Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

"Ngoại tình gây đau khổ cho người trong cuộc" (ST: TB)

(Tiêu đề ban đầu của bài báo: "Ngoại tình không nhất thiết là xấu"


Việt Anh, tác giả của những tranh luận trái chiều về chuyện ngoại tình và người thứ ba tiếp tục hồi đáp những thắc mắc của độc giả


Độc giả: Thứ nhất, xin chị định nghĩa lại giúp tôi thế nào là “chuẩn mực xã hội”. Khi một thói xấu có chiều hướng gia tăng thì nên gọi là “xu hướng” hay là “chuẩn mực xã hội”? Tại sao thói đời cướp giật chồng của người khác, bon chen, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác lại được tiến sỹ gọi là chuẩn mực xã hội?

Việt Anh: Có nhiều định nghĩa về chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên theo định nghĩa của Wikipedia chẳng hạn, chuẩn mực xã hội không phải là khái niệm phổ quát và có thể chấp nhận được với nhóm này nhưng không chấp nhận được với nhóm khác. Ngoại tình có thể coi là một chuẩn mực xã hội bởi nếu thống kê thì sẽ cho thấy có một bộ phận không nhỏ độc giả cho rằng ngoại tình nhiều khi có thể chấp nhận được.
Hậu quả của việc ngoại tình là tổng lợi ích của cả ba người: vợ, chồng và người thứ ba.
(Ảnh minh họa)


Khi nói về một hành vi tốt hoặc xấu nghĩa là xem xét nó dưới góc độ triết học. Một tình huống ngoại tình cụ thể bị coi là xấu nếu như nó gây ra hậu quả tiêu cực đối với xã hội. Hậu quả của việc ngoại tình là tổng lợi ích của cả ba người: vợ, chồng và người thứ ba. Nếu trong gia đình đó, chỉ có người vợ cảm thấy hạnh phúc, người chồng không hạnh phúc, thì ngoại tình vẫn có thể đem lại hậu quả tích cực cho xã hội.

Như vậy, ngoại tình không nhất thiết là xấu. Hầu hết các độc giả khăng khăng cho rằng ngoại tình là xấu bởi vì họ chỉ quan tâm đến lợi ích của người vợ, mà không tính đến lợi ích của người chồng và người thứ ba. Chính vì vậy, họ không hiểu tại sao các nhà làm luật ở các nước phát triển không coi ngoại tình là có tội.

Độc giả: Thứ hai, tại sao người vợ không được quyền lên án người thứ ba? Đặt địa vị là người vợ trong gia đình, sinh con, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc gia đình, làm việc kiếm tiền. Hi sinh nhiều như vậy chẳng lẽ tôi không được quyền lên án người có ý định chen chân vào hạnh phúc gia đình mà tôi gây dựng?

Việt Anh: Tôi không nghĩ lấy chồng là hi sinh. Nếu hi sinh thì bạn lấy chồng làm gì? Chắc phải có lợi thì bạn mới kết hôn chứ? Phải có lợi cho bạn thì bạn mới duy trì cuộc hôn nhân đó chứ? Cần phải nghĩ rằng bạn vun vén cho gia đình thật ra là vì lợi ích của chính bản thân bạn. Chồng bạn cưới bạn thật ra cũng vì lợi ích của bản thân ông ta. Tất cả mọi người đều phải nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Vợ chồng bạn nỗ lực có đôi, có người động viên chia sẻ. Thậm chí nếu ông chồng bạn tài giỏi hơn bạn nhiều thì bạn được hưởng rất nhiều lợi lộc do kết hôn với ông ta, chứ không phải là hi sinh. Trong thời gian đó cô người thứ ba kia cũng phải nỗ lực vươn lên để sinh tồn. Cô ta có thể phải nỗ lực đơn độc, không có được lợi thế có bạn đồng hành tài giỏi như bạn. Cô ta cũng có quyền theo đuổi lợi ích của bản thân. Cô ấy không ký kết thỏa thuận gì với bạn cả cho nên cô ấy không có nghĩa vụ gì với cuộc hôn nhân của bạn.

Những gì thuộc về tài sản chung của hai vợ chồng có được trong quá trình hôn nhân, nếu xảy ra ly dị sẽ được phân chia công bằng theo luật định. Đấy là sự khác biệt giữa bạn và người thứ ba. Nhưng ông chồng bạn không phải là một thứ tài sản sở hữu thuộc về bạn. Ông ta có thể theo đuổi lợi ích riêng của ông ta, dù đôi khi lợi ích đó xung đột với lợi ích của bạn.

Độc giả: Những thói hư tật xấu, vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy tắc xử sự xã hội, vi phạm quy định pháp luật mà không được lên án, trường hợp người phụ nữ bị cướp chồng là chị, chị giải quyết thế nào ?

Việt Anh: Như tôi đã giải thích ở trên, ngoại tình không nhất thiết là xấu. Một số hành vi được đại đa số người trong xã hội coi là xấu chẳng hạn như ngược đãi người già. Nhưng nhiều hành vi khác chẳng hạn như ngoại tình thì không có chuẩn mực đạo đức chung trong toàn xã hội. Nhiều người, đặc biệt là đàn ông, không cho rằng ngoại tình luôn luôn xấu xa mà đôi khi là cần thiết. Tôi đã giải thích ngoại tình không vi phạm pháp luật mà chỉ có “chung sống như vợ chồng” vi phạm pháp luật.

Nếu là tôi thì tôi làm việc với riêng ông chồng của tôi để thúc ép ông ấy thực hiện hợp đồng hôn nhân. Nhưng tôi không có quyền lên án người thứ ba.

Độc giả: Người thứ ba cũng có quyền như người vợ? Nếu chỉ nói về quyền bình đẳng của tất cả mọi người trước pháp luật thì tôi tán thành. Nhưng trường hợp chị cụ thể hóa với người thứ ba trong cuộc sống hôn nhân thì tôi nghĩ chị đang cố tình không hiểu pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam chỉ công nhận vợ chồng hợp pháp, nghĩa là hôn nhân trên nguyên tắc tự nguyện, có giấy đăng ký kết hôn do cơ quan có thẩm quyền cấp. Nghiêm cấm các hành vi chung sống với người khác (người thứ ba) khi còn mối quan hệ vợ/chồng hợp pháp được pháp luật công nhận. Vậy tôi xin hỏi quyền của người thứ ba mà chị nói ở đây là quyền gì? Quyền được xã hội trân trọng? Quyền được pháp luật bảo vệ?

Việt Anh: Tôi đã giải thích “ngoại tình” khác với “chung sống với người khác khi có mối quan hệ vợ chồng”. Một người đôi khi quan hệ sex với một số người khác thì không vi phạm điều luật này. Những người am hiểu luật pháp đều biết câu “công dân được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, còn các cơ quan công quyền chỉ được phép làm những gì mà pháp luật quy định”. Thậm chí nhiều khi pháp luật lạc hậu, công dân còn có thể đấu tranh để thay đổi luật pháp. Chẳng hạn trước đây tình dục đồng tính bị cấm đoán nhưng ngày nay nhiều quốc gia phát triển và cả Việt Nam không cấm nữa.

Quyền tôi nói ở đây là quyền mưu cầu hạnh phúc. Quan điểm của các quốc gia phát triển thì ngoại tình thuộc về bí mật đời tư cho nên xã hội không nên phát xét. Bởi vậy không nên bàn đến chuyện xã hội trân trọng hay không. Luật pháp không đề cập đến trường hợp ngoại tình cho nên không có khái niệm bảo vệ.

Nói như vậy không phải là tôi khuyến khích ngoại tình, bởi dù sao cũng là hành vi gây ra đau khổ cho người trong cuộc. Trường học và truyền thông đại chúng vẫn cần giáo dục công dân tránh ngoại tình để tránh gây đau khổ cho người khác. Tuy nhiên xã hội không nên tùy tiện phán xét những trường hợp cụ thể do không biết rõ về hoàn cảnh gia đình nhà người ta.

Không có nhận xét nào: