Ăn kem là thú của mọi người, nhất là trẻ con trong những ngày hè nóng nực. Ngày xưa ở HN dân thường chỉ biết tới kem que, chứ làm gì dám “lớ xớ” đến kem cốc, kem ốc quế như giờ.
Có nhiều hiệu kem, từ sau 1954 vẫn thuộc các chủ tư nhân, cho đến năm 1957 khi “cải tạo tư bản tư doanh” mới sáp nhập vào làm xí nghiệp “công-tư hợp doanh”, bên cạnh chủ cũ có chủ mới là đại diện nhà nước. Ngay tại các cửa hàng kem, phía ngoài là quầy bán kem còn bên trong là xưởng sản xuất.
Quanh Bờ Hồ có Kem Hồng Vân-Long Vân (dãy nhà 2 tầng ngay cột đồng hồ đối diện Bách hóa Thiếu nhi, nay nhà hàng ăn nhanh KFC - Hàm cá mập). Sát mặt hồ phía bãi tập xà (nay là trụ sở Bảo Việt và VPBank) là cửa hàng giải khát Thủy Tạ có bán kem (có lẽ lấy kem từ Hồng Vân-Long Vân). Vòng tiếp bờ hồ ra Hàng Trống tới Kem Bốn Mùa (hay mang sang phía hồ bán); rồi trên đường Tràng Tiền có Kem Tràng Tiền, đối diện rạp Công Nhân…
Còn ở góc phố Huế - Nguyễn Du có Kem Cẩm Bình chuyên sản xuất kem cà phê, ngay phố Yết Kiêu gần nhà tôi có Kem đậu xanh Tiến Đạt, ngã 3 Hàng Bông và Phùng Hưng có Kem Hòa Bình, rồi Phan Bội Châu có nhà máy nước đá nhưng cũng làm kem… Còn như nhà máy nước đá ở Tôn Đản thì chuyên sản xuất đá cây. Nhớ ngày bọn bạn ở Viện 108 khoe, được các chú ở nhà xác cho ăn đá dùng để ướp xác người chết (ngày đó chưa có dàn lạnh như giờ). Nghe ghê quá!
Ngày ấy có kem cà-phê, chuối, đậu xanh, cốm… ăn ngon, thơm, thường có thêm mùi dầu chuối (va-ny); nhất là kem cốm còn có cả hạt cốm. Đứng ở bên ngoài mỗi lần thấy bác công nhân kéo ra khay kem, hơi lạnh bốc nghi ngút, nhìn vào khay thấy ở những ô vuông to bằng 2 ngón tay có que chọc lên. Hào hứng lắm. Kem mậu dịch ăn cứng cáp, chắc nịch.
Đội quân bán lẻ lang thang các phố là những chú bé với hòm kem sau lưng. Hòm đựng làm bằng gỗ, có lót cách nhiệt (chắc là xi-rô-pho?), ngoài là vỏ thùng kẽm thiếc mỏng mảnh. Các chú vừa đi vừa rao: “Kem đây! Kem đây!”. Đỡ phải lên tận Bờ Hồ hay tới hiệu kem vẫn có kem ăn.
Các chú bán kem nhảy tầu điện như nghệ sĩ. Leng keng, leng keng… hết tuyến Yên Phụ, Đồng Xuân lại Bờ Hồ, Hà Đông, Cầu Giấy, Bạch Mai… Đang thùng kem sau lưng thấy tầu chạy qua thì đuổi theo, bám và “a lê hấp!” nhảy phắt lên cửa toa. Khi đi 1 vòng hết toa, bán được chiếc nào thì bán, không là các chú lại nhảy xuống đường dù tầu đang chạy nhanh mà không hề ngã. (Xuống tới đường mà mặt vẫn tươi hơn hớn vì thùng kem vẫn cắp nách). Lúc 2 tầu tránh nhau, thoắt 1 cái, chú đã sang tầu bên kia (đúng như bác Tiến “gù” đã tả).
Sau này bọn trẻ con tếu táo hát chế “Anh em trong đoàn quân du kích… Kem đây, kem đây! Kem 1 hào 2 chiếc. Kem có đường có chuối. Một chiếc 5 xu… Này chú bán kem, có rao thì rao cho khẽ! Đừng làm ồn lên thế, điếc tai hành khách đi tầu!”. Ấy cũng là “nghề ca” của cánh bán kem dạo.
Những năm chiến tranh đi lại khó khăn, ở các làng quê xa xôi thấy xuất hiện “kem bóp”. Cứ nghe tiếng “pép, pép” là biết có xe đạp chở kem đến. Sau mỗi xe là 2 thùng kem (nhưng chủ yếu là đá). Cắn miếng kem lạnh buốt và tan biến, vì ít bột đậu xanh và ít đường. Nghèo khó nhưng bà con nông dân ở miền xa xôi, hẻo lánh được phục vụ tận nơi thế cũng là hạnh phúc rồi.
Cũng chẳng cần văn bản, quy chế nào của Nhà nước hay Bộ Văn hóa -Thông tin mà tiếng “pép, pép” ấy thành thống nhất chung toàn quốc. “Kem mút, kem mút!”. Thế mới hay!
4 nhận xét:
Ngoài kem đậu xanh, Tiến Đạt (Yết kiêu) còn có kem cốm nữa, KQ mới nhớ nhưng chưa đủ. Đến nay mùi vị kem cốm Tiến Đạt vẫn còn quanh quẩn đâu đây, dẻo thơm mùi cốm và ngon tuyệt.
Qx.
Ừ, phố nhà mà? Qx không đi nhặt nút bia đề làm đồng xèng là lân la ra Tiến Đạt. Chỉ ngắm kem bốc hơi là thấy sướng rồi.
Có bà nhà quê lên, thấy bán kem mua liền mấy cái, cho vào rổ, đậy lại, mang về làm quà cho con ở nhà. Về đến nơi mang ra cho con thì chỉ thấy bãi nước, bà chửi toáng: "Tiên sư cha cái thằng ăn cắp; mày không những ăn hết kem của bà mà còn đái cả vào rổ. Đồ mất dạy!".
Có ông cầm que kem không dám ăn ngay vì thấy bốc hơi, sợ nóng phải thổi phù phù.
N.TV
Kem ngon có tiếng là kem hiệu của bà chủ tên Cẩm Bình . Bon trẻ rao kem thường rao rất to :
Ai xem váy bà Cẩm Bình ? Đây!
Đăng nhận xét