Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Chúng ta lười (ST: TB)

Hồi nhỏ, tôi được học "nhân dân ta yêu lao động", và cứ nghĩ mãi, rồi nhận ra là hình như không phải thế. Nhưng giờ ai nói là nhân dân ta lười, tức là bao gồm cả chính tôi, có khi tôi cũng sửng cồ.

Chúng ta thật sự lười nhác, đó là sự thật.
Sự thật ấy có thể bắt nguồn từ khí hậu, từ điều kiện sống khắc nghiệt. Quả thực là làm việc ở điều kiện khí hậu châu Âu, châu Mỹ, châu Úc chắc chắn sẽ dễ chịu và dễ chăm chỉ hơn chúng ta rất nhiều, khi mà mồ hôi nhớp nhúa và nắng hầm hập. Nhưng khi các bạn ở những cái xứ được ưu ái ấy qua xứ ta, họ cũng không lười như chúng ta.
Hoá ra tuy chúng ta được học “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” nhưng lại ít chịu học hỏi, tìm tòi xem nên làm thế nào cho hiệu quả. Năm hai vụ lúa đã đẩy chúng ta vào cảnh nông nhàn ngồi chờ lúa mọc. May mà giống ngắn ngày hơn đã chèn thêm vào một vụ đông-xuân để đỡ cảnh ngồi không, nhưng cái bệnh lười bao năm đã lỡ ngấm vào máu thịt rồi thì phải.


Chúng ta lười nên không làm việc gì xong hẳn, việc gì cũng làm nửa đời nửa đoạn hoặc cùng lắm là cơ bản hoàn thành, rồi nghĩ như thế có nghĩa là biết làm. Từ hồi đâu như đầu những năm 80 gì đó, trong trường Bách Khoa đã có một cái xe ô tô được coi là thành tựu của cơ khí Việt Nam, tôi và lũ bạn dù lúc ấy chỉ biết xe ô tô qua hình ảnh cái u-át và volga, cũng phải ngặt nghẽo cười, nhưng ta lại nghĩ ta đã làm được xe ô tô rồi. Mấy chục năm sau, ta vẫn ngồi mơ sẽ làm được ô tô, chỉ thiếu mỗi vốn, công nghệ và thương hiệu.
Người Đức làm được xe ô tô nhờ cả xã hội đam mê cơ khí và sáng tạo, bạn có thể tìm thấy hàng chục tờ tạp chí ô tô trong hiệu sách ở ngôi làng nào đó xứ Bavaria, những người thợ cơ khí Đức đã mày mò và trở thành những người đứng đầu thế giới về dụng cụ cắt, cơ khí chính xác, máy công cụ,..và đó mới là những tiền đề để tạo nên ngành cơ khí, để chế tạo ô tô. Chúng ta thì khác, nhà máy trung quy mô một thời đã có thể tự chế tạo những cái máy tiện T620 từ mẫu 1K62 của Liên xô, giờ đã trở thành khu dân cư Hoàng gia nguy nga lấp lánh, và quanh Hồ Gươm không ai còn nghe chuyện về những người thợ bậc 6 bậc 7, chỉ còn những người đeo kính lấp lánh cổ cồn bàn chuyện kinh thiên động địa...
Chúng ta lười, rồi chúng ta thuê những người giúp việc để khiến con em chúng ta lười hơn. Con cái chúng ta thậm chí không biết cách lật một tấm thảm, thay một cái bóng đèn, đóng một cái đinh, và đương nhiên, chả biết cách nấu nổi một bữa sáng cho mình, đừng nói đến bữa trưa hay bữa tối. Mọi thứ đã có sẵn, chúng đâu còn cần phải nghĩ cho mệt. 
Chúng ta lười, nên chăm chỉ soạn lễ lên chùa, mặc cho Phật không làm thế, chúng ta nhét tiền vào tay sư sãi, đòi lấy những may mắn trên trời rơi xuống, chỉ không cầu xin gì cho sự chăm chỉ. 
Sự lười nhác của chân tay của chúng ta dẫn đến sự lười nhác về tư duy. Câu hỏi cửa miệng của chúng ta là có làm được không chứ không phải làm việc ấy thế nào. Sự lười nhác khiến chúng ta coi khinh người lao động, chăm chắm đi làm thầy, chất đầy kiến thức vô bổ vào đầu con cái, trừ những kỹ năng làm một người lao động, những kỹ năng của một công dân chứ chưa nói đến những nghĩa vụ xã hội. Chúng ta quỵ luỵ sự xa hoa "hoành tráng" và nhanh chóng tạo ra những thang giá trị kép mới qua những thứ siêu này siêu nọ vốn chả liên quan đến lao động.
Chúng ta lười, nên động đến việc gì cũng nghĩ đến hoàn cảnh đặc thù Việt Nam để nguỵ biện, mà quên rằng khi nói toàn cầu hoá, tức là bao gồm cả chính chúng ta, quên rằng chúng ta cũng thuộc cái toàn cầu ấy. Sự lười nhác đẩy chúng ta vào những sự giả dối, thất bại lúc nào cũng là tại thiên tai hoặc chí ít là tại một kẻ thù nào đó, chứ không phải vì chúng ta thụ động, lười nhác.
Và vì lười, chúng ta vống lên rằng mình đang chăm chỉ, chỉ là chưa gặp thời thế, rồi chúng ta còn thản nhiên tin là như vậy, và nhìn thành tựu của những người chăm chỉ bằng nửa ánh mắt, rằng chẳng qua là do may mắn.
Và chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào để thoát khỏi lười.
Phạm Quang Vinh

1 nhận xét:

ĐĐBinh nói...


Có điều chắc chắn dân ta không phải loại người thích "ngồi mát ăn bát vàng", người ngoài vẫn nói dân ta chăm chỉ cần cù, đúng là như vậy nhưng hiệu quả rất thấp, không xứng đáng với mồ hôi nước mắt bỏ ra, nên đã làm nản lòng không ít người lao động và doanh nghiệp. Có nhiều lý do giải thích cho điều này, trước tiên phải nói tới điều kiện lịch sử đã không cho nhiều thế hệ của ta có cơ hội tiếp xúc với tư duy khoa học và công nghệ tiên tiến, chỉ qua 3 thế hệ thôi thì vấn đề đã trở thành di truyền rồi. Đổi lại, dòng máu chiến binh đã có sẵn trong đứa trẻ mới sinh ra. Thật chớ trêu, phải mất nhiều năm nữa mới có thể hóa giải.