Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Người Không Chân Dung 2

        Một cách trớ trêu, cuộc đời của Markus Wolf khởi sự tại Tây Đức. Sinh năm 1923 tại Hechingen, một thành phố nhỏ tại Württemberg, phiá Tây Nam nước Đức, ông là con trai đầu lòng của một bi kịch sĩ, một tác giả và một y sĩ đồng liệu tương pháp tên Friedrich Wolf, một người Do-thái tôn thờ chủ nghĩa Mác. Giống như chồng, Else, bà mẹ của ông Wolf, là một thành viên năng động của Đảng Cộng Sản Đức. Khi Quốc Xã lên nắm chính quyền năm 1933 và gia đình Wolf bị liệt kê vào danh sách truy nã, ông bố của Markus chạy trốn sang Pháp. Bà Else, Markus và em trai Konrad sau đó theo ông bố, và năm 1934 cả già đinh tị nạn chính trị tại Moscow.


        Tại đây, trong vòng mười năm, hai cậu bé được uốn nắn theo kiểu mẫu giáo dục, văn hóa và chính trị của Cộng Sản Nga. Konrad trở về Đức năm 1944 theo binh lính trong Hồng Quân. Markus theo học ngành kỹ sư hàng không tại Nga và năm 1945, lúc 22 tuổi, được phái trở về Đức theo lệnh của Đảng Cộng Sản Đức để giúp xây dựng một đài phát thanh tuyên truyền trong cảnh đổ nát của thành phố Bá-Linh.
        Nhờ ăn nói lưu loát tiếng Nga và thấm nhuần tư tưởng cộng sản từ trong nôi, ông Wolf giao hảo mật thiết với các cấp lãnh đạo Hồng Quân trong vùng chiếm đóng của Nga tại Đông Đức và với các người Đức lưu vong và còn sống sót, được đưa lên hàng lãnh đạo Cộng Hoà Dân Chủ Đức năm 1949. Cho dù có làm điều gì khác đi nữa, Stalin đã cứu gia đình Wolf thoát nạn Tiêu Diệt (Holocaust) của Đức Quốc Xã. Sự kiện này cùng với cảm giác say sưa trong quyền lực khởi sự từ lúc ông nhận lãnh trách nhiệm trong một nước Cộng Sản đầu tiên trên mảnh đất Đức luôn luôn nặng cân hơn tất cả những gì Markus Wolf sau này khám phá về bộ mặt đen tối và đàn áp của chế độ cộng sản.
        Chẳng bao lâu các cấp chỉ huy nhận ra ông Wolf rất có tài. Họ gởi ông sang Moscow với tư cách là nhà Ngọai Giao Đông Đức trong vòng vài năm và sau đó đưa ông về lại cơ quan tình báo hải ngọai Đông Đức đang phôi thai, giao cho ông trách vụ lãnh đạo cơ quan này năm 1952, khi ông chưa đầy 30 tuổi. Một năm sau, cơ quan này được sát nhập vào Cơ Quan An Ninh Quốc Gia, biến ông Wolf thành một phó giám đốc hầu như độc lập của cơ quan Stasi trong chức vụ giám đốc của HVA - Hauptverwaltung Aufklärung, « Tổng Cục Tình Báo Trung Ương », và ông mang quân hàm đại tướng trong cơ quan này.
        Trong những ngày đầu bấp bênh của Đông Đức, có rất nhiều mối đe dọa từ ngoài đến cần phải lưu tâm. Cộng Hoà Liên Bang Đức, về mặt diện tích to lớn nhất trong hai quốc gia hậu duệ của Quốc Xã Đức, đơn phương tuyên bố xác định tính cách chính thống lịch sử của họ và sẽ không thiết lập ngọai giao với bất cứ quốc gia nào công nhận người anh em láng giềng Đông Đức. Dưới con mắt của Tây Âu, chẳng có gì đáng gọi là dân chủ trong nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức, và phần đông những quốc gia dám chọc giận Tây Đức bằng cách thiết lập ngọai giao với Đông Đức là những nước vệ tinh chư hầu của Xô-viết hoặc là những nước đồng hội đồng sàn.
        Trong những ngày đầu ngắn ngủi này, Bộ Trưởng phụ trách về an ninh quốc gia của Đông Đức là Erich Mielke, một anh Cộng sản cáo già chuyên luồn lách thuộc thế hệ đàn anh hơn ông Wolf 16 tuổi. Hai nhân vật này là hai mẫu người thật tương phản hiếm có. Mielke sinh trưởng trong một gia đình thuộc giới lao động tại Bá-Linh năm 1907, trong một môi trường cực kỳ khó nhọc, và đã gia nhập Đảng Cộng Sản năm 1930. Bị bỏ tù sau khi ám sát hai cảnh sát viên Bá-Linh năm 1931, y đã đào thoát và trốn sang Moscow. Sáu mươi hai năm sau, y bị kết án vì tội này theo những tang chứng mà y đã cất khóa kĩ lưỡng trong tủ sắt Stasi của chính y. Trong suốt thời gian đứng đầu bộ máy công an mật vụ của Cộng Hoà Dân Chủ Đức (GDR), Mielke, ám ảnh bởi mối đe dọa bị khuynh đảo ngay trong nội bộ, đã biến Đông Đức thành một quốc gia công an hữu hiệu và tàn bạo nhất Đông Âu.
        Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, Mielke trở thành một đối tượng mà mọi người kinh tởm. Cả ông Wolf cũng không có chút cảm tình nào đối với y. Ông mô tả Mielke là một tên bạo chúa, một cấp lãnh đạo mà ông luôn phải đối đầu vật lộn trong những thủ tục hành chánh để bảo vệ tính cách độc lập và tự trị của ngành điệp báo của ông.
Nhưng cùng lúc, Wolf phủ nhận trách nhiệm về những họat động của Stasi có dính líu ít nhiều với điệp báo hải ngọai, chẳng hạn như những lệnh « bắn bỏ » được chỉ thị cho lính biên phòng canh gác Bức Tường Bá-linh. Ông phủ nhận việc ra lệnh thủ tiêu các điệp viên ngọai quốc. Ông phủ nhận mối quan hệ với Biệt Đoàn XXII của Stasi, biệt đoàn này chứa chấp một thời gian ngắn bọn khủng bố và sử dụng bọn này như những thành phần khuynh đảo Tây Âu.
        Biệt đoàn XXII theo dõi rất sát những thành phần cực đoan như Đoàn Hồng Quân (Red Army Faction) thô bạo của Tây Đức. Thành viên của Hồng Quân đã ám sát một chục kỹ nghệ gia và các viên chức cao cấp vào những thập niên 70; Ilyich Ramirez Sanchez, tên khủng bố quốc tế, mang bí danh là « Carlos »; và nhiều thành viên khác của Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO). Cơ quan Stasi dùng những tên khủng bố này để biến chúng thành những nhân tố khuynh đảo tại Tây Âu, cung cấp cơ sở lẩn trốn cho chúng tại Đông Đức. Chính một đại tá của Stasi đã cung cấp hơn 22 ký chất nổ cực mạnh cho tên phụ tá của Carlos tại Đức năm 1983 vào lúc trước ngày đánh bom lãnh sự Pháp tại Tây Đức. Cũng như Wolf tường thuật lại trong quyển sách này, các sĩ quan của Stasi trong Biệt Đoàn XXII biết rõ kế họach của các nhà ngọai giao Lybia đánh bom một hộp đêm tại Tây Bá-Linh, nơi có đông đảo binh lính G.I. Mỹ thường lui tới. Bom nổ giết chết bốn người và gây thương tích cho hơn 200 người năm 1986, một vài tháng trước khi Wolf về hưu. Nhưng Đông Đức không hề can thiệp để ngăn chặn việc này.
*
Ngay từ lúc đầu vào những thập niên 1950, nhiệm vụ chính của Wolf là tìm hiểu những gì các cấp lãnh đạo Tây Đức bàn tính về cái nước Đông Đức thật nhỏ bé này. Dưới sự lãnh đạo của ông, Đông Bá-linh hầu như đạt đến điểm cao chưa ai đạt được trong trò chời gián điệp với Tây Đức. Cơ quan của Wolf « lật ngược » các điệp viên Tây Đức, đưa họ trở qua lại Bức Tường Bá-linh để làm điệp viên ngược lại cho Cộng Sản. Họ kết nạp các thương gia và các luật gia thuộc lẫn phe tả và phe hữu và nhờ họ xâm nhập để biết được những thông tin về đường lối kinh tế và chính trị của Tây Đức. Họ gởi đi những anh chàng « Romeo », những chàng trai độc thân quyến rũ, để tán tỉnh những phụ nữ độc thân đầy mặc cảm, những cô chỉ biết miệt mài với công việc làm thư ký cho các chính trị gia Bonn. Cơ quan của Wolf đã dẫn dụ quá nhiều thành phần chiêu hồi về với chủ nghĩa Cộng Sản nên đã trở thành một mối bận tâm. Những thành phần chiêu hồi này bao gồm những viên chức trong ngành tình báo và phản gián của Tây Đức, có vấn đề rượu chè, lo lắng về tài chánh hoặc có lòng ngờ vực về viễn tượng phục vụ suốt đới cho chính nghĩa của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo trên đất nước chia đôi của họ: « Probst », « Günter », « Kohle », « Komtess », « Mauerer », và cuối cùng « Topaz » - tên thật là Rainer Rupp, một gián điệp thượng thặng của Wolf nằm trong tổng tham mưu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, không hề bị phát hiện cho đến khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt. (Sau khi mãn hạn tù tháng 12 năm 1998, Rupp được Đảng tân Cộng Sản Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa, trong một buổi họp sơ bộ của họ tại Quốc Hội Đức mời làm tham vấn, nhưng cuối cùng đã không dám mời vì bị đả kích dữ dội.) 
*
        Wolf cũng nếm mùi thất bại, một điều chắc chắn: Các cá nhân trốn chạy chủ nghĩa cộng sản như Werner Stiller, đã đưa cho tình báo Tây Đức những tài liệu vi phim tương đương với 20.000 trang giấy, cho phép Tây Đức phát hiện các điệp viện ẩn nấp và, một cách ngẫu nhiên, bức hình đầu tiên của Wolf từ 30 năm nay, từ trước cho đến giờ trong hồ sơ của họ vẫn là một « người không chân dung ». Nhưng những thất bại này không đáng kể so với những thắng lợi của ông.
        Cơ quan của Wolf gởi đi hàng chục những « con chuột chũi », nấp sâu trong lòng của xã hội Tây Đức, suy tính rằng với thời gian và may mắn, một vài con chuột sẽ tìm đường lên gần đỉnh cao của những chính đảng Tây Đức và sẽ cung cấp những tin tức có giá trị liên quan đến kế họach điều động quân số của Tây Đức và, quan trọng hơn hết cho mối quan hệ chiến lược của Đông Đức với Liên Bang Xô-viết, ý định quân sự và chiến lược của Hoa kỳ trong trường hợp Chiến Tranh Lạnh trở nên nóng bỏng. Một trong những con chuột nằm vùng là Günter Guillaume và bà vợ Christel, đã xâm nhập Tây Đức vào giữa những thập niên 50 với bí danh là « Hansen » và « Heinze » để tìm đường đạt đến cấp bậc cao của Đảng Dân Chủ Xã Hội tại Frankfurt. Họ đã thành công ngoài sức tưởng tượng của Wolf khi Guillaume trở thành phụ tá cho Thủ Tướng Willy Brandt năm 1972.
        Khi bị phát giác là gián điệp, Guillaume đã kéo ông Brandt ngã theo vào năm 1974. Có thể nói đây là một thất bại nặng nề nhất mà Đông Đức tự gieo lấy cho chính mình trước khi sụp đổ 15 năm sau. « Ostpolitik » (Chính Sách Đông Âu) của ông Brandt đã cải thiện mối bang giao giữa các nước vốn kèn cựa với nhau. Chính quyền Bonn cuối cùng ngưng không đánh phá phe Cộng Sản và bắt đầu có những trao đổi ngọai giao. Nhưng lãnh tụ Cộng Sản Erich Honecker không tin Ostpolitik (Đông Sách) của Brandt, xết rằng mối giao hảo giữa Tây Đức và Moscow đe dọa đến tính cách chính thống của Đông Đức. Chính vì vậy tại Đông Bá-Linh, Wolf không bị khiển trách vì đã tác động đến việc ngã đài của ông thủ tướng Tây Đức.
        Danh sách liệt kê tất cả điệp viên của ông Wolf có thể đóng thành nhiều tập. Ông Wolf chỉ nhận diện những ai đã chết hoặc đã bị bắt và đem xử. Mặc dù có được một hệ thống rộng lớn nhân viên nằm vùng và điệp viên, ông Wolf đôi khi vẫn cảm thấy ấm ức về kết quả của trò chơi gián điệp của ông. Các điệp viên của ông đã thực hiện được những gì trên mô hình rộng lớn của các dữ kiện ? « Hầu hết tất cả những tài liệu mà Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sản xuất ra, đóng dấu « mật » và « tối mật », mà chúng tôi đã bỏ bao nhiêu công sức để thu thập, truy xét cho kỳ cùng chẳng đáng dùng làm giấy chùi đít », ông viết trong quyển nhật ký vào cuối năm 1974. Về phía Cộng sản ông cũng đánh giá như vậy – hệ thống rộng lớn và to phù của nhóm thư lại sản xuất những núi giấy vô dụng. Tại Moscow, tại Warsaw, tại Đông Bá-Linh, bộ máy tiếp tục xay nghiền, cố gắng che chở, bảo vệ và lưu truyền một hệ thống không thể cứu vớt được nữa vì đã lầm tưởng từ căn bản rằng hạnh phúc và phồn thịnh của con người có thể áp đặt lên đầu người dân bởi bộ máy hành chánh quyền uy của Cộng Sản.
        Ở cả hai bên tuyến ngăn cách ý thức hệ, nhóm thư lại mà John Le Carré mô tả là « điệp lại » đào sâu vào lòng lãnh thổ địch, đưa những con chuột nằm vùng xâm nhập, âm mưu và bàn định kế họach, nhưng rồi cuối cùng họ chẳng làm được gì nhiều để thay đổi một cách cơ bản đời sống của người dân ở cả hai phía. Tại A-phú-hãn (Afghanistan), CIA gây điêu đứng cho Hồng Quân Nga, cung cấp cho nhóm chiến sĩ hồi giáo mujahidin hỏa pháo không-không Stinger, và cuối cùng đánh đuổi quân đội Nga ra khỏi nước. Nhưng thay thế vào đó là một bọn cuồng tín độc tài Hồi giáo đàn áp còn kinh khủng hơn chế độ Cộng Sản, và chẳng bao lâu ai cũng lo ngại các hỏa pháo Stinger lọt vào tay bọn khủng bố cuồng tín. Tại Đông Âu, không phải CIA hoặc cơ quan tình báo Tây Đức, cơ quan BND, đã làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản và khối Hiệp Ước Warsaw, nhưng là do những dồn nén và những mâu thuẫn nội tại về chính trị, kinh tế và xã hội của xã hội cộng sản.
        Ông Wolf đã không chờ cho đến khi quá muộn để công khai phê bình những sai lầm trong hệ thống Cộng Sản trong một hồi ký nói về tuổi trẻ và lý tưởng Cộng Sản xuất bản tại Đông Đức chỉ cách vài tháng trước khi Bức Tường Bá-Linh sụp đổ năm 1989. Quyển hồi ký Die Troika, tiếp nối công trình khởi sự bởi người em trai của ông Wolf, tên Konrad, trước khi qua đời năm 1982, là một trong những cố gắng hiếm hoi tại Đông Đức nhằm khảo sát, mặc dù là dè dặt, những lỗi lầm các cấp lãnh đạo Cộng Sản tại Moscow và những nơi khác nhân danh chủ thuyết Stalin. Mặc dù trước đó Nikita Khrushchev cũng đã làm, nhưng những lời chỉ trích như vậy chỉ xuất hiện tại Liên Bang Xô-viết sau khi Mikhail Gorbachev nắm quyền lãnh đạo năm 1985 và đưa ra chính sách perestroika, một cố gắng nhằm cải tổ chủ nghĩa cộng sản, nhưng thay vì vậy ông đã khai tử nó, đúng như Khrushchev lo ngại vì cởi bỏ tất cả những hạn chế sẽ làm cho tan tành. Honecker không phải đương đầu với tình trạng này tại Đông Đức và vì vậy sách của ông Wolf đã tạo nên náo động.
        Nhưng vị thế của ông Wolf vào lúc đó không được các đồng hương của ông đánh giá đúng mức cho đến khi nhân dân Đông Đức rốt cuộc xuống đường vào mùa thu đó để đòi hỏi tự do. Trong một bài diễn văn đọc tại Bá-Linh tháng 10 năm 1989, Gorbachev nói rõ là hơn nửa triệu Hồng Quân đồn trú tại Đông Đức sẽ không dùng súng và xe tăng để đàn áp họ. Diễn ván này đánh dấu ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Đức. Chẳng bao lâu các cuộc biểu tình thoát vòng kiểm soát, càng lúc càng lớn tràn ngập Leipzig, Dresden và Bá-linh, và khi ông Wolf xuất hiện và đề nghị đem khả năng để giúp cải tổ guồng máy, quần chúng tẩy chay và ông phải rút lui. Người Đông Đức muốn được tự do đi lại, muốn có Đức Mã, muốn những xe hơi Mercedes và BMW, và tất cả những tiện nghi vật chất mà Tây Đức có, họ không muốn một cuộc cải cách hâm nóng chế độ cộng sản. Kế họach thống nhất hai nước Đức đang trên đà tiến mà không sức nào có thể cản nổi.


        Ngày 3 tháng 10 năm 1990, Đông Đức không còn nữa, bị khóa chặt và chôn vùi trong nước Cộng Hoà Liên Bang Đức. Nước Đức thống nhất có nhu cầu thanh toán những món nợ với Markus Wolf. Khi đồng hồ gõ đúng 12 giờ đêm vào ngày đã mong đợi từ lâu, ông Wolf biết rằng mình sẽ vào tù. Một cách bình tĩnh, ông bắt đầu quay điên thọai gọi bạn bè trong cơ quan KGB để bàn tính kế họach xin tị nạn tai Moscow.

Không có nhận xét nào: