Đọc bài về những nghề mới lạ ở VN, chợt nhớ đến thằng bạn, thằng em Nguyễn Trọng Lượng. Chú tốt nghiệp ở Đức về năm 1980, chuyên ngành Xây dựng. Lượng đi xa cũng đã dăm bảy năm.
Ngày mới về VN, anh em giong chơi, la cà hết quán này xá nọ. Lịch mỗi ngày là: Sáng 9g "bình minh" (mà toàn ngủ bầy đàn tập thể), 10g cả bọn kéo ra Cấm Chỉ ăn phở, uống cà phê; tới 2g chiều mới đi ăn "cơm tám giò chả" ở Phố Huế; chiều lại cà phê cà pháo, tối lại quán xá, đêm 12g mới đi ngủ...
Chú từng phi "Kic" (ngày ấy có xe Mokic là ác lắm vì xe Honda, Yamaha... sau 1975 khuân ra đã cũ dần) lên Vĩnh Yên chơi với mấy ông anh Quân sự. Đêm ấy cả bọn nằm dài ra bãi cỏ sân vận động Bảo Sơn (gần bộ môn bác Ngân) hứng gió và tán láo sau bữa nhậu thịt chó ở gần Viện 109 về.
Sau này chú chuyển vào Nam, tham gia công trình Thủy điện Trị An. Cuộc sống vất vả, chú sang lại Đức làm đội trưởng xuất khẩu. Hè 1987, cuối tuần, nhận được điện báo "em sẽ xuống thăm". (Tôi đang học tiếng Đức ở Naumburg). Vậy là anh em gặp nhau. Lượng ở không xa Leipzig, sau này chuyển về Weissenfeld (Halle). Anh em lại có dịp tụ bạ sau những ngày làm việc.
Nhớ khi sắp về nước, anh em tôi làm một vòng du hí. Tối đó lại đội chú chơi và ngủ qua đêm. Thế quái nào sáng sau dậy sớm để phi tầu xuống Naumburg, chia tay thầy cô dạy tiếng nhưng quên mất cái áo gió. Chiều sau đi chơi về lại phải tạt qua chú lấy. Sau này nghĩ lại, chắc vì chú không muốn anh em xa nhau?
À mà câu chuyện Lượng kể thế này...
Những năm 1970, sinh viên VN sang Đức học nghèo lắm, được có mấy chục Mark mỗi tháng để sống. Vậy là phải kiếm việc làm thêm. Hè về đứa thì về nông thôn đi hái táo, hái dâu, đứa thì ra restaurant rửa bát... Nhưng có những thằng hay lang thang ga tầu, bến xe thì chọn nghề "dán phong bì".
Ở Đức mùa hè là mùa du lịch. Ga Leipzig (ga lớn nhất Đức, được gọi là "ga túi" của châu Âu) kết nối 40 đường tầu đổ về. Suốt ngày tấp nập khách thập phương qua lại, kẻ ngược bắc người xuôi nam, nhìn chóng cả mặt. Trên vai đứa nào cũng đeo ba lô tướng, tay cầm cuốn sách hướng dẫn du lịch. Dân châu Âu có thói quen hễ đi đến đâu là phi ngay ra quầy bưu điện gần nhất, mua postcard có in cảnh đẹp của địa phương, ghi vài dòng rồi gửi về nhà.
Mà đã gửi qua bưu điện là phải dán tem. Keo dán sau lưng con tem đã được Y tế dự phòng kiểm tra, đảm bảo "an toàn vệ sinh răng miệng" nên các chú cứ thè lưỡi liếm vào mặt sau, rồi dán con tem vào góc. Nhưng gửi nhiều bưu thiếp thì phải thè lưỡi nhiều, nước bọt mau khô. Mấy chú lính Cộng ta thấy cảnh này liền "phát minh" ra máy dán tem.
Ngay cạnh quầy bưu điện, một chú đeo mặt nạ bằng bìa mà phía trên ghi mấy chữ "Máy tự động dán tem", vị trí ngang mắt mở hai lỗ, chỗ ngang miệng khoét một lỗ đủ thò lưỡi ra. (Chú có "hoa chân" được giao nhiệm vụ cắt, dán. Quanh mắt, mũi, mồm được kẻ vẽ thêm cho sinh động). Chú đứng bên cạnh nhận nhiệm vụ mời chào. Phải luôn miệng, mỏi tay.
Dân Tây thấy lạ sau khi mua postcard và tem thì cũng ra thử. Mỗi nhát 1 pfenic (1 xu). Quá rẻ! Chục bưu thiếp cũng làm được 1 hào. Cứ thế, khi thằng trước khô hết nước bọt thì thằng ngoài nhảy vào thế. Chẳng phải sơn phết gì nhiều. Bên cạnh có chai nước chanh Limonade sẵn sàng cấp cứu.
Vậy là có tiền, đủ cho đêm thứ bảy đi dancing cùng bạn gái.
Xin hỏi, có nghề nào quái hơn thế chưa?
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Bức tranh sơn dầu "Bắc Kinh 2008", họa sĩ Lưu Dật có ý gì?
Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
7 nhận xét:
Hay! Ko thể tin nổi.
Lượng cũng thân Quang Tuệ, Nghị "phệ" và nhiều anh em Trỗi k8.
Ngày Lượng mất thật khổ. Chú em bị hen phế quản, lúc nào trong túi quần cũng có spray xịt cấp cứu khi lên cơn. Thế quái nào lần đó đang nhậu (mà hắn nhậu khiếp lắm, có lẽ vì buồn chuyện gia đình) với thằng đàn em ở Weissenfeld, bỗng lên cơn co thắt. Sờ đến lọ xịt thì hết nhẵn. Gọi cấp cứu nhưng không kịp. Lượng đi.
Ngày truy điệu, anh Ngân cùng Quang, Quý, Võ... đến vĩnh biệt. Vợ Lượng gửi hài cốt về nhưng địa chỉ là 125 Phùng Hưng. (Dốt quá!). "Hàng" vô chủ, bưu điện lại phải gửi trả về Đức.
Anh em bạn bè tra tìm, làm thủ tục mãi mới chuyển được Lượng về HN. Tết 2009 tôi cùng Oanh, Hùng (em Lượng) đến viếng em ở nghĩa trang gần Cầu Giấy. Lượng nằm cạnh mẹ. Nghe nói nghĩa trang sẽ di dời vì quy hoạch mới.
Chuyện về Trỗi K9 Ng.Tr.Lượng thì nhiều. Điều rất đáng nhớ về Lượng là tình cảm quí mến và thân tình với các đàn anh,các bè bạn của Đhktqs,và của Trỗi. Lượng mất khi còn quá trẻ , ra đi rất đáng thương. Các Anh lớn như Ngân,Quang,Quí, Võ Hùng rất thương Lượng vì không nghĩ mình lại phải tiễn em sớm vậy.
Trong số các anh lớn cư trú tại Đức, Bác Ngân ba lần trọng trách trưởng ban lễ tang, vừa đọc điếu văn cho đàn em vừa khóc- Doãn Dũng( Doãn Tuế ), Trọng Lượng , Bùi Nam. Khi bác Ngân phải mổ tim, Hoàng Quang mếu máo nói đùa để động viên ông anh : Anh phải đi sau để còn đọc cho bọn em ! Bác Ngân mặc cả: Anh sẽ viết trích ngang trước, khi nào phải lên nóc tủ, ngắm gà secsi, ba bốn các chú phải xúm vào cùng khếnh !
Nhớ đến Trọng Lượng, để nhắc đến tình anh em nơi đất khách quê người.
Có phải Lượng học TU Dresden 76-80?
Nếu đúng thì cũng thuộc loại ham vui và may quần loe rất đẹp (đẹp theo kiểu tự túc đủ để hù mấy em gái quê). Năm đầu tiên của nó là năm cuối của tôi nên cũng có biết. Từ đó tới giờ ko biết tin, nay nghe die rồi. Tội nghiệp! Thắp cho thằng em nén nhang.
HMK6
Đúng, Lượng học TU Dresden.
Ga Leipzig có 26 đường tàu.
NTV
Láo thật, lâu không sang nên bốc phét quá trời. Ông NTV ơi, viết bài cho BT5 đi!!! Cả QX nữa!!!
KQ
Đăng nhận xét