Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Cụ bà Đặng Văn Cáp - Chiếc lá vàng cuối thu (Kiều Mai Sơn)

(Bài đăng trên ANTG 2009, nay đăng lại)

Cụ bà Hoàng Thị Vọng Bình và Võ
Đại tướng (10/2001). Ảnh do ông kí tặng.

Cụ bà ngồi lặng lẽ trên chiếc xe lăn, mái tóc mang theo từng lớp sóng thời gian của tuổi gần thế kỷ ngả xuống, lúc này trông cụ như chiếc lá vàng cuối thu. Nếu không nhìn những phần thưởng của Đảng và Nhà nước treo trên tường trong căn phòng nhỏ cụ đang tạm trú nằm sau trụ sở Hội Đông y Việt Nam (19 Tôn Đản): Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng... sẽ không ai nghĩ đây là một cán bộ lão thành cách mạng, mà vẫn coi đó chỉ là một cụ bà bình dị như bao người già khác. Cụ là Hoàng Thị Vọng Bình - vợ cụ Đặng Văn Cáp - Chủ tịch đầu tiên Hội Đông y Việt Nam.

"Con gái Cao Bằng/ Đánh giặc bằng tay trái/ Tay phải để nuôi con, ôm chồng...", lời bài hát dân ca Tày ấy văng vẳng bên tai tôi khi ngồi nghe cụ kể chuyện. Sinh ngày 20/3/1915 tại xã Phúc Tăng (nay là xã Hồng Việt), huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, 15 tuổi Hoàng Thị Vọng Bình đã sớm tham gia hoạt động cách mạng. Sau hai năm thử thách, tháng 8/1932, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong những năm tháng hoạt động, bà đã gặp ông  Hoàng Đình Giong. Tình yêu nảy nở giữa hai người nhưng đất nước còn nằm dưới gót sắt người Tây nên họ hẹn nhau đến khi nào không còn bóng dáng một tên thực dân trên quê hương, đất nước mình, lúc đó họ sẽ xây dựng hạnh phúc gia đình.
Giữa lúc đó, phong trào cách mạng tại Hải Phòng bị khủng bố dữ dội trong cao trào cách mạng 1930-1931, nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ. Tháng 7/1933, ông Hoàng Đình Giong được Trung ương Đảng tin cậy giao nhiệm vụ bí mật xuống Hải Phòng và Hồng Gai khôi phục lại các cơ sở Đảng. Sau một thời gian hoạt động tại địa phương, bà Hoàng Thị Vọng Bình được cử xuống Hải Phòng hỗ trợ xây dựng và phát triển cơ sở Đảng khi ông Hoàng Đình Giong đã tái lập lại được chi bộ Đảng tại Hải Phòng. Khi đang hăng hái hoạt động để lãnh đạo các cơ sở Đảng tại Hải Phòng đang phát triển với phong trào đấu tranh của công nhân cảng, công nhân nhà máy tơ, phong trào đấu tranh đòi thả tù chính trị tại Việt Nam thì bà bị thực dân Pháp bắt giam.
Cùng thời gian đó, ông Hoàng Đình Giong trong một lần về kiểm tra phong trào ở Hải Phòng cũng bị sa lưới mật thám Pháp và bị đưa về Cao Bằng kết án 5 năm tù. Sau đó chúng lần lượt giam cầm ông tại các nhà tù Cao Bằng, Hỏa Lò, căng Bắc Mê, nhà tù Sơn La rồi đày biệt xứ đến Karianga thuộc đảo Madagascar (châu Phi).
Còn bà Hoàng Thị Vọng Bình cũng bị giải đi các nhà tù Hỏa Lò, Phú Thọ, Tuyên Quang... Dù ở trong tù, bà vẫn tiếp rục hoạt động, biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi tôi luyện ý chí của người chiến sĩ cộng sản. Sau 10 năm ngồi nhà lao, khi Nhật đảo chính Pháp, bà vượt ngục rồi nhanh chóng tìm bắt liên lạc với cách mạng. Bà đã gia nhập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và đã được đồng chí Võ Nguyên Giáp cử về Cao Bằng làm Trưởng trạm Giao thông kiêm Trưởng trạm tiếp tế của tỉnh Cao Bằng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Hoàng Đình Giong và bà Hoàng Thị Vọng Bình gặp lại nhau trong nước mắt mừng vui của ngày chiến thắng. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", tiếng súng Nam Bộ kháng chiến từ phương Nam Tổ quốc vang lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã "chọn mặt gửi vàng", cử ông Hoàng Đình Giong, lấy bí danh là Vũ Đức, làm Chỉ huy trưởng đoàn quân Nam tiến, Ủy viên chính trị quân đội miền Nam, rồi Khu trưởng Chiến khu 9. Hai người lại phải tạm xa nhau. Không ngờ đây là lần họ chia tay vĩnh viễn.
Khi bà  Vọng Bình đang làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc và Ủy viên Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, Ban phụ vận khu Việt Bắc thì nhận được tin dữ: Tháng 3/1947, trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, ông  Hoàng Đình Giong - Khu trưởng Chiến khu 7 - đã bị biệt kích bao vây. Dù chống trả quyết liệt nhưng lực lượng quá chênh lệch, ông Hoàng Đình Giong đã anh dũng hy sinh tại chân núi Thiên Thai thuộc tỉnh Ninh Thuận, để lại bao tiếc thương cho đồng đội và một nỗi đau không nói nên lời của một người con gái quê nhà chờ đợi ông suốt 15 năm trên con đường đấu tranh cách mạng. Nén đau thương, bà tiếp tục vững vàng trong công tác: Bí thư Đoàn Phụ nữ tỉnh Cao Bằng, Ủy viên Ban Liên Việt khu Việt Bắc.
Năm 1950, bà được cử làm cán bộ Bộ Ngoại giao (Biện sự xứ), rồi Chi ủy viên Trường Thanh thiếu nhi Việt Nam ở Quế Lâm - Trung Quốc (Quế Lâm dục tài).
Tại đây, bà gặp ông Đặng Văn Cáp. Do đồng cảm với hoàn cảnh của người cán bộ xuất thân từ vùng đất cách mạng Can Lộc - Hà Tĩnh đã lăn lộn nhiều năm trong phong trào yêu nước khắp các nước từ Xiêm (Thái Lan) và Trung Quốc, bà tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với ông, chăm sóc ông cho đến khi ông nhắm mắt, thanh thản về với đồng chí đồng đội. 
Năm 1960, ông Đặng Văn Cáp được Bác Hồ mời ra làm Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, là nơi quy tụ nhiều trí thức Hán học như cụ Phó bảng Phan Võ, ông Thiên Tích, ông Lê Quang Sô... Đang làm Khu ủy viên, Phó ban kiểm tra Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ khu tự trị Việt Bắc, bà Vọng Bình về làm Phó ban Nông nghiệp Trung ương để có điều kiện gần gũi chăm sóc sức khỏe của ông Đặng Văn Cáp, vì gần 70 tuổi, ông sống một mình, điều kiện ăn uống kham khổ... Về hưu năm 1975, bà vẫn tham gia công tác cơ sở làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tràng Tiền thêm 10 năm cho đến khi sức yếu mới chịu nghỉ hẳn.
Tôi nhìn khắp căn nhà, chỉ có những tấm ảnh kỷ niệm. Chị Lô Hồng Thủy, người con dâu ngày ngày chăm sóc bà cho tôi xem tấm ảnh bà chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm Đại tướng 90 tuổi (2001).
Nhắc đến thời kỳ cụ ông Đặng Văn Cáp tham gia lãnh đạo khu học xá Nam Ninh cùng với các ông Võ Thuần Nho, Dương Xuân Nghiên, bà Nguyễn Thị Phương Hoa.... để đào tạo một đội ngũ trí thức cho tương lai có đủ đức dục, trí dục, thể dục với đầy đủ kiến thức và bản lĩnh xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa mà nhiều người ngày nay đã trở thành những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong nhiều ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội: cố Giáo sư Nguyễn Đình Tứ - Ủy viên Bộ Chính trị, Giáo sư - Viện sĩ Đào Vọng Đức - Viện Vật lý, Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Duy Quý - Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Hà Học Trạc - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam VIFOTEC, Giáo sư - Bác sĩ Anh hùng Lao động Nguyễn Thu Nhạn...
Sau này chính những người học trò tại khu học xá đã ghi lại trong sách lưu niệm về những năm tháng ấy: "Chúng tôi sống trong nhà trường mà phương thức đào tạo là toàn diện. Có sự hài hòa giữa lý tưởng sống và lý tưởng giáo dục, không có những điều trái ngược giữa điều dạy trên lớp với cuộc sống xung quanh và sinh hoạt hàng ngày".
Bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, trưởng nữ của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, trong Hồi ký "Tiếp bước chân cha" đã viết: "Sự gương mẫu và lòng nhân ái của đội ngũ cán bộ và giáo viên, đứng đầu là "lão đồng chí Đặng Văn Cáp". Chú Cáp và thím Bình đúng là người chú thím trong gia đình. Chúng tôi nhận ở chú thím một tình thương, một sự quan tâm hết sức chu đáo và công bằng. Con em cán bộ lão thành cách mạng, con em cán bộ cao cấp, nhân sĩ trí thức hay con em thường dân cũng đều được quan tâm như nhau, như tất thảy con cháu trong một nhà"
----
Cụ bà Hoàng Thị Vọng Bình (các anh chị Lư Sơn, Quế Lâm vẫn gọi "thím Bình") đã từ trần ngày 30/12/2010, hưởng thọ 96 tuổi.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hè 1954 tôi 8 tuổi được oa1c Cáp,Thím Bình , BÁc Mậu,Thím Phương Hoa tiếp nhận vào Trường thiếu nhi Việt Nam đóng tại Quế Lâm.Tôi nhớ mãi những con người tiền bối đả thay mặt Bác Hồ,Đảng ,chính phủ,gia đình chăm sóc ,dậy giỗ chúng tôi để cha mẹ yên tâm tham gia kháng chiến đến ngày toàn thắng.Công ơn ấy lớn lắm. Chúng tôi đã ,đang ,sẽ sống sứng đáng với sự quan tân lớn lao đó.KC