Bantroik6 theo dõi các trang thấy có nhiều bài về Trại Hòe, Trại Cờ nơi đóng quân đầu tiên của trường ta. Vậy là BBT Bantroik6 đã "gom" về 1 góc, để tiện cho bạn đọc. Cảm ơn Bantroik6!!!
Nhân đây xin post lại bài "Kỷ niệm Trại Hòe" của Đoàn Phú Hòa k4.
Đúng là thời gian mà " nhóm tiên phong " của trường Trỗi ở Trại Hòe không nhiều, chỉ vỏn vẹn có vài tháng thôi kể cả 15 ngày hè được về với gia đình nhưng bản thân tôi vẫn giữ được khá nhiều những kỷ niệm của thời gian đó.
Trại Hòe là nơi mà lần đầu tiên tôi sống xa gia đình, xa Hà Nội trong thời gian dài và đó cũng là điểm mở đầu cho một cuộc sống mới cùng với những đứa bạn mới. Lúc đó chắc chắn không ai trong bọn tôi có thể nghĩ rằng quan hệ bạn bè của những đứa trẻ 12,13,14, 15 tuổi lại có thể gắn bó cho đến tận bây giờ.
Trại Hòe ở trên một quả đồi nhỏ và như mọi người đã kể thì ở đó, ngoài những ngôi nhà tranh, vách đất thì chỉ có các cây trẩu và sỏi, đá, nắng chiếu chang chang suốt ngày chứ không nhiều cây và nhiều bóng mát như Trại Cờ. Hồi chúng tôi đến Trại Hòe thì ngoài bọn nhóc như chúng tôi còn có một đơn vị bộ đội đang chuẩn bị đi B. Các " chú bộ đội " như chúng tôi gọi ngày ấy cứ sáng sớm tinh mơ là lại ba lô nặng trĩu trên vai tập hành quân đến tối mịt mới về. Thật ra thì có lẽ " các chú ấy" cũng chỉ hơn lũ trẻ chúng tôi dăm tuổi là cùng nhưng sao hồi đó chúng tôi thấy họ lớn thế và không ít đứa đã có mong ước được tập hành quân như vậy. Lên Trại Hòe tôi mới bắt đầu được rèn luyện gấp chăn màn vuông như " cục gạch " và có lẽ nhờ vậy nên đến giờ tôi vẫn có một tác phong gọn gàng, không quẳng đồ đạc bừa bãi mặc dù chẳng ai bắt tôi phải làm vậy.
Hồi ở Trại Hòe chỉ trường mình mới chỉ có 3 khóa là 3,4 và 5. Mỗi khóa có 2 trung đội. Khóa 4 ở trong hai căn nhà dọc bên trái cổng vào, khóa 5 ở phía bên phải còn khóa 3 thì ở phía bên trong, qua sân bóng của trường. Nhà ăn ở phía cuối trường, sát với cổng hậu mà lính Trỗi mình hàng chiều vẫn ra mương tắm và cổng hậu đó cũng nối với con đường chạy qua Trại Cờ để đến Phố Thắng. Cạnh nhà ăn là cái giếng mà có lần Trung Việt K.3 khi kéo gầu nước do không cẩn thận đã bị rớt xuống giếng nhưng được bạn bè kéo lên ngay, chỉ bị xây xướt một tẹo.
Dù ở Trại Hòe có mấy tháng nhưng chúng tôi cũng được nhà trường tổ chức đi gặt lúa giúp hợp tác xã ở địa phương. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được chỉ cách cầm liềm và cầm néo để đập lúa. Giờ nghĩ lại cảnh chí chóe lúc đầu khi không biết dùng néo để xoắn bó lúa cho đúng mà thấy vui vui.
Cái mương sau trường là niềm vui của chúng tôi trong những buổi chiều sau giờ ôn tập ở nhà. Các khóa thay phiên nhau ngụp lặn ở cái mương đó. Tuy là nước mương nhưng sao hồi đó bọn tôi thấy nó sạch và mát thế. Đứng trên cửa cống nhẩy ùm xuống là một trong những trò nghịch của chúng tôi và cũng như Minh Kính (K.4) kể thì cũng không ít đứa thử chui qua lỗ cống. Có một thời, không hiểu ai đồn là bọn phản động có thể rắc các mảnh thủy tinh xuống mương nên bao giờ các thấy phụ trách cũng xuống kiểm tra trước rồi bọn tôi mới được tắm. Sau đó một thời gian lại có tin đồn là ở trên đầu nguồn có trại hủi là lính nhà ta sợ mất vài ngày không dám tắm nhưng rồi đâu lại vào đấy, bọn tôi lại ngụp lặn trong dòng nước mương đó.
Sáng chủ nhật nào chúng tôi cũng mong bố mẹ lên thăm. Đứa nào có gia đình đến thì vui, đứa nào không có thì mặt ỉu xìu vì lần nào ngoài tình cảm ra thì bố mẹ còn mang " đồ tiếp tế " đến nữa, phần lớn là bánh kẹo các loại. Để cho công bằng thì nhà trường đã đưa ra sáng kiến là ai nhận được quà của bố mẹ thì đóng góp vào công quĩ rồi tối chủ nhật hôm đó sẽ được chia đều ra cho mọi người ( chủ chương này chỉ có ở thời kỳ Trại Hòe chứ sau này không bao giờ tái diễn nữa). Vì chuyện này mà có một số đứa đã bị tẩy chay ngầm vì dấu quà đi để ban đêm chùm chăn ăn một mình.
Thỉnh thoảng vào ngày chủ nhật bọn tôi cũng mò ra Phố Thắng chơi. Đối với lũ trẻ 12,13 tuổi thì chặng đường từ Trại Hòe ra đến Phố Thắng khá xa nhưng chẳng đứa nào thấy mỏi. THật ra đi chơi Phố THắng thì cũng chỉ vì tò mò chứ hồi ấy có đứa nào có tiền đâu, vài hào trong túi đã là oách lắm rồi. Bao giờ bọn tôi cũng đi qua Trại Cờ, nơi có một đơn vị bộ đội ở đấy, tôi không nhớ là lính không quân hay hải quân nữa. Trại Cờ nhiều cây chứ không trơ trọi như Trại Hòe và chủ yếu là mít. Có lần tôi cùng Chấn Định (K.4), anh của Chấn Biên (K.6) bẻ trộm một quả mít vàng ươm rồi cởi áo ra bọc lại để lệ kệ vác về nhà cho mọi người ăn. Hôm ấy bọn tôi được chén một bữa mít đến căng bụng nhưng cái giá phải trả cũng khá đắt vì cái áo đó dính đầy nhựa mít, phải quẳng đi.
Ở Trại Hòe còn có thầy Mãn, giáo viên dạy toán của K.5. Thầy trẻ lắm, người nhỏ, mắt hơi hếng và giỏi đàn hát. Tôi quen thầy trước khi lên trường vì chị của thầy là hàng xóm với gia đình tôi ở Quân Khu Nam Đồng. Thầy Mãn chỉ là công nhân viên quốc phòng chứ không phải là sĩ quan và khi trường lên Đại Từ thì thầy không được theo trường để dậy nữa. Sau này chị của thầy cho biết lý do là vì dính đến thành phần địa chủ nên không được tiếp tục dậy ở trường. Những lần gặp nhau ở Hà Nội thì thầy vẫn trò chuyện thân mật với tôi, hỏi tôi nhiều về hoạt động của trường nhưng với giọng buồn, không vui.
Hồi ở Trại Hòe thỉnh thoảng vào buổi tối chúng tôi cũng nhận được lệnh gói hết đồ đạc tập hành quân nên đến một tối, khi chúng tôi nhận đươjc lệnh gói hết đồ đạc, kể cả tư trang thì bọn tôi cũng vẫn chấp hành nghiêm chỉnh. Đến khi cả một đoàn xe vận tải kéo vào sân trường thì bọn tôi mới hiểu mập mờ là chuyến hành quân này sẽ quan trọng lắm chứ không chỉ " chơi chơi " như những lần trước đó. Tối hôm đó chúng tôi thực sự di chuyển để sáng hôm sau có mặt tại gốc đa rồi từ khóa theo sự hướng dẫn của các thầy đi về địa điểm mới của mình. Khóa 4 chúng tôi đi xa nhất, vào tận An Mỹ, sát chân núi Tam Đảo. Cuộc sống mới lại bắt đầu để bây giờ chúng tôi có được những kỷ niệm không thể quên về An Mỹ, về Trại Cau và về chỗ ở mới trong rừng, về thác Bom Bom, về những chuyến leo núi lấy củi, về những quả dọc ngọt, quả gắm, về những bữa bánh cuốn bằng bột sắn trong rừng, về trận lũ khủng khiếp và nhất là về những tình cảm bạn bè, tình cảm thầy trò trường Trỗi.
Sau này, khi đã ra làm việc tôi cũng có vài lần đi qua Phố Thắng nhưng vì hoàn cảnh nên tôi vẫn chưa bao giờ có dịp trở lại thăm Trại Hòe, một quả đồi nhỏ nắng chiếu suốt ngày nhưng đã để lại trong tôi và nhiều lính Trỗi khác những kỷ niệm không bao giờ quên.
Đoàn Phú Hòa.
P.S : K.4 hồi ở Trại Hòe còn có Nguyễn Chấn Định, Lê Quốc Anh, Lê Quang Thắng, ... nữa.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Chuyện không phổ biến: “AI VỀ HẢI HẬU , CHỢ CỒN” (Tiến "gù")
Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011
Kỷ niệm Trại Hòe (Đoàn Phú Hòa)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét