấu xa của TQ không hề thay đổi, chỉ có VN mình gà mờ nhận anh em mà thôi. Liệu ta có là mắt xích yếu nhất để TQ chinh phục không? Nếu ta định thế thì NN nói rõ để dân biết còn định liệu tương lai.

Nặc danh nói...

Đỉnh chính: để đặt CNCS vào bảo tàng, đúng hon là lên bàn thờ.

Nặc danh nói...

Sự am hiểu của tác giả thật đáng kính nể.