Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Kể chuyện bác Đặng Văn Đăng nhân giỗ Tổ Hùng Vương (Trần Đình Ngân, Berlin)

Bên hồ Đầm Vạc ( Thị xã Vĩnh Yên) thời chiến tranh 64-70 có trạm an dưỡng T50 giành cho các phi công và cán bộ trung cao của Quân chủng không quân . Dân an dưỡng thì rỗi việc nên kể và được nghe nhiều chuyện.
Bên cạnh T50 là khu tập thể sơ tán của Ty Văn hóa Vĩnh phú và nhà tập luyện của đoàn văn công tỉnh . Trưởng Ty là bác Đặng văn Đăng.  Ông Đăng là người rất nổi tiếng nhưng bọn tôi lại không biết mặt. Do chơi thân với nhau nên một hôm anh Nguyễn thế Chung phó đoàn văn công kéo cả bọn nên chỗ bác Đăng chuyện gẫu.

Bác Đăng trông quê mùa, lão nông nhưng thực ra là một trí thức có hạng. Bác có bằng tú tài triết học thời Pháp. Bác nguyên là chuyên viên cao cấp của Bộ ngoại giao, thư ký riêng của bộ trưởng Ung văn Khiêm. Trong tỉnh Vĩnh Phú thời đó, có việc trọng lên TW, tất nhờ qua Bác Đăng, vì cứ bác lên xin là Bác Hồ và Thủ tướng Phạm văn Đồng cho vào gặp ngay !
Nhà thơ Đặng văn Đăng làm thơ Đường (ký là Lục Y Lang) được Cụ Hồ khen nhưng làm thơ Ta thì đúng là Bút Tre.

Chuyện thơ Bút Tre hầu các bạn sau, nhân ngày giỗ Tổ, xin kể về câu Ngữ lục của Bác Hồ với Đền Hùng: „Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng  nhau giữ lấy nước“.
Trước những năm 1960, việc tổ chức lễ hội đền Hùng chỉ có tự phát trong nhân dân. Nhà nước quan niệm phần „lễ hội „ là tàn dư phong kiến, mê tín dị đoan !
Câu ngữ lục nổi tiếng của Cụ Hồ nói với các cán binh sư đoàn 308 khi chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô được tuyên huấn sư đoàn ghi thành văn bản và cất kỹ trong cặp bảo mật truyền thống !
Khi manh nha việc có thể tổ chức ở cấp tỉnh lễ hội đền Hùng, trưởng ty văn hóa Vĩnh phú là Đặng văn Đăng.
Bác Đăng là người đầu tiên biết câu ngữ lục bất hủ nằm ở đâu và quyết tâm đưa nó vế với nhân dân . Được sự ủng hộ của thủ tướng, bác Trường Chinh đã chỉ thị cho 308 mở cặp !

Tại tỉnh Vĩnh Phú, đúng dịp giỗ Tổ, câu ngữ lục được cắt thành khẩu hiệu treo trên đình Thượng.  Trước một ngày, trưởng ban tuyên huấn tỉnh ủy ra lệnh hạ băng ron xuống ! Cán bộ văn hóa toàn tỉnh tròn mắt khi được giải thích: Câu nói của Bác không đúng nguyên văn .
-Bác đã nói : NƯỚC phải đi liền với ĐẤT nên khẩu hiệu phải chữa là : Các vua Hùng đã có công dựng đất nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy đất nước !
Ông Đăng giải thích thế nào, ngài tỉnh ủy viên cũng nhất định không nghe . Chính ông ta đã được tháp tùng Bác trong dip Người về thăm và nói chuyện với bà con nông dân huyện Yên-Lạc trong chiến dich khai thông thủy lợi!  và như vậy thì quyết không được làm sai ý Người!
Năm ấy, đền Hùng không có băng ron! Ông Đăng bảo lưu mà tỉnh ủy cũng không nhượng bộ.

„ Khổ! Sao mà ông Th. hồi ấy chậm hiểu thế !“  Ông Đăng cười vui.
 -Bây giờ ông ấy về quê rồi! thỉnh thoảng có lên chơi, các anh uống chè đi. Chè quê ông ấy đấy! Bác Hồ nói thế là đúng quá đi chứ ! Cụ đang nói với bà con về thủy lợi, mà thủy lợi thì nước phải gắn liền với đất ( nước ăn nước uống ấy mà !) 
Câu khẩu hiệu của Bác nói ở đền Hùng, Bác nói Nước ở đây là nước Văn Lang, là Tổ quốc Việt nam chứ không như ông Th. ù xọe nước đất, đất nước đâu.  

Lính tráng bạo mồm bảo;   Bác ngang phết!
Ông Đăng cười:  Tớ sợ gì! Miễn là mình làm đúng thì thôi !  




3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ông Đặng văn Đăng ở Vĩnh Phú thời đầu làm trưởng ty Văn hóa còn nổi tiếng hơn ông Kim Ngọc vì lúc đó chưa có khoán! Ông chính là nhà thơ
có bút danh Bút Tre.
Lớp trẻ thấy Bác giỏi nhưng mộc mạc, quê mùa nên gọi chệch tên thành Giăng van Giăng (nhân vật trong Những người khốn khổ của Huygo )
Thơ Bút Tre chắc nhiều người thuộc .

Nặc danh nói...

Vĩnh Phúc là đất của văn hóa. Khu tập thể của trường cấp III Trần Phú có 3 mẹ con rất gày, yêu sống với nhau. Mẹ làm ở thư viện, các con còn nhỏ, nhưng trong nhà rất nhiều tập thơ có bút tích của nhiều tác giả. Hỏi ra mới biết là gia đình nhà thơ Hoàng Hữu (Hai nửa vầng trăng). Hoàng Hữu cũng là người trang trí bìa cho rất nhiều tập thơ lúc bấy giờ. Hoàng Hữu mất sớm. Nửa cuối 80, 3 mẹ con đi vào Nam do hoàn cảnh khó khăn.

Nặc danh nói...

Ừ, cả thế mà Vĩnh Yên hội tụ về nhiều anh hào!