Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Tài lẻ dùng để làm gì? (Lê Chí Hoà)

Con người nói chung ngoài tài “chính” thì thường có thêm một hoặc nhiều tài lẻ. Trường Trỗi, do đặc thù môi trường của mình nhân tài…lẻ "nhiều như quân Nguyên". Theo kinh nghiệm của tôi, tài lẻ không phải tự nhiên mà có (trời phú) phần nhiều do năng khiếu (hoặc ham mê) cộng với điều kiện môi trường mà nên. 
Khóa 5 hầu như ai cũng có tài lẻ, thí dụ như Đức Dũng giỏi đá bóng, K.Quốc giỏi làm báo tường, T.Nhân giỏi chơi Vi-ô-lông và thỉnh thoảng còn sáng tác bài hát…Tuy nhiên, tài lẻ muốn được sử dụng hiệu quả thì phải có điều kiện, thời cơ.
1.    
Thời còn ở Đại Từ (Thái Nguyên) một trong những trò chúng tôi thích nhất là đi bắt ong. Mặc dù trong môn Sinh vật chúng tôi được cung cấp khá đầy đủ kiến thức về ong như cấu trúc, tập tục sinh hoạt…của ong nói chung và ong mật nói riêng, tuy nhiên đó vẫn chỉ là trên lý thuyết. 
Rừng núi Đại Từ cho chúng tôi điều kiện rất tuyệt vời để tìm hiểu các loài ong như ong bầu, ong bò vẽ, ong nứa, ong khoái, ong mật…Kết quả của những buổi “học tập dã ngoại” kiểu “điếc không sợ súng” là những khuôn mặt sưng vù vì ong đốt, thậm chí có buổi học phải bỏ dở vì các “dũng sĩ bắt ong” khi bị ong đuổi đã chạy về làm cho cả đàn ong đuổi theo tấn công cả thày lẫn trò trong lớp học. Thày Hóa dạy chúng tôi về môn Sinh, mỗi khi thấy một khuôn mặt sưng vù thay lại mỉm cười và tranh thủ giảng giải cho chúng tôi về tập tính của loài ong.

Một hôm Đinh Kim Khôi về thông báo cho chúng tôi là phát hiện ra một tổ ong mật trong một cành cây ở ngay gần lớp học. Chúng tôi lập kế hoạch trinh sát và tính chuyện bắt ong về nuôi (vì là ong mật mà), kết quả buổi trinh sát là môi của Khôi trề ra, mặt của Phạm Hồng Phương thì rất giống mặt ông Địa… Bí quả cả bọn đành cầu cửa thày Hóa. 
Nắm được tập tính loài ong, thày chuẩn bị bùi nhùi rơm và tiếp cận bầy ong vào lúc chiều tối là lúc ong về tổ hết, các con ong bảo về cũng chỉ bò quanh ở rìa tổ mà không bay xung quanh tổ nữa. Bằng khói của bùi nhùi, thày khéo léo lùa ong chui hết vào tổ rồi nút cửa ra vào của tổ ong lại. Một điều kiện thuận lợi là cành cây mà ong làm tổ đã bị mục khá nhiều nên chỉ cần một vài lần lắc qua lắc lại là chúng tôi đã có thể mang cành cây về nhà. Thày cho tổ ong vào trong màn, chỉ mình thày ở trong còn mấy đứa chúng chỉ đứng ở ngoài nhìn vào. Bằng lưỡi dao thày khoét rộng miệng tổ ong ra, sau đó thày gạt các con ong nhỏ ra để tìm bắt ong chúa. Vừa tìm ong chúa, thày vừa giảng giải cho chúng tôi, đàn ong lúc đó túa ra đen cả màn nhưng thật lạ là không con nào đốt thày. Sau khi bắt được ong chúa thày cho vào một đốt nứa đậy nút lại và treo vào trong một cái thùng đã chuẩn bị từ trước rồi mở màn ra. Kỳ lạ thay, chỉ một lúc sau cả đàn ong đã rời cành cây lần lượt bay vào thùng đậu bám xung quanh ống nứa nhột con ong chúa. Thế là thày trò chúng tôi đã được một tổ ong. Một buổi học thực tế thật là giá trị.

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Thầy Hoá của chúng ta không chỉ giỏi lí thuyết mà rất giỏi thực hành. Chả hiểu thầy học từ bao giờ mà biết làm nhiều trò thực tế.
Không hiểu giờ thầy ở đâu? Anh em miền Bắc có gặp thầy sinh hoạt truyền thống bao giờ chưa?