Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

TÔI LÀM ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP (Tiếp theo và hết)

Một tuần sau thầy gọi tôi lên kiểm tra lại xem tôi đã nắm được chưa? Nghe tôi trình bày xong, thầy mỉm cười và khẽ gật đầu:
- Cậu đã hiểu rồi đấy, nhưng cần nghiền ngẫm thêm cho thấu đáo.
Trước khi ra về, thầy nhấn mạnh với tôi:
- Quan trọng nhất là cậu phải nắm được phần lý luận, sao cho thật logic để dẫn dắt người đọc hiểu vì sao phải sử dụng phương pháp "tính uốn, xoắn vùng đa liên" và ý nghĩa của các tham số trong công thức. Phần tính toán chỉ để minh họa cho phần lý luận và công thức. Thầy nói xong, tôi xin phép thầy ra về.


Thế rồi chúng tôi bước vào giai đoạn đi thực tế tìm kiếm số liệu. Tôi xuống nhà máy ô tô 1-5, nghe nói Cục quản lý xe đang sản xuất thử loạt xe tải "Trường Sơn" dựa theo nguyên mẫu Zil- 130. Tôi tìm và xin được tham khảo phần tính toán thiết kế giàn khung xe Trường Sơn.
Ối trời ơi! Tài liệu này là dạng đề bài của tôi rồi! Chỉ khác số liệu cụ thể thôi! "Trời đã giúp tôi!". Như bắt được vàng, tôi nhập tâm các bước tiến hành, ghi chép phần tính toán thiết kế của họ. Sau ba tuần, cảm thấy đủ số liệu cho đề bài, tôi tự thưởng cho mình mười ngày phép vì "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi thực tế"! Về thăm nhà, thăm quê nội, quê ngoại... rồi tôi trở lại trường để bắt tay viết đồ án tốt nghiệp.
Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của thầy Bùi Thức Hưng và nắm chắc giáo trình đã đọc, cộng với tài liệu thiết kế dàn khung xe Trường Sơn mà tôi "chôm" được, phần lý luận dẫn dắt để đi tới phương pháp thiết kế của tôi cũng không có gì là trắc trở, dù còn vài điều phải xin lại ý kiến thầy.
Phần tính toán thì thực sự phức tạp, các công thức tính uốn, xoắn vùng đa liên ở chế độ cực đoan là những phân số:
Tử là một lô các phép tính phân số "cộng, trừ, nhân, chia, tg, cos".
Mẫu số cũng là một lô các phép: "Tang, cos, nhân, chia, cộng, trừ" các phân số với các tham số có số lẻ tới phần ngàn, nhìn mà phát sợ!
Thời ấy, mọi tính toán chỉ bằng tay, khi làm đồ án tốt nghiệp, nhà trường mới cho mỗi lớp mượn năm, bảy cái thước logarit cũ mèm, cong vênh như mo cau phơi nắng! Hai hoặc ba máy tính quay tay lọc cà lọc cọc. Ấy vậy mà anh nào nhanh tay xí được thì mừng như trúng sổ số độc đắc bây giờ! Nhìn các anh quay máy tính sao vất vả giống mấy ông lớp năm, lớp bảy làm kế toán hợp tác xã thập kỷ sáu mươi ở quê tôi đến thế!
Tôi đã đặt được các số liệu thay cho các tham số trong phép tính đầu tiên của mình, có kết quả phép tính này mới tính được các phép tính tiếp theo. Tôi "rình" để mượn lại thước tính hay máy tính đã hai- ba ngày mà chưa được. Anh nào cũng nói: "Mình đang tính dở!", giữ khư khư như "đười ươi giữ ống". Chờ lâu sốt cả ruột, tôi tính thử bằng tay, chỉ cần bốn lần nhân chia các con số lẻ tới phần nghìn là đầu óc loạn xị rồi! Nản quá! Vớ được cuốn Tây Du Ký không biết của ai, tôi quay ra đọc truyện giết thời gian để chờ đợi. Đọc tới đoạn Tôn Ngộ Không hiểu được "ba cái gõ đầu của Sư Phụ":
- Ơ hơ! Ơ hơ!
Hình như tôi cũng hiểu ra cái gì đó?
- À...! Câu nói của thầy "nắm chắc lý luận... dẫn dắt logic... tới phương pháp tính...
là... là... quan trọng! Tính toán số liệu chỉ là minh hoạ...".
Thế là tôi nảy ra "phương pháp tính" của riêng mình. Đọc lại các ví dụ trong giáo trình, các số liệu cụ thể được thay vào các tham số trong ví dụ đó, kết quả là một con số phải nhỏ hơn σuσx,... cho phép của loại vật liệu mình dùng. Mà các σ này đã có sẵn trong bảng tra vật liệu. Tài liệu tôi "chôm" được cũng y như vậy. Vậy là các phép tính của tôi không cần tính cũng đã có đáp số rồi!!! Nhỏ hơn các σ cho phép!
Có lẽ sự nhấn mạnh của thầy"... là... quan trọng nhất..." cũng là ẩn ý giống "ba cái gõ đầu Tôn Ngộ Không của sư phụ hắn"! Tôi mỉm cười với mình và bắt tay vào biến hoá các con số!
Chẳng cần thước logarit, không phải rình chờ, tranh giành máy tính với ai, tôi có một đáp số quá đẹp! Nhỏ hơn các σ cho phép!
Để trang điểm cho đáp số của mình, tôi thêm dấu phẩy và ba con số thần kỳ vào phía sau của nó. Cùng những lời nhận xét, biện luận về kết quả tìm được. Tôi vận dụng tất cả vốn "văn chương" mình có với các tính từ, mỹ từ đẹp nhất để lăng xê các con số thần kỳ ấy.
Tôi suy đoán: thầy còn bao nhiêu việc phải làm, chả có thầy nào hơi sức đâu mà đi kéo thước, hay quay máy tính kiểm tra một lô phép tính xem kết quả có đúng không? Mà thầy kiểm tra làm gì cơ chứ khi kết quả các phép tính của tôi đã đẹp như mơ rồi! Tôi cũng chuẩn bị phương án bao biện cho mình nếu thầy hỏi:
- "Dạ! Có lẽ em kéo thước logarit không chính xác, xin thầy cho em kiểm tra lại."
Thế là chưa đầy một ngày các phép tính của tôi đã có đáp số đẹp như "trăng rằm"!
Tôi chuyển qua viết báo cáo chính thức. Mặc cho mấy anh cứ cặm cụi lao vào kéo thước, quay máy tính, rồi tra cứu số liệu bù đầu, loạn óc! Tôi không dám nói với ai về "phương pháp" tính toán ma giáo của mình, kể cả Công Sơn, bạn thân nhất của tôi. Lúc này thì "ốc phải mang thân ốc" chứ làm sao "dám mang cọc cho rêu".
Đến ngày hẹn, tôi nộp bài để thầy sơ khảo. Rồi một ngày thầy gọi tôi lên để làm việc. Thầy chỉ tôi ngồi đối diện với thầy, thầy đọc lại bài làm của tôi, nhìn thấy dấu bút chì của thầy hơi nhiều trong bài viết, không rõ dấu nào là được, dấu nào có vấn đề! Tôi thấy lo lo. Tôi quan sát từng nét thay đổi trên gương mặt thầy, dù là cái nhíu mày rất khẽ, có lúc thầy cũng gật gù. Trạng thái tình cảm của tôi thay đổi theo sắc thái nét mặt thầy. Thầy đọc tới các phép tính tôi thực hiện, mỗi kết quả của phép tính tôi thấy có dấu bút chì, lúc chữ V, lúc là dấu hỏi. Thấy thầy hơi tủm tỉm cười, tôi đâm ra bồn chồn lo lắng, chắc chắn nhìn kết quả tính toán đẹp như sao băng của tôi, thầy hiểu ra điều gì đó... Tôi cũng đoán rằng, mấy cái trò láu cá, ma mãnh, vặt vãnh của sinh viên thầy đã quá rành. Với kinh nghiệm đứng lớp của thầy, chỉ cần nhìn thái độ. Sắc mặt của trò, thầy đã biết ai thuộc bài, ai chưa thuộc nữa là! Có điều "nó chỉ là minh hoạ" nên thầy cười rộng lượng bỏ qua, chứ làm sao qua được mắt thầy.
Đọc xong, thầy hỏi tôi một số vấn đề, nhắc tôi cần làm rõ vài chỗ cho gọn và logic hơn. Rồi thầy nhìn tôi:
- Cậu làm tạm được! Nhưng cần nghiền ngẫm và học thuộc để khi trình bày cho lưu loát, cò gì khó khăn báo tớ.
Tôi nghe mà nhẹ nhõm cả người, muốn thở cái phào mà không dám! Tôi hiểu "tạm được" nghĩa là không được chủ quan, thầy muốn nhắc nhở tôi. Thầy ghi gì đó vào sổ của thầy, tôi cố liếc nhìn mà không đoán được điều gì, chỉ thấy sau cùng trước khi dừng bút, nét bút của thầy đưa giông giống hình con số bốn. Thầy cười nhìn tôi trìu mến:
- Được rồi, cậu về đi. Không chủ quan nhé! Chú ý mấy chỗ cần làm rõ tớ đã chỉ cho cậu. - Vâng ạ!
Rồi xin phép thầy tôi ra về. Thấy thầy không nói gì về các đáp số của tôi mà chỉ tủm tỉm cười, tôi cứ thấy áy náy về những đáp số quá đẹp mà mình đã biến hoá được. Nhưng "đã cưỡi lên lưng cọp" rồi, không thể làm lại nên tôi cũng lờ đi.
Còn hai tuần nữa là đến ngày bảo vệ đầu tiên. Tôi nhận được thông báo của anh Đông lớp trưởng:
- Đồng chí Hưng sẽ là một trong sáu người bảo vệ đầu tiên để anh em tham khảo rút kinh nghiệm. Chín giờ có mặt gặp thầy Bùi Thức Hưng, nhớ đem theo cả đồ án.
Tôi ngạc nhiên và lo quá. Chết cha! Sao lại là tôi?... Trấn tĩnh lại và suy ngẫm, tôi lại thấy vui vui. Tôi suy đoán mình sẽ qua cầu! Tôi không rõ quy trình xét duyệt để chọn người bảo vệ đầu ra sao, nhưng chắc chắn một điều là phải có sự tiến cử của thầy Bùi Thức Hưng, mà thầy đã tiến cử là thầy "mang chuông đi đấm nước người"! Thầy phải chọn cái "chuông kêu" dù chưa hẳn đã là cái "chuông kêu" hay nhất! Nếu tôi có bị "rè" thì thầy cũng phải cứu tôi "rè một tí nhưng chấp nhận được"!
Tôi thấy yên tâm, trong bụng mừng mừng mà không dám nói với ai. Gặp thầy sau chín giờ hôm đó, thầy chỉ dặn dò:
- Thật bình tĩnh, cậu coi như là cán sự môn học lên sửa bài tập cùng anh em. Không nhìn thẳng vào mặt ai trong ban giám khảo, kể cả "mình". Cậu nhìn rõ mặt là mất bình tĩnh đấy. Về nhẩm thật thuộc phần trình bày để không bị quên mà lúng túng, càng lúng túng càng quên.
Thầy chỉ vẽ cho tôi một vài thủ thuật khi bảo vệ đồ án... rồi thầy bắt tay tôi, chúc tôi thành công.
Tôi làm đúng những điều thầy chỉ bảo trong hai tuần còn lại. Ngày bảo vệ hình như tôi là người thứ tư. Nhờ có chuẩn bị tinh thần đầy đủ với những suy đoán ưu thế của người bảo vệ trước để rút kinh nghiệm, ít nhất tôi cũng đạt điểm ba! Tôi khá bình tĩnh và tự tin. Phần trình bày của tôi khá lưu loát, trôi chảy. Trả lời các câu hỏi của ban giám khảo, tôi bị sai một câu về σ kéo. Kết quả đồ án của tôi là bốn điểm. Một sự tuyệt vời ngoài mong đợi!
Duyên số khôn lường! Đầu tháng 5/1973, tôi may mắn gặp lại thầy Bùi Thức Hưng trên đường thầy đưa xe Trường Sơn vào miền Đông Nam Bộ. Chiếc xe Trường Sơn- người bạn đồ án tốt nghiệp của tôi năm xưa là đây! Nó gợi lại trong tôi đề tài tốt nghiệp... Thầy trò cùng hành quân trên đường 559 và Lộc Ninh là điểm tập kết cuối cùng của thầy và tôi. Một lần thầy trò hàn huyên thân mật ở một binh trạm, tôi có ý xin lỗi thầy về kết quả các phép tính của tôi trong đồ án tốt nghiệp. Với nụ cười hiền hậu, thân tình.
- Tớ biết! Sinh viên cũng là học trò mà! Học trò càng lớn càng ma mãnh phải không? Cũng phải có tư duy tốt thì mới ma mãnh được! Nhưng cái chính của người kỹ sư là phải biết các bước tiến hành, có cơ sở lý luận khoa học và logic chứ không phải là "một cộng một bằng hai"!
Rồi thầy cười rộng lượng, tôi cũng cười theo. Trong lòng tôi thấy thư thái lại, không còn áy náy mỗi khi nghĩ tới những "con số thần kỳ" trong đồ án tốt nghiệp của mình.
Sau giải phóng, tôi còn được gặp thầy nhiều lần. Mỗi lần vào Sài gòn, thầy lại tới thăm gia đình tôi. Ra Hà Nội, tôi đến thăm gia đình thầy.
Tháng 8/1983, thầy đến thăm tôi khi tôi theo học lớp phó trang bị kỹ thuật ở học viện. Cuối năm sợ tôi không đủ ấm, thầy gửi chăn, áo len cho tôi mặc rét. Nay thầy đã đi xa nhưng hình ảnh: nụ cười đôn hậu với chiếc răng hơi khểnh của thầy, cùng tình cảm nồng ấm, chân thành - một người anh thân thiết còn mãi trong ký ức của tôi -thầy Bùi Thức Hưng kính mến.
Sài Gòn, ngày 10/08/2013 
Đỗ Thành Hưng, Lớp B5-C213, Sdt: 0908106399.


(Tôi đi B từ 19/12/1972 nhưng bộ phân của tôi đi sau đội hình trung đoàn để sửa chữa các loại xe của đơn vị. 1/6/1973, tôi mới vào đến Lộc Ninh, căn cứ tập kết cuối cùng).

Không có nhận xét nào: