Sử dụng dây chun thông minh
Video trẻ dễ bị lừa thế nào qua mạng xã hội
Một video lan truyền mấy ngày nay về cuộc thử nghiệm "dụ dỗ các cô gái mới lớn" qua mạng xã hội đã khiến nhiều bố mẹ tá hỏa. Theo các chuyên gia, trẻ Việt cũng dễ bị lừa như vậy.
Ngày 10.8, Coby Persin, một nhân vật Youtube nổi tiếng đã đăng tải đoạn video thử nghiệm của anh để chứng minh cho các bậc phụ huynh thấy con gái họ dễ bị lôi kéo, gặp nguy hiểm thế nào khi kết bạn qua mạng xã hội. Coby đã lập một tài khoản Facebook giả, tự nhận là một cậu bé 15 tuổi, để thử tiếp cận và dụ dỗ ba cô bé ở độ tuổi 12, 13 và 14. Anh cũng bí mật mời phụ huynh của 3 em tham gia thử nghiệm với mình.
Cô bé đầu tiên là Mikayla, 13 tuổi. Em đợi lúc bố mẹ ra ngoài rồi nhắn tin cho "bạn chat" đến gặp tại công viên. Tới nơi, cô bé lập tức trò chuyện với người đã hẹn và chỉ tá hỏa khi thấy bố xuất hiện.
Cô bé thứ hai, tên Julianna, 12 tuổi, sau vài lần chat đã đồng ý hẹn với Coby tại mình, sau khi bố đi ngủ. Trong khi đó, bố cô bé đang ngồi cùng Coby và cầu mong con gái không dại dột mở cửa cho người lạ vào nhà lúc nửa đêm như vậy. Sự thực ngược lại khiến ông bố đơn thân vô cùng đau đớn thốt lên: "Sao con lại làm vậy, con có thể bị xâm hại, bị giết, biết không!".
Trường hợp thứ ba là cô bé Jenna, 14 tuổi, đã leo ngay lên xe ô tô của người mới chat cùng vài ngày.
Chỉ sau một tuần đăng tải, video này đã thu hút hơn 32 triệu người xem và có tới hơn 16.300 lượt bình luận. Có người chia sẻ: "Tôi cảm thấy quá sốc khi xem xong. Tất cả các ông bố bà mẹ cần ngồi lại với con cái mình và cùng nhau xem video này". Một người khác bình luận: "Các cậu bé cũng có thể bị tấn công, qua internet, như những cô bé. Trẻ cần được bảo vệ"...
Trước tình huống này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Ngân cho rằng, để giúp con không dễ dàng bị dụ dỗ qua mạng, không phải đợi tới lúc trẻ lớn mới hướng dẫn, phụ huynh cần dạy con từ khi 3-4 tuổi, về những mối nguy trẻ có thể gặp và cách phòng tránh.
Theo bà, trẻ gái vào giai đoạn dậy thì là đã biết phân biệt đúng sai nhưng lại rất tò mò và thích làm trái với lời dạy. Khi đó, bố mẹ càng cấm, con sẽ càng làm ngược lại. Bởi vậy, thay vì bảo con phải thế này, không được làm thế kia, hãy hướng dẫn, đơn thuần chia sẻ với trẻ các câu chuyện, cho con những lựa chọn.
Tuy nhiên, theo bà, cũng không nên làm quá mức, làm trẻ cảm thấy hoang mang về cuộc sống xung quanh, luôn nhìn mọi người bằng con mắt nghi ngờ. Theo thống kê, 70% các nguy cơ đến với trẻ là từ người quen. Vì vậy, thay vì dạy trẻ phải tránh xa người lạ, tránh nói chuyện với những người chưa quen trên mạng, thì cần dạy con nhận biết các nguy cơ, để trẻ hiểu rằng cần đề phòng nguy cơ chứ không phải là một người nhất định nào đó.
Chẳng hạn: Thay vì nói với con rằng không được tiếp xúc với người lạ, hãy hướng dẫn cho con biết, người lạ có thể là mối nguy cho con khi:
- Họ cố tiếp cận với con nơi vắng vẻ;
- Bắt con phải giấu kín bố mẹ về cuộc trò chuyện giữa con và họ
- Bắt con làm việc gì đó mà không được nói cho bố mẹ biết...
Chuyên gia cho rằng, đừng bảo con không được nói chuyện với người lạ hay người lạ là người xấu, mà hãy bảo trẻ:
- Không cho người lạ vào nhà
- Không đi theo khi người lạ rủ rê
- Không hẹn gặp người mình chưa biết rõ ở nơi vắng vẻ
- Không giấu giếm cha mẹ về họ...
Bà Ngân cho rằng, hiện nay mạng xã hội được sử dụng phổ biến và việc kiểm soát trẻ sử dụng mạng là vô cùng khó. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn có thể giám sát trong một chừng mực nào đó, chẳng hạn, cài ứng dụng theo dõi trên di động (nếu con sử dụng điện thoại) hay kiểm tra lịch sử các trang truy cập trên máy tính.
"Nhưng hãy thực hiện thật khéo, đừng để trẻ cảm thấy mình đang bị kiểm soát, theo dõi... nếu không, tác dụng sẽ ngược", bà Ngân nói.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam thì cho rằng, video trên cho thấy một thực trạng hiện nay ở nhiều quốc gia, không chỉ tại các nước phương Tây. Thực tế, tại Việt Nam, báo chí từng đăng tin về nhiều trường hợp trẻ tuổi teen đồng ý vào nhà nghỉ cùng người chỉ mới chat vài lần qua mạng, sau đó bị cướp, xâm hại, thậm chí thiệt mạng.
Theo bà Quý, các em gái tuổi teen Việt cũng dễ sa đà và bị mắc vào cạm bẫy trên mạng cộng đồng vì nhiều lý do.
Thứ nhất, trẻ hiện nay dậy thì sớm hơn, từ 10 đến 11 tuổi. Ở độ tuổi này, các em có sự biến đổi tâm sinh lý mạnh trong khi sự phát triển về đời sống tâm lý xã hội lại chậm hơn, dẫn tới sự mất cân bằng. Không những thế, khi ở nhà, ở trường, trẻ thường bị ép học nhiều, nhưng lại không có động cơ đúng cho việc học nên dễ chán nản. Giao lưu bạn bè là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi này thì lại ít được người lớn chú ý đến. Các em thiếu sân chơi thực tế nên càng dễ sa vào sân chơi ảo trên mạng.
"Ở lứa tuổi mới lớn, các em gái thường không thích các bạn trai cùng lớp bằng những người khác giới hơn tuổi, tỏ ra giàu kinh nghiệm hơn. Nếu gặp những người xấu, có kinh nghiệm gợi mở, tán tỉnh, trẻ thiếu kỹ năng sống, thiếu khả năng kết bạn, nhận diện người tốt kẻ xấu thì rất dễ mắc lừa", bà Quý chia sẻ.
Theo bà, việc quan trọng nhất để giúp con tránh những cạm bẫy này là ngay từ khi trẻ nhỏ, bố mẹ cần luôn gần gũi, dành thời gian chơi, trò chuyện với con, chiếm được lòng tin để trẻ sẵn sàng tâm sự mọi chuyện.
Bạn cũng đừng nên ép con học quá nhiều, cần định hướng cho con trong cách chọn bạn. Chia sẻ với con những câu chuyện có thật, gặp hậu quả do tin lầm người, sa đà vào thế giới ảo.
Nguồn: http://giadinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét