Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Nhớ người thầy không đứng trên bục giảng


Giáo sư Tôn Thất Tùng (người mặc comple trắng bên trái) hướng dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày giải phóng thủ đô (ảnh tư liệu).

Nhóm bạn đồng môn của chúng tôi thi thoảng có dịp cà phê sáng cuối tuần với nhau ở góc quán quen thuộc, nam thanh nữ tú đều có cả. Không khí đầu đông vẫn còn chút nóng bức, gánh hàng hoa khoe sắc chầm chậm dạo qua con phố nhắc anh bạn tôi nhớ đến ngày lễ ngành của vợ, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Ngày mà tất cả chúng ta đều hướng về những người thầy cô yêu quý của mình, những người lái đò thầm lặng. Hôm đó chúng tôi đã kể cho nhau nghe rất nhiều về người thầy, ai cũng có những ký ức khó quên. Chúng tôi nhắc đến cả những người thầy chưa bao giờ đứng trên bục giảng và ai ngờ lại là đề tài thú vị nhất từ trước đến nay được đem ra bàn luận.



Cần có hơn một người thầy
Từ xưa, ông cha ta đã có không biết bao nhiêu lời thơ, điệu hò để ca ngợi công lao trời biển của người thầy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “Công cha, áo mẹ, chữ thầy”, “Vua, Thầy, Cha, ấy ba ngôi/ Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng”... Cô cháu gái của tôi năm nay học lớp 4, thi thoảng lại tha thẩn bài hát “Bụi phấn” với ca từ vừa trong trẻo vừa tình cảm: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi/Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy”…
Năm 1994, tổ chức UNESCO chọn ngày mùng 5.10 là Ngày Nhà giáo quốc tế, vinh danh các tổ chức giáo viên trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, từ năm 1954 đã có ngày 20.11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người. Ngoài ra, ở ta còn có một ngày lễ thầy, đó là ngày mùng ba tết “Mùng một tết cha/Mùng ba tết thầy”, để những ai đi xa hay bận rộn vẫn có dịp trở về thăm cô, thầy.
Một người anh lớn tuổi được xem là thành đạt trong nhóm chúng tôi khẳng định, trong cuộc đời của mỗi người có rất nhiều người thầy. Những người thầy đứng trên bục giảng và những người thầy không đứng trên bục giảng. Người thầy ở trường lớp được ví như đế của một cây nến, giúp cho cây nến đứng vững. Còn người thầy không ở bất cứ một trường lớp nào, mà chúng ta gặp bên ngoài cuộc sống giống như thân cây nến. Họ chính là chất xúc tác giúp cho ngọn nến cháy sáng mãi trong đêm.
Tỉ phú Bill Gates đã nhận được nhiều bài học từ tỉ phú Warren Buffett. 
Trong Tạp chí Doanh Nhân vừa qua có đăng một bài hay về chủ đề này, người viết bài đã phỏng vấn những người thành đạt nổi tiếng trên thế giới, thậm chí là những tỉ phú và bài học thành công của họ là cần có hơn một người thầy. Đặc biệt nhấn mạnh, sự nghiệp người thành công không thể thiếu một trong hai người thầy sau: Người thứ nhất để đưa lời khuyên và định hướng cho bạn; thứ hai là người đỡ đầu giúp bạn thăng tiến trong bất kỳ tổ chức nào. Họ là người thầy bí ẩn, lặng lẽ đi bên bạn trong suốt cuộc hành trình của đời người.
Cũng là điều dễ hiểu, khi đằng sau những người thành đạt nổi tiếng, báo chí thường nhắc đến hình ảnh người thầy có ảnh hưởng lớn nhất đến sự thành công của họ. Chẳng hạn, thầy giáo và cố vấn của tỉ phú Warren Buffett là Benjamin Graham. Còn tỉ phú Bill Gates nổi tiếng lại là học trò của Warren Buffett. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý sự thành công là nỗ lực phi thường của chính bản thân người khởi sự, xem thất bại là những bài học để thành công, còn “thành công là người thầy tồi tệ” và vì thế họ không ngừng nỗ lực cố gắng.


Người thầy bí ẩn là ai?
“Đó là người đưa cho bạn lời khuyên, chỉ đường cho bạn vượt qua những khó khăn thách thức trong sự nghiệp”. Công việc của người thầy thường mang tính phổ quát, còn công việc của người cố vấn cũng tương tự như thế nhưng dựa vào lợi thế quyền lực nhiều hơn. Hai người này dễ bị nhầm lẫn vai trò của nhau.
Người thầy không cần phải làm chung cơ quan với chúng ta, cũng không cần phải là người có hình dáng, tính cách giống ta. Nhưng phải hiểu rõ con người chúng ta. Nhiều người thầy có thể là đồng nghiệp cùng cấp, thậm chí dưới cấp của nhau. “Tôi cho anh ta những kinh nghiệm của người đi trước, anh ta cho tôi công nghệ của thời đại ngày nay”...
Anh bạn người nước ngoài của tôi làm việc trong một doanh nghiệp mang tầm quốc tế, tính chuyên nghiệp cao, ít nhiều cũng có vị trí mà nhiều người mơ ước đã bật mí một bí quyết: “Có thể bạn theo đuổi một nghề nghiệp lâu dài mà không có thầy. Nhưng bạn cần phải có người đỡ đầu nếu muốn thăng tiến trong bất kỳ tổ chức nào. Một người đỡ đầu là người đứng sau lưng bạn, sẽ bảo vệ bạn để bạn được thăng chức hoặc nhận thưởng cao hơn các đồng nghiệp khác, hoặc trao cho các cơ hội phát triển”. Anh ta lại tận tình giải thích cặn kẽ: Thứ nhất, người đỡ đầu phải là người trong tổ chức của bạn. Thứ hai, họ phải có ảnh hưởng đến công việc của bạn. Thứ ba, họ phải là người thuộc nhóm người có quyền ra quyết định. Và thứ tư, họ phải có những bí quyết giúp họ thắng thế trong quá trình ra quyết định. Họ phải có quyền lực làm việc đó – dù cho đó là lợi ích nào cho bạn, sự thăng chức, cơ hội phát triển tốt, hay khoản thưởng hậu hĩnh.
Quả thật những lời nói của anh rất chí lý, mang đậm tính chất công việc của một người làm kinh doanh. “Nhưng nghĩ rộng ra thì một người trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực nào cũng nên có một người thầy, một người quân sư như thế” - người anh khác của tôi nhấn mạnh.
Những người trẻ ở Việt Nam hình như chưa mấy chú trọng về vấn đề này theo một cách chuyên nghiệp, kể cả lớp đàn anh của họ. Người thầy phần lớn là hình mẫu lý tưởng để họ làm gương, lồng kính treo trên tường và nuôi ý chí; là người xa cách vời vợi với họ, thậm chí chưa một lần gặp mặt hay chuyện trò. Với họ, người thầy để đời cho mình một câu nói, một lời khuyên chung, họ thấy thú vị và họ bằng nỗ lực, tài trí đã biến nó thành “của riêng” cho mình mà thành công.
Phó giám đốc của một bệnh viện trung ương tài năng và uy tín đã chia sẻ về thành công của mình là nhờ câu nói của người thầy giáo trước đám học sinh đang ngơ ngác buồn thảm của mình rằng: “Ngành của chúng ta như là mảnh đất đang còn bị bỏ hoang, chưa ai khai phá, còn những ngành khác thì đã bị cày xới lên hết cả rồi”. Một câu nói vừa đầy khó khăn vừa thử thách, nhưng nó lại đánh trúng sự tò mò, thích khám phá chân trời kiến thức mới của vị bác sĩ này và anh đã nỗ lực thành công. Với hai lần du học sang Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ, được ghi công trạng ở Văn miếu Quốc Tử Giám và nhận Cúp Thánh Gióng, biểu tượng Nhân tài Đất Việt.
Chúng ta vẫn còn nhớ rất rõ câu chuyện người thầy của Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng. Người thầy vĩ đại của ông chính là Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta. Năm 1948, ông được chỉ định vào Chính phủ kháng chiến, làm Thứ trưởng Bộ Y tế - một công việc mà ông không muốn lắm, vì ông không quen công tác lãnh đạo. Ông thích làm việc ở một cơ sở sản xuất, như là ở một bệnh viện. Song mỗi tháng được họp Hội đồng Chính phủ một lần do Bác chủ tọa, cũng là dịp để ông được gặp Bác. Mỗi lần được gặp Bác, ông lại như được tiếp thêm tinh thần để làm việc càng tốt hơn.
Ngót một phần tư thế kỷ, Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Tùng đã sống, làm việc và trưởng thành dưới sự chỉ bảo ân cần của Bác. Khi nghe tin Bác mất, ông đã viết những dòng vô cùng xúc động: “Bác ơi! Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ”.
Một tiến sĩ khảo cổ học rất thành danh đã nói, ông có hai người thầy đã tạo nên ông ngày hôm nay: “Một người đã giúp tôi trở thành người học trò giỏi, một người giúp tôi trở thành nhà khoa học. Nhà khoa học không chỉ là một người làm khoa học đâu, mà anh phải là một con người có rất nhiều tính nhân văn mà tôi học được ở thầy”.


Tìm được không dễ
Ai cũng mong muốn có được người thầy để làm quân sư cho mình, nhưng điều đó chẳng hề dễ dàng. Trước khi viết bài, tôi đã gọi điện cho một người anh, hiện là Tổng Thư ký trong một tòa soạn báo có uy tín, chỉ ở vị trí thứ hai sau sếp tổng của cơ quan. Một người được nhiều ngợi ca về đức độ lẫn tài năng thực thụ. Rằng, làm thế nào để tìm được người thầy như thế, câu trả lời của anh khiến tôi hơi thất vọng nhưng lại là câu trả lời của rất nhiều người thành đạt, rằng, anh không có một người thầy như thế, người thầy đó chính là... bố của anh. Tôi nhớ tỉ phú Bill Gates cũng có một người cha như thế và gia đình là nền tảng để sự nghiệp của ông không ngừng vươn cao.
Nhưng nhiều người trẻ đã không có may mắn, họ buộc phải tìm kiếm người thầy cho mình và chẳng hề dễ dàng chút nào. Carla Harris - Phó Chủ tịch Ngân hàng Morgan Stanley và là Chủ tịch của Hội đồng Phụ nữ kinh doanh Quốc gia do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm - trả lời phóng viên về cách để những người như bà chấp nhận cho một người tiềm năng? Bà nói: “Tôi đã tìm được một người đỡ đầu chỉ vì tôi mạnh dạn đề nghị. Khi mới bắt đầu làm, tôi nhận ra rằng tôi đang được cân nhắc đề bạt và tôi không thể trả lời câu hỏi này: Ai sẽ là người ra quyết định tôi sẽ được thăng chức? Rồi tôi muốn nhờ ai làm điều đó cho tôi. Thoạt đầu, ông ta chỉ ậm ừ nghĩ ngợi. Rồi ông ta đồng ý. Và tôi tin rằng ông ta có thể làm được. Nếu một ai đó tới trước tôi sau khi tôi phát biểu và nói “Bà làm thầy của tôi nhé?”, tôi sẽ thẳng thừng “Không, tôi không thể vì tôi chỉ vừa gặp cậu. Tôi có thể tư vấn, nhưng cách tốt nhất khiến tôi thành thầy của cậu là ta tạo dựng một mối quan hệ”. Việc này thì khá khó vì tôi quá bận. Tiêu chí quan trọng nhất để làm thầy đối với tôi là liệu người đó có tự nguyện làm gì cho người khác. Nếu tôi đầu tư thời gian cho bạn, nếu tôi phải dậy và tới sân bay lúc 6h sáng và gọi cho bạn vì gặp vấn đề, tôi sẽ cảm thấy thoải mái nếu như bạn làm điều tương tự khi bạn gọi tôi vào lúc 6h sáng. Tôi cũng tìm kiếm những người có can đảm để làm theo lời khuyên”.
Như vậy, bà Carla Harris đã bật mí cho chúng ta điều kiện để có được “người thầy sự nghiệp” như thế nào. Trước hết là tiềm năng của chúng ta, việc ta có thật sự mong muốn và phải biết rằng, họ là một người vô cùng bận rộn.
Sự học của con bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Trước đây, những gia đình thuộc dòng tộc giàu có thường đưa con em mình vào những trường có uy tín, hoặc gửi gắm cho một thầy đồ nổi tiếng nào đó, để mong con sau này có một tiền đồ xán lạn. Ngày nay điều kiện kinh tế tốt hơn, các mối quan hệ cũng được mở rộng hơn nhờ thông tin liên lạc, việc giao lưu, tìm kiếm người thầy cho mình cũng dễ hơn. Tuy nhiên nỗ lực của bản thân vẫn là điều kiện đầu tiên, có thể sự nỗ lực đó sẽ đưa đến cho chúng ta những người thầy vĩ đại. Mà anh bạn tôi đã nói chí lý rằng, đó là Nhân Duyên.

Không có nhận xét nào: