Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Chuyện nhà ngoại cảm... (tiếp theo và hết)



Tiếp đến một tháng sau cuộc“gặp” kỳ diệu ấy, với những thông tin thu được từ mấy tháng trước qua việc nhờ nhà ngoại cảm Năm Nghĩa “gọi hồn” Huế về cho biết, cùng những thông tin từ các nhân chứng như anh Ẩn (đại đội trưởng của Huế), anh Hợi (xã đội phó), chị Xuân (du kích), cô Quật (giao liên) tại thời điểm và địa bàn (xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị) nơi Huế chiến đấu rồi hy sinh, họ đều còn sống kể lại, kết hợp với lần này “linh hồn” Huế về xác nhận ngôi mộ trong “Khu vô danh” tại nghĩa trang xã Hải Phú, Hải Lăng mà hai cháu Bình và Mạnh đã khắc bia tên Nguyễn Văn Huế là Đúng.

Tôi quyết định cùng mấy cháu vào đưa Huế về nghĩa trang ở quê. Xuất phát sáng 27 tháng 12 năm 2007, đêm mới đến Đông Hà, phải ngủ lại, hôm sau vào Hải Phú, Hải Lăng. Thủ tục không khó khăn. Địa phương tạo thuận lợi. 11 giờ trưa tôi bước vào nghĩa trang. Nắng oi ả. Thắp hương trên “Đài liệt sĩ” xong, tôi nhằm “Khu vô danh” đi xuống. Đến hàng thứ ba, mộ thứ sáu bỗng cảm như có bàn tay lạnh giá đặt lên vai. Tôi ngồi xuống. Trước mặt là bia mộ Nguyễn Văn Huế...Tôi ôm lấy và khóc nức nở. Ở tuổi tôi, nỗi đau thường được kìm nén, thế mà...Linh cảm như mách bảo...Chúng tôi quyết định nửa đêm sẽ “bốc”. Trước lúc đó đầu tôi vẫn đắm chìm suy tư: thông tin do các nhân chứng cung cấp có thể tin .Thông tin do các nhà ngoại cảm cung cấp có thể tin. Linh cảm khi tôi đến trước mộ có thể tin. Còn vật chứng? Tôi đặc biệt quan tâm đến chiếc răng khểnh của Huế...Đêm khuya. Rừng thưa yên vắng. Trăng cuối tháng nhợt nhạt. Hai pha đèn ắc quy chiếu xuống hầm mộ. Tiểu cốt được đưa lên. Tôi hồi hộp khi các cháu mở nắp. Xương sọ, còn. Xương ống chân, còn...“Hàm răng?”. “Đây rồi...Còn tốt nguyên”. Cháu Bình lướt nhẹ bàn chải mềm. Chiếc răng khểnh lộ ra. Tôi thở phào. Mừng quá. Xúc động quá. Đúng Huế đây rồi!
Hài cốt xếp cẩn thận trong hộp xốp trắng, dán băng dính, trên phủ cờ Tổ quốc đặt giữa hàng ghế, Bình và Mạnh ngồi hai bên “hầu cậu”. Xe rời nghĩa trang Hải Phú lúc 1 giờ 5 phút mà 11 giờ 30 đã về đến Yên Phương, Ý Yên, Nam Định, chỉ bằng hai phần ba thời gian hôm đi vào. Trên đường hết sức thuận lợi. Lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức trang trọng. Mộ phần của Nguyễn Văn Huế được đặt trong Nghĩa trang liệt sĩ của xã.
Thế là bạn tôi sau 40 năm nằm nơi đất khách giữa khu rừng thưa hoang vắng nay đã về với quê hương, với bố mẹ và anh em ruột thịt. Đối với tôi 40 năm canh cánh xót thương bạn. Được may mắn trở về lành lặn, cuộc sống đủ đầy hạnh phúc bao nhiêu, tôi luôn cảm thấy có lỗi với bạn, với những người đã ngã xuống nơi chiến địa. Đưa được bạn về lòng tôi vơi nhẹ đi biết bao day dứt.
Đặc biệt là, khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì cháu Mai Trang đi siêu âm từ Viện Quân y 103 về hớn hở vào khoe với bố: “Bố ơi, có em bé rồi! Bác sĩ bảo tim thai khoẻ”. Chao ơi là mừng. Niềm vui bất ngờ và thật là tuyệt vời. *
Sự chính xác của những thông tin khi “gặp” được các “linh hồn” bố, mẹ và người thân qua nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng; kết quả việc “tìm thấy” nơi bà ngoại mất; đưa được hài cốt của bạn về quê và việc vợ chồng cháu Mai Trang “có em bé”...Tất cả những điều ấy khiến tôi càng suy nghĩ nhiều về những bí ẩn kỳ diệu mà các nhà ngoại cảm đem lại.
Tôi không giải thích được. Mà chính các nhà ngoại cảm cũng không giải thích được. Họ chỉ nhận biết mình có khả năng đặc biệt ấy, còn nhờ đâu mà có, thì chịu. Tôi tìm đọc để xem ý kiến các nhà khoa học ra sao?
Trên thế giới từ lâu đã xuất hiện các nhà tiên tri, nhà ngoại cảm mà nhiều nước, nhiều nhà khoa học đã tổ chức nghiên cứu lĩnh vực này. Tuy nhiên cho đến nay họ cũng chưa có được những lý giải thuyết phục.
Còn ở nước ta, ngoại cảm không chỉ rất mới mẻ, không chỉ thuộc đối tượng để khoa học nghiên cứu mà còn là vấn đề khá nhạy cảm gắn liền với “phúc”, “họa”. Chỉ khoảng năm sáu chục năm trước thôi đã có những người điêu đứng bởi chịu ảnh hưởng “Di truyền học”, phê phán trường phái Lư-xen-cô. (Ngày nay thì Di truyền đã trở thành ngành khoa học mũi nhọn đóng góp vô cùng vĩ đại cho cuộc sống con người). Quan điểm giai cấp cực đoan đã khiến người ta phê phán phủ định cả câu ca dao: “Con vua thì lại làm vua. Con nhà sãi chùa lại quét lá đa”. Cách đây không lâu giáo sư Hoàng Phương chỉ viết vài bài báo về hiện tượng “Thần giao cách cảm” thôi, mà phải chịu biết bao sự phê phán cay độc. Cho nên trước nột lĩnh vực mới, khó và nhạy cảm như thế hầu hết các nhà khoa học Việt Nam dè dặt, thận trọng cũng dễ hiểu. Chỉ có rất ít người dũng cảm dám đưa ra những quan điểm của mình. Nguời thì giải thích ở góc độ “Trường sinh học”, người khác ở góc độ “Bức xạ tàn dư ”, hoặc “Sóng năng lượng đặc biệt”, hoặc “Thiên nhãn thông”... vân vân ...
Tuy nhiên cho đến nay cũng chưa có lý giải của ai đủ sức thuyết phục.
Điều đó có nghĩa “ngoại cảm” vẫn còn là dấu hỏi?
Bài viết của tôi phản ánh sự việc có thực, cũng như hàng ngàn sự việc có thực khác mà các nhà ngoại cảm Việt Nam đã làm, đã tìm được hàng vạn bộ hài cốt liệt sĩ trong đó có những tên tuổi lớn nhiều công lao với Tổ quốc, đã đem lại hạnh phúc cho biết bao gia đình. Một số cơ quan khoa học chuyên ngành được Chính phủ giao nghiên cứu (Liên hiệp khoa học công nghệ tin học và ứng dụng, Viện Khoa học hình sự, Trung tâm bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có những báo cáo kết quả trắc nghiệm và bước đầu khẳng định: “Khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm là có thật”, “mà khoa học hiện nay chưa thể có lý giải một cách thoả đáng” . Họ có thể nhìn thấy hài cốt người chết vùi sâu dưới đất và biết được thân nhân quá cố ấy. Họ nhìn rõ diện mạo, hình dáng, nghe và hiểu được lời nói của “linh hồn” (có người chết đã hàng trăm năm), trao đổi, giao tiếp với các “linh hồn” ấy rồi truyền đạt lại thông tin cho những người đang sống với độ chính xác cao. Đó là sự thật.
Sự thật không phủ nhận được thì không nên phủ nhận.
Từ những năm đầu thế kỷ, nhiều nhà khoa học, nhiều nước Âu, Mỹ đã tổ chức và tiến hành nghiên cứu rất nghiêm túc về tâm linh. Một nhà khoa học thuộc Liên Xô cũ đã nhấn mạnh: “Lý luận duy vật không những cho rằng tâm linh có thực mà còn coi đó là “vật chất notron sống””. Mục đích nghiên cứu của họ là giúp con người phát triển khả năng siêu năng lực tiềm tàng. Nếu chúng ta không sớm coi đây là một ngành khoa học và tổ chức nghiên cứu thật chu đáo thì chắc chắn sẽ tụt hậu so với thế giới. Và như thế thì thật là đáng tiếc!
Xin hãy coi “tâm linh” là đối tượng khoa học và đối xử như một ngành khoa học mới. Hiện tại Chính phủ đã dầu tư cho việc nghiên cứu tâm linh qua “Trung tâm khai thác tiềm năng con người”, tuy nhiên cần hoạch định chủ trương lâu dài, đầu tư thoả đáng cả tổ chức, nguồn tài chính và nhân lực để phục vụ việc nghiên cứu, ứng dụng tâm linh cả trong khoa học và cuộc sống.

Hà Nội ngày 5 tháng 6 năm 2008
(Số nhà 10 Ngõ 73 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội. ĐT: 04.37220868 - DD: 0913236372)


1 nhận xét:

QV nói...

Bích Hằng kể với tôi chuyện này:
Sau khi giúp a PT (AH -PCVT VN, a PT về quê BH chơi. Trên đường đi, BH bảo:
- Chú T ơi, người ta làm thơ về chú đấy.
- Thơ thế nào?
BH đọc:
"PT quê ở Thái Bình,
Chỉ vì đói kém, anh đành ra đi.
Anh vào bộ đội tức thì,
Được trên chiếu cố cho đi nước ngoài.
Học hành thì chẳng bằng ai,(Nói thế chứ PT thuộc loại TM đấy)
Được cái sức khỏe bằng hai, ba người".
Nghe xong, nghĩ một lúc, a PT hỏi:
- Hằng ơi, cháu họ gì nhỉ?
- Dạ, cháu họ Phan. Phan Thị Bích Hằng ạ.
- Thế thì chú có chuyện kể cho cháu nghe đây:
" Trong lớp học nọ, cô giáo hỏi:" Em nào cho cả lớp biết, anh hùng lấp lỗ châu mai tên là gì?". Một em giơ tay phát biểu:" Em thưa cô, là Phan Bội Châu ạ". Cô giáo cười:"Em nhầm rồi, là Phan Chu Trinh chứ không phải Phan Bội Châu". Một HS khác đứng lên:" Em thưa cô em tưởng là Phan Đình Giót chứ cô?". Cô giáo biết mình nhầm đành chữa ngượng:" Ừ dân tộc ta là dân tộc anh hùng. Họ Phan cũng rất anh hùng nên bất kể Phan nào, hễ thấy lỗ là lấp. Thôi, ta vào bài mới nhé".
Thế là hòa 1-1.