Quốc khánh 2/9
– Hồi ức theo những mốc thời gian
TRẦN KIẾN QUỐC
Chúng tôi là lứa sinh ra ở giai đoạn cuối của
cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống Thực dân Pháp, được lớn lên sau 1954 khi miền
Bắc bắt tay vào xây dựng CNXH... Rồi hàng chục năm trôi qua với hàng vạn sự kiện
của đất nước, khi đứa nào cũng đã qua cái mốc 60, cứ mỗi lần Thu sang, lại bồi
hồi nhớ lại những kỉ niệm của những ngày Quốc khánh.
Quốc khánh thứ 15
Đó là ngày
2/9/1960. Gia đình tôi khi đó sống ở khu tập thể quân đội, số 38 phố Trần Phú,
ngay ngã tư với đường Điện Biên. Quốc khánh năm ấy lớn lắm. Các gia đình trong
khu đều đón bà con họ hàng ở quê lên “ăn Quốc khánh”. Nhà nào cũng nghe thấy tiếng
gà quang quác rồi bếp nào cũng thơm nức mùi nếp mới cùng lạc, vừng… vừa thu hoạch.
“Ấy là những món quà quê, nhà làm được, của chúng tôi mang lên góp tiệc ăn mừng”,
nghe bà con ở quê ra nói thế.
Cũng từ đêm
trước, bà con ở ngoại thành đã mang cả chiếu ra trải ở hè phố, nằm chờ cho đến
sáng. Sớm 2/9, từ 3-4g, mọi nhà đã sáng đèn rồi mọi người lục tục kéo ra phố.
Trời sáng dần, thấy bà con đã đứng kín hai bên đường.
Và phải chờ
cho tới 8g, sau khi đội hình duyệt binh cùng xe pháo đã diễu hành qua lễ đài
trên Quảng trường Ba Đình, có một đoàn theo đường Điện Biên hành quân về Tràng
Thi để lên Bờ Hồ thì bà con dọc phố tôi được chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp nhất
của lực lượng tinh nhuệ, oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Đi đầu là
chiếc com-măng-ca với Quân kỳ quyết thắng gắn đầy huân chương. Anh bộ đội nào
cũng oai phong với súng giương lê tuốt trần, đầu đội mũ căng lưới, trên mình khoác
bộ quân phục mới tinh; xe pháo vừa được sơn nước sơn mới, bánh xe nào cũng có
vành sơn trắng... Dân chúng ven đường với những tràng vỗ tay, với những lá cờ đỏ
sao vàng trên tay vẫy vẫy… Xôn xao khó tả, mừng vui khôn xiết.
Quốc khánh lần thứ 20 - 2/9/1965 và… sau đó
Trước
đó 1 năm, ngày 5/8/1964, sau Sự kiện vịnh Bắc Bộ, đế quốc Mỹ chính thức mở rộng
chiến tranh, leo thang ra miền Bắc.
Ngày
đó, Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi của chúng tôi bắt đầu năm học mới tại
nơi sơ tán ở vùng rừng núi An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên, xa Hà Nội gần trăm cây số.
Cả nước đã vào chế độ thời chiến, việc tổ chức long trọng cháo mừng Quốc khánh
lần thứ 20 không cho phép. Mọi việc phải xé lẻ, chia nhỏ đúng “tinh thần thời
chiến”.
…
Phải cho đến 2/9/1975, sau chiến thắng vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,
chúng ta mới lại có một Quốc khánh lớn, long trọng, hồ hởi khi cả nước thống nhất
về một mối.
Tưởng
chừng 2/9/1980 là Quốc khánh được tổ chức lớn thì ngày 17/2/1979 đã nổ ra Chiến
tranh biên giới phía Bắc, ngay sau Chiến tranh Biên giới Tây Nam. Cuộc chiến ấy
kéo dài cả chục năm. Cũng chừng ấy năm, mỗi lần Quốc khánh đến là mỗi lần đau
sót, trăn trở khi biết được hàng vạn chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh, thậm chí
còn nhiều hơn chiến tranh chống Mỹ; nhiều vùng đất, vùng biển của ta bị Trung
Quốc xâm lấn.
Nhìn lại Tổng khởi nghĩa 19/8/1945
Không phải để
khoe khoang nhưng có thể tự hào mà nói rằng, cha mẹ chúng tôi là những người trực
tiếp tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội, để sau đó hơn chục
ngày, lịch sử Việt Nam ta chính thức lật sang trang mới – Nước Việt Nam Dân chủ
cộng hòa!
Phải nói
trong nhiều, nhiều năm, chúng ta chỉ biết cả dân tộc đã có một sự kiện trọng đại
– Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 nhưng ít ai biết những người trực tiếp lãnh đạo là
ai?
Nguyễn Khang (1919-1976), ảnh chụp 1957. |
Trần Đình Long (1904-1945). |
Trần Quang Huy (1922-1995). |
Nguyễn Duy Thân (1917-1952). |
Nguyễn Quyết (1922). |
Trần Tử Bình (1907-1967), ảnh chụp 1949. |
Ông Lê Trọng Nghĩa trước Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỉ niệm 60 năm Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội 19/8/1945. |
Để trả lời
câu hỏi “Vì sao?” thì có nhiều lí do, xin không bàn ở đây. Nay xin giới thiệu lại,
Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội ngày đó gồm Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Khang
(Nguyễn Văn Đệ) là Chủ tịch cùng 4 ủy viên: Nguyễn Quyết - ủy viên Quân sự,
Nguyễn Duy Thân - đại diện giới Công thương, Nguyễn Huy Khôi (Trần Quang Huy) -
đại diện Công vận, Lê Trọng Nghĩa - đại diện giới nhân sĩ, trí thức. Ông Trần
Đình Long (tốt nghiệp Đại học Phương Đông khóa 1928-31, vừa vượt tù Sơn La) được
Xứ ủy giao nhiệm vụ cố vấn.
Và cho đến
hôm nay, chỉ còn lại 2 người: đại tá Lê Trọng Nghĩa và đại tướng Nguyễn Quyết.
Các cụ đều đã qua tuổi 90 mấy năm nay.
… Cách đây
không lâu tôi đến thăm cụ Lê Trọng Nghĩa tại khu tập thể quân đội, không xa Bảo
tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Vừa yên vị, ông đã dí dỏm: “Sau ngày Cách mạng Tháng
Tám thành công, có người hỏi: Các ông có xem ngày, chọn giờ hay không mà Tổng
khởi nghĩa ở Hà Nội lại thắng lợi nhanh, gọn đến vậy?”.
Cụ nhớ lại,
khi đang là học sinh Thăng Long, đi rải truyền đơn, rồi bị mật thám Pháp bắt và
tống giam Hỏa Lò từ đầu 1942. Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp ở Hà Nội. Lợi dụng
sự quản lí còn lỏng lẻo mà hơn 100 tù chính trị đã thoát ngục Hoả Lò theo 2 đường
“thăng thiên” và “độn thổ” về với phong trào.
Ông Nghĩa, khi
đó mới 23, được giao nhiệm vụ bảo vệ tử tù Trần Đăng Ninh (Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ),
trốn theo đường vượt rào trong đêm 11/3 cùng số ít tù chính trị (vì đường này sớm
bị lộ, do cánh thường phạm tranh nhau ra trước). Sau này anh em tù chính trị Hỏa
Lò gọi đó là đường “thăng thiên”.
Sớm hôm sau,
khi lang thang trong sân Trại J thì nhìn thấy cái nắp cống ngầm mà Xứ uỷ viên
Trần Tử Bình nảy ra ý tưởng vượt ngục theo đường chui cống ngầm. Ông giao cho 3
tù chính trị Phan Vân, Trần Văn Cử, Nguyễn Huy Hòa cạy nắp cống, chui xuống, dò
tìm đường ra. Sau mấy tiếng đồng hồ lần mò trong hệ thống cống hôi thối, tối
tăm, ông Cử và ông Vân trở về thông báo “Đã tìm thấy lối ra”.
Ngay đêm đó,
các tù chính trị bị án nặng được chọn lựa đi trước, tập trung ở Trại J. Khoảng
8g, ông Bình phát lệnh “Mở nắp cống”. Nhóm tiên phong có ông Bình và 3 ông Phan
Vân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Hòa. Nhóm thứ 2 là Trần Văn Cử, Nguyễn Cao Đàm, Đỗ
Mười. Tổng số 29 đồng chí đã thoát ra trong đêm 12/3/1945. Rồi lần lượt các đêm
sau có đến hơn 100 tù chính trị tiếp tục thoát ra ngoài.
Tháng 5/1945,
ông Nghĩa được ông Lê Đức Thọ phân công sang Dân chủ Đảng cùng ông Vũ Quý. Ban
Cán sự nhanh chóng nắm các nhân sĩ, trí thức, công chức, sinh viên, học sinh
trong Dân chủ Đảng. Họ là những người yêu nước, sẵn sàng theo Việt Minh.
Đầu tháng 8/1945,
các đồng chí trong Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ được triệu tập lên Tân Trào.
Riêng 2 uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ được phân công ở lại: Nguyễn Khang phụ trách Hà
Nội; Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ uỷ (đóng ở ATK Vạn Phúc, Hà Đông) theo dõi 10
tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Không khí những
ngày này sôi sục. Khi thăm dò anh em công chức Hà Nội, có ý kiến: nên khởi
nghĩa vào ngày chủ nhật và “giờ hành động” nên chọn vào 10 giờ sáng sau hồi còi
gắn trên nóc Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, Nhà Tiền (nay là Nhà máy In Tiến Bộ) đồng
loạt nổi lên.
Thời kì đó,
liên lạc toàn qua ZT (giao thông chạy bộ). Chỉ thị của trên Trung ương đến nơi
phải mất cả tuần lễ. Nhưng nắm chắc chỉ thị “Nhật-Pháp đánh nhau và hành động của
chúng ta” và dựa vào thực tế cách mạng của Hà Nội mà Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ quyết
định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội.
Sáng 17/8,
Thành ủy báo cáo: Buổi chiều sẽ có mit-tinh của công chức ủng hộ “nền độc lập”
của chính phủ Trần Trọng Kim, tại Nhà hát Lớn. Ông Khang chỉ thị dùng lực lượng
tự vệ phá mit-tinh, sau đó thì rút. Nhưng không khí hừng hực, sục sôi của quần
chúng cách mạng biến mit-tinh của giới công chức thành tuần hành, thị uy của quần
chúng cách mạng; mặt khác thấy quân đội Nhật cùng lính bảo an, cảnh sát không
dám phản ứng. Vì vậy ngay trong đêm 17/8, Thường vụ quyết định chọn ngày chủ nhật
19/8/1945 là ngày Tổng khởi nghĩa.
Ông Nghĩa còn
nhớ: “Đêm mà Uỷ ban quân sự cách mạng triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng ở Dịch
Vọng, 2 ông Nguyễn Huy Khôi và Nguyễn Quyết chủ trì. Tôi đến chậm. Giữa cái
không khí ồn ào nghe thấy giọng lanh lảnh của một nữ cán bộ trẻ, xinh xắn:
“Này, khi nào vào chiếm công đường, bắt bọn cầm đầu thì phải chú ý triệt ngay bọn
lính dõng, bảo an. Nếu không chỉ vài phát súng nổ vào sau lưng quần chúng là
tan hết…”. Đây là kinh nghiệm xương máu tại một huyện ở Bắc Ninh mà chị đã gặp.
Đối với Uỷ ban Quân sự cách mạng Hà Nội, đối với những người chưa từng lãnh đạo
khởi nghĩa vũ trang thì đây là một lời cảnh báo hết sức quý báu”.
(Sau này mới
biết đó là bà Phan Thị Sang, em gái ông Phan Trọng Tuệ. Ít lâu sau, bà xây dựng
gia đình với ông Nguyễn Duy Thân. Đầu năm 1946, ông Nghĩa gặp lại ông bà cùng
là đại biểu khóa I của Quốc hội lập hiến).
Ngày 18/8,
trụ sở Uỷ ban quân sự cách mạng chuyển vào nội thành, đóng tại số nhà 101
Gambetta (nay là 101 Trần Hưng Đạo, cũng của gia đình anh em thuộc tổ chức Việt
Minh Hoàng Diệu).
Và sáng ngày
19/8, đúng 10 giờ, sau “hiệu lệnh còi”, mit-tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn bắt
đầu. Sau vài phát súng thị uy, cả quảng trường vang lên bài “Tiến Quân Ca”.
Ngay sau hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa, hàng chục vạn quần chúng cách mạng
chia làm 2 ngả tấn công vào Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính quyền cũ
và Trại Bảo an binh - nơi tập trung lực lượng quân sự mạnh nhất. Tại các huyện
ngoại thành, sau “hiệu lệnh 10 giờ” cũng nhất loạt đánh chiếm các trung tâm
hành chính.
Ông Nghĩa
tiếp: “Tôi và anh Thân theo sát anh Khang, anh Bình tiến về Phủ Khâm sai.
Bên trong hàng rào những nòng súng chĩa ra nhưng không dám nổ. Ta thuyết phục
và bên trong cũng đã có nội ứng. Tại cổng chính, một nhóm tự vệ trèo qua rào.
Rồi các cổng mở toang.
Tại sảnh
chính vừa thấy Nguyễn Xuân Chữ (đại diện chính quyền bù nhìn, vừa thay cụ Phan
Kế Toại), anh Bình lệnh bắt, giải về ATK ở Vạn Phúc, Hà Đông. Thấy điện thoại
réo vang, các tỉnh hốt hoảng gọi về, anh Bình yêu cầu tổng đài nối máy với các
tỉnh, ra lệnh: “Việt Minh đã giành chính quyền ở Hà Nội. Chính quyền
các tỉnh phải mau chóng đầu hàng Việt Minh! Nếu không sẽ bị xử tử!”.
Lực lượng do
ông Nguyễn Quyết vừa chiếm được Trại Bảo an binh (đối diện rạp phim Majestic,
nay là rạp Tháng Tám) thì quân Nhật dùng xe tăng và binh lính tới bao vây. Tình
thế căng thẳng, dễ xảy ra đổ máu. Thường vụ hội ý rồi cử ông Nghĩa phóng xe
Limousin cắm cờ đỏ sao vàng ra điều đình. Chỉ huy Nhật chấp nhận rút quân nhưng
yêu cầu “phía nổi loạn phải gặp chỉ huy tối cao của họ”. Như vậy đến chiều 19/8,
Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội về cơ bản đã thành công rực rỡ; không hề đổ một giọt
máu và hàng nghìn khẩu súng về tay nhân dân.
Tối 19/8,
ông Nghĩa cùng “cố vấn” Trần Đình Long được cử đi gặp Toàn quyền Nhật ở Đông
Dương. Căng thẳng nhưng sau đó họ cũng chính thức chấp nhận chính quyền nhân
dân. Khi trở về, đã 12 giờ đêm. Đèn trong trụ sở vẫn sáng trưng. Thường vụ Xứ uỷ
họp ra quyết nghị thành lập và ra mắt chính quyền mới vào ngay sớm hôm sau.
Sáng hôm
sau, tại vườn hoa Con Cóc trước Dinh Khâm sai, chính quyền cách mạng lâm thời
ra mắt quốc dân, đồng bào. Ông Nguyễn Khang là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng
Bắc bộ, Nguyễn Duy Thân phụ trách các cơ quan hành chính, Lê Trọng Nghĩa phụ
trách đối ngoại.
Chủ tịch Uỷ
ban Nhân dân cách mạng Hà Nội là ông Trần Quang Huy, uỷ viên là Phạm Tuấn
Khánh...
Bác về, Tuyên ngôn Độc lập và Quốc khánh
2/9/1945
Giữa
lúc chính quyền mới đang còn bề bộn với bao nhiêu việc thì Trung ương về đến Hà
Nội. Ngày 23/8, đồng chí Lê Đức Thọ
đón Bác Hồ từ Việt Bắc về đến thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là phường Phú
Thượng thuộc quận Tây Hồ).
Ngày 25/8, đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn
Lương Bằng, Trần Đăng Ninh… đưa Bác đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang (của ông bà Trịnh
Văn Bô). Tại đây, Bác đã tự tay soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.
Và
sáng ngày 2/9/1945, chỉ sau Tổng khởi nghĩa 19/8 đúng 2 tuần lễ, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, công bố với toàn thể quốc dân đồng
bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra đời!
Vĩ thanh
Nhân kỷ niệm
60 năm Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945 – 19/8/2005), Thành uỷ và UBND TP Hà
Nội tổ chức mít-tinh trọng thể tại Nhà hát Lớn, Ông Lê Trọng Nghĩa là một trong
những vị khách mời đặc biệt.
Ông Lê Trọng Nghĩa (bìa trái) và ông Vũ Oanh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị) cùng các bạn ở Việt Minh Hoàng Diệu trong ngày lễ lớn 19/8/2005 tại Hà Nội. |
Được gặp lại
những đồng chí cũ của ngày này năm xưa,
ông bùi ngùi nhắc tới những đồng đội đã ra đi. Lúc chia tay những đồng đội già,
còn nghe giọng tâm đắc của ông: “Hà Nội đã biết vận dụng sáng tạo chỉ thị của
Trung ương, dùng áp lực của quần chúng cách mạng có hỗ trợ của tự vệ vũ trang,
kết hợp với đấu tranh chính trị, thương thuyết giành chính quyền về tay”.
Và đến hôm
nay đã gần 70 năm, ông vẫn có những nhìn nhận rất xác đáng: “Giá chậm thời điểm
Tổng khởi nghĩa lại nửa ngày thì không hiểu lịch sử sẽ diễn biến ra sao!”. Vì
sáng hôm sau, 20/8/1945, lực lượng vũ trang của ta trên Thái Nguyên do ông Võ
Nguyên Giáp chỉ huy đã tấn công vào đơn vị đồn trú của Nhật. Vậy mà trước đó chỉ
mấy tiếng đồng hồ, tướng Tsuchihashi - Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật - đã
xác định “không can thiệp vào công việc của người Việt”, mặc nhiên thừa nhận
“nhà chức trách đương quyền” tại Bắc bộ Phủ.
Việc lựa chọn
ngày, giờ khởi nghĩa vì do hợp lòng dân nên chỉ trong đúng có một ngày, quần
chúng cách mạng Hà Nội đã đứng lên, giành chính quyền về tay, không phải nổ một
phát súng, không phải đổ máu!
“Ngày
19-8-1945 mở đầu một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam độc lập, của một dân tộc
được làm chủ chính mình và hoàn toàn tự do! Đúng như Lênin đã dạy “Cách mạng là sáng tạo!” và
chính nhân dân Hà Nội đã dạy cho chúng tôi, những người lãnh đạo khởi nghĩa, biết
phải làm gì! – vị đại tá già, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo QĐNDVN, vẫn say
sưa - ... Còn ngày nay, công cuộc đổi mới chỉ có thể thắng lợi, đất nước chỉ có
thể giữ vững chủ quyền khi chúng ta thực sự tin tưởng vào dân, biết dựa vào sức
mạnh của dân!”.
Là thế hệ
con cháu, tôi tin vào những gì ông đã chia sẻ.
2 nhận xét:
Ngày ấy, mới ở độ tuổi thanh niên, các cụ đã làm được những việc to lớn, vĩ đại. Thế hệ chúng ta để Đất Nước mãi lẹt đẹt, dân mãi vất vả, hình ảnh Việt Nam trong con mắt quốc tế không mấy đẹp. Xấu hổ với các cụ và cả với các thế hệ sau.
Đa số các cụ chỉ toàn ngoài 20 mà dũng cảm thật.
Đăng nhận xét