Tác giả (ngồi, thứ 3 từ phải) cùng thầy Aristov và học viên VN, Odessa hè 1972. |
Hồi con đi học, học sinh Hà Nội chúng tôi thuộc rất nhiều bái hát Nga được dịch ra tiếng Việt như “Hắc Hải của tôi”, “Đôi bờ”, “Xiberi nở hoa”, “Giờ này anh về đâu?”, “Cây thùy dương”, “Chiều hải cảng”, “Chiều Matxcơva”, “Cachiusa”, “Vĩnh biệt chim câu”… Những bài hát này theo chúng tôi suốt những năm tháng chống Mỹ.
Năm 1967, tôi được cử sang Liên Xô học tại thành phố Ođessa, một thành phố anh hùng trong Chiến tranh ái quốc vĩ đại, nằm trên bờ biển Đen. Khi đến Ođessa, chiến tranh đã lùi xa 22 năm, song trong cuộc sống của thành phố chúng tôi luôn nhận thấy lòng tự hào của người dân về cuộc chiến đấu phòng thủ ngoan cường của quân, dân Ođessa trong vòng vây phát xít.
Chúng tôi được nhà trường tổ chức thăm Xưởng phim Ođessa. Điều đặc biệt thú vị với chúng tôi khi được biết bộ phim “Khát” đươc đóng tại đây.
Phim nói về chiến công của một đội trinh sát cảm tử, chiến đấu anh dũng với quân phát xít chiếm giữ nhà máy nước… Khi sống, học tập tại đây, được chứng kiến những ngày hè nóng bức, thành phố bên bờ biền này luôn có những ngày thiếu nước mới hiểu gian khổ của dân Ođessa khi bị quân Đức bao vây, phong tỏa nguồn nước. Những chiến sĩ Hồng quân đã chiến đấu trong khoảng thời gian “sống còn”, đủ để cung cấp nước cho Ođessa chỉ trong vài giờ.
Bộ phim nổi tiếng tại Việt Nam vào đầu những năm 1960 vì ngoài nội dung bi hùng còn có bản tình ca “Đôi bờ”. Cho đến nay nhiều thế hệ người Việt vẫn thuộc nằm lòng ca từ và giai điệu.
“Đêm dài qua dưới mưa rơi,
Em mong chờ anh tới.
Cây cỏ hoa như nói lên lời.
Em hạnh phúc nhất đời,
Lòng em tin thắm thiết yêu anh ,
Giữ tình đôi lứa ta .
Một dòng sông sóng nước long lanh
Đôi bờ đâu cách xa” .
Cô gái Masa mong chờ người yêu, một chiến sỹ trong đội cảm tử (diễn viên nổi tiếng Sta-nhi-xlav Ti-khô-nốv thủ vai). Anh ấy mãi mãi không trở về. Nhưng nhiều em bé, bà mẹ trong vòng vây được cứu sống bởi dòng nước do các anh đổi lấy bằng cuộc sông của chính mình.
Kịch bản phim làm chúng tôi xúc động, giúp chúng tôi thấy rõ hơn lòng dũng cảm của những người con Xô Viết, biết hy sinh bản thân cho sự nghiệp lớn của dân tộc.
Trong những năm 1965-66, tôi phục vụ trong quân chủng Hải quân. Nhiệm vụ là chiến đấu bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Có giai đọan đào, đắp hành lọat các ụ phòng không cho các con tầu của mình. Do phải bảo đảm bí mật nên ngày nghỉ, đêm đào đất, đắp ụ.
Chúng tôi thường thiếp đi vào lúc rạng sáng. Vào lúc đó chim rừng bắt đầu gọi bầy. Những giây phút ấy tôi thường ước cho bầy chim rừng đừng hót nữa, để chúng tôi yên giấc, lấy lại sức sau một đêm lao động vất vả.
Tại Ođessa vào ngày 9-5-1968, học viên quân sự chúng tôi được nhà trường tổ chức tham gia cuộc mít tinh cùa nhân dân thành phố kỷ niệm 23 năm ngày Chiến thắng phát xít Đức.
Nhớ mãi ngày hôm đó được nghe hợp xướng của các CCB Xô Viết thành phố, những con người trên ngực lấp lánh các tấm huân chương, trên tay ôm những bó hoa tươi thắm do các cháu thiếu niên, nhi đồng tặng, say sưa hát bài “Chim họa mi” của nhạc sỹ Xô-lô-viôv Xê-đôi. Bài có câu: “Chim họa mi, Hãy đừng đánh thức những người lính! Hãy để họ yên giấc …”.
Khi nghe bài hát tôi nhớ ngay tới tiếng chim gọi bầy vào các buổi sáng sớm trên vùng biển Đông Bắc, trong giấc ngủ mơ màng sau những nhọc nhằn, vất vả, trong thời khắc chiến tranh trên quê hương.
Tôi mang suy nghĩ về “tiếng chim trong giấc ngủ ngòai mặt trận của người lính Xô Viết và người lính Việt Nam” tâm sự với thầy giáo đại tá Vô-rô-nôp A-lếc-xăng-drơ Xer-gêi-ê-vich - CCB, một thành viên trong dàn hợp xướng.
Thầy nói với tôi, nhạc sỹ Xô-lô-viôv Xê-đôi thật tài tình, dùng chim họa mi có tiếng hót thánh thót, lãng mạn, yên bình để nâng niu giấc ngủ của người chiến sỹ sau những giờ phút đối mặt với quân thù.
Thầy cho biết lần đầu tiên thầy được nghe bài hát vào năm 1943, khi nằm điều trị trong một trạm quân y của sư đòan sau chiến dịch lịch sử Kur-xcơ.
Bài hát theo thầy trong những năm tháng chiến tranh còn lại, đến tận Berlin vào tháng 5-1945. Thầy cho biết các chiến sỹ Hồng quân rất biết ơn các nhạc sỹ, các ca sỹ vì họ có những đóng góp to lớn mang đến cho người lính ngòai chiến trường rất, rất nhiều bài hát để động viên Hồng quân trong chiến tranh.
Thầy nói với tôi rằng, ở Việt Nam trong chiến tranh người lính cũng luôn có sự ủng hộ của hậu phương. Trong đó có các bài hát rất hay, hùng dũng của các nhạc sỹ, ca sỹ nhằm động viên tinh thần trước, sau trận chiến.
Thầy còn cho biết, thầy rất thích bài hát “Hò kéo pháo” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ do đòan học viên quân sự Việt Nam chúng tôi biểu diễn tại câu lạc bộ nhà trường.
Dù không hiểu tiếng Việt, song hành động của đội hình các chiến sỹ pháo binh Việt Nam “chân đồng vai sắt “ trên sân khấu đã truyền cho khán giả nội dung, tình cảm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bản anh hùng ca bất hủ.
Thầy nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Trong chiến tranh, một dân tộc biết hát trong chiến đấu thì dân tộc đó sẽ chiến thắng”.
Nhân kỷ niệm 66 năm năm ngày Chiến thắng Phát xít Đức của nhân dân Liên Xô (9-5-1945 - 9-5-2011), 57 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2011) và 36 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975 - 30-4-2011), xin gửi ký ức của một người lính về hai bài hát Nga được nhiều người Việt yêu thích, về niềm tin của một người thầy Xô Viết (từng có mặt ở Berlin vào 9-5-1945) vào chiến thắng của nhân dân Việt Nam qua một diễn giải rất nhân văn.
(Trong ảnh có nhiều bác Trỗi k2. Các bác thử nhận diện mình 40 năm truớc!).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét