Người ta bảo, trẻ con bây giờ sướng. Đặc biệt là trẻ con thành phố. Chúng rất sẵn đồ chơi. Chúng muốn gì là có nấy. Con gái thì búp bê, các bộ dụng cụ bác sĩ, nấu ăn... Con trai thì nào ô tô, xe tăng, máy bay...có cả loại điều khiển từ xa. Rồi các bộ xếp hình LOGO, các loại người máy siêu nhân, các thiết bị chơi điện tử... Nhiều, nhiều lắm, chẳng kể hết được.
Còn trẻ con ngày xưa, lấy đâu ra những thứ đó? Chỉ suốt ngày chơi những trò chơi cổ điển, chẳng biết có tự bao giờ: con trai thì đánh khăng, đánh đáo, đánh xèng, chơi bi, đánh trận giả...Con gái thì giải ranh, đánh chuyền, ô ăn quan, nhảy dây.... Nhưng nếu so về độ hấp dẫn và tác dụng đối với việc phát triển nhân cách, bản lĩnh và trí tuệ trẻ thì chưa chắc cái nào đã hơn cái nào.
Ví dụ như trò chơi khăng. Một ván khăng có 2 người chơi. (Đôi khi không có bạn chơi cũng có thể chơi 1 mình để tập đánh). Chỉ cần một khoảng đất đủ dài độ hơn chục mét trở lên, rộng vài mét là có thể tiến hành chơi. Dụng cụ chơi gồm hai khúc gỗ tròn đường kính vừa đủ để tay nắm được (hoặc tre trúc gì cũng được). Một khúc dài độ trên dưới 40 cm( gọi là khăng cái), một khúc ngắn độ 10 cm (gọi là khăng con). Nếu là chơi ở sân đất thì đào cái hố rộng bằng đường kính khăng , dài độ 10-12 cm, sâu độ 4-5 cm để đặt khăng con khi chơi. Còn nếu chơi trên nền xi măng hay
gạch thì phải có cách để gá khăng con. Từng bên tham gia phải thực hiện các động tác đánh khăng “cầy”, “mắm” và “gà”. Trước tiên hai đứa phải “oản tù tì” xem ai được đánh trước. Bên “oản” thắng (bên A) được đánh khăng trước. Bên “oản” thua (bên B) phải chạy về phía trước để đón khăng. Đầu tiên là đánh “cầy”. Để đánh “cầy”, người chơi phải đặt ngang khăng con trên miệng hố vừa đào ( nếu trên nền xi măng hay gạch thì phải tìm cách gá khăng con như đặt trên miệng hố. Trước khi “cầy”, bên đánh khăng phải hô to: “xuông cầy” (lần đầu là “xuông” nghĩa là “không”, các lần sau thì thay bằng số điểm đã đạt được), bên kia đáp lại :”bắt” . Khi đó, người “cầy” dùng khăng cái hất khăng con về phía đối thủ. Người bắt phải cố gắng bắt được khăng con khi đang bay để giành quyền đánh khăng. Nếu khăng không bị bắt , bên A dùng khăng cái đo khoảng cách từ miệng hố khăng đến vị trí khăng con, sau đó đánh “mắm”. Động tác đánh “mắm” phức tạp hơn: nắm khăng cái vào lòng bàn tay bằng ba ngón tay từ ngón giữa đến ngón út. Dùng ngón cái và ngón trỏ của chính bàn tay đó cầm khăng con. Tung khăng con lên rồi dùng khăng cái quật vào khăng con để nó bay càng xa càng tốt. Trước khi đánh “mắm” , người đánh phải hô to : “x mắm” (x là số đo vừa đo được sau “cầy” ). Bên B đáp :”Bắt”, bên A thực hiện động tác “mắm” và bên B lại phải cố gắng bắt được khăng để giành quyền đánh. Nếu để khăng rơi xuống đất, bên A lại được đo khoảng cách như lần trước và cộng thêm vào số đã có. Sau đó quay về hố khăng để đánh “gà”. Động tác “gà” lại phức tạp hơn nữa: khăng con được đặt trong lòng hố, một đầu nghếch lên miệng hố về phía người bắt (Nếu chơi trên nền xi măng thì ghếch khăng con lên một vật gì đó như hòn gạch chẳng hạn). Bên A hô: “y gà” (y là tổng số đo vừa có được sau khi cộng “mắm” vào “cầy”). Bên B đáp :”Bắt”. Bên A dùng khăng cái gõ vào đầu nghếch lên của khăng con để nó bật bay lên rồi dùng khăng cái quật cho khăng con bay về phía bên B. Bên B lại phải cố sức mà bắt lấy khăng. Nếu không bắt được thì bên A lại được đo để tăng số điểm của mình. Trong các giai đoạn chơi, cứ lúc nào bên B bắt được khăng là lúc đó đổi vị trí chơi – A thành B và B thành A. Ván khăng sẽ kết thúc khi một bên có tổng số đo bằng hoặc vuwowctj con số được thỏa thuận trước khi chơi (từ vài trăm đến hàng nghìn, tùy thuộc vào khả năng thời gian có thể chơi của hai bên.
Trò đánh khăng rèn cho trẻ sự nhanh nhẹn, khéo léo, dũng cảm. Và cũng như nhiều trò chơi chơi trẻ con khác, nó cũng đòi hỏi sự trung thực. Trong mọi trò chơi, bao giờ cũng có những người chơi muốn được lợi hơn đối thủ nên có xu hướng ăn gian. Trong đánh khăng, việc ăn gian thể hiện ở khi đo. Việc đo được cho là nghiêm túc khi khăng cái được đặt nằm sát mặt đất, và khi lật khăng cái để đo tiếp thì đầu khăng không được dịch khỏi vị trí của nó khi chưa lật. Nhưng nếu bên A tự đo thì khi lật khăng cái, đầu khăng có xu thế dịch về phía sau ( để khoảng cách còn lại dôi ra – gọi là kiểu “chân chó”). Còn khi bên B giành quyền đo (vì không tin bên A) thì lại hay có xu hướng dịch về phía trước. Nói vậy thôi chứ tuyệt đại đa số trẻ con đều trong trắng và cao thượng Thường là chúng chơi sòng phẳng với nhau một cách công khai, minh bạch, mặc dù trò này không có trọng tài. Tất nhiên, trong mọi trò, nếu là cuộc chơi giữa những đứa trẻ lớn hơn, khỏe hơn, có quyền lực hơn với những đứa bé hơn, yếu hơn,ít quyền lực hơn thì rất hay xảy ra trường hợp “miệng nhà sang có gang có thép”, “chân lý trong tay kẻ mạnh”. Chúng bảo sao thì nên vậy. Chúng bảo “chưa có vấn đề gì “ là chưa có vấn đề gì, “chưa cần kỷ luật ai” thì cứ thế mà chơi tiếp. Chúng bảo “đo thế là chuẩn rồi” nghĩa là phải để cho chúng đo kiểu “chân chó”. Chúng bảo “để tao đo” nghĩa là phải để chúng muốn đo thế nào thì đo.
Bây giờ chả thấy ở đâu những đứa trẻ chơi khăng.
3 nhận xét:
QV kể chuyện đánh khăng tỉ mỉ hay ra phết , nhìn nhận trò đánh khăng mới thấy đó là trò luyện : Nhanh mắt , nhanh tay , phản ứng nhanh , khéo tay ( trong cú đánh mắm và gà ) không ăn gian ( bọn ăn gian toàn đo điềm bằng kiểu "chân chó" chữ Z ). Nhưng QV quên chưa nói những quả vỡ mũi , tím mặt vì cố bắt mắm và gà ( cầy thì ít khi bị ) bây giờ sự hồn nhiên và chơi tự dựa vào trí lực của mình vấng bóng lắm lắm rồi .
QV kể chuyện đánh khăng đã tỷ mỷ. 40-50 năm qua tuổi đánh khăng đánh đáo rồi nhưng hình như nhớ lại,lệ chơi còn thiếu một công đoạn hấp dẫn nữa,xin bổ xung, xem QV chơi có giống bọn mình thời trẻ không :
Không phải cứ khăng ,cứ mắm, gà đến đâu thì đo tính điểm đến đó đâu. Bên bắt mà không bắt được để lấy lân thí được ném khăng về lỗ . Cả trúng lỗ thì bên cầy bị mất hết điểm, cả trúng cây khăng (đặt ngang miệng lỗ), hoặc cách lỗ bao xa thì bên khăng mới được đo từ đó về lỗ để tính điểm ...(luật do nhóm chơi quy định với nhau mà!)Cái hay của tác giả QV là ở đoạn kết bài viết.LỆ chơi thì đặt ra thỏa thuận với nhau, nhưng LUẬT chơi thì bình đẳng và đều cùng phải tuân thủ! (TĐ).
Đúng là em quên mất cái chi tiết quan trọng đó. Cám ơn bác Ngân. Lâu quá không được chơi nên sơ xuất. Hôm nào có dịp mời bác về nước chơi khăng nhé. Chúc bác luôn vui khẻo.QV
Đăng nhận xét