Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Cách mạng Tân Hợi với Việt Nam (Phần II)

Năm 1904, Phan Bội Châu thành lập Duy Tân Hội tại Quảng Nam, Việt Nam. Khi còn trẻ, Phan Bội Châu đọc một số sách của Lương Khải Siêu như “Ký chính biến Mậu Tuất”, “Hồn Trung Quốc” nên chịu ảnh hưởng sâu đậm của Tư tưởng Duy Tân Mậu Tuất và Tư tưởng Lương Khải Siêu.
Năm 1905, Phan Bội Châu đã gặp và có cuộc bút đàm với Lương Khải Siêu tại Hoành Tân (Yokohama), Nhật Bản. Trong thời gian ở Nhật, Phan Bội Châu đã kết thân với Tôn Trung Sơn đang hoạt động cách mạng tại đây. Ông có hai lần hội đàm (bút đàm) với Tôn Trung Sơn tại Chính hòa đường của Hoành Tân. Tôn Trung Sơn đã từng đọc “Việt Nam vong quốc sử” của Phan Bội Châu. Ông đã tuyên truyền tư tưởng lật đổ quân chủ, thực hiện Tư tưởng Dân chủ Cộng hòa với Phan Bội Châu. Điều này có ảnh hưởng lớn đối với việc cải tổ chủ trương từ quân chủ lập hiến sang dân chủ cộng hòa sau này của Phan Bội Châu. Từ năm 1906 đến năm 1908, Phan Bội châu đã tiếp xúc với Hoàng Hưng, Chương Bính Lân, một số nhà cách mạng người Trung Quốc và các lưu học sinh Việt Nam học tại Nhật Bản, cùng thành lập Hội “Điền Quế Việt liên minh” đồng thời tham gia công tác biên tập tạp chí “Vân Nam”. Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi lật đổ chế độ phong kiến thống trị hơn 2000 năm ở Trung Quốc chính điều này đã cổ vũ khích lệ Phan Bội Châu. Ông đã cùng các đồng chí trong Duy Tân Hội triệu tập cuộc họp tại Quảng Châu, Trung Quốc và đưa ra quyết định giải tán Duy Tân Hội thành lập Quang Phục Hội. Tôn chỉ và hình thức tổ chức của Quang Phục Hội dựa trên mô hình của Trung Quốc Đồng Minh Hội do Tôn Trung Sơn sáng lập tại Nhật  Bản.

Giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1908, Tôn Trung Sơn đã từng đến Việt Nam năm lần hoạt động cách mạng. Thời gian lưu trú nhiều nhất là hơn hai năm. Những hoạt động cách mạng của Tôn Trung Sơn ở Việt Nam đều có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của ông và thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước Trung- Việt. Quảng đại quần chúng đồng bào Hoa kiều đã kế thừa thành quả lao động của Tôn Trung Sơn cùng nhau đứng lên lật đổ triều đình nhà Thanh và tổ chức hoạt động cách mạng quốc dân. Năm 1907, Tôn Trung Sơn đã lập cơ quan chỉ huy khởi nghĩa vũ trang tại Hà Nội, trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang của Đồng Minh Hội được phát động tại vùng biên giới Trung-Việt. Trong thời gian Tôn Trung Sơn ở Việt Nam, ông đã tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân sĩ Việt Nam, nhiều lần gặp mặt và bút đàm với các nhân sỹ yêu nước của tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục. Những ngày hoạt động cách mạng tại Việt Nam, ông bị sự kiểm soát chặt chẽ của thực dân Pháp, sự theo dõi của chính quyền nhà Thanh, nhưng nhờ có sự ủng hộ và bảo vệ của nhân dân Việt Nam nên vẫn bình yên vô sự. Sau khi khởi nghĩa Chấn Nam Quan ở Trung Quốc thất bại, một số chiến sỹ của cuộc khởi nghĩa đã đến Việt Nam, người dân Việt Nam đã nghĩ nhiều cách giúp đỡ họ. Điều này đã giúp đội ngũ khôi phục, chấn chỉnh lực lượng để tiếp tục tham gia chiến đấu.

 Năm 1924, Tôn Trung Sơn cải tổ Quốc Dân Đảng, lấy Quảng Đông làm căn cứ địa và tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng oanh liệt đầu tiên trong nước. Một số các chí sĩ cách mạng của Việt Nam đã nhận được sự cổ vũ. Tháng 6 năm 1924, Phạm Hồng Thái, thành viên của nhóm cách mạng Việt Nam “Tâm tâm hội” đã ám sát toàn quyền Đông Dương Martial Merlin nhưng không thành công. Phạm Hồng Thái đã hy sinh do bị sự truy sát của quân Pháp. Phan Bội Châu tập hợp các chí sỹ yêu  nước của Việt Nam tại Quảng Châu mở cuộc họp cải tổ Việt Nam Phục Quang Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tháng 12 năm 1924, Hồ Chí Minh từ Mátxcơva đến Quảng Châu với danh nghĩa là phiên dịch của cố vấn Liên Xô Bôrôđin được cử sang giúp Tôn Trung Sơn, đồng thời Người đã tiến hành công tác trù bị thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam. Hồ Chí Minh đã góp ý với Phan Bội Châu về việc sửa đổi Điều lệ của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Phan Bội Châu vui mừng tiếp nhận những ý kiến của Hồ Chí Minh, nhưng kế hoạch này chưa kịp tiến hành thì Phan Bội Châu đã bị bắt.

Hồ Chí Minh đã tiến hành cải tổ “Tâm tâm hội”, tháng 6 năm 1925 chính thức thành lập Hội Đồng chí cách mạng Thanh niên Việt Nam (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội). Thành phần lãnh đạo chủ chốt ngoài Hồ Chí Minh còn có Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Phong. Trụ sở của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đặt tại số 13 đường Văn Minh, Quảng Châu. Tuần báo “Thanh niên” xuất bản được 88 số, phần lớn các số báo được các thủy thủ giúp đỡ vận chuyển về Việt Nam. Năm 1925, Hồ Chí Minh tổ chức Lớp bồi dưỡng chính trị đặc biệt, đào tạo cán bộ cách mạng nòng cốt cho Việt Nam. Nhận lời mời của Hồ Chí Minh, Chu Ân Lai, Trương Thái Lôi, Trần Diên Niên, Lý Phú Xuân, Bành Bái đã đến giảng dạy chính trị cho các học viên. Hồ Chí Minh đã tuyển chọn một số học viên thanh niên xuất sắc như Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Vũ Hồng Anh, Trương Vân Lĩnh cử đi đào tạo quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố. Tháng 12 năm 1927, Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, hơn 20 học viên Việt Nam học tại Trường Quân sự Hoàng Phố tham gia đội khởi nghĩa, sau khi khởi nghĩa vũ trang thất bại những người tham gia khởi nghĩa như Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Trương Vân Linh, Phương Sỹ Hùng đã cùng với đội tự vệ đỏ chạy về Đông Giang.

Không có nhận xét nào: