“Là cựu học sinh khóa 5 - khóa được sống dài nhất dưới mái trường Văn
hóa quân đội – Thiếu sinh quân (VHQĐ-TSQ) mang tên Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn
Trỗi, từ ngày mới chiêu sinh (1965) đến ngày giải thể (1970) – chúng tôi vẫn
còn đầy ắp những kỉ niệm của 5 năm thân yêu ấy… Nhờ thầy cô và nhà trường mà
chúng tôi đã có những hành trang để bước vào đời”.
Ngày 5-8-1964, dựng nên “Sự kiện
Vịnh Bắc Bộ”, giặc Mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Lũ trẻ
chúng tôi phải theo trường, theo gia đình sơ tán xa Hà Nội, Hải Phòng… tránh
bom đạn Mỹ.
Chiến tranh ngày càng ác liệt.
Cha mẹ chúng tôi, những cán bộ, sĩ quan công tác trong Thành (thuộc Bộ Tổng
tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần) và các đơn vị, đã ra chiến trường;
để lại phía sau vơ con, gia đình. Thủ trưởng bộ và các cơ quan tổng cục không
chỉ lo chuyện tác chiến mà còn lo đến cả hậu phương gia đình của những người ra
trận.
Vậy là từ tháng 3-1965, con em cán bộ, sĩ quan các tổng cục, con em liệt
sỹ được tập trung lên doanh trại của Trường VHQĐ, Bộ Tổng tư lệnh (mật danh Tiểu
đoàn 126) ở Trại Hòe, Hiệp Hòa, Hà Bắc.
Trại Hòe, Hiệp Hòa – nơi tá túc đầu tiên
Đây là doanh trại của Bộ Tổng tư
lệnh dùng để huấn luyện cán bộ đi B. Khi mới lên còn nguyên những cầu độc mộc,
cầu treo cho huấn luyện; thậm chí còn thấy những chú bộ đội cõng trên lưng
ba-lô gạch nặng 30-40 kí tập hành quân.
Bọn trẻ con thành phố lâu nay chỉ
quen sống với cha mẹ, gia đình thì nay được sống tập thể bên nhau cùng các thầy
giáo bộ đội. Trước kia chỉ quen phố phường sáng ánh đèn về đêm cùng ô-tô, tầu
điện… thì nay được về miền quê trung du, nắng chói chang, vi vu tiếng gió ngàn,
xa xa là những cánh đồng bát ngát…
Những bài học “quân kỷ” đầu tiên:
gấp chăn màn vuông chằn chặn, giày dép để đầu giường, bát đũa gài trên giá, đi
đều theo đội hình trung đội khi lên lớp và xuống nhà ăn, ăn đũa 2 đầu, điểm
danh cuối ngày…
Hè ấy, các bạn được ôn lại chương
trình các lớp 5, 6, 7, 8. Những thầy giáo bộ đội tài ba, không chỉ dạy văn hóa
rất giỏi mà còn đá bóng, vẽ vời, đàn hát rất cừ… trở thành những tấm gương cho
lũ trẻ. Chả gì hạnh phúc bằng, sau giờ học buổi chiều lại được lăn xả trên sân
bóng rồi chạy xuống con mương thủy lợi sau trường, nhảy bông-nhê tại cống 4 cửa,
bơi lội.
Thời kì này, nhà trường nằm dưới
đường bay của máy bay Mỹ tấn công Khu công nghiệp hóa chất Bắc Giang. Vậy là
thêm bài học đào hầm hào phòng không, tránh máy bay Mỹ. Nhưng bọn trẻ thì chả sợ
gì, mỗi lần có không chiến thì đều nhảy lên mặt hầm theo dõi; vỗ tay khi thấy
máy bay Mỹ bị các chú phi công ta bắn rơi.
Chiến tranh chả phải trò đùa. Những
cậu học trò bé tí ba-lô trên vai, sáng sáng hành quân vài cây số, sơ tán vào
dân; chiều tối mới trở về doanh trại. Bên lũy tre làng, bọn trẻ được học những
bài học Dân vận: giúp dân quét dọn sân xướng, chăm lo cho em nhỏ,ra đường chào
hỏi… Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy cái cối giã gạo đầu hè, cái cày cái bừa,
con trâu con bò, cái cối xay thóc… rồi được bà con dạy cách giã gạo chày đôi, gié
chân chèo xay thóc, hay những lần ra ruộng cầm liềm gặt lúa…
Mùa hè 1965 để lại trong chúng tôi, những đứa trẻ 12-13 tuổi,
những ấn tượng khó quên!
Lên An toàn khu (ATK)
An Mỹ, Đại Từ
Chiến tranh ác liệt hơn,Bộ Tổng
tư lệnh thấy Trại Hòe, Trại Cờ không còn an toàn, đã quyết định cho nhà trường
di chuyển lên An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái. Thời gian 9 năm chống Pháp, An Mỹ là ATK,
Quân y viện 354 từng đóng quân. Tại đây đã xét xử vụ án Trần Dụ Châu, nguyên
Giám đốc Nha Quân nhu, tham ô.
Một đêm cuối hè, tối trời, có lệnh
báo động hành quân. Những chiếc xa tải quân sự bịt bùng chạy vào sân. Mỗi trung
đội tập trung lên một xe. Đoàn xe lặng lẽ trong đêm theo “còn đường chiến lược”
chạy từ Hiệp Hòa sang Phổ Yên, Thái Nguyên. Nửa đêm xe thấy dừng ở bãi trống có
mấy gốc đa lớn. Từng lớp theo chỉ huy của các thầy giáo hành quân vào các làng
sâu trong chân núi. Mỗi tổ 3 người được bố trí vào một nhà dân. Lăn ra ngủ.
Sáng hôm sau tỉnh giấc thì thấy
sau lưng lừng lững một dãy núi cao, xanh rì; bên cạnh bản là con suối róc rách…
Vậy là lần đầu tiên được sống ngay sát núi rừng. Bọn trẻ lập tức rủ nhau vào rừng
khám phá. Này quả bứa, quả dọc, này trám đen, trám trắng… toàn những thứ ăn được.
Và những bài học Dân vận học được dưới xuôi này áp dụng trong điều kiện sống mới.
Cùng bà con dân tộc sống ở An Mỹ còn có bà con dưới xuôi lên khai khẩn từ chục
năm nay. Họ yêu quý những chú bộ đội tí hon.
Các anh lớp lớn phải cùng thầy
cô, được sự giúp đỡ của nhân dân, vào rừng sâu lấy gỗ, nứa, vầu về dựng lớp học,
nhà ở. Doanh trại xen kẽ các bản làng. Năm học mới cũng bắt đầu.
Ngày 15/10/1965, đúng một năm sau
ngày Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, trường Văn hóa Quân đội chính thức nhận
nhiệm vụ: đào tạo thế hệ học sinh phổ thông, theo quyết định 171/QĐQP (kí ngày
12-10-1965). Lễ khai giảng được tổ chức tại cửa rừng An Mỹ. Gần 1000 chú bé
thùng thình trong “quân phục bay”: áo blu-dông, quần xanh tím, giơ tay tuyên thệ
trước “9 lời thề danh dự của học sinh Trường VHQĐ”.
Năm học chính thức đầu tiên được
bắt đầu tại ATK An Mỹ. Khi này, học sinh khóa 1 (tuổi 16-17) học lớp 10, năm cuối
của phổ thông. Khóa nhỏ nhất là học sinh khóa 6, đang học chương trình lớp 5.
Trong điều kiện nhà trường phân tán, nhưng chất lượng giảng dạy, học tập vẫn đảm
bảo. Ngoài việc học tập, học sinh lớp lớn còn phải luyện tập hành quân, bắn
súng, tuần tra đơn vị vào ban đêm… Các lớp phải vào rừng khai thác củi về cho
nhà bếp nấu ăn.
Cuối năm học 1965-1966, 100% học
sinh khóa 10 tốt nghiệp và tình nguyện nhập ngũ. Các anh vào học tập tiếp tại Đại
học Kỹ thuật quân sự. Nhà trường tiếp tục chiêu sinh khóa 7.
Năm học 1966-1967 bắt đầu từ
tháng 9-1966. Giặc Mỹ tiếp tục mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. An Mỹ
nằm trên đường bay từ Lào sang đánh phá Khu Gang thép Thái Nguyên. Nơi đây
không còn an toàn. Quân ủy Trung ương lại quyết định cho nhà trường đi xa hơn.
Điểm đến là thành phố Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc – nơi Bác Hồ từng hoạt động
thời gian (1938-1941) và Người từng đề nghị Bạn cho Trường Thiếu nhi Việt Nam
sang tá túc ở đây thời gian (1953-1956).
Năm tháng sống xa Tổ quốc
Tranh thủ mấy ngày có “thỏa thuận
ngừng bắn” giữa 2 chính phủ ta và Mỹ, dịp Noel cuối năm 1966, nhà trường có cuộc
hành quân ngoạn mục từ An Mỹ về Hà Nội, rồi ngày 1-1-1967, bằng tầu hỏa liên vận
hành quân sang Quế Lâm. Cuộc hành quân trên con đường dài hàng nghìn cây số,
qua phạm vi lãnh thổ 2 quốc gia đã thành công mĩ mãn.
Nhà trường được tá túc trong
khuôn viên của Trường Trung học số 1 Quế Lâm (gọi tắt: Y Trung), ở Xuyên Sơn,
ngoại ô thành phố. Thầy trò Y Trung khi này dừng học tập, tham gia Đại cách mạng
Văn hóa.
Học kì 2 được tiến hành ngay sau
khi đặt chân lên đất Bạn. Chưa thích nghi với khí hậu lạnh của vùng đất Quế Lâm
thì nhà trường phải đối đầu với dịch Viêm màng não. Vừa chống chọi với bệnh dịch,
vừa tiến hành dạy, học. “Hướng về tiền tuyến lớn, thi đua dạy và học tốt” là khẩu
hiệu của thầy trò nhà trường.
Vừa đối nội, nhà trường vừa hoạt
động đối ngoại, giữ tốt mối quan hệ với chính quyền và nhân dân địa phương. Tuy
có khó khăn trong Cách mạng Văn hóa, Bạn vẫn dành cho ta những ưu tiên hời gian
này, Bạn cũng khẩn trương hoàn tất khu trường mới xây dựng cho Trường VHQĐ-TSQ
Nguyễn Văn Trỗi.
Năm học (1966-1967) kết thúc,
100% học sinh khóa 2 tốt nghiệp và trở về nước, nhập ngũ. Các anh được tập
trung ngay sang Liên Xô, đào tạo kĩ sư quân sự các chuyên ngành. Nhà trường tiếp
tục chiêu sinh học sinh khóa 8 từ Việt Namsang, vào học chương trình lớp 5.
Năm học này, nhà trường chuyển
sang khu mới ở Nghiêu Sơn,đàng hoàng hơn, quy củ hơn. Hướng về tiền tuyến vừa dạy,
học tốt, các thầy còn tổ chức cho học sinh các hoạt động ngoại khóa: hành quân
dã ngoại, gặt lúa giúp dân, biểu diễn văn nghệ, giao hữu bóng đá với các trường
Việt Nam…
Kết thúc năm học, khóa 4 được về
nước huấn luyện tại Trường Quân chính Quân khu 3. Sau khi khóa 3 đạt 100% trong
kì thi tốt nghiệp cũng lên đường về nước nhập ngũ. Trường Quân chính Quân khu 3
đã giúp nhà trường huấn luyện gần 400 học sinh khóa 4, khóa 3, sau 3 tháng học
tập, có năng lực chỉ huy cấp tiểu đội.
Trở về nước
Năm 1968, sau chiến dịch Mậu
Thân, tương quan lực lượng có nhiều thay đổi. Tổng Quân ủy quyết định cho Trường
VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi trở về nước học tập, rèn luyện. Nhà trường đóng quân tại
Trung Hà (Sơn Tây) và Hưng Hóa (Phú Thọ). Sau đó, có mở thêm phân hiệu ở Thạch
Thất.
Gắn liền với thực tiễn chiến trường,
công tác giáo dục của nhà trường cũng có những cố gắng vượt bậc. Đội học sinh
giỏi lớp 9 (khóa 5), lớp 10 (khóa 4) tham gia Thi học sinh giỏi Toán miền Bắc tại
Trường Hùng Vương đã mang về giải đồng đội. Vừa học tập chuyên môn, học sinh được
học tập Xạ kích, bắn đạn thật súng CKC và AK-47; luyện tập “Đâm lê Quyết thắng”
bài võ thể dục 36 động tác; những cuộc hành quân đường dài; canh gác bảo vệ đơn
vị. Đồng thời, đã giúp nhân dân địa phương thu hoạch mùa màng, xây dựng làng xã
văn minh…
Kết thúc năm học (1968-69) rồi
(1969-70), học sinh khóa 4 rồi khóa 5 tình nguyện nhập ngũ. Số đông vào học Đai
học Kỹ thuật quân sự và Đại học Quân y, sẵn sàng bổ sung cho chiến trường.
Giải thể nhưng tên trường không mất
Sau 5 năm tồn tại, nhà trường đã
đào tạo gần 1200 học sinh. Trong đó có hơn 800 học sinh nhập ngũ. Hoàn thành nhiệm
vụ của mình, cuối tháng 5-1970, nhà trường kết thúc chương trình đào tạo học
sinh phổ thông và trở lại Lạng Sơn (nơi đóng quân trước 1965) với nhiệm vụ đào
tạo cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.
Chỉ sống bên nhau có 5 năm nhưng
thày trò Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi gắn bó tới tận bây giờ. Từ cuối những
năm 80 thế kỷ trước, thầy, bạn cũ tìm lại nhau, nhen nhóm sinh hoạt. Ngày
15-10-1991, Thầy Bùi Khắc Quỳnh, Chính ủy nhà trường, chính thức công bố ra mắt
Ban liên lạc kết nối thầy trò toàn quốc. Việc giao lưu thường xuyên trong các
khóa diễn ra hàng năm. Hội trường được tổ chức vào các năm chẵn ở cả 3 miền.
Với bề dày 50 năm, chưa phải quá
dài cho một mái trường; hơn nữa nhà trường chỉ tồn tại có 5 năm; nhưng chúng
tôi vô cùng tự hào vì mình là thầy cô giáo, là học sinh của mái trường đầu tiên
trên miền Bắc XHCN được mang tên Nguyễn Văn Trỗi, cho dù ngày hôm nay không còn
mái trường cụ thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét