Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Người Không Chân Dung 3

        Không những chính quyền Tây Đức có những món nợ cần thanh toán với ông Wolf, cả CIA cũng có nhiều ân oán với ông. Khoảng năm 1990, cơ quan tình báo của Hoa Kỳ bị khủng hoảng trầm trọng. Liên Bang Xô-viết, kẻ thù chính và cũng là lẽ sống còn của CIA, đang trên tiến trình giải thể. Nhưng khoảng một chục điệp viên Xô-viết mà CIA kết nạp và nuôi dưỡng với bao nhiêu khó khăn đã bị lộ tẩy và bị hành quyết, do sự phản bội của một công dân Hoa Kỳ. Hành vi phản bội này được phát giác khi Aldrich Ames bị bắt 4 năm sau, năm 1994. Năm 1990, CIA chỉ biết là có một người đang bán những bí mật sâu kín nhất của họ và đã gây thiệt hại chí mạng. CIA lúc đó nghĩ rằng ông Wolf có thể giúp họ tìm ra tên phản bội.


        Ngày 22 tháng Năm, Gardner A. Hathaway, gần đây đã về hưu rời chức vụ phụ tá giám đốc về phản gián, đến căn nhà bồi dưỡng của ông Wolf, một căn nhà gỗ nhỏ nấp dưới những cây thông ở ngọai ô Đông Bắc Bá-Linh, tay cầm một bó hoa và một hộp xô-cô-la để tặng bà vợ Andrea của ông Wolf. Hathaway đưa ra một đề nghị rất đặc biệt: Xin giúp chúng tôi và chúng tôi đưa ông ra khỏi Đức để sang Hoa Kỳ trước khi họ đến bắt ông vào tháng Mười.
        Đưa tôi sang Hoa Kỳ trước đã và chúng ta sẽ nói chuyện tại đó, ông Wolf đáp lời đề nghị, nhưng ông Hathaway nhấn mạnh: Không có thỏa thuận hợp tác thì không có vé máy bay. Ông Wolf nhìn nhận rằng lời mời rất là hấp dẫn mặc dù ông chỉ ước định những gì CIA muốn ông giúp đỡ. CIA đã có một danh sách ghi vào vi phim của tất cả những nhân viên của ông, ông biết chắc chắn như vậy, vì danh sách này đã được bí mật thu thập do các tay chiêu hồi hoặc tham lợi thuộc thành phần viên chức HVA cung cấp (CIA sau này xác nhận là họ có những thông tin này nhưng vào năm 1999 họ từ chối trao lại danh sách này cho chính quyền Đức khi chính quyền Đức chính thức yêu cầu). Nhưng có lẽ CIA muốn biết thêm tin tức nằm ngoài danh sách này. Có lẽ họ cũng muốn học hỏi ông Wolf về những phương thức hành động của Xô-viết với mục đích huy động nhân viên phản gián tại Langley (trụ sở của tình báo CIA tại Hoa Kỳ) để truy tìm những nhân viên của Moscow.
        Khi ông quyết định không tiết lộ những gì ông biết, ông Wolf đã gây bực tức cho Washington, và vì chính quyền Bonn đuổi sát bên nách, ông không còn lựa chọn con đường nào khác là trốn chạy nước Đức một lần nữa, giống như cha của ông trước đây. Ông vẫn còn những bàn tay giúp đỡ cao cấp tại Moscow, những người bạn như Vladimir A. Kryuchkov, một người bạn Nga đồng nghiệp đã trở thành thủ lãnh của KGB. Sáu ngày trước ngày 3 tháng 10, ông Wolf và bà Andrea, người vợ nhỏ hơn ông 13 tuổi, đào thoát ra khỏi Đông Bá-Linh và trốn qua biên giới Áo, và một vài tuần sau tìm đường tẩu thoát – dầu sao ông Wolf cũng biết khá rõ kỹ thuật này - sang Hungaria rồi sang Ukraine và đến Nga.
        Nhưng khung cảnh mà ông Wolf đã được biết tại Nga nay đang thay đổi một cách mau chóng. Đối với Gorbachev, chià khóa cửa ngõ tương lại của Nga không phải là cơ quan KGB nữa mà là mối giao hảo với nước Đức và vị Thủ tướng, ông Helmut Kohl. Ông Wolf là biểu tượng của một quá khứ không đáng tin cậy, và khi bạn của ông Wolf, Kryuchkov tham gia cuộc đảo chánh bất thành nhằm hạ bệ Gorbachev tháng 8 năm 1991, ông Wolf biết rằng nước Nga sẽ không còn chấp chứa ông nữa. Một tháng sau, ông trở về lại nước Đức.
        Ông Wolf ra đầu thú tại biên giới Áo và lập tức bị bắt, sau đó được tại ngọai hậu tra nhờ sự can thiệp của bạn bè và các cộng tác viên cũ tại Đông Bá-Linh. Ông rất ngạc nhiên khi nghe Cộng Hoà Liên Bang Đức có ý định kết án ông về tội phản bội. Vì ông chỉ huy một cơ quan gián điệp chống lại Cộng Hoà Liên Bang từ Bá-Linh và Bá-Linh bây giờ đã trở thành trở lại thủ đô của nước Đức, các công tố viên không muốn kết án ông Wolf với tư cách là một điệp viên ngọai quốc, nhưng buộc tội ông là một tên phản quốc. Trường hợp của ông có vẻ đen tối. Klaus Kinkel, một cấp lãnh đạo cũ của cơ quan tình báo Liên Bang Đức, đương giữ chức vụ Bộ Trưởng Tư Pháp của Đức và do một sự ngẫu nhiện kỳ lạ, ông cũng sinh đẻ ở Hechingen.
        Toà án xét xử ông Wolf nằm tại Düsseldorf, cũng cùng một phòng ốc trong một toà nhà kiên cố, nơi mà trước đây gần 20 năm Günter Guillaume đã bị kết án, khởi sự vào mùa xuân 1993 và kết thúc vào tháng 12 với bản án kết tội và án lệnh 6 năm tù ở. Phải chờ cho đến giữa năm 1995, Toà Án Đức tương đương với Tối Cao Pháp Viện mới gác lại bản án này và ghi nhận tính cách vô lý của nó. Toà án tối cao phán quyết Ông Wolf không thể nào phạm tội phản bội khi ông ta lãnh đạo cơ quan điệp báo của Đông Đức, bởi vì Đông Đức là một nước có chủ quyền mà lúc đó chính Tây Đức trong gần 20 năm đã thừa nhận. Ngoài ra, chính bản thân ông Wolf không hề đặt chân lên đất Tây Đức để làm công tác điệp báo. Ông không thể nào phạm tội phản bội không khác gì Yevgueny Primakov lúc đó chuẩn bị lãnh đạo cơ quan KGB tại Moscow.
        Các công tố viên lại tìm một lý cớ khác, kết tội ông Wolf lần nữa vào năm 1997 dựa trên những tội hình nhẹ hơn – họ kết tội ông Wolf đã ra lệnh bắt cóc và đàn áp nhân dân từ bên kia bên giới Đông Đức vào những thập niên 1950 và 1960, những tội trạng này cũng phạm pháp chiếu theo luật pháp Đông Đức vào thời điểm đó. Tháng 5 năm 1997, lần nữa tại Düsseldorf, ông Wolf bị kết tội với ba tội trạng như vậy và bị kết án hai năm tù treo thay vì một năm tù ở. Vì thiếu tiền để trả chi phí toà án mỗi lúc một nhiều, ông Wolf đã quyết định lên tiếng ghi nhận thắng lợi về mặt tinh thần và tiếp tục kháng án.
        Nhưng chính quyền vẫn không buông tha ông. Tháng Giêng năm 1998, họ lại mở phiên toà, yêu cầu ông Wolf làm chứng nhân trong vụ án của Gerhard Flämig, một luật gia của Tây Đức bị cáo buộc làm gián điệp cho Đông Đức trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Ông Wolf từ chối trả lời những câu hỏi then chốt và, nhờ gần đến ngày sinh nhật 75 tuổi của ông, đã bị bỏ tù ba ngày vì tội phỉ báng toà án. Đứa cháu trai 7 tuổi của ông đã gởi cho ông bức hình vẽ bánh sinh nhật, trong đó có dán một cái dùi mài, làm như thể ông có thể dùng nó để cưa chấn song để vượt ngục, nhưng các luật sư của ông Wolf đã kháng án để bác bỏ tội phỉ báng. Ông Wolf lại được tự do lần nữa, nhưng tự do của ông khiến cho các kẻ thù cũ của ông tại Đức phải nghiến răng vì họ quyết tâm muốn ông phải tiết lộ khai báo.
*
        Hoa kỳ, hoặc vì những lý do riêng của họ hoặc vì lời yêu cầu của chính phủ Đức (Klaus Kinkel trở thành Bộ Trưởng Ngọai Giao của Đức năm 1992), cũng chơi cái trò đó với Ông Wolf. Mặc dù Do-thái, từ trước đến nay vẫn e ngại những tên khủng bố tiềm tàng, đã tiếp đón Ông Wolf năm 1996, Hoa kỳ đã từ chối không cho ông bước chân vào. Khi các nhà xuất bản của ông Wolf mời ông sang Hoa Kỳ để giúp hoàn tất ấn bản đầu tiên của quyển sách này, chính phủ Hoa Kỳ đã dùng những tình nghi liên lạc với khủng bố của ông để viện cớ không cho ông đặt chân lên lãnh thổ của Hoa Kỳ.
        Bức thư Ông Wolf nhận ngày 12 tháng Ba năm 1996 của Tổng Lãnh Sụ Hoa Kỳ tại Bá-Linh tố cáo về tội phạm mà ngay cả chính quyền Tây Đức cũng không dám kết thành tội :
        Thưa ông Wolf,
        Qua những trao đổi điện thọai ngày hôm qua, chúng tôi xác nhận Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ từ chối không cho ông vào Hoa Kỳ quy chiếu đoạn 212(a), chương 3(B) về Luật Di Trú và Quốc Tịch của Hoa kỳ.
        Theo chương 3(b), các ngọai kiều đã tham dự vào những hành vi khủng bố bị khước từ không được vào Hoa Kỳ. Chương 3(b) liệt kê những loại hành vi khủng bố, trong đó có việc chuẩn bị và bàn định kế họach hành động khủng bố cũng như cung cấp những vật liệu hỗ trợ cho những cá nhân thực hiện hay hoạch định những hành vi khủng bố.
        Bộ An Ninh Quốc Gia của GDR (Cộng Hoà Dân Chủ Đức) tích cực khuyến khích và cổ võ khủng bố quốc tế và khủng bố do quốc gia hỗ trợ. Với chức vụ Thứ Trưởng Bộ An Ninh Quốc Gia của GDR và là cựu thủ lãnh của điệp báo hải ngọai thuộc Bộ An Ninh Quốc Gia của GDR, ông nắm giữ một vị thế quyết định và tham gia trong việc ấn định chính sách và những đối tượng của Bộ này. Vì vậy ông có trách nhiệm trong những hành vi phát xuất từ chính sách đó.
        Dựa trên căn bản này chúng tôi thẩm định ông đã tham dự trong những hành vi khủng bố.
        Vào thời điểm này, Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ nghĩ không thuận lợi cho yêu cầu Sở Di Trú và Quốc Tịch cấp cho ông giấy phép đặc biệt để ông vào đất Hoa Kỳ.
Nay kính,
Glen C. Keiser
Lãnh Sự Hoa Kỳ

Trong một lá thư bằng tiếng Anh khống mấy lưu loát của ông, Ông Wolf một tuần lễ sau đã yêu cầu ông Clinton can thiệp.
“Thưa Tổng Thống,
     Tin tưởng nơi cá nhân Tổng Thống cũng như những lo ngại của tôi về những thủ tục hành chánh thư lại đã khiên tôi phải viết thư đích danh đến ông để xin ông phê chuẩn cho đơn xin nhập cảnh của tôi vào Hoa Kỳ.
   Viếng thăm quốc gia của ông có một tầm quan trọng vượt lên trên những lý do viện dẫn của Bộ Ngọai Giao để từ chối đơn xin nhập cảnh của tôi. Tôi có ý định gặp tại New York (Nữu Ước) nhà xuất bản của tôi để hoàn tất ấn bản dứt khoát của bản biên tập tay của quyển sách của tôi. Những lý do từ chối cấp hộ chiếu cho tôi có những hàm ý mà tôi nghĩ là mâu thuẫn, không thế chấp nhận được. Lẽ cố nhiên, có những lý lẽ nhằm đánh giá và duyệt xét quãng đường đời của tôi, những nẻo đường được đề cập đến trong quyển sách sẽ do Random House xuất bản. Tôi phải trả lời những câu hỏi liên quan đến câu chuyện, kể cả những câu hỏi gây đau đớn cho bản thân tôi.
   Những quốc gia Âu Châu tự nhận mình xã hội chủ nghĩa, trong số này có Đông Đức, đã thất bại và họ tự hào đã phục vụ cho một ảo vọng của nhân loại. Vào cuối cuộc đời của tôi, tôi tự hỏi trong quyển sách sắp xuất bản đây, bắt đầu từ lúc nào và khởi sự từ đâu chúng tôi đã sai lầm, bắt đầu từ thời điểm nào chúng tôi thấy những sai lầm nhưng đã qua muộn và do đâu chúng tôi thành thủ phạm. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Vì vậy tôi cũng không muốn mang gánh nặng bị gắn ép phạm tội. Lời tuyên bố trong quyết định của Bộ Ngoại Giao cho rằng tôi dính líu đến những họat động khủng bố không có căn cơ và không đúng sự thật. Ông có thể thấy điều này trong thơ kháng án đính kèm của tôi.
   Có nhiều nét trong cuộc đời và trong đường lối chính trị của ông mang tính chất phá lệ không khô cứng trong khuôn mẫu đã làm cho tôi thán phục như tôi đã thán phục Tổng Thống John F. Kennedy và khuyến khích tôi bước một bước bất thường này. Đối với ông, gánh nặng của những hàm ý vô căn cứ và võ đoán cũng không xa lạ gì. Tin tưởng vào tinh thần công chính của ông, với lời cầu chúc tốt lành nhất cho ông, tôi luôn thành kính nơi ông”.
        Cho dù lá thư của Ông Wolf có giọng nịnh bợ họăc là một lối khiêu khích mỉa mai – tổng thống Clinton đã có phán ứng gì đi nữa nếu ông có đọc qua – lá thư này chẳng giúp ông Wolf đi đến đâu cả. Một năm sau, khi quyển sách xuất bản, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nicholas Burns nói ông Wolf vẫn không đuợc vào nước Mỹ. “Chúng tôi nghĩ rằng không thể cấp hộ chiếu cho một người đã ra công sức suốt cuộc đời mình chống lại một nước Đức tự do, nước Tây Đức, chống lại nhân dân Đức, và một người có tinh thần bài Mỹ và âm mưu lật đổ chính quyền của chúng tôi và đỡ đầu những họat động khủng bố đánh vào chúng tôi; tại sao chúng tôi phải cấp chiếu khán cho đương sự? Vì vậy đương sự không vào đựoc đất Hoa Kỳ. Đương sự có thể viết những quyển sách bán chạy nhất, nhưng đương sự không thể nào an hưởng cuộc đời trên đất nước Hoa Kỳ cho đến mãn đời của đương sự, chúng tôi chẳng liên can gì nữa”, ông Burns tuyên bố trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại Giao.
        Khi được hỏi tại sao ông Wolf bị khước từ ở mọi địa điểm vào, trong khi đó những người như Bộ Trưởng Ngọai giao Primakov và lãnh tụ Palestin Yasser Arafat bây giờ được tiếp đón, ông Burns trả lời “Chúng tôi có mối liên hệ tốt với Yevgeny Primakov. Ông là Bộ Trưởng Ngọai giao của một trong những nước bạn, một nước thân thiện với Hoa Kỳ. Markus Wolf là một người Cộng Sản không biết cảnh tỉnh, vẫn chủ trương khủng bố trên quy mô quốc gia chống lại Hoa kỳ. Đó là một sự khác biệt đáng kể”.
        Cũng có một sự khác biệt khá lớn giữa việc kết tội chủ trương khủng bố và sự thật tại sao chính quyền Hoa Kỳ không muốn cho Markus Wolf nhập cảnh Hoa Kỳ. Các viên chức cao cấp Hoa Kỳ sau này thú nhận CIA tình nghi ông Wolf vẫn chưa nói hết những gì ông biết. Mãi mấy năm sau khi Liên Bang Xô-viết tan rã, cơ quan CIA mới hồi phục lại sau những tổn thất mà các tên phản bội làm việc cho KGB đã gây nên. CIA nghi ngờ ông Wolf hoặc những đồng nghiệp cũ của Ông Wolf biết rõ những tên nội tuyến hiện vận còn họat động. Họ muốn biết tên tuổi của những tên đó. Đầu năm 1998, đầu não của cơ quan phản gián Đức, ông Volker Foertsch, bị điều tra vì tinh nghi ông họat động gián điệp cho Nga. Cuộc điều tra không có kết quả vì thiếu bằng chứng.


        Nếu chính quyền Hoa Kỳ mong đợi ông Wolf ra tay giúp họ, họ sẽ sớm thất vọng. Tình báo thời Chiến Tranh Lạnh rất phức tạp và là một trò chơi tốn kém vô cùng, nó có những lô-gích và những luật chơi của chính nó. Nguyên tắc căn bản là không để bị qua mặt. Nhưng một khi bị qua mặt và lỡ rơi vào tay địch thủ, quý vị không nên bao giờ tiết lộ những gì đối thủ đã biết rõ. Cả hai bên đã áp dụng luật chơi này trong thời Chiến Tranh Lạnh và lặng lẽ duy trì hệ thống trao đổi điệp viên để tưởng thưởng những ai biết kín miệng. Mặc dù sống trong sự điêu tàn của một thất bại chính trí lớn hơn, ông Wolf vẫn tỏ ra hãnh diện một cách ngoan cố về những thành tích nghề nghiệp của ông. Ông sẽ không bán danh dự để có một chuyến đi sang Hoa Kỳ. Vì vậy Yevgeny Primakov, bây giờ là Thủ Tướng của Nga, lúc nào cũng được tiếp đón niềm nở, và ông Wolf sẽ luôn mãi là một người bất hảo (persona non grata).                                           

Không có nhận xét nào: