Lời nói đầu: Thực hiện chương trình công tác chính trị năm 1987, trong đó có việc viết hồi ký của các đồng chí cách mạng lão thành nguyên là lãnh đạo công an. Công an Hà Nội đã cử chị Kim Dung, đến gặp và ghi lại lời kể của đ/c Nguyễn Tạo.
Ngày 23.5.1994 ông Nguyễn Tạo mất, thọ 90 tuổi. Hòa trong dòng người đến viếng, chị Kim Dung đã tặng lại gia đình phần ghi chép của mình, như một kỉ vật.
Nhận thấy đây là một tài liệu quý về truyền thống yêu nước của một vùng quê, một gia tộc, về phẩm chất của một nhà cách mạng chân chính, về lịch sử, về một thủa ban sơ… và với một cách kể chuyện dung dị, một cách viết mộc mạc, chúng tôi xin giới thiệu bài viết này với những người quan tâm.
Mãi cho đến bây giờ, khi đã ngoài 80 tuổi, mỗi khi nhớ về quê hương, từ sâu thẳm tâm trí tôi lại vang lên dòng điệu dân ca quen thuộc “Trai vững như núi Quyết, gái đẹp như sông La…” Tôi tự hào là người dân của vùng quê đẹp đẽ và anh hùng ấy. Nơi tôi sinh ra, là xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cách biển không xa, kề bên núi Quyết sông La. Nhiều đời chúng tôi đã sinh sống ở đây.
Ông nội tôi, cụ Nguyễn Trọng Tốn, sau khi học hành thành đạt, triều đình bấy giờ bổ làm quan tri huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Nhưng thời gian làm quan của ông chẳng được bao lâu thì Huế thất thủ, Hà Nội bị đánh chiếm, giặc Pháp nghênh ngang chia năm sẻ bảy đất nước. Ông về quê, tìm gặp người bạn tri âm là Phan Đình Phùng. Với tấm lòng yêu nước khôn nguôi, hai ông quyết định khăn gói lên đường vào Huế để trực tiếp xem triều đình nghĩ gì, định liệu ra sao khi họa xâm lăng đang ở trước mắt? Than ôi, cố đô hoa lệ nay còn đâu? Vua Hàm Nghi và triều thần, trước sức ép của giặc Pháp đành kéo nhau đến vùng Sơn Phòng, một vùng rừng núi giáp Lào của Hà Tĩnh. Không từ bỏ ý định ban đầu, hai ông tiếp tục tìm đến Sơn Phòng. Gặp được nhà Vua, hai ông phấn khởi vô cùng, không phải vì chức vụ Nội Tướng và Nội Vụ Vua phong cho 2 người mà vì Nhà Vua và Triều Đình vẫn một lòng quyết tâm chống giặc. Tổ chức “Văn Thân” hình thành với nhiệm vụ chính là khôi phục lại vị trí vua Hàm Nghi, vị trí triều đình đương thời, với khẩu hiệu chung là “bình Tây, giết Tà”. Phong trào văn thân lớn mạnh không ngừng. Do ảnh hưởng tích cực của ông nội tôi và Phan Đình Phùng, vùng quê tôi nhiều người nô nức tham gia “Văn Thân”. Thanh niên trai tráng tìm đến vùng Vũ Quang, đại bản doanh của Phan Đình Phùng gia nhập nghĩa quân. Ông bác của mẹ tôi cũng là tướng giỏi, giúp Phan Đình Phùng rèn luyện nghĩa binh và chỉ huy đánh úp các đồn bốt địch làm chúng hoảng sợ. Ông ngoại tôi, cụ Nguyễn Viết Tương ở lại làng quê lo tổ chức các việc hậu phương như quyên góp tiền bạc, thuốc men, lương thực gửi ra cho nghĩa quân. Chính mẹ tôi khi đó, bà Nguyễn Thị Hai chừng 17,18 tuổi thường xuyên đi trong rừng, hoàn thành nhiều chuyến giao liên giữa quê nhà và căn cứ nghĩa quân.
Nhưng “Văn Thân” mới chỉ khuấy lên tinh thần yêu nước của một vùng, chưa mạnh lực lượng, chưa khỏe thanh thế đã bạo động, bộc lộ lực lượng công khai. Thêm vào đó việc xác định kẻ thù của “Văn Thân” quá mơ hồ, ấu trĩ. Họ giết Tây và giết tất cả những ai theo đạo Thiên chúa giáo. Theo họ, người Pháp truyền bá đạo Thiên chúa vào nước ta, ai theo đạo đó tức là theo Tây. Nhiều làng toàn dân theo đạo thiên chúa như Lạc Thiện, Xóm Vạn…bị đốt phá nhiều lần, nhân dân bị nhục hình và chém giết. Không thể nói ra, nhưng lòng dân oán hận. Bởi vậy, sự thất bại của “Văn Thân” là đương nhiên. Ông nội cùng vua và quần thần văn võ rút vào bí mật. Nhiều tướng giỏi và nghĩa binh không rút kịp đều bị giặc Pháp hành hình. Ông bác của mẹ tôi cũng bị chúng đưa về làng treo cổ lên cây đa.
“Văn Thân” tan vỡ cũng có nghĩa là lý tưởng của ông nội tôi sụp đổ. Ông về quê cũ, dứt khoát không hợp tác với giặc, không chịu mòn mỏi với cuộc sống ẩn sĩ trốn tránh dương gian. Ông quyết định theo nghề thuốc, nghề cao quý, giúp ích thiết thực cho con người. Ông tôi đã trung thành cho đến lúc qua đời (1921) thọ 99 tuổi. Sau này con cháu vẫn gọi là cố Huyện.
Bố tôi, ông Nguyễn Trọng Tấn, lớn lên khi phong trào “Văn thân” chỉ còn là dư âm. Ông được gia đình cho ăn học tử tế và đỗ tú tài. Nên sau này con cháu vẫn gọi là cụ tú Tấn, hay cụ tú Thái Yên. Là bạn thân với Phan Bội Châu, ông cũng có tấm lòng yêu nước và nhân ái với con người. Nhưng vốn tính đa cảm, ông không thích những chuyện xung đột. Không ra làm quan, ông học nghề thuốc của cha và quyết tâm nối nghiệp. Đương thời, ông được mệnh danh là thày thuốc giỏi, nhân từ. Ông rất coi trọng thuốc Nam, nên trồng cả một vườn thuốc Nam ở quê để dùng. Vừa chữa bệnh cho nhân dân vừa viết sách làm thuốc. 60 năm trong nghề, ông miệt mài soạn thành 210 quyển sách xoay quanh nghề thuốc. Tiếc thay, vì nhiều lí do những cuốn sách đó chẳng còn đáng kể. Ông mất năm 1955, thọ 88 tuổi.
(Còn tiếp)
2 nhận xét:
Chỉ biết cụ là Thành Hoàng Làng,nay lại biết thêm nhiều thông tin về cuộc đời cụ.
Lâu quá k đt cho TQ K7.
Tư liệu thực sự quý. Tiếc là 1 thời những thông tin này không được đến với công chúng; hơn nữa các cụ lại rất khiêm tốn, ít kể về mình và nhà mình.
Cảm ơn gia đình!
Đăng nhận xét