Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Hồi ký: NHỚ MÃI NGÀY ẤY (TRẦN THẮNG)


Anh Trần Thắng, học viên chuyển tiếp 2 Đại học KTQS (1969), sau đó vào mặt trận B2. Anh có hồi kí ghi lại thời kì nóng bỏng này. BT5 bắt đầu đăng tải. Xin cảm ơn anh! - BT5.


TRAÀN THAÉNG


NHÔÙ MAÕI NGAØY AÁY

NHÔÙ MAÕI CAÙC ANH

5 – 2009


    Thời gian qua đi thật nhanh. Nếu tính từ ngày tôi nhận lệnh chuẩn bị lên đường đi B, tháng 9/1971, tới nay đã là 38 năm. Vào tới chiến trường, tôi công tác ở ban Kỹ thuật phòng Thông tin B2 chỉ có khoảng ba năm rưỡi, nhưng đó là khoảng thời gian thật khó quên. Tôi luôn nhớ mãi những ngày ấy cùng các đồng đội của tôi. Có một cái gì đó cứ thôi thúc tôi phải ghi lại những kỷ niệm của riêng mình trong giai đoạn đầy biến động này.



Đi bộ đội, đi học, và chuẩn bị đi B

1965 - 1971

    Tháng 3/1965, Bố tôi lên đường đi B, anh em tôi đang dở năm học tại thị xã Hà Đông nên tiếp tục học cho tới tháng 5/1965. Lúc này chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đang lan rộng, với lứa thanh niên 18, 20 như tôi vừa tốt nghiệp phổ thông, tuy có vài lựa chọn, nhưng tôi lại chọn con đường gia nhập quân đội. Có nhiều người thấy lạ nhưng tôi lại cho là bình thường. Có thể cái thời đó là như vậy.

    Nhưng cái chuyện nhập ngũ của tôi cũng không được bình thường lắm. Hồi tháng 4/1965 chúng tôi nghỉ học mấy ngày để đi khám tuyển phi công. Tôi nhớ là được khám sức khỏe khá kỹ và tôi cũng vào tới vòng cuối cùng khi được ô tô tải chở đến bệnh viện quân y 108 để khám tiếp. Tuy nhiên khi ở Hà Đông, họ nhỏ thuốc dãn đồng tử vào mắt để khám, sau đó mắt nhìn bị lóa và mờ, nên khi lên xe ra HN tôi bị say xe. Vẫn còn say xe và choáng váng tôi ngồi vào cái ghế và người ta quay tít, tôi ngã lộn nhào, rồi đi như thằng say rượu. Tiếp đến vào một cái thùng kín để người ta làm giả như cho mình bay lên cao, tôi chỉ thấy ù tai một chút, còn có thằng chảy cả máu tai. Tôi cũng cảm thấy cái nghiệp phi công của mình chắc là hết vì khám xong tôi vẫn còn say ô tô. Trưa hôm đó họ cho ăn một bữa. Khi chúng tôi vào nhà ăn, nhân viên nhà ăn chỉ dẫn: Đây mấy mâm này là của phi công. Nghe vậy chúng tôi thật khoan khoái cứ như mình đã là phi công đến nơi rồi. Nhưng chúng tôi xuống đất ngay khi nhìn vào mâm: mấy chiếc bánh mì nhỏ khô cứng với chậu canh rau muống. Chấm hết. Vậy là tôi không là phi công, nhưng được đi khám phi công, cũng đáng khoe chứ.

    Sau đó là học và thi tốt nghiệp phổ thông, tháng 6, 7/1965, tôi và Mẹ thu xếp cho các em tôi vào học ở các trường sơ tán, đứa ở Hà Đông, rồi Hưng Yên, đứa lên Thái Nguyên, rồi sang Trung Quốc…




Cùng lớp 10B, Nguyễn Huệ, thị xã Hà Đông

 tháng 5/1965.



    Tôi lúc đó không biết làm gì nên đi lao động ở nông trường An Khánh với mấy đứa bạn cùng lớp cũng đang chờ gì đó như tôi. Sau này tôi mới biết rất nhiều bạn học lớp 10B, trường Nguyễn Huệ với tôi năm đó đã đi học nước ngoài. Cũng có nhiều bạn như tôi xung phong hoặc “phải” đi bộ đội. Sau chiến tranh gặp nhau, mỗi người mỗi cảnh…Còn tôi, tôi có lựa chọn khác. Tôi gặp chú Chu Phác đã từng công tác với Bố tôi và đang giúp Bố tôi một số việc hậu phương gia đình. Tôi xin đi bộ đội, chú đồng ý sẽ giúp nhưng với điều kiện là sau đó phải đi học tiếp đại học, rồi phục vụ quân đội lâu dài. Thực ra lúc đó tôi không thích học, chỉ thích đi bộ đội để đi đây, đi đó, nếu có đi đánh nhau thì cũng đi xem thế nào? Vài năm sau hết chiến tranh lại về làm dân. Tôi có anh bạn học rất thân là Đinh Tấn Phước, đi bộ đội đợt tháng 2/1965 và đang ở lữ đoàn pháo binh 24, thỉnh thoảng có tin về, thấy cũng hay lắm, nên tôi cũng muốn được như vậy.




    Nhập ngũ ngày 1/9/1965       



    Ngày 1/9/1965, tôi làm thủ tục nhập ngũ ở QK3, sau khi xong tôi mang đồ lề cùng giấy tờ ra tập trung tại đoàn 16 thuộc Tổng cục Chính trị. Trước đó mọi đồ đạc của gia đình, nhất là tủ sách, các đĩa nhạc, bộ album ảnh tự chụp mà Bố tôi rất quí đã được chú Chu Phác cho người thu dọn và chuyển đi. Còn lại một mình trong căn nhà trống trải mà gia đình tôi mới chuyển từ Nam Định lên được hơn 1 năm, tôi linh cảm rằng cuộc ra đi này sẽ rất dài, và còn lâu lắm gia đình tôi mới có ngày đoàn tụ.

    Mấy hôm sau theo lệnh triệu tập tôi đi chiếc xe đạp hiệu Stecling của Bố tôi, khoác chiếc balô bộ đội đến khu Thái Hà ấp, là nơi đóng quân của đơn vị. Ở đó tôi gặp các anh Thi, Đỉnh, Kiên, Thiết, Hưng, Nhâm, Trung, Thiều, Khải, Tôn, Thật, Chính, Hải, Lương, Bảo …cũng vừa từ các đơn vị tập trung về. Tôi là loại “lính mới tò te” và trẻ nhất. Các anh đều đã đi bộ đội vài ba năm, mấy anh ở hải quân đã từng chiến đấu hồi 5/8/1964. Thời kỳ học đại học bắt đầu. Lớp tôi học là lớp VTĐ65, khóa 10, khoa VTĐ, Đại học Bách khoa Hà Nội.     




Những năm 1968 – 1969

               

    Lúc đó tôi không thích học lắm và việc học hành cũng hay bị đứt quãng. Sang 1966, chúng tôi đi sơ tán ở bản Nà Sưa, Tràng Định, Lạng Sơn. Đêm đi tàu hỏa lên Lạng Sơn, chúng tôi cũng bị máy bay Mỹ đánh bom mấy lần, may mà không sao. Một giai đoạn gian khó vừa học vừa lao động, vừa chống chọi với mùa đông khắc nghiệt. Tôi chịu lạnh rất kém, do bị viêm xoang, đau khớp…nên  đau đầu, mất ngủ luôn. Lại thêm tắm sông, ở bẩn nên ghẻ lở khắp người. Do đó học hành chả ra làm sao. May mà năm thứ hai trở đi học có khá lên nhiều. Hè 1968, chúng tôi trở về Hà Nội học học kỳ cuối. Sau đó, tháng 3/1969 bọn bộ đội biệt phái chúng tôi cùng mấy chục anh chị em sinh viên khác chuyển tiếp sang Đại học Kỹ Thuật Quân sự. Chúng tôi có hơn 1 năm học máy thông tin quân dụng, tập quân sự. Cũng mất nhiều thời gian cho việc đi gặt luá giúp dân, đi hộ đê chống bão lụt… Ở cái đất Hương Canh, Vĩnh Yên, giữa đồi sỏi đá chỉ có cây bạch đàn sống được, trong các ngôi nhà tre đơn sơ, chúng tôi  phải

chịu những đợt nóng nung người. Số còn lại ở Bách khoa học xong và ra trường cuối 1969.

    Hồi học đại học tôi cũng rất cố gắng học hành, chịu khó lao động và sống khá vui vẻ nên chi bộ cũng để ý. Vào khoảng năm thứ hai, có lần anh Lê Hồng Y là cán bộ miền Nam tập kết, đảng viên, tổ trưởng học tập của tôi nói chuyện riêng với tôi rằng: cậu cơ bản là được, cần cố tí nữa…sửa vài khuyết điểm nữa…thì sẽ được vào  Đảng. Tôi thấy lạ và nói thật suy nghĩ của mình: Tôi thì thấy khi nào cần tôi sẽ xin vào Đảng, chứ không phải tôi cố để Đảng cho tôi vào. Sau đó chuyện vào Đảng của tôi không thấy ai nói đến nữa.

    Tôi mang cái “dớp” này cho tới năm 1970 lúc đang học tại ĐH KTQS. Rồi tôi cũng thấy cần và được hướng dẫn làm đơn “xin”, nhưng các đảng viên vẫn  thấy tôi chưa “thật chuẩn” lắm khi xét vào Đảng. Giữa năm học tôi cũng được kết nạp, nhưng do trục trặc gì đó nên khi kết thúc năm học, mọi người đi hết, tôi phải ở lại chờ mất vài ngày mới lấy được đủ giấy tờ.


Tháng 8-1969


Tiểu đội của tôi tháng 8/1969

Hàng đứng: Lân, Phách, Hắp, Hiền, Thắng, Gv Phương, Minh, Bảng, Hoài.

Hàng ngồi: Huỳnh, Thiều, Xiêm, Gv Báu, Gv…, Vỹ



Nghĩ lại cũng buồn cười. Khi kết thúc năm học, chỉ huy đại đội có đọc 1 danh sách dự kiến phân công công tác cho mọi người, trong đó có khá nhiều anh được dự kiến đi B. Mỗi người 1 tâm trạng. Tôi có nói là nếu tôi  được đi B thì cũng hay. Có  anh  nói,  mày  thì  ai  dám cho đi! Tôi không nói gì nhưng lại nghĩ, chưa biết ai đi trước ai đâu? Thực tế đúng như vậy, tôi là người đi B đầu tiên của lớp.

    Tháng 9/1970 tôi cùng khoảng 50 anh em lớp VTĐ65, sau 1 năm bổ túc thiết bị điện tử quân sự tại Đại học KTQS, làm lễ ra trường. Tôi được phân công về ban Kỹ thuật, Phòng 2 (phòng khí tài kỹ thuật) Bộ Tư Lệnh Thông tin. Ban phân công tôi vào tổ máy đo lường với chị Đỗ Mai học khóa 8, khoa vô tuyến điện ĐHBKHN, hai chị em cứ lóc cóc hết đi, lại về làm với tổng kho, chủ yếu là tìm hiểu, dịch tài liệu, bảo dưỡng mấy cái máy đo lường. Lúc đó tôi thấy máy đo hỏng nhiều hơn là  làm  việc, đo  sai  nhiều  hơn  đo  đúng, cái  mà người ta quan tâm là làm thế nào cho nó đỡ hỏng, mà có hỏng thì cũng ít khi sửa được. Quả  thật  lúc  đó  khí  tài  các nước XHCN cho mình vừa lạc hậu vừa hay hỏng vì không hợp với khí hậu Việt Nam.

    Hồi đó tôi còn làm việc và sinh hoạt chung với các anh Đỗ Mạo, Hồng Minh,  anh  Thăng  học  ở  Liên Xô  về,  Nguyễn  Cộng Hòa học khóa 9 cùng khoa với tôi. Ra trường trước tôi có 1 năm nhưng anh rất vững về chuyên môn,  khá  tháo  vát và “liều”. Rồi anh Nguyễn Hữu Phúc cũng học khóa 8 với chị Đỗ Mai, anh Phúc hiền lành, nhớ nhiều chuyện Tàu, sau này chúng tôi gọi vui là “cha cố ”. Anh Ất to béo, hiền lành, anh Xưởng “do thái”, anh Thủy công nhân bậc cao… Đặc biệt hồi đó có anh Chánh, người khu Năm, nhỏ bé, hiền hòa lịch sự. Anh rất giỏi về chuyên môn và ngoại ngữ mặc dù chỉ tự học và học tại chức. Mọi người đều  rất quí và phục anh. Và còn nhiều người khác nữa mà tôi không sao nhớ hết.

   Gần 1 năm trôi qua, lúc này BTLTT thành lập nhà máy M3 chuyên sửa chữa thiết bị hữu tuyến điện như tải ba, điện thoại, tổng đài…và máy đo. Tôi được điều về nhà máy M3. Khi đó M3 đóng tạm ở 1 khu kho khí tài bên Gia Lâm, ngay dưới chân đê sông Hồng. Ngày ấy anh Trần Tấn Nhất người Nam Bộ là giám đốc. Có mấy anh tôi còn nhớ là anh Lịch học ở Hungari về, anh Sơ, cô Hồng, cô An Cơ…Còn đang thời kỳ tập hợp quân sĩ thì mùa lũ 1971 ập tới, cả nhà máy tham gia phục vụ giữ đê. Bọn tôi cũng phải canh đê, đi tuần kiểm tra đê, mắc điện chiếu sáng…Mỗi khi đứng trên đê, nhìn dòng nước lũ cuồn cuộn chảy, tôi thấy con đê thật là nhỏ bé mỏng manh. Trong 1 lần đi tuần bọn tôi phát hiện một lỗ thủng rộng khoảng 30-40 phân trên mặt đê, lúc đó khoảng 1, 2 giờ sáng. Vậy là báo động, người và phương tiện kéo đến xử lý ngay. May mà kịp, không thì nguy to. Sau đó M3 được khen về vụ đó thì phải. Mấy hôm sau đê sông Đuống vỡ và nước rút dần.

    Khoảng tháng 9/1971 tôi có lệnh tập trung để đi B. Mừng quá. Lúc đó tôi nghĩ về cái M3 này, chuyên môn chả biết thế nào nhưng ít lâu nữa chuyển lên Sơn Tây thì chán chết, nên có lệnh là tôi khoác ba lô đi ngay. Về Bộ Tư Lệnh, tôi được cấp phát quần áo, màn tuyn màu xanh, võng dù TQ. Một số thuốc men, có 1 lọ sâm viên. Một túi dụng cụ cơ công Trung Quốc. Đặc biệt có 1 khẩu súng ngắn K54 và 2 băng đạn. Súng đạn thấy cũng oai, nhưng tôi rất ngại đụng vào. Tuy có  học tháo lắp và bắn… nhưng tôi vẫn cảm thấy không thạo cái món này và tôi cũng khó hình dung ra việc tôi  chĩa  súng vào ai đó rồi bóp cò.




Võng dù và màn tuyn của gần 40 năm trước



Mặc dù đã gần 40 năm nhưng cái võng dù, cái màn tuyn, và 1 vài dụng cụ cơ công hồi ấy tôi vẫn giữ và sử dụng cho tới bây giờ. Lúc này chuyện đi  B  không còn là tuyệt mật nữa, mọi công việc chuẩn bị cho chuyến đi ở BTLTT có  sự  tham  gia của nhiều bộ phận, nhiều người. Đầu tiên là tôi được biết cùng đi với tôi là 2 xe điện đài 50W cùng đầy đủ nhân viên đi theo để tăng cường cho thông tin B2. Hai xe này là loại xe Gaz 69 đít vuông, mỗi xe lắp 1 máy phát 601C, 1 máy thu P311, 1 đài SCN P105D, 1 đài 81B cơ động, nguồn điện là accu và bộ đổi điện. Trang bị như vậy là loại hiện đại lúc bấy giờ. Nhân viên mỗi xe gồm: lái xe, đài trưởng, báo vụ, cơ yếu. Trước khi đi khoảng 2 tuần, tôi và anh Hòa có lên M1 để kiểm tra lần cuối việc lắp ráp  2  chiếc xe này. Anh Nguyễn Cộng Hòa là người


 Hà Nội, tháng 9/1970 …                 Và B2, tháng 9/1972



thiết kế việc lắp đặt thiết bị trên xe. Khi kiểm tra 2 hòm máy  thu P311, anh Hòa “láu cá” chỉ cho tôi 1 cái túi nhỏ, trong có 1 con dao rất sắc. Anh ấy lấy ra và nói: mày 1 con, tao 1 con (hồi đó “tham nhũng” cũng chỉ có vậy thôi). Con dao này quả là có nhiều tác dụng, tôi giữ mãi tới những năm 90 thì bị hỏng và sau đó thì mất. Kiểm tra xong, mọi việc tốt cả. Tối đó tôi gặp đám bạn học Bách khoa đang làm việc ở đây như Đạt, Dũng, Thạch, Vượng, Lan, Thuế, Phố, Bình…tôi khoe vừa nhận quyết định phong thiếu úy. Mọi người có vẻ hy vọng là vài hôm nữa sẽ đến lượt họ vì ra trường đã 1 năm rồi. Nhưng hình như không phải vậy. Khi ra trường, phần lớn chúng tôi chỉ được gắn lon chuẩn úy. Nhưng năm sau, ở ĐHKTQS, ra trường được phong ngay trung úy. Đúng là may hơn khôn.

Sau đó tôi và anh Hòa còn vài chuyến kiểm tra và thử máy nữa, trong đó có 2 máy thu phát đơn biên của ĐCS Nhật tặng. Đây là loại máy sóng ngắn dân dụng, có 4 tần số cố định, công suất 4W, dùng pin rất gọn nhẹ. Lúc đó chúng ta coi kỹ thuật đơn biên là rất mới. Chúng tôi đã thử đàm thoại từ nhà máy M1 về Hà Nội, khá tốt. Cuối năm 1972, tôi đã có dịp dùng thật 2 bộ máy này để bảo đảm liên lạc cho Ông Mười K và Ông Tư C.




Những dụng cụ của gần 40 năm trước



    Thực ra chuyện đi B của tôi cũng có nguyên do của nó. Khi Bố tôi đi B, tôi vẫn thay mặt gia đình thư từ với Bố. Tôi lúc đó mang tâm trạng của một lớp thanh niên được đánh giá là phù hợp với thời cuộc, muốn được cống hiến dù phải tới những nơi gian khổ, ác liệt. Một trong những mong muốn đó là được vào chiến trường công tác. Tôi đã tâm sự với Bố tôi như vậy. Cho nên khi Ông Tư C ra Hà Nội làm việc, Bố tôi có nhờ Ông thu xếp. Nhưng phải nói là trong lòng tôi còn có 2 lý do riêng. Một là tôi cảm thấy mình còn trẻ không vướng bận gì nên cần phải đi nhiều, đi xa để biết đây biết đó, để làm 1 việc gì đó có ý nghĩa. Hai là tôi rất ghét việc mọi người thấy tôi giống như các CÔCC khác, được cưng chiều, được đi học nước ngoài, được bố trí chỗ làm ngon lành, được nhiều bổng lộc…nên tôi muốn làm sao giống như 1 người bình thường. Nhưng rồi tôi biết làm 1 người bình thường không phải là dễ. Ngay từ cái thời đó tôi đã có dị ứng với một vài thói quen của mọi người. Ví dụ khi giới thiệu hoặc nói về ai đó, sau khi nói tên, người ta thường nói ngay là con ông này, bà kia, cháu cụ nọ, thậm chí chỉ có chút quan hệ xa xôi nào đó cũng được nêu tường tận…Hồi đó Bố tôi cũng đã được cho là “to”, nhưng chưa phải là to lắm. Vì hay viết báo, viết sách và đi nói chuyện nên cũng gọi là có “tiếng tăm” một chút. Tôi cũng tự hào lắm chứ nhưng không bao giờ mình khoe ra. Cho nên khi có người nói: Con ông Đ…đấy, tôi vô cùng ngán ngẩm, và cảm thấy họ nhìn mình cũng khang khác thế nào ấy.

    Trước khi đi tôi có về quê thăm bà nội tôi ở Tiền Hải, Thái Bình. Năm đó Bà tôi đã gần tám mươi, nhìn Bà già yếu, gày gò tôi thương quá. Bà ở với cô tôi và mấy đứa cháu ngoại. Cả nhà đánh vật với 2 sào ruộng xấu, đồng xa nên cái đói luôn rình rập. Tôi nhớ ngày nào khi gia đình tôi còn ở Nam Định những năm 1956 – 1964, lúc tôi khoảng 13, 14 tuổi, cứ hè đến là tôi lại đạp xe về quê chơi, có khi ở hàng tháng. Khi đó tôi vui lắm vì về với bà nội với cô, tôi được rong chơi thỏa thích với mấy đứa em con cô tôi. Sáng đi bắt chuồn chuồn, bắt bướm, rồi bắn chim bằng súng cao su…Chiều đi câu cá rồi tắm sông…Tối chơi trốn tìm, chơi trận giả hay nằm nghe sáo diều vi vu ở bãi cỏ cuối làng…Rong chơi suốt ngày, lại đang tuổi lớn chúng tôi ăn khỏe lắm. Tôi có biết đâu rằng bà tôi và cô tôi ngày ngày lo thắt ruột vì không biết kiếm đâu ra cho cháu ăn. Có lần hợp tác xã chia cho mấy thúng khoai lang cứu đói, chúng tôi vui vẻ ăn cả tuần, vừa ăn vừa uống nước chè xanh cho dễ nuốt và mau…no. Sau này cô tôi kể: Chú ở xa, hàng năm có vài ngày phép, thấy chồng về thì mừng ít mà lo nhiều, lo ông ấy ở nhà cả tuần thì lấy gì mà ăn!

    Khi ngồi riêng với Bà trong căn nhà 3 gian tường bằng đất nện, lợp rạ, tôi đặt vào tay Bà 10 đồng màu đỏ. Bà rưng rưng nói: cha bố anh, bố đi suốt chẳng thấy về, bây giờ lại con cũng đi. Sau này cô tôi kể: năm 75 sau giải phóng, lúc này Bà tôi đang mệt nặng, nhưng vẫn hỏi, thằng Thắng về chưa? Thằng Quang (con đầu của cô tôi đang ở Quân đoàn 2) đã về chưa? Tôi về gặp được Bà lần cuối, một tuần sau Bà tôi mất. Còn Quang đâu có kịp về. Mỗi khi nhớ lại tôi không cầm được nước mắt.

    Khoảng giữa tháng 10/1971 tôi đến tập trung tại 38 Lý Nam Đế. Trong khu sân rộng bao quanh bởi tường kín, xe cộ, hàng hóa và người của đoàn đang tập trung dần. Ngoài 2 xe điện đài của thông tin, còn 2 xe tải Zin157 chở đầy hàng, trong đó có nhiều thùng máy thông tin loại mới của TQ như 81B, 71C, 2 bộ máy đơn biên của Nhật… Đặc biệt có 4 chiếc xe HONDA 90cc mới tinh. Lần đầu tiên tôi thấy, nó đang được mấy anh nói tiếng miền Nam, mặc thường phục rất bảnh, điệu bộ ngang tàng, tháo lắp và thử máy. Tôi mê quá và ước sao được ngồi lên chạy 1 lần. Và lúc này tôi mới biết là đoàn này sẽ đưa Ông Tư C trở vào B2, vì lúc nhận đoàn tôi gặp anh Minh là bí thư của Ông Tư, anh ấy nói vậy và biết tôi là con Ông Chín V. Sau khi anh Minh báo với mọi người tôi cảm thấy như mình đã thân quen với họ, vì hầu hết mọi người là ở Bộ Chỉ Huy Miền bảo vệ Ông Tư ra Hà Nội và bây giờ đang chuẩn bị quay về, họ đều biết Bố tôi. Nhờ đó mà hôm sau, sau khi kiểm tra xong mấy cái xe HONDA, 1 anh cao to đẹp trai, mặc thường phục khá sang trọng lấy 1 chiếc ra nổ máy thử. Sau đó anh bảo tôi: mày rành đường Hà Nội, lên đi với tao thử xe cái coi. Trời đất, sướng quá tôi lên xe liền. Ra khỏi 38 Lý Nam Đế, tôi chỉ anh đi về vườn hoa Hàng Đậu, sau đó hướng lên cầu Long Biên. Vừa tới đầu cầu, 1 anh công an nhẩy ra, huýt còi, dừng xe chúng tôi lại. Thời đó ở Hà Nội môtô, xe máy rất ít. Loại xe HONDA này lại càng không có. Sau khi hỏi vài câu, tôi nói nhỏ với anh công an rằng bọn tôi là “lính biệt động đang tập xe”, lại nghe anh chàng kia nói tiếng Sài Gòn, anh công an tin ngay và chúng tôi lại lao lên cầu. Ngoài Bắc, sau Mậu Thân 1968, hình ảnh về các anh, chị biệt động Sài Gòn chạy xe HONDA, SUZUKI như bay, diệt ác trừ gian do báo chí mô tả, rất được lớp trẻ hâm mộ. Chạy khoảng vài cây số trên đường 5, chúng tôi quay về. Tôi nghĩ đi B mà có mấy chuyện thế này thì thú vị thật. Thì ra, lúc đó trong B2, xe Honda đã là 1 phương tiện khá phổ biến trong quân giải phóng. Mấy chiếc xe này do Đảng Cộng Sản Nhật tặng, đoàn mang vào B2 dùng. Nếu khi hành quân, ôtô gặp sự cố sẽ có phương tiện dự bị để đưa thủ trưởng đi tiếp. Nhưng cũng có cái không may. Mấy chiếc HONDA được nhiều anh chú ý trong đó có cả mấy anh chưa đi thạo lắm. Hôm đó có anh leo lên xe, nổ máy, tính chạy thử trong sân. Ai dè do lúng túng anh ta rú ga và xe chồm  vào…gốc cây. Cái bánh trước cong veo. Mặt anh nào anh ấy xanh mét. Tôi liền nói, tháo ngay bánh ra để tôi dẫn đi sửa. Tôi và 1 anh nữa đưa cái bánh xe lên ôtô, chạy ra chỗ đường Phùng Hưng nhờ thợ sửa “nắn vành”. Mãi mới xong. Hú vía. Sau lần đó 4 chiếc xe HONDA được cho lên xe tải chằng buộc cẩn thận. Nếu không, chắc còn vài chuyến thử xe nữa. Lúc đó tôi thấy đoàn đi B này có 2 bộ phận, bộ phận Thông tin có 2 xe và 8 người, bộ phận của Ông Tư có 2 xe tải chở hàng, có 4, 5 xe Gaz69 và khoảng 20 người, số chiến sĩ bảo vệ cũng hơn chục người. Số anh em bảo vệ quá nửa là người miền Bắc đã vào Nam từ mấy năm trước, nay bảo vệ Ông Tư ra HN, cũng là dịp nghỉ phép. Tôi nhớ 2 chuyện. Có 1 anh bảo vệ quê Phú Thọ rất gần nhà máy M1, khi tôi lên M1 làm việc, anh ấy đi theo và mời tôi ghé qua nhà. Anh ấy chưa có vợ. Bố mẹ anh ấy làm cơm đãi chúng tôi, trên mâm cơm có đĩa thịt gà, miếng nào miếng ấy rất to và béo vàng. Ông bố ân cần gắp cho tôi 1 miếng. Tôi cho vào miệng và nhai mãi không xong vì nó quá dai. Có lẽ bà mẹ đã nuôi và để dành con gà này cho con trai mình từ rất lâu rồi. Chuyện nữa là có anh tên Cẩm thì phải, đã cưới vợ khi anh ấy đi B vào mấy năm trước. Ở nhà vợ anh quan hệ với người khác và có 1 đứa con. Anh về phép kỳ này phải giải quyết rất căng thẳng chuyện vợ con. Khi anh lên tập trung anh nói là mọi việc đã êm xuôi, nhưng rất buồn vì anh lại đi tiếp, liệu vợ anh có chịu được xa cách nữa không? Và thật bất ngờ, lúc 04g sáng khi mọi người dậy để lên đường, anh ta đã trốn mất. Sau đó đoàn lên đường mà không có anh ta, việc này cũng làm tôi suy nghĩ mãi. Đó là những biểu hiện rất con người và cũng rất bình thường, nhưng vào thời điểm đó chắc anh ta cũng sẽ khốn khổ trong những năm sau này vì cái tội “đào ngũ”.

    Công tác chuẩn bị rất khẩn trương nhưng không thể nhanh được. Có rất nhiều việc phải làm. Ví dụ: xe chúng tôi đi thì cũng bình thường, nhưng xe chở ông Tư thì phải gia cố và cải tạo nhiều. Hai bên hông xe, cánh cửa có hàn những cái nẹp để xếp những khúc gỗ chống mảnh bom. Đặc biệt lúc đó Mỹ rải khá nhiều bom từ trường nổ chậm, nên xe có lắp thêm máy khử từ hay phóng từ gì đó. Rồi xe nào cũng phải bố trí chỗ để vài can xăng dự phòng, sắp xếp đồ  đạc  và  chỗ  ngồi

tính toán tải trọng sao  cho  có  thể  đi  nổi  trên  đường Trường Sơn…

    Trước ngày lên đường, chúng tôi tập trung ở 1 doanh trại ở khu 800 trên Nghĩa Đô. Lúc đó khoảng giữa tháng 11/1971, trời đã trở lạnh. Sáng sớm hôm lên đường, hai chiếc xe tải và vài chiếc xe con đi trước. Số còn lại lên khu biệt thự Hồ Tây để đón Ông Tư. Đoàn xe vừa tới, Ông Tư từ trong nhà bước ra và lên xe, tôi thấy vợ Ông cùng mấy người con ra tiễn. Ít phút sau đoàn xe lên đường. Hà Nội vẫn mờ tối, sáng sớm có chút sương mù và trời se lạnh, phố xá vắng tanh. Trong xe tôi chắc mỗi người một tâm  trạng,  tôi  cũng thấy nao nao và thầm nghĩ: Tạm biệt Hà Nội nhé…

    Trong mấy ngày tập trung, chúng tôi đã hơi quen nhau. Tôi lúc đó 24 tuổi, thiếu úy kỹ sư, có 6 năm tuổi quân. Kể ra cũng có vẻ lắm. Nhưng thực chất tôi chưa hề có chút gì kinh nghiệm sống hoặc từng trải. Đối với mọi người có vẻ hơi xa cách, ít chuyện trò, do cái bản tính ngại giao tiếp. Tôi chỉ còn nhớ một ít về mấy người ở cái xe tôi đi. Lái xe là 1 anh tên Thành, lúc đó đã là thượng sĩ, ở  đại đội xe cơ động của trung đoàn 205. Anh Thành lúc đó có lẽ đã ngoài 30, đi bộ đội lâu hơn tôi, có vợ con ở quê. Việc đi B đối với anh cũng bình thường, nhưng khi nói chuyện riêng, biết là vào B2, anh có vẻ không vui, vì thường vào B2 là không biết bao giờ ra. Anh đài trưởng tên là Học thì phải, anh này rất trách nhiệm và cẩn thận. Anh báo vụ tên Thái, chắc cỡ tuổi tôi. Anh này có vẻ thạo chuyên môn, nhưng tính cứ “ngơ ngơ” và thường để ý đi đâu ấy. Anh ta có cặp mắt rất lạ, thường nhìn xuống, muốn nhìn thẳng hoặc nhìn lên trên thì phải ngửa cả mặt lên, trông rất buồn cười. Anh chàng cơ yếu thì rõ là cỡ 19, 20 gì đó. Nhưng ý thức tầm quan trọng nghề nghiệp nên anh ta luôn đeo cái xà cột giấy tờ, đeo 1 khẩu súng ngắn K59 rất oai, lại luôn tỏ vẻ quan trọng và xa cách mọi người. Rất ít khi rời xa cái xe vì ở chỗ anh ta ngồi còn 1 thùng sắt to đựng “đồ dùng tác nghiệp”. Tôi rất tò mò muốn biết có gì trong đó, nhưng chỉ biết được có 1 thứ là một tấm vải xanh thẫm dày có khung gọng vây kín anh ta khi ngồi dịch điện. Còn xe thứ hai cũng có 1 bộ sậu như xe tôi, nhưng thay vào vị trí của tôi, là anh đài trưởng Học. Tôi hầu như không còn nhớ đến chiếc xe và mấy anh em trên đó, chỉ nhớ anh lái xe cũng kiểu như anh Thành ở xe tôi, và một anh báo vụ người cao gầy. Sở dĩ tôi nhớ được là do 2 anh này gặp tôi trước tiên sau khi chạy thoát vụ AC130 bắn cháy chiếc xe điện đài thứ 2. Anh báo vụ còn cầm được theo 1 cái hango nhôm TQ đựng đầy thuốc lào, khi mở ra anh nói: may quá thuốc không bị mất. Anh lái xe thì cầm theo 1 chiếc xẻng. Còn tất cả tan tành cháy rụi…

    Lúc này chiến trường đối với tôi còn khá mơ hồ. Biết là ác liệt, sống chết trong gang tấc, rồi khó khăn gian khổ tới cùng cực nhưng cũng chỉ qua báo chí và lời kể mà thôi. Sau này khi thực sự dấn thân vào tôi mới hiểu rằng: hình như  mình luôn ở bên cạnh của mắt bão thì phải. Tất cả những việc mà mình trải qua còn thua xa những gì mà các đồng đội của tôi phải gánh chịu. Tôi thật may mắn khi còn có ngày trở về trong chiến thắng và hoà bình.


Cùng Ks Hoàng Trung 1972.

Lớp chuyển tiếp 2, Đại học KTQS 1969.

Cùng Ks Hoàng Trung ở B2.


Trên đường Trường Sơn.

Cùng vợ con gặp ông Tư Chi ở Sóc Tà Thiết, 1993.


Khăn rằn và tấm khăn dù.

Dung và anh Phước.

KS Hoàng Trung và máy phát Ấp Bắc.


Máy thu phát do X35 chế tạo.

SG, thang 15/1975.

Các liên lạc viên chạy Honda.

Màn và tăng.



















1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bác Thắng viết thay phết, làm người đọc hình dung ra cái gian nan, vất vả của những người lính chiến trường. Cảm ơn bác!
BT5