Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

NĂM DẬU NÓI THÊM VỀ GÀ CHÍN CỰA (Thanh Trần)


Năm Dậu thiết nghĩ  hiểu biết và niềm vui của mỗi người được gom góp lại và dãi bày để mọi người cùng thưởng thức thì cũng là điều nên làm, nhất là về gà.
Có lẽ truyền thuyết về Vua Hùng kén rể với câu nói: "Voi chín ngà - Gà chín cựa - Ngựa chín hồng mao" làm cho người ta thấy tò mò khi được nghe đến giống gà này.
Xét về địa lý, nếu đi ngược lại thời gian vào thời kỳ trước công nguyên thì biển còn ăn sâu vào đất liền và người già có nói lại đứng ở Việt Trì (bây giờ) có thể nhìn thấy các rừng đước ở chỗ Sông Đuống hay Từ Sơn (ngày nay), vậy giống gà này có ở đất Phú Thọ là đúng rồi. Một điều lạ là giống gà này sao không được chuyển xuống vùng xuôi nuôi qua suốt khoảng 2.000 năm đã qua? Việc săn tìm và dâng hiến các sản vật quí vốn là một tập tục của người dân đối với vua quan, cũng như vua quan đối với nhau thì sao lại không thấy có ở Kinh thành, đâu phải chờ đến ngày nay mới có được giống gà chín cựa ở Thủ đô? trong sách Tam tự kinh đã ghi: "Mã Ngưu Dương, Kê khuyển thỉ, Thử Lục Súc, Nhân sở tự"(1). Các loài, các nòi hay các giống lạ của Ngựa, chó, trâu, lợn, dê đều đã được ghi thành sách trong suốt quá trình phát triển xã hội. Với gà cũng vậy: nào là gà Đông Tảo, gà Tân Châu, gà Hồ, gà chọi... có các nòi từ các tỉnh khác nhau từ Nam chí Bắc. Rồi gần đây có thêm gà Thái Lan, gà Ai Cập, gà Trung Quốc, gà công nghiệp đưa giống từ châu Âu vào cùng hòa nhập vào đại gia đình gà ở Việt Nam. Thế mà giống gà chín cựa có thật và được đi vào truyền thuyết, một truyền thuyết vừa liên quan đến lịch sử sơ khai của đất nước, vừa liên quan đến một phong tục rất Việt Nam là lễ vật ăn hỏi trong hôn nhân, vừa liên quan tới một nhân vật đã đi vào tâm linh của người Việt trong Tứ bất tử lại không thấy nêu?!


Thôi không sao! Cái gì chưa thấy mà bây giờ thấy thì ta bổ xung vào, cái gì đã nghe mà bây giờ mới thấy thì ta cũng nêu lên.
Vậy giống gà chín cựa so với gà thường có gì khác?
1. Về mào và hình dáng:
Gà trống và gà mái đều có các kiểu mào giống nhau nhưng gà trống bộc lộ mào tiêu biểu hơn, to hơn, đẹp hơn. Các loại mào ta thường thấy là mào cờ, mào mâm xôi, mào sít các loại mào này có thể mọc thẳng giữa đầu cân đối hoặc lệch sang một phía, rồi có thể pha trộn để có hình dáng mào lai.
Giống gà nuôi ở dưới xuôi đã được lai tạp và thuần hóa qua nhiều nghìn năm và mào cờ là phổ biến nhất.
Gà chín cựa là giống gần với gà rừng, được nuôi trong vùng rừng núi. Gà rừng có mào sít là phổ biến nhất, ta cũng có thể thấy mào mâm xôi.
Vì còn gần gũi với điều kiện sống rừng núi nên gà chín cựa chỉ có dáng gọn, thon chứ không to xù như gà công nghiệp. Bình thường gà trống chỉ nặng 1.3kg đến 1.5 kg khi đã trưởng thành, hiếm con nặng đến 2kg. Gà mái cũng chỉ khoảng 1.2kg đến 1.4kg.
2. Về lông:
Màu sắc lông của gà chín cựa rất gần và giống với các loại gà ta đã thuần dưỡng như: màu chuối, màu bịp, màu tía, màu ô...Tuy nhiên có hai điểm khác biệt mà biểu hiện ở gà trống rõ hơn là lông bờm trên đầu và lông phủ ở mi mắt. Lông bờm ở đầu thì gà trống và gà mái đều có còn lông phủ ở mi mắt thì chưa thấy có ở gà mái.
3. Về chân:
Đây là phần đáng bàn nhất của giống gà này: Gà nuôi đến độ nhất định ở hai bên quản chân sẽ mọc ra cựa, thường là mỗi bên mọc ra 1 cựa, hi hữu lắm thì có 1 cựa chính và 1 cựa phụ nhỏ hơn nhú lên. Cựa là bộ phận sừng rất cứng; giống như một mẩu xương nhọn đặc, ở gà trống cựa này phát triển hơn và thường được gà sử dụng trong những cuộc chiến giữa hai gà trống để phân thắng thua và chia ngôi thứ trong đàn. Với giống gà chín cựa cũng vậy mỗi bên chân chỉ có 1 cựa cứng như sừng mọc ra thôi!
Những chiếc còn lại mà người ta gọi là cựa lại không phải là cựa mà là ngón chân! giống gà này có các ngón chân mọc trên quản chân.
Vậy con gà có mấy ngón chân ở mỗi bàn? đây chính là cách nói đơn giản nhưng khi nhìn số ngón chân của gà chín cựa sẽ có những khác biệt trong một số trường hợp.
Tất cả các giống gà nuôi hay gà rừng trên một bàn chân có 4 ngón chân: 3 ngón dài chĩa về phía trước và 1 ngón ngắn hơi choãi về phía sau. Trong phép bói chân gà của ông cha ta ngón ngắn gọi là ngón chỏ, nó xác định một loạt các dự đoán khi hướng nó chĩa vào đâu và 3 ngón dài được sắp xếp thế nào sau khi chân gà được chần qua. Vấn đề này khá thú vị, được xếp trong kiến thức di sản cổ học của dân tộc.
Nếu chúng ta quan sát kỹ giống gà chín cựa đang nuôi (hay qua các tấm ảnh đã đăng) ngón chỏ này hầu như cũng được tính là 1 "cựa" khi vị trí của nó mọc cao lên về phía quản. Một điểm nữa cũng cần quan sát là nếu con nào có 2 hay 3 ngón (cựa) mọc liền nhau thì giữa các ngón này thường có lớp màng liên kết, nó cho ta một cảm giác giống như một cái quạt xòe ra.
Lại có những con gà không mọc ngón ở ống quản mà ở gối hay thậm chí ở đùi lại thò xuống 1 ngón chân! sự phân tán và xuất hiện ngón ở các vị trí khác nhau quả thật rất thú vị.
Một điểm cuối cùng cũng cần nêu ra về ngón cựa là số "cựa". Ở đây cả ngón và cựa đều được gọi chung là "cựa" (để trở về với khái niệm nguyên bản mà người ta đặt tên cho giống gà). Gà cũng như muôn loài động vật cái "thường" do trời đất sinh ra là sự cân đối. Nếu chân phải có 2 cựa thì chân trái cũng có 2 cựa, chân phải có 3 cựa thì chân trái cũng có 3 cựa...Vậy số "cựa" của con gà luôn là tổng số của hai chân cộng lại.
Nhưng, phàm đã có cái "thường" ắt phải có cái "biến thường". Có một số con gà một chân có số cựa lẻ và một chân có số cựa chẵn và tổng số sẽ là số lẻ. Qua kinh nghiệm theo dõi, số cựa của một chân lên đến 4 để hai chân có 8 cựa là hiếm và quí lắm rồi. Người viết bài này chưa thấy con gà có một bên 4 cựa và một bên 5 cựa để tổng nó là 9. Cái ta phải quan tâm con số 9 (không chỉ là con số mà các nhà số học hay quan tâm trong chiêm toán) là vì đây là con số mà người ta đã đặt tên cho giống gà này! Rất có thể thời gian cũng bào mòn hình  thức của các chú gà nếu lấy thế kỷ 21 sau công nguyên so với giai đoạn trước công lịch? Không sao, vua đã "ra đề bài" ắt là phải khó tìm, chàng rể đã "giải bài toán" xuất sắc mới là một trong Tứ bất tử!
4. Cách nuôi gà thế nào:
Xuất phát từ ấn tượng: giống gà quí hiếm khó nuôi, dễ ốm... mà nhiều người quan tâm đến cách nuôi của giống gà này với một thiện tâm là để bảo tồn được loài vật.
 Thực ra chúng cũng giống như giống gà ta, không khó nuôi đâu. Ăn cơm, ăn ngô, ăn thóc... tùy theo thức ăn ta nuôi hàng ngày. Tuy vậy nếu cho ăn thức ăn mới thì nên chuyển dần từ thức ăn cũ sang, không nên thay đổi đột ngột gà sẽ khó quen. Giống này cũng nghịch ngợm, rút rát, thân người, hung hăng, hiền lành... như gà chọi hay gà ta. Cái chính là ta gần gũi và chăm sóc nó theo cách "nhân vật đồng cảm" thì ta sẽ thấy nuôi chúng không khó khăn đâu. Cũng nhớ dùng thuốc chống cúm vào lúc chuyển mùa để ngăn chặn dịch chung.
Có người hỏi thịt gà chín cựa có ngon thật không? tất nhiên người chăm gài phải khẳng định ngay là thịt gà chín cựa để vua chúa ăn quả là đúng. Thịt rắn mà không cứng, thơm mà có hậu, nạc mà không nhạt, béo mà ít ngấy. Đừng quên rằng: cảm giác ẩm thực còn gắn liền với sự thưởng thức của tinh thần và trạng thái vui vẻ, thoải mái nữa chứ!
Một điều tâm sự cùng các bạn đang nuôi giống gà chín cựa là: chúng ta cố gắng giữ được sự thuần khiết của giống gà trong chăm sóc, chế độ ăn uống và quan sát, nghiên cứu các đặc điểm của nó, những điều thú vị đó chỉ có được ở những người chủ có sự yêu thương con vật mình chăm, đừng nuôi nó theo chế độ vỗ béo, công nghiệp quá mức, nếu làm thế bạn có thể có một con gà dăm bảy cân để bán được đôi ba triệu đồng, nhưng bạn đã giết đi những cái bản chất của giống gà này, đúng không? Ở đời người ta hay nói Phú quý nhưng cũng rất nhiều người không phú và rất quý, vì những người đó biết giá trị của cái quý mà không để cho cái phú xâm tập vào.
Có ba giống vật rất gắn bó với con người: Con ngựa khôn khi xa chủ có thể bỏ ăn mà ốm, con chó dù chủ có nghèo đến đâu vẫn đi theo đến cùng và con gà là chủ tín, nó cầm canh bằng tiếng gáy rất đúng, nó chủ tín về thời gian.

`                                                                            Thanh Trần

 (1): Ngựa, trâu, bò, dê, gà, chó, lợn là sáu giống súc vật con người nuôi.



Không có nhận xét nào: