Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

SAO CHẢ GIỐNG AI?


Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trả lời PV báo Tiền Phong
1. Theo chương trình phổ thông tổng thể, Bộ GDDT đặt mục tiêu chuyển đổi mục đích chương trình đào tạo từ nặng kiến thức sang chú trọng giáo dục kỹ năng, năng lực (8 năng lực). Theo GS, với mô hình thiết kế các môn học mới, liệu ngành giáo dục có thực hiện được mục tiêu này không ?
Thực tình tôi vô cùng lo lắng trước những thay đổi quá mạnh mẽ này. Bộ cho biết: "Đã nghiên cứu bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa trong nước và quốc tế nhằm nhận thức rõ những đặc điểm và yêu cầu cần chú ý trong việc xây dựng CT, biên soạn SGK mới, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế nhằm rút ra được xu thế chung về xây dựng CT, SGK, nhất là kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển và có quan hệ, ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam.Đã tham khảo và học tập CT và SGK của nhiều nước tiêu biểu cho các khu vực khác nhau (Đông Nam Á, châu Á, châu Âu và châu Mỹ, châu Úc. Cử các đoàn cán bộ sang một số nước học tập và thông qua các tổ chức quốc tế mời các chuyên gia giáo dục các nước (Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Bỉ, Đức, Hồng kông..) sang Việt Nam tập huấn về xây dựng CT, biên soạn SGK...



Tuy nhiên tôi đã mua trên 100 cuốn sách giáo khoa Sinh học bậc phổ thông của nhiều nước, tôi chưa thấy có cuốn nào là cuốn "Tự nhiên" tích hợp cả Vật lý, Hóa học, Sinh học, thậm chí cả Tin học (!).Tôi chỉ thấy ở Pháp tích hợp thành môn Khoa học về Sự sống và Trái đất mà thôi. Tôi không hiểu giáo viên nào có thể giỏi đến mức dạy được môn Tự nhiên này. Nếu giáo viên nào dạy "Phân môn" của mình thì tích hợp có nghĩa gì? Có thể xuất phát từ những ý tưởng tốt nhưng liệu có phù hợp với thực tế hiện nay chưa. Cần có thảo luận kỹ càng và nhất thiết nên để các Hội khoa học chuyên ngành thảo luận trước khi góp ý kiến vói Bộ. Bộ đã ký hợp tác với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam nhưng việc hợp tác thực ra là chưa có gì đáng kể. Một chuyện đáng lo ngại là mặc dù có chủ trương có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng mấy ai (ngoài Bộ) tổ chức được việc tập hợp các thầy thuộc nhiều chuyên môn khác nhau để viết ra cuốn sách giáo khoa "Tự nhiên". Với môn "Xã hội" chắc cũng khó khăn không có gì khác. Tôi có cảm tưởng Bộ lấy ý chí làm mục tiêu khi điều kiện thực tế hoàn toàn chưa chín mùi. 

Bộ nói: Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều hội thảo về Chương trình tổng thể, lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ nhiều đối tượng khác nhau: các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam, các giáo sư, giảng viên các trường Đại học và Cao đẳng sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; cán bộ quản lý giáo dục thuộc các cơ sở đào tạo giáo viên, hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông, giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên và một số giáo viên tiêu biểu trong cả nước... Điều đó không đúng sự thật. Tôi là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam nhưng đâu có được phép tổ chức Hội thảo trong Hội trước khi góp ý kiến với Bộ. Nhẽ nào chỉ được dự vài buổi họp với tư cách cá nhân với Bộ? Việc góp ý kiến với rất nhiều giáo viên phổ thông tổ chức ở hai miền Nam Bắc khá tốn kém mà tôi được tham dự hầu như chỉ thấy để bổ sung, sửa chữa cho văn bản Bộ đã soạn thảo sẵn, chứ đâu có thể thay đổi được gì? Ban soạn thảo nên xem lại có đúng như vậy không?


2. Theo kế hoạch, năm 2018 chương trình đổi mới sẽ áp dụng ở các lớp đầu cấp trên toàn quốc. Theo ông, với nguồn lực giáo viên, cơ sở vật chất hiện tại ngành giáo dục sẽ gặp khó khăn, thuận lợi gì khi triển khai chương trình? đặc biệt là với phương pháp dạy học tích hợp mới.
Tôi không dám phê phán nhưng tôi lo là không làm được. Việc đầu tiên là phân ban sâu đến đâu, phân ra bao nhiêu ban ở cấp THPT? Đã được thảo luận đầy đủ đâu? Thường chỉ phân đến 4 phân ban là cùng. Nay phân quá nhiều phân ban mà chưa qua khảo sát năng lực thực hiện, chưa biết số lượng từng phân ban ra sao, tôi e rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chương trình theo quy định phải hoàn chỉnh trước khi thông qua một Hội đồng Quốc gia đầy đủ uy tín và quyền lực. Liệu đã có thể hoàn thành sớm chưa mà đã áp dụng từ năm 2018? Giáo viên chưa hề được đào tạo ngoài chuyên môn của mình. Thứ trưởng Bộ có trả lời phỏng vấn là sinh viên Sinh đã có học Lý và Hóa. Điều ấy đúng. Nhưng Thứ trưởng nói tiêp sinh viên Lý cũng học Hóa và Sinh, điều ấy không đúng. Tôi chưa hình dung ra các giáo viên sẽ dạy ra sao về cả những nội dung mà mình chưa hề được đào tạo?
Điều rất đáng tiếc là chúng ta hiểu quá cứng nhắc Nghị quyết Đảng nhằm chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở. Điều đó không có nghĩa là phải phân hóa ngay từ lớp 10. Tôi thiết nghĩ kiến thức Sinh học gắn liền với sức khỏe, với cuộc sống, với thiên nhiên, với môi trường vậy mà chỉ có 45 phút cho Phân ban này mỗi tuần ở cấp THCS thì quá ít ỏi. Nếu các em không chọn môn Sinh học ở bậc THPT thì kiến thức liệu có được bao nhiêu? Tôi thường nghĩ Hạnh phúc của mỗi cá nhân gắn liền với việc được trang bị những kiến thức tối thiểu khi ngồi dưới mái trường phổ thông, những kiến thức ấy làm cơ sở để tự học thêm trong suốt cuộc đời. Tôi tha thiết đề nghị có phân hóa gì thì chỉ dành cho lớp 11 và 12 ( như hầu hết các nước khác), còn lớp 10 vẫn nên dành để dạy kiến thức tất cả các các môn học. Tôi nghe nói Bộ đã sưu tầm được 40 chương trình của các nước khác nhau, các Hội khoa học chuyên ngành chúng tôi chỉ mong Bộ cho tham khảo trước khi được đóng góp ý kiến về Chương trình mà Bộ đang xây dựng ( mà riêng tôi có cảm nghĩ là chả giống với nước nào).
3. Nhiều ý kiến lo ngại, khi được lựa chọn môn học, những môn xưa nay kén học sinh như môn Lịch sử sẽ dần biến mất. Ông nghĩ sao?
Chúng ta tổ chức cuộc thi tốt nghiệp THPT với ba môn bắt buộc và 1 môn tự chọn. Các môn khác học sinh sẽ đương nhiên coi là môn phụ . Thầy cô giáo dạy các môn này còn đâu hứng thú giảng dạy. Học sinh sẽ sao nhãng các môn này là lẽ tất yếu. Tôi rất ngạc nhiên khi thế giới người ta "Học gì thi nấy", thì mình lại tạo ra môi trường để học sinh có tư duy "Thi gì học nấy". Chúng ta đã thí điểm hai kiểu thi, nên rút kinh nghiệm kiểu thi để học sinh phải có kiến thức tất cả các môn và thi gọn nhẹ trong một ngày như Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức. Tôi thấy rõ ràng kiểu thi này có ưu việt hơn hẳn về mọi mặt. Hãy nhìn kết quả môn thi Lịch sử vừa qua với 442 em có điểm 0; có 311 em có điểm 0,5; có 410 em có điểm 1 ; có 1970 em có điểm 1,5 và 2957 em có điểm 2... Có lẽ tất cả chúng ta đều phải buồn lòng. Đấy là Lịch sử nước nhà, điều mà Bác Hồ từ năm 1942 đã căn dặn: "Dân ta phải học Sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" !
4. Theo ông, với thực trạng nền giáo dục hiện nay, điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở vật chất và nguồn lực hiện nay thì năm 2018 áp dụng chương trình đổi mới, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có khả quan được bao nhiêu phần trăm? vì sao?
Tôi mong nhiều thầy cô giáo đang đứng lớp mạnh dạn trả lời câu hỏi này. Riêng phần tôi thì thấy hoàn toàn lo lắng và tin rằng không có điều kiện để đạt được kết quả như Bộ cũng như tất cả chúng ta hằng mong muốn

Không có nhận xét nào: