Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Vĩnh cửu và Bình An (Bài viết của Trần Đình Ngân từ Berlin, nhân ngày 30-4-2015)

Ông Thanh Sơn tại Nghĩa trang Cộng Hòa. 
 Tóm tắt tin từ các hãng tin VN Hải ngoại:  Nhân dịp 39 năm thống nhất đất nước, ngày 27-4-2014, Thứ trưởng ngoại giao Việt nam Nguyễn Thanh Sơn đã cùng đoàn phóng viên kiều bào Hải ngoại và đại biểu CCB Quân lực VNCH đến thăm nghĩa trang Bình An ( Nghĩa trang quân đội Sàigon trước 1975 ) tại Biên Hòa.
Qua thực tế tham quan, mọi thành viên trong đoàn kiều bào đều tận mắt xác nhận, những tin tức, dư luận từ Hải ngoại kêu ca  mồ mả hoang tàn, bia mộ  bị đập phá… đều hoàn toàn là tin bịa đặt. 
Nghĩa trang Bình An nay thuộc quyền quản lý của địa phương.  Thân nhân những người chết nằm trong khu mộ được chính quyền khuyến khích trở về xây dựng, tu sửa  nên mồ mả hiện rất khang trang, nhiều ngôi mộ hoành tráng. Di ảnh của người quá cố in trên bia  cũng như tên tuổi, chức vụ, đơn vị  cũ vẫn được giữ nguyên. Khu đài „ Nghĩa Dũng“, cổng và nhà khách, đường đi lại trong nghĩa trang … được tỉnh Biên Hòa dùng hoàn toàn bằng kinh phí địa phương giải nhựa, lát đá cẩm thạch hoặc trồng hoa và tu bổ rất  sạch sẽ, trang nghiêm. Lư hương luôn tỏa khói.



Ông Thanh Sơn lý giải: „ Đất nươc được thống nhất rồi. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người chết rồi cũng phải được bình an mồ mả...“.
Ông Sơn kiến nghị: Bà con thân nhân và đồng đội cũ của những người nằm tai đây thay vì thù hận và kêu ca, nên chủ động về góp sức cùng với chính quyền địa phương xây dựng tu bổ lại nghĩa trang.
Bản thân Thứ trưởng, ngay trong ngày đã dùng tiền cá nhân góp 5 triệu (VNĐ) vào quỹ của Ban quản trang để giúp xây cho 5 ngôi mộ hiện vô chủ.

Hành động và việc làm cụ thể của Chính phủ, chính quyền địa phương và của bản thân Thứ trưởng Thanh Sơn ( Chủ nhiệm UB người Việt nam ở nước ngoài ) có tác động lớn đến dư luận.
Ngoài một vài nét phân vân bên phía những người Thắng trận, việc cho phép tu sửa lại nghĩa trang quân đội Sài gòn xưa, nay goi là  nghĩa trang nhân dân Bình an đã được đông đảo Việt kiều hải ngoại đồng tình, cảm phục và bày tỏ tin tưởng vào đường lối hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

Cùng các gia đình binh lính VNCH trước tượng đài Nghĩa Dũng.

MỒ yên mả đẹp còn nguyên danh tính.




  

Sắp đến 40 năm Thống nhất đất nước, bản thân tôi là Cựu chiến binh của QĐNDVN, đã từng có những năm tháng không ngại hy sinh gian khổ để góp phần vào chiến thắng của Quân đội và toàn Dân tộc. Mình là Người Thắng Trận. Để chiến thắng, Ta đã từng có Người thân, Đồng đội vì cuộc chiến mà hy sinh, mất mát….
40 năm qua, nỗi đau mất mát không dễ quên, nhưng để sống tiếp, cũng không thể mang mãi mối hận thù…Vậy, đối diện với bên chiến bại, mình phải xử sự thế nào?          

Xin gửi bạn đọc cảm nhận của tôi về sự Vĩnh Cửu và Bình An mà  người Đức đã giúp tôi thức tỉnh qua hình tượng một tượng đài: 

Trên phố Dưới cây bồ đề ( Unter den Linden ), ngay kề bên khu giảng đường của Viện đại học tổng hợp danh tiếng Humboldt của Thủ đô Berlin, ngôi nhà số 4 là nơi đặt bức tượng Vĩnh Cửu.
Vĩnh cửu Bình an!

Trước 1989.

Uy nghiêm 24//24 thời CHDC Đức.

                                  
                                                    
Nhà số 4 thời xa xưa của  thế kỷ 19 vốn là trạm gác của đơn vị đồn trú canh giữ kho vũ khí quân dụng (Zeughaus) ở kề bên nên ngày nay vẫn gọi nguyên tên cũ là „Neue Wache“.
Sau chiến tranh thứ hai 1945, toàn bộ  đại lộ Unter den Linder từ Alexander Platz tới cổng thành Brandenburger Tor thuộc quyền kiểm soát của Liên xô. Đây là trung tâm ngoại giao và học vấn của thủ đô nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

Với truyền thống tư tưởng Xô-Viết, ngay trong thời kỳ đầu xây dựng Berlin, nhà Neue Wache được cải tạo và trở thành nơi đặt tượng đài Vĩnh Cửu với ngọn lửa không bao giờ tắt, đời đời ghi nhớ công ơn những liệt sỹ chiến sỹ đã hy sinh để có chiến thắng chủ nghĩa Phát xit-1945. Neue Wache thành nơi trang nghiêm, hàng ngày 24/24  đều có những chiến sỹ danh dự túc trực. Gian nhà 60 m2, nền nhà thấp hơn mặt đường một met, bốn bề lát đá đen, không cửa sổ, không thắp điện, ngoài ánh sáng tự nhiên trên trần, ánh sáng lập lòe của ngọn lửa tại trung tâm tượng đài làm tôn nghiêm sự linh thiêng. Vào những ngày lễ lớn, những người chiến thắng- Phần đông là Tướng lĩnh, Sỹ quan chiến sỹ trong Hống quân, những gia đình thân nhân liệt sỹ từ Liên xô sang và các cơ quan đoàn thể, trường học của CHDC Đức kỷ niệm vô cùng trọng thể để tưởng niệm, ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh .
 
                                  
                  

Ngọn lửa Vĩnh Cửu rất trang nghiêm nên ngoài các dịp lễ, dịp các đoàn khách quốc tế tới  viếng thì ngày thường rất vắng vẻ. Ngoài các vệ binh gác và đổi gác cho nhau, nơi đây không một bóng người. Nhân đân Đông Đức dù sống trong nhà nước CHDC Đức nhưng trước 1945 nhà nào chẳng có con em đầu quân cho chế độ Quốc xã. Số lượng người Đức chết và mất mát thương vong trong chiến tranh ở phía thua trận lớn hơn nhiều lần so với những người Đức  phía thắng trận được thờ cúng, tưởng niệm trong tượng đài.
                                        
                                         

Năm 1990, công cuộc thống nhất nước Đức gần như hoàn tất thì sứ mệnh linh thiêng của Neue Wache gặp cảnh trớ  trêu.
Những công dân mới của nhà nước Công hòa Liên bang Đức bắt buộc phải nhìn nhận lại những khập khễnh, dơ lệch về hệ tư tưởng,  ý thức hệ và tập quán từ hai nửa nước Đức- Đông và Tây ghép vào nhau.
Dù thực tế trên nhiều mặt, nhà nước Tây Đức vượt trội hơn hẳn những thành quả mà nhà nước Đông Đức có được sau 45 năm xây dựng XHCN nhưng họ không coi họ là người Chiến thắng và cũng không coi người anh em Đông Đức là kẻ chiến bại.  Mọi vấn đề khác biệt, cả hai phía Đông –Tây giải quyết với nhau theo lý lẽ hòa giải thuyết phục, tôn trọng lẫn nhau.
Hai năm đầu, 1990-1992, Neue Wache không còn người gác, không còn khí đốt và cũng không còn người thăm viếng nên phải đóng cửa. Hội đồng thành phố Berlin xem xét vấn đề của tượng đài với thái độ nghiêm túc. Họ tôn trọng thói quen truyền thống của nhân dân Berlin, trọng thị sự tưởng nhớ của những người còn sống đối với những người đã chết nhưng nhấn mạnh: Dù bên thắng hay bên thua thì nỗi đau mãi mãi do chiến tranh gây ra đều dồn hết vào nỗi đau mất mát những đứa con của các BÀ MẸ  ở cả hai phía. 
Sự VĨNH CỬU  không phải là Ngọn lửa ( hết dầu thì tắt, gặp nước thì lụi!) mà tình Mẹ thương con, nỗi đau của Mẹ khi mất con mới là mãi mãi.
Biểu tượng tưởng niệm sự Vĩnh Cửu của nỗi đau do chiến tranh, xin hay chọn hình ảnh về nỗi đau của Người Mẹ thương xót đứa con tử trận của mình –Dù đứa con ấy bị xô đẩy vào phía bên nào của cuộc chiến.
Đối với những người đã ngã xuống, nơi bình an nhất cho họ là được trở về trong vòng tay ôm ấp thương xót của người Mẹ và trong vòng tay ấy, họ dù ở phía nào cũng  sẽ Bình An…
Vậy là, từ nơi tượng đài ngọn lửa Vĩnh cửu trước đây, giờ hình thành ý tưởng, là nơi đặt bức tượng Người Mẹ Đức „Vĩnh Cửu“, đau đớn ôm trong tay đứa con tử trận do chiến tranh.
Nhà văn Hà Phạm Phú trước tượng đài Vĩnh Cửu.

Thế hệ thanh niên Đức mới.

Vợ chồng anh bạn tôi đã đến đây.

                                     
                                      



Đầu năm 1993. Bức tượng Mẹ „Vĩnh Cửu“ của nữ điêu khác gia nổi tiếng CHDC Đức cũ Käthe Kollwitz được tuyển chọn và đặt thay vào vị trí tượng đài ngọn lửa .
Trần cao của nhà Neue Wache được khoét theo hướng ánh sáng mặt trời nên cả ngày, một vầng sáng hình con mắt chiếu dọc theo bức tường, hắt sáng làm nổi bật hình của người Mẹ đang ôm đứa con tử trận và vuốt mắt cho anh.

        


Chứa đựng những ý tưởng nhân văn và xã hội rất sâu xa, tượng „ Bà Mẹ-Vĩnh Cửu“  trên phố Unter den Liden  Berlin ngày nay là biểu tượng lên án chiến tranh  nhưng không phục dựng hận thù; đề cao lòng nhân đạo thương người,  ghi nhớ đến những người đã ngã xuống vì chiến tranh, dù họ là ai nhưng  nghĩa tử là nghĩa tận .
Nhà số 4 Neue Wache giờ không lính gác, không cấm đoán  nhưng vẫn rất trang nghiêm và thường xuyên đông khách.  Nhân dân Đức không phân biết là người Miền Đông hay người Miền Tây, các sinh viên học sinh và các đoàn khách quốc tế trên khắp Thế giới ra vào thăm viếng bức tượng Người Mẹ đau đớn mất con sau chiến tranh để  mọi người cùng tâm niệm một ý chí cương quyết bảo vệ Hòa Bình và lên án Chiến tranh.

                                                                                     Viết tại Berlin ngày 24-4-2015

                                              

7 nhận xét:

Kháng Chiến nói...

Nhân 40 năm ngày chiến thắng,thống nhất tổ quốc,phóng viên Tân Hoa Xã thường trú tại TP HCM Đào Quân có hỏi tôi-một cựu chiến binh về cảm trưởng của tôi vào ngày 30-4-1975.Tôi đã trả lời ;"Tôi lúc đó rất xúc động vì chiến thắng 30-4-1975 là cái mốc mong đợi của toàn thề nhân dân Việt Nam :Kết thúc chiến tranh- sẻ có hòa bình".

Nặc danh nói...

Bài viết của anh Ngân gồm hai phần, phần về nghĩa trang Bình An cuả quân nhân chế độ trước ở Biên Hoà và phần về bức tượng Người Mẹ ở nơi là Ngọn Lửa Vĩnh Cửu tại đông đức trước đây.Gữa các dòng chữ,tôi thấy toát lên sự đôn hậu,mực độ vừa quý vừa hiếm so với thái độ cực đoan thường thấy ở cả hai phía khi đề cập đến vấn đề.Huan k5

Kháng Chiến nói...

Vao thời này chúng ta cần có một dân tộc Việt thống nhất để xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh. Không có sự thống nhất,sẽ không có được sự vươn lên đích thực.Chiến tranh qua đi d8a4 40 năm ,người Việt hai phía mất mát qúa nhiều .Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau nhìn nhận Ngày 30-4-1975 là ngày Hòa Bình và Thống Nhất của dân tộc Việt Nam.

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Làm gì có"Những cuộc tàn sát đẫm máu lẫn nhau từ hai phía sau 1975".Kẻ thù của chúng ta luôn độc ác và nguy hiểm.Nhưng lịch sử 40 năm sau ngày giải phóng Miền Nam,Thống nhất Đất Nước đã nói lên tất cả.Tính chất nhân đạo,nhân văn của dân tộc ta có từ lâu đời và luôn được phát huy.Hãy kể từ trước khi bọn giặc phong kiến Trung quốc thua trận được ta cấp tàu thuyền và lương thực cho chúng về nước.Mà ngày nay chúng nào biết ơn nghĩa.Một bên chúng đàm phán hữu nghị,một bên chúng xây căn cứ quân sự ở Trường Sa và lớn tiếng nói rằng lãnh thổ đó là của chúng ! ! !

Nặc danh nói...

Hơn 30 năm trước tôi đã đi nghĩa trang Cộng Hoà ở Biên Hoà viếng cha của cô người yêu tôi khi đó,ông là quân nhân chế độ cũ chết trước 75. Mười năm sau đó tôi lại đến viếng ngọn lửa Vĩnh Hằng ở Đường Unter den Linden trong những ngày cuối cùng của nước CHDC Đức.Tôi cảm nhận được từ tâm khảm từng câu chữ trong thiên đoản văn của anh Trần Đình Ngân và trong comment của chị Đàm Thị Ngọc Thơ.Cám ơn 2 người.

Nặc danh nói...

Tu bổ và hương khói cho nghĩa trang bình an là việc đúng đạo lý thôi.Nhưng cũng chính những kẻ ấy lại đi đục bỏ bia mộ của các liệt sỹ chống bành trướng xâm lăng năm 1979 và bỏ mặc đến giờ thi hài của hơn 60 liệt sỹ Gạc Ma dưới biển và của hàng ngàn liệt sỹ Vị Xuyên tại trận địa cao điểm 1506 nay đã bị cắt một cach hèn hạ cho ngoại bang.Hai việc này có liên quan đến nhau không? Có xuất phát từ cái Tâm,từ Đạo Lý không?

Nặc danh nói...

30/4/1975 lúc đó gọi là ngày Chiến Thắng . Không sao ,hy sinh quá nhiều mới có ngày thống nhất của một đất nước ! Bây giờ ,ta có một đất nước 40 năm rồi ,ta nên gọi đây là ngày THỐNG NHẤT ! ( nếu gọi là ngày Chiến thắng ,e rằng nó sẽ cùng tầm của ngày quốc hận ,vì nó là từ gọi của 2 bên chiến tuyến) ! Năm 1991 ,đứng bên nhà quốc hội Đức ,nhìn người dân bán các mảnh vụn của bức tường Berlin ,tôi cứ lặng yên !ngẫm nghĩ về những điều trong đầu mình ,so với hiện thực của nước Đức thống nhất ,đi qua căn nhà của Trùm tình báo Đông Đức đến phút cuối vẫn muốn lật lại ván cờ ,đến thăm một chuyên gia quân sự CHDC Đức đã giúp Việt nam trong cuộc chiến treo đầy kỉ niệm của Việt nam trong căn phòng riêng... số phận của một dân tộc ,số phận của một hệ thống ,hiên thực của một chủ nghĩa đều được thực tiễn trả lời! Chúng ta hôm nay phải sống tiếp cho đúng với nhận thức của mình.
Thanh Trần