Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Giao thừa cách đây 25 năm (KQ)

Nhớ cái Tết xa nhà 1987
Cánh sĩ quan cùng chú Thanh.

Tết nhất người Việt ta có thói quen phải trở về bản quán, sum họp cùng cha mẹ, gia đình… Nhưng vì công việc hay du học, nhiều người không có cơ hội đó. Trong đại gia đình tôi Tết này cũng có đến 5 cháu phải ăn tết xa nhà. Nhớ các cháu và nhớ lại chuyện đón Tết 1987 ở CHDC Đức.












Cuối tháng 10/1986, đoàn Thực tập sinh ở Viện Tự động hóa chỉ huy IMAT (Quân đội quốc gia Đức) gồm 5 sĩ quan (Nguyễn Anh Tường - Cục Bảo vệ, Nguyễn Hòe - Viện KT, Võ Quốc Tấn - BTL Thông tin, Nguyễn Thắng - BTTM và tôi - Học viện KTQS. Có đến 3 lính Trỗi: Tấn, Thắng, Quốc và 1 đàn anh Trỗi - Tường, anh của Chí Hòa k8) cùng đoàn nghiên cứu sinh (đại tá Thanh (Bs chuyên phục vụ bảo vệ sức khỏe lãnh tụ), các Bs Quân y trẻ (Lê Kế Sơn, Trung, Lân), kĩ sư Minh – Học viện KTQS) và các cháu học viên quân sự bay sang Đức theo Hãng hàng không Interflug.  Đại úy PTS Quang Bắc, bạn tôi từ hồi mặc quần thủng đít (cùng học mẫu giáo ở Trại Nhi đồng Miền Bắc 1959, 60), sang làm Doktor B, đi cùng chuyến.

Chiều ấy, máy bay hạ cánh xuống sân bay Schoenefeld, ngoại ô Berlin. Lác mắt vì sân bay quá hiện đại. Một sĩ quan của trường Ngoại ngữ quân sự Johannes Dieckman lên nhận bàn giao từ Tùy viên quân sự VN, đón đoàn về Naumburg (tỉnh Halle). Xe chạy trên Autobahn phẳng lì, dọc những cánh đồng lúa mì vừa qua gặt và rừng thông bạt ngàn. Nhiều đoạn xuyên qua rừng thấy biển báo có thú, xe phải đi chậm 50km/g. Dừng xe nghỉ 2 lần, hít sâu cái không khí lành lạnh của nước Đức thanh bình mà cảm thấy sung sướng.

Vào học ngay. Cuối thu rồi sang đông. Bắt đầu có tuyết. Bên đó dân đã nghỉ cả tuần cuối tháng 12 đón Noel   Tết dương lịch. Tết ta cũng đến vào cuối tháng 1/1987. Cánh sĩ quan và học viên VN xin phép nhà trường cho tổ chức đón tết tại doanh trại.
Ba tên Trỗi con.

Cả đoàn chụp với chú Thanh.

Với thầy cô và các bạn Lào, Palestin.

Tôi hát.

Nguyễn Thắng và tôi vốn “có nghề” kẻ vẽ từ ngày đi học trên Vĩnh Yên nên đăng kí dựng phông màn. Phải có câu đối, phải có chúc mừng năm mới. Vậy là đi mua giấy, kéo, mầu về dựng. Không khó. Viết bằng cả tiếng Đức và tiếng Việt: “Tet Fest – Zum neuen Jahr”, cho bạn hiểu. Phòng CLB dành cho sĩ quan VN được trang hoàng đón tết.

Bác Tường nấu ăn khéo, được giao nhiệm vụ làm món nem rán, đặc sản VN mà thầy cô nào khi dạy vẫn khen vì được bọn trò trước chiêu đãi. Bánh đa nem, miến, mộc nhĩ đóng sẵn trong valy từ ngày mới sang. Thịt thì ra Kaufhalle gần trường, chọn loại thịt lợn đã xay sẵn, đỡ phải dao thớt. Dầu mỡ, rau xà lách, su hào, cà chua, hành tây… thì quá dễ.

Biết ăn không hợp khẩu vị Tây ở nhà bếp nên Võ Tấn cùng bác Tường đã mua sẵn 2 bếp điện cá nhân ở Magazin (cửa hàng dành cho lính đồn trú Liên xô ở trên đất DDR) phía sau trường. Tối tối giấu giấu giếm giếm nấu nồi mì thêm thịt hộp, cá hộp, với cà chua và hành Tây, rồi sì sụp chén. (Thật ra quy định cấm nấu ăn trong phòng ngủ nhưng họ cũng thông cảm làm lơ với cánh sĩ quan VN). Vậy là có bếp rán nem. Anh em mỗi người 1 chân 1 tay rửa rau, thái su hào, trộn nhân, cuốn nem... Còn bác Tường, Nguyễn Thắng thì thay nhau rán nem.

Thức ăn lấy khẩu phần ở bếp (vì là tết dân tộc nên được báo thêm tiêu chuẩn, có gà quay, thịt cừu, khoai tây nghiền…). Rượu Champagner, Schnaps (rượu  mạnh), Vino (vang), bia, nước ngọt mua ở can-tin... Tha hồ.
Cánh nghiên cứu sinh y và các cháu học viên sĩ quan cũng tham dự. Lính ta ào ào chạy lên chạy xuống, chuẩn bị suốt cả chiều. Chú Thanh (lão tướng) nhìn cánh sĩ quan trẻ (lúc ấy chúng tôi đều chưa qua tuổi 40) đảm đương hết nên yên tâm.

Ngày thường lên lớp phải mặc quân phục Đức nhưng chiều nay “quân ta” diện đại lễ, bộ ga-ba-đin còn thơm mùi  hồ. Cô Kahle, thầy Ruhla, vợ chồng thầy Kunze – những giáo viên tiếng Đức đều có mặt. Chúng tôi mời thêm cánh học viên sĩ quan Lào và Palestin (thân với VN hơn cả).

Vui vẻ suốt từ chập tối. Ăn uống, nâng li chúc mừng năm mới, "Zum Wohl, zum Wohl!" quyết liệt; sau đó đàn hát. Các bài hát ta, Tây xen lẫn. Anh Tường với “Tình đất đỏ miền Đông” của Trần Long Ẩn. Các cháu  học viên thì “Năm anh em…”,  còn học viên Lào Buôn Chăn Thệp (có mẹ Việt) thì hát “Cô gái Sầm Nưa”….

Ngày đó tôi có cô bạn giáo viên piano. Đêm chia tay, cô ấp úng cầm bản nhạc chép tay tình khúc “Nếu ngày mai chúng mình xa nhau” dí vào tay: “Em thích bài này, ngồi buồn đệm đàn và hát rồi kí xướng âm lại. Anh mang đi hát khi buồn”. (Sau này nghĩ lại, vừa mới cầm tay, chưa kịp làm gì đã tính chuyện xa nhau rồi... Gay thật!). Đêm ấy vừa đệm ghi-ta vừa hát, ca sĩ Nguyễn Thắng thực hiện “vô-ca-li-giê -  bè 2 phụ họa”. Cô Kahle còn cầm hộ bản nhạc để hát đoạn chưa thuộc lời.

Trên TV ngày đó chưa có VTV4 nên không có chương trình về VN, không biết ở nhà được đón xuân ra sao. Nhưng năm đó là năm đầu của thời kì “Đổi mới”, qua thư từ cũng biết Tết này có khá hơn.  Vui qua 12g đêm, ai mới về nhà nấy.

Phó nháy Võ Quốc Tấn mê chụp ảnh nhưng có lẽ vì ngày đó ít kinh nghiệm, chụp đêm nhưng mở ống kính chưa đúng, bị lọt sáng, vậy là hình không thật đẹp. Nhưng như vậy cũng là quá quý rồi.
Đêm đó là đêm 28/1/1987 - trùng với 29 Tết Đinh Mão. Năm đó tháng Chạp cũng không có ngày 30 như Tân Mão năm nay.  Chuyện đã 25 năm!

5 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Giao thừa năm nay sau khi thắp hương cho bàn thờ Tổ tiên, cha mẹ, thắp hương cho mâm cúng trời đất có hoa, mâm quả (cầu-dừa-đủ-xài), có gà luộc cặp hoa (chú gà đồi đứng trên giá ở vườn mấy hôm trước chiều được hóa kiếp)... thì cả nhà ra Tịnh xa Trung tâm, ngôi chùa lớn ở Bình Thạnh. Dọc đường thấy nhà nào cũng mở rộng cửa, bầy bàn thắp hương cho mâm cúng.
Bà con tấp nập ra chùa xin lộc đầu năm. Sau 1 vòng khấn vái, gần 1g cả nhà ra về. Vợ hợp tuổi năm nay nên vào trước xông đất.

Nặc danh nói...

Năm nào vợ xông đất cũng hên tất. Tuổi tác gì!

HMK6

TranKienQuoc nói...

Trước khi đi vợ mở lại "bài" kiểm tra. Cửa phải rộng mở, nhưng ra khỏi nhà phải đóng. Đèn bật sáng, ừ được. Tuổi Nhâm thìn, cấm. Vậy là mình và con gái phải vào sau mẹ nó.
Có kiêng có nành!!!

Nặc danh nói...

Vừa rồi có việc đi qua Naumburg,lại nhớ mùa hè 87, tôi và hai em Tâm, Châm (dân Hà nội thứ thiệt) được KQ và nhóm sĩ quan Trỗi mời đi Píc-níc bên cái hồ đẹp nhất vùng Naumburg. Khi về trời đổ mưa to, KQ vội vàng cởi bỏ áo "đại cán" đưa cho hai em che đầu khỏi ướt, KQ còn nhớ không? Hiện giờ hai em vẫn định cư tại Berlin, thỉnh thoảng gặp nhau các em vẫn hỏi thăm các anh Trỗi, nhất là anh Quốc.
Nhân đây Qx xin gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả anh em bạn bè Trỗi, chúc anh em một năm mới an lành, sức khỏe rồi dào, gia đình hạnh phúc và các cháu thành đạt.
Qx.

TranKienQuoc nói...

Cái hồ đó đẹp lắm, không xa chân núi. Hè đến dân Đức kéo Wagon du lịch ra cắm trại ven hồ. Họ nghỉ 2 ngày cuối tuần rồi về làm việc. Vẫn nhớ lần đón Qx và 2 em từ Leipzig xuống chơi. Có 1 bé VN không biết bơi,liều ra xa, suýt toi, may có bác Qx là "thợ lặn chuyên nghiệp" nên thoát. (Cho thăm 2 em nhé! Chuyện đã 25 năm rồi).
Sau này Qx còn ác hơn, nghe đồn có FKK "Frei-Koeper-Kultur" (tự do-thân thể-văn hóa) nên rủ nhau đi chơi. Vì của bọn VN ta bé quá, toàn phải nằm sấp (giếm!).
Có chuyện vui, 1 chú CS bám theo đối tượng chạy vào FKK. Nhưng luật là luật, ai cũng phải "chuổng cời"; vậy là chú cũng phải thoát y. Riêng trên đầu vẫn đội mũ Polizei.
Đoàn Khánh, người rất thông hiểu tiếng Đức, đã đọc trại FKK là "Fuer Kleine Kinder" (Cho bọn nhóc).
Qx còn nhớ???