12/1971 - 5/1975
Sau khi ăn lễ 22/12 năm 1971với Bố tôi, tôi được giao liên đưa tới
căn cứ của phòng Thông tin Miền nhận nhiệm vụ. Ông Hai Thăng và Tư Đào
điều tôi về ban Kỹ thuật của phòng, mới thành lập được hai tháng.
Đơn vị của tôi đóng ở một khu rừng già vùng Đầm Rây Phông, thuộc
Solong. Làm xong các thủ tục, tôi được 1 anh liên lạc đưa tới cứ của ban
Kỹ thuật.
Cũng phải đi mất 2, 3 tiếng gì đó mới tới. Vùng này rừng già, xen kẽ những đồi núi, khe suối, đường mòn nương theo địa hình mà đi. Đi cũng khá vất vả. Trong rừng ít ai tính đi bao nhiêu km, toàn tính đi hết mấy giờ, mấy phút. Cứ mệt thì nghỉ ít phút rồi lại đi, kiểu khắc đi khắc đến. Gần chiều muộn, tôi tới cứ của ban Kỹ thuật.
Trước khi tới, chúng tôi đi sát qua cứ của ban Khí tài, sau đó theo 1 lối nhỏ kín đáo đi tới cứ của ban Kỹ thuật. Khu vực này khá bằng phẳng, lúc đến tôi qua nhà ăn và bếp trước tiên. Từ đây có những lối đi nhỏ tỏa ra xung quanh đến các nhà khác. Gặp một số anh em ở nhà ăn, chào hỏi xong thì gặp anh Thanh Ngọ phó ban. Anh đưa tôi tới 1 căn nhà hầm lợp lá trung quân, nền âm xuống khoảng 1,0-1,5m, có lối xuống cỡ 3 bậc, đối diện có 1 hầm chữ A tránh bom pháo. Hầm dài khoảng 4m, rộng gần 3m có cột và vì kèo bằng cây to cỡ bắp chân, trên mái lợp lá trung quân. Bây giờ những cái nhà như vậy được phục dựng ở khu di tích Sóc Tà Thiết, Huyện Lộc Ninh. Tối cứ treo võng chéo qua các cột, cũng được 3-4 chỗ. Giữa nhà là 1 cái bàn dài bằng cây, 2 bên là 2 ghế băng cũng bằng cây. Có mấy cái giá kiểu xích đông để balô, đồ đạc…Ở đó có 1 cậu rất trẻ, người Nghệ An, Hà Tĩnh gì đó, tên là Võ Văn Đồng. Đồng là liên lạc của ban, được ở nhà với anh Hoàng Trung là Trưởng ban để tiện giúp việc cho anh Trung. Tôi ở đây nữa là 3 người. Anh Trung đi vắng, nên chỉ có tôi và cậu Đồng. Chiều ăn cơm xong, tôi treo võng đi ngủ sớm vì cảm thấy khá mệt. Ở chiến trường có một vài việc trong sinh hoạt hàng ngày nếu không để ý học, hoặc nhờ người khác chỉ cho thì cũng sẽ khá phiền toái. Ví dụ như mắc võng, nếu không đúng cách thì mắc cũng lâu mà tháo cũng lâu, có khi nút chặt lại không tháo ra được. Nếu mắc đúng thì mắc vào và tháo ra chỉ vài chục giây là xong. Tôi phải mất vài tháng mới vỡ ra điều này. Ngủ võng cách mắc màn cũng khác. Rồi để chống muỗi đốt xuyên qua võng lại phải có tấm bọc võng, rồi trời mưa căng tăng (vải mưa làm mái che} thế nào. Rồi cách tắm cũng khác, mùa mưa trong rừng sâu khá lạnh lẽo nên tắm chân, tay, người…trước, sau cùng là lưng và hai vai. Cứ thế, rất nhiều việc phải để ý mà học, để thích nghi một cách tối đa mới có thể tồn tại được.
Cũng phải đi mất 2, 3 tiếng gì đó mới tới. Vùng này rừng già, xen kẽ những đồi núi, khe suối, đường mòn nương theo địa hình mà đi. Đi cũng khá vất vả. Trong rừng ít ai tính đi bao nhiêu km, toàn tính đi hết mấy giờ, mấy phút. Cứ mệt thì nghỉ ít phút rồi lại đi, kiểu khắc đi khắc đến. Gần chiều muộn, tôi tới cứ của ban Kỹ thuật.
Trước khi tới, chúng tôi đi sát qua cứ của ban Khí tài, sau đó theo 1 lối nhỏ kín đáo đi tới cứ của ban Kỹ thuật. Khu vực này khá bằng phẳng, lúc đến tôi qua nhà ăn và bếp trước tiên. Từ đây có những lối đi nhỏ tỏa ra xung quanh đến các nhà khác. Gặp một số anh em ở nhà ăn, chào hỏi xong thì gặp anh Thanh Ngọ phó ban. Anh đưa tôi tới 1 căn nhà hầm lợp lá trung quân, nền âm xuống khoảng 1,0-1,5m, có lối xuống cỡ 3 bậc, đối diện có 1 hầm chữ A tránh bom pháo. Hầm dài khoảng 4m, rộng gần 3m có cột và vì kèo bằng cây to cỡ bắp chân, trên mái lợp lá trung quân. Bây giờ những cái nhà như vậy được phục dựng ở khu di tích Sóc Tà Thiết, Huyện Lộc Ninh. Tối cứ treo võng chéo qua các cột, cũng được 3-4 chỗ. Giữa nhà là 1 cái bàn dài bằng cây, 2 bên là 2 ghế băng cũng bằng cây. Có mấy cái giá kiểu xích đông để balô, đồ đạc…Ở đó có 1 cậu rất trẻ, người Nghệ An, Hà Tĩnh gì đó, tên là Võ Văn Đồng. Đồng là liên lạc của ban, được ở nhà với anh Hoàng Trung là Trưởng ban để tiện giúp việc cho anh Trung. Tôi ở đây nữa là 3 người. Anh Trung đi vắng, nên chỉ có tôi và cậu Đồng. Chiều ăn cơm xong, tôi treo võng đi ngủ sớm vì cảm thấy khá mệt. Ở chiến trường có một vài việc trong sinh hoạt hàng ngày nếu không để ý học, hoặc nhờ người khác chỉ cho thì cũng sẽ khá phiền toái. Ví dụ như mắc võng, nếu không đúng cách thì mắc cũng lâu mà tháo cũng lâu, có khi nút chặt lại không tháo ra được. Nếu mắc đúng thì mắc vào và tháo ra chỉ vài chục giây là xong. Tôi phải mất vài tháng mới vỡ ra điều này. Ngủ võng cách mắc màn cũng khác. Rồi để chống muỗi đốt xuyên qua võng lại phải có tấm bọc võng, rồi trời mưa căng tăng (vải mưa làm mái che} thế nào. Rồi cách tắm cũng khác, mùa mưa trong rừng sâu khá lạnh lẽo nên tắm chân, tay, người…trước, sau cùng là lưng và hai vai. Cứ thế, rất nhiều việc phải để ý mà học, để thích nghi một cách tối đa mới có thể tồn tại được.
Rừng Campuchia và rừng miền Đông Nam Bộ khá giống nhau về địa hình và thực động vật. Ấn tượng nhất là một vài loài côn trùng, chúng gây khá nhiều phiền phức. Mối có nhiều loại, có loại hay tấn công sách vở, tài liệu, quần áo, sơ ý vài hôm là có thể lãnh hậu quả khôn lường. Đêm nằm nghe mối ăn rào rào mà sợ. Nhưng mối ấu trùng làm thức ăn cho gà rất tốt, tìm được mối chúa mà ăn thì thật là đại bổ. Nhưng kinh nhất là mối càng, với bộ hàm to, sắc khỏe, nó cặp chặt lấy da thịt người, thấy đau quá mà vội vàng dứt ra là y như mất 1 miếng thịt. Kiến cũng có nhiều loại, kiến vàng cắn xong tiết ra 1 chất lỏng rất xót và hôi; còn kiến bù nhọt thì khỏi nói, vết cắn của nó đau không thể tưởng được, nền nhà mà vương vãi xương xẩu, đồ ăn thừa là nó dọn sạch. Có chuyện 1 chị ra suối giặt và để con nhỏ trên bờ suối, một hồi quay lên thì đứa con đã bị kiến bù nhọt “ăn thịt” theo đúng nghĩa của từ đó. Rồi lại còn con ve, nó hay lẻn vào những chỗ kín của người và cắm vòi vào hút máu, lúc đầu nó nhỏ hơn hạt mè, sau vài ngày nó to hơn hạt đậu đen vì cái bụng căng máu. Rất nhiều anh cứ thấy đau dần thì tưởng có cái mụn nhọt gì đó, có anh phát sốt vì ve cắn. Khi phát hiện phải có cách sức dầu nóng cho nó nhả dần ra, nếu vội kéo nó ra cái vòi nó bị đứt nằm lại trong da làm cho vết cắn đau kéo dài cả năm trời. Rồi rắn choàm ngoặp cực độc, con rắn này thân nhỏ, ngắn, màu nâu đỏ, bò chậm chạp lờ đờ vô hại, vậy mà nhiều người đã chết vì bị nó cắn. Rồi rết, bọ cạp…Nhưng khủng khiếp nhất là muỗi anophen truyền ký sinh trùng sốt rét. Biết bao người đã chết vì sốt rét ác tính gây đái ra máu, bao nhiêu người suy sụp sức khỏe vì sốt và các biến chứng của nó. Có thể nói sức tàn phá của sốt rét cũng tương đương như hàng trăm ngàn tấn bom đạn của Mỹ. Con muỗi này khi đốt thường dựng đứng đuôi lên, nó say sưa hút máu cho tới khi máu nhỏ giọt ra ở phía đuôi nó, một con khác lại bám vào đuôi nó hút dòng máu đang chảy đó. Di chứng của sốt rét còn nặng nề rất nhiều năm sau. Chúng tôi cũng từng đi qua và ở gần những vùng bị Mỹ rải chất độc hóa học. Có khi phát hiện ở gần cứ, bên bờ suối những thùng phi rỗng không biết là đựng cái gì và từ đâu tới…Cứ như vậy thiên nhiên và kẻ địch đã reo rắc biết bao chết chóc cho chúng tôi. Có lẽ tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều nên các con tôi cũng không thật hoàn hảo về sức khỏe. Vợ chồng tôi đau lắm...
Cùng KS Hoàng Trọng Bôi năm 1972
Sáng hôm sau dậy sớm, vẫn còn mệt. Ở rừng sâu, thiếu nắng
gió, trời lúc nào cũng âm u lành lạnh nên hay mệt lắm. Tôi được biết
ban mới thành lập trên cơ sở tách 1 phần bộ phận kỹ thuật của xưởng
thông tin C35. Trưởng ban là anh KS Hoàng Trung, phó ban là anh Thanh
Ngọ, ngoài ra có KS Hoàng Trọng Bôi mới ở ngoài Bắc vào đầu năm
1971, anh Bôi thì tôi biết vì khi học ở ĐHKTQS, anh ở trung đội chuyên
tu, cùng đại đội với tôi. Anh đã lớn tuổi, có vợ và 2 con ở quê
Thanh Hóa, bây giờ thêm tôi. Các anh em khác thì có anh Sang lo giữ vật
tư, anh lúc đó đã gần 40, dáng bé nhỏ khắc khổ, đặc trưng của khu 5
quê anh. Cuối 1972 anh được ra Bắc, nhìn cái bòng nhỏ xíu anh đeo, tôi
thương quá liền đưa cho anh cái radio Panasonic mà tôi đang dùng. Cùng
lo vật tư, kho tàng là cậu Chỉnh quê
Thái Bình, có dáng người to lớn khỏe mạnh và khá điển trai, làm
việc gì cũng chắc chắn, ít nói, hay cười kiểu dễ thương. Rồi tới
mấy anh nhân viên kỹ thuật, hồi đó hay gọi là cơ công. Có anh Trần Thục,
cơ công trung cấp mới vào hồi đầu 1971. Anh Nguyễn Đình Quang, cơ công
sơ cấp vào C35 từ cuối 1967, người nhỏ nhắn, trắng trẻo đẹp trai,
rất thạo kỹ thuật, nhiều kinh nghiệm và khá khéo tay, tính tình vui
vẻ, hay đùa vui. Anh chàng Bùi Tiến Đạo dân Phú Thọ, da dẻ hồng hào
rất “khí thế” hay nói chuyện “sát sàn sạt” nên chị em rất thích,
rồi Hùng cũng là các cơ công khá vững, vui vẻ, trẻ trung. Rồi đến
mấy anh cơ công do H19 đào tạo như Châu, Bùi Quang Xuyên là những anh em
vào chiến trường đã lâu, rất mê kỹ thuật, nhưng không nề hà bất cứ
công việc gì, dù vất vả, khó khăn, nguy hiểm và chẳng kỹ thuật tí
nào. Quản lý là anh Nguyên, cũng đã có tuổi, người Hưng Yên thì
phải. Anh ta rất muốn học làm cơ công, nên khi rảnh rỗi hay lân la hỏi
chuyện, phụ việc cho đám cơ công. Tính cũng có vẻ “quan trọng hóa
vấn đề”, là người duy nhất có răng vàng nên rất hay bị đám trẻ trêu
chọc. Tuy nhiên rất có trách nhiệm với việc quản lý bếp ăn, nên tối
nào cũng xách súng đi săn kiếm thịt cho đơn vị, nhưng lại xảy ra
nhiều chuyện tức cười. Rồi anh chàng Năm, cỡ 19-20 tuổi, người Thái
Bình làm tiếp phẩm. Nhìn anh chàng gầy yếu đánh vật với cái xe đạp
chở đầy hàng mà ái ngại. Cậu Đồng liên lạc năm đó chỉ khoảng 18-19.
Tính hiền lành, bẽn lẽn, nhưng rất trách nhiệm. Ở ngoài căn nhà hầm
chúng tôi có làm 1 khung gỗ cây lót vải mưa để chứa nước, ngày nào
Đồng cũng cõng đầy nước để trưởng ban dùng. Tuy nhiên, anh Trung và
tôi cũng ý thức được nên thường là xuống bếp hoặc ra suối dùng hơn
là lấy nước có sẵn. Chỉ khi nào đêm khuya thật cần mới dùng. Hồi
đó, phòng có cử chị Trinh là vợ bác sĩ Hoàng Phương tới làm y tá
một thời gian. Cấp dưỡng là một anh chàng còn khá trẻ, rất chịu khó.
Một thời gian sau, khi chuẩn bị chiến dịch hè 1972, anh ta được điều
về đơn vị. Tôi thực sự buồn vì không thể nhớ nổi tên của anh ta. Vậy
là lúc mới thành lập ban có 16 người, cuối tháng 12/1971 thêm tôi
thành 17 người.
Danh sách ban Kỹ thuật tháng
12/1971:
Trưởng ban: KS Hoàng Trung, C bậc
trưởng (cấp trung úy)Phó ban: Thanh Ngọ, C bậc phó (cấp thiếu úy)
Ks Hoàng Trọng Bôi, C bậc phó
Ks Trần Thắng, C bậc phó
Cơ công trung và sơ cấp: Thục, Quang, Đạo, Hùng, Châu, Xuyên
Vật tư: Sang, Chỉnh
Quản lý: Nguyên
Tiếp phẩm: Năm
Y tá: chị Trinh. Khoảng nửa năm sau y tá Dật thay chị.
Liên lạc: Đồng (Đông)
Nuôi quân: Sơn. Thời kỳ 73-75 là em Định
Vì mới chuyển cứ nên mới làm xong khu nhà ăn, bếp. Nhà anh
Trung, nhà cho tổ vật tư và kho. Còn nhà làm việc và các nhà khác
đang làm. Anh Trung vẫn còn làm dở một số việc dưới C35 chưa về.
Tuy không ai phân công gì cho tôi, nhưng tôi cũng tới chỗ anh em
đang đào hầm làm nhà và tham gia luôn. Việc này tôi đã làm nhiều
trong 3 năm học sơ tán ở Lạng Sơn, chỉ có điều mấy ngày đầu cũng
mệt, người ngợm chân tay đau nhức, phồng rộp. Vài hôm sau đã quen việc
quen người, tôi cũng thấy dễ chịu. Nhưng tôi và anh em vẫn có 1 khoảng
cách nào đó, không thể mày tao chi tớ cười đùa thoải mái được, hoặc
làm thì tôi thích làm gì thì làm không anh nào sai phái gì. Về tuổi
thì cũng sàn sàn nhau, nhưng tôi là kỹ sư, C bậc phó nên anh em cho tôi
là bậc trên và phải làm những việc quan trọng hơn chứ không phải lao
động thế này. Có 1 trở ngại nữa là bằng cách nào đó họ đã biết
tôi là con Ông Chín V… Cho mãi tới bây giờ gặp lại anh em hồi đó như
Đạo, Quang, Văn Phi, Quốc Minh, Ích, Đoàn, Khách…mọi người mày tao chi
tớ, cười nói trêu chọc nhau thả ga, thật là vui. Tôi thấy cũng gần
được là người bình thường rồi…
Mấy hôm sau anh Trung mới về. Anh trao đổi với tôi
về chức năng, nhiệm vụ của ban là: nghiên cứu máy mới và huấn luyện
cho đơn vị, nghiên cứu cải tiến, chỉ đạo kỹ thuật cho sửa chữa và
sản xuất. Thực ra đây là những việc mà bộ phận kỹ thuật của C35
vẫn làm, nhưng do công việc nghiên cứu nhiều lên nên mới tách ra để C35
tập trung vào sửa chữa và lắp ráp cũng là những việc rất nhiều.
Anh nói cứ làm quen, tìm hiểu ít hôm đã.
Về anh Trung, lúc đó anh đã ngoài 30
và vào chiến trường từ năm 1964 bằng tàu không số, cập bờ ở Bến Tre
rồi hành quân lên R. Lúc
vào B2, anh cũng 24 tuổi như tôi
bây giờ, nên anh có vẻ thông cảm và
chỉ dẫn tôi rất cẩn thận. So với tôi anh cao hơn và người đậm hơn.
Khuôn mặt anh xương xương, góc cạnh. Cử chỉ khoan thai, dáng vẻ nhiều
suy nghĩ, luôn mặc áo bỏ trong quần rất chỉnh tề. Đi lại nói năng
không bao giờ tỏ ra hấp tấp, vội vàng. Đến ngồi ăn cũng vậy, ngồi im
lặng, ăn chậm rãi và ít để ý cũng như tham gia vào những câu chuyện
đang rôm rả ở nhà ăn. Anh cũng thuộc loại người khá khó tính, nên có
một số anh em không thích anh lắm. Đối với công việc anh say mê kỳ lạ,
anh có thể ngồi suốt ngày này qua đêm khác để tìm hiểu, vẽ sơ đồ,
lắp ráp, hoặc sửa máy. Tôi đã chứng kiến nhiều lần như vậy. Một
việc mà tôi nhớ mãi là vào thời kỳ chiến dịch Quang Trung hè 1972.
Anh Trung đi phục vụ ở SCH tiền phương. Trong chiến dịch này ta thu
được 1 xe điện đài sóng ngắn đơn
biên GRC-142. Khi thu được xe và máy cũng bị trúng bom đạn nhưng cơ bản
là còn tốt. Anh đã bỏ ra hàng tháng tìm hiểu bộ máy này, ngày đêm
anh vẽ mạch từng bo mạch rồi ghép lại thành sơ đồ nguyên lý hoàn
chỉnh, anh tìm hiểu cặn kẽ mọi chế độ làm việc của bộ máy, sửa
chữa mọi chỗ hư hỏng và cho chạy thử nghiệm thành công kể cả chế
độ truyền chữ. Sau đó anh giảng giải lại cặn kẽ cho chúng tôi. Khả
năng làm việc và kết quả đạt được như anh có thể nói là tuyệt vời.
Tôi cứ tự hỏi: liệu có mấy kỹ sư làm được như anh? Để làm mọi việc
anh đã huy động gần 1/3 ban Kỹ thuật, mấy anh cơ công như Thục, Quang,
Hùng giúp anh chạy máy, cậu Chỉnh lo chạy máy phát điện, tiếp tế
xăng dầu, cậu Xuyên lo tiếp phẩm, cơm nước…Tôi chỉ tham gia mấy ngày
cuối khi mọi việc đã gần xong. Tôi vẫn còn giữ quyển vở ghi chép về
bộ máy này do anh Trung giảng lại. Tôi cũng không ngờ sau năm 1975 lại
được tiếp xúc và sử dụng khá nhiều lần bộ máy này. Trước đó, vào
những năm 1964-1965, khi thu được những chiếc PRC-25 đầu tiên, anh đã dò
mạch vẽ toàn bộ sơ đồ nguyên lý, do đó C35 có đủ điều kiện để sửa
chữa loại máy này. Cho mãi tới nay, sau khi công tác kỹ thuật hơn 30
năm, tôi ít thấy một ai làm được như vậy. Với nền kiến thức cơ bản
vững vàng anh luôn có cách cập nhật kỹ thuật mới . Khi bệnh viện
của TW Cục bị hỏng chiếc máy điện tim đầu tiên, anh được mời sửa.
Anh tìm hiểu rất kỹ, vẽ sơ đồ, nhờ bác sĩ giảng cho nguyên lý hoạt
động của tim mạch con người, từ đó tìm ra nguyên lý đo của máy. Anh
đã sửa xong khá nhanh. Còn sửa mấy cái đài thu thanh bán dẫn, sau
này thêm radio cassette đối với anh là quá bình thường. Tôi để ý thấy
anh ngồi im khá lâu, 2 chân co lên ghế, mắt chăm chú quan sát và đọc
mạch điện, thỉnh thoảng lấy đồng hồ đo một vài chỗ, nếu có gì lạ
anh vẽ ra sơ đồ vào sổ tay và suy nghĩ. Một lúc sau, anh cầm mỏ hàn
lên và thế là xong. Anh đã vẽ sơ đồ nguyên lý hàng bảy, tám chục
đài bán dẫn. Ai cần loại nào anh cho chép lại ngay.
Cùng KS Hoàng
Trung-Nguyễn Vân năm 1972
Khi anh vào, C35 có anh Bốn Ngọ là cơ công lâu năm, hầu như không
được học hành, nhưng bằng lòng đam mê tự học đã giải quyết được khá
nhiều công việc kỹ thuật. Đặc biệt anh đã lắp ráp được bộ máy thu
phát VTĐ đầu tiên có tên là GPQ vào năm 1962 và năm 1964, anh Ngọ và
anh Tùng đã tiếp tục cải tiến thành bộ AB64, và lắp ráp theo kế
hoạch được khoảng 10-15 bộ. Những năm 1966-1967, chiến tranh mở rộng,
lực lượng ta phát triển nhanh, nhu cầu trang bị máy VTĐ tăng mạnh, anh
Trung được giao cải tiến AB64. Bằng kiến thức vững vàng, kinh nghiệm 3
năm ở chiến trường, anh đã cải tiến cơ bản mạch điện, kết cấu, chỉ
tiêu điện khí và cơ khí, nhất là mạch ra và mạch anten, làm cho chất lượng tăng lên rõ rệt. Đó là
kiểu máy AB67.Từ đó hơn 470 bộ máy đã được C35 lắp ráp, bảo đảm
trang bị cho toàn miền. Năm 1974, anh ra Hà Nội, anh đã cùng M1 sản
xuất loạt máy Ấp Bắc rất hoàn
chỉnh cho chiến trường. Nhưng diễn biến chiến sự giai đoạn
1974-1975 quá nhanh,
tháng 5/1975 số máy AB67 đó vào
tới B2 thì miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Hiện nay chúng là
những hiện vật quí tại nhà truyền thống của E23 thông tin QK7, nó
luôn luôn nhắc ta nhớ tới một thời kỳ đầy gian khó mà khi đó các anh
đã làm được những việc tưởng chừng như không thể.
Thời kỳ từ 1967, nhu cầu liên lạc điện thoại tăng nhanh. Khi
đóng quân cũng như khi tác chiến, đội hình đơn vị trải ra trên một khu
vực rộng cách xa nhau từ vài chục km đến hàng trăm km. Các loại điện
thoại dã chiến không bảo đảm được liên lạc. Anh Trung đã được giao
nhiệm vụ thiết kế chế tạo ra các loại tăng âm để dùng cho liên lạc
điện thoại ở cự li xa. Anh đã thiết kế tăng âm nhỏ để liên lạc gần
cỡ 15-20km, tăng âm công suất lớn để liên lạc xa cỡ 25-30km. Để xa hơn,
anh thiết kế máy tiếp vận xa, có loại tiếp vận bằng tay, có loại
tiếp vận tự động. Rồi máy trung tâm là một tăng âm công suất lớn có
thêm tính năng điều khiển xa tiếp vận tự động. Có lần anh nói vui với
tôi: cậu biết máy trung tâm là gì không? Rồi anh nháy mắt nói: là
Hoàng Trung + Như Tâm…cũng “lãng mạn” khiếp. Các thiết bị này rất
hiệu quả nên được dùng khá phổ biến, tổng cộng đã có gần 300 tăng
âm các loại và hơn 80 máy tiếp vận xa được lắp ráp. Tất cả đều
dùng linh kiện bán dẫn, một kỹ thuật hiện đại lúc đó.
Không hiểu sao tôi còn giữ được quyển vở ghi chép của anh trong
năm 1971. Trong đó có các bản nháp thiết kế sơ đồ nguyên lý, biên bản
họp hành, danh sách theo rõi học tập bồi dưỡng chuyên môn và phần
lớn là biên soạn các bài giảng chuyên môn. Anh giảng lại cho anh em về
cấu tạo các loại transistor, các ứng dụng, các kỹ thuật truyền tin…và
cả kỹ thuật truyền hình, ghi âm…Phải nói là một khối lượng kiến
thức rất lớn, được cập nhật và được truyền đạt ngay trong những
ngày gian khó thiếu thốn trăm bề.
Tôi có nhiều thời gian gần gũi với anh Trung. Những đêm mưa, hai
anh em hay tâm sự. Anh tên thật là Nguyễn Vân, sinh năm 1940 tại Hà Nội.
Mẹ anh là vợ hai, và chỉ có anh cùng một người em gái tên là Tuệ.
Các anh chị anh con bà cả lớn tuổi hơn anh nhiều. Tuổi thơ anh gắn
liền với Hà Nội, một tuổi thơ nhiều tình mẹ hơn tình cha. Qua lời
kể về mẹ của anh, không hiểu sao tôi cứ thấy hiện lên hình ảnh một
bà mẹ ngồi lặng im trong căn nhà nhỏ mờ tối với nỗi nhớ đứa con
trai duy nhất đang ở nơi chiến trường xa… Sau này về HN, mỗi khi đến
nhà anh chơi, tôi vẫn gặp bà mẹ anh ngồi lặng lẽ, nhưng nét mặt thật
thanh thản khi nhìn vợ chồng anh và 2 đứa cháu nội của bà. Anh học
rất giỏi, thông thạo tiếng Pháp. Khi 10 – 12 tuổi anh rất mê radio,
điện tử. Anh thường lân la làm quen các tiệm sửa radio và đã sửa máy
thuê cho họ. Năm 1959, anh thi đậu vào khoa Vô tuyến điện, đại học bách
khoa Hà Nội. Anh học giỏi nhất nhì khóa đó. Cùng lớp với anh có anh
Hoàng Hà. Anh Hà sinh năm 1934, quê Mỏ Cày Bến Tre, lúc đó là bộ đội
tập kết. Hai anh khá thân nhau, thỉnh thoảng chủ nhật anh Hà lại tới
chơi với gia đình anh Trung ở phố Hàng Than. Năm 1963, các anh tốt
nghiệp kỹ sư điện tử, mỗi người đi một nơi. Đầu năm 1964, khi xuống
tàu không số vào Nam, hai anh lại gặp nhau và rồi sau đó họ đã cùng
làm việc ở thông tin Miền hàng chục năm trời. Không biết có phải vì
thế mà khi đi B anh Vân lấy bí danh là Hoàng Trung không? Thời kỳ mới
vào anh Trung và anh Hà làm ở C35. Anh Trung đã dần dần giữ vai trò
nòng cốt về kỹ thuật ở xưởng. Anh thiết kế các sản phẩm mới như
các máy tăng âm điện thoại, máy tăng âm công suất lớn, máy tiếp vận
xa, tạo mạng liên lạc hữu tuyến cự ly lớn rất hiệu quả, các bộ
nguồn cho máy phát VTĐ…anh cải tiến bộ máy AB, các loại máy của TQ,
LX, Mỹ cho phù hợp với điều kiện chiến trường, các loại máy chiến
lợi phẩm anh đều tìm hiểu cặn kẽ và làm chủ hoàn toàn về kỹ
thuật. Anh tự học tiếng Anh và đạt trình độ thông thạo ngoại ngữ
này. Nhờ đó anh cập nhật rất kịp thời các kỹ thuật mới và cùng
với nền kiến thức cơ bản vững vàng anh chủ trì công tác đào tạo,
huấn luyện, bồi dưỡng thường xuyên cho các cán bộ và nhân viên kỹ
thuật của phòng. Có thể nói anh là chỗ dựa tin cậy cho hầu hết anh
em kỹ thuật thời kỳ đó.
Hồi tôi mới vào, anh đang tìm
hiểu cô Như Tâm là diễn viên múa của đoàn văn công QGP. Tôi thì không
biết việc này. Anh lại muốn tâm sự về việc đó nhưng cái cách “tâm
sự” của anh cũng lạ. Anh mang gần chục tấm ảnh đen trắng nhỏ dí, chụp
văn công ra cho tôi xem, xong anh hỏi: cậu thấy cô nào đẹp nhất? Tôi xem
và chỉ cô này đẹp nhất, cô kia nhì, cô nọ thứ ba.
Anh không vừa ý và nói: cậu xem lại và nhận xét lại đi. Tôi xem kỹ
lại, nhưng nhận xét vẫn gần như lúc đầu. Anh bực và nói: cậu đếch
biết đẹp xấu là gì. Rồi anh chỉ từng người và hỏi tôi, lúc này tôi
mới để ý là anh muốn dẫn dắt tôi đến 1 cô mà theo anh là đẹp nhất,
tôi thì thấy trong hình cô ấy rất thường vì có vẻ da đen…nên không chọn. Anh nói cô ấy mới là đẹp nhất. Tôi nói: ừ
có thể bên ngoài thì đẹp mà chụp ảnh bị sao đó nên không đẹp.
Thắng, Thuân,
Ngọc Mi-nhạc trưởng, Quế Mùi-ca sĩ, Như Tâm-diễn viên múa, năm 1973
(Ảnh thế này
ai đẹp, ai xấu thật là khó nói)
Quả là đúng như vậy, khi gặp Như Tâm tôi thấy cô thật đẹp người
và đẹp nết, so với ảnh bên ngoài cô đẹp hơn nhiều. Cô là diễn viên
múa tham gia đại hội thanh niên thế giới năm 1968. Đại hội kết thúc cô
và mọi người vào thẳng chiến trường B2. Biết 2 người như vậy nên mấy
ông già ở BCH Miền đã làm mai mối cho anh.
Quan hệ của anh Trung với mấy ông già cũng gây nhiều ý kiến.
Đầu tiên là những thành tích và khả năng chuyên môn của anh đã được
các thủ trưởng chú ý. Khi anh chữa máy điện tim thành công, bác sĩ
Phan ở TW Cục, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành ở quân y Miền đã nói về
anh rất nhiều. Hồi này thiết bị điện tử ở BCH Miền cũng có kha khá
, nên có hư hỏng hoặc cần xử lý kỹ thuật các ông già đều kêu đích
thân anh Trung lên giải quyết, và anh đều làm rất tốt. Các ông càng
quí anh. Thấy anh đã ngoài 30, vào chiến trường đã lâu, các ông mới
nẩy ý mai mối (bọn tôi gọi vui là mấy ông mối chúa).
Sau này năm 1974 anh chị lấy nhau và rất hạnh phúc, họ có cô
con gái đầu tên là Trâm và cháu trai tên là Trung. Năm 1975 anh làm
nghiên cứu sinh về máy mã ở Hungari, luận văn của anh được đánh giá
rất cao. Năm 1979 anh về công tác ở Cục cơ yếu. Nhưng hạnh phúc thật
ngắn ngủi, hai người đã cùng mất năm 1989 trong một tai nạn giao thông,
khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại hai đứa con còn quá non dại. Họ đã
qua khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng lại mất trong hòa bình.
Trong các trận càn 1967, 1970 anh Trung đều tham gia chiến đấu và đã
bị thương.
Hồi tôi mới về ban, sau mấy ngày đào hầm, làm nhà, sáng đó
chúng tôi nghe tiếng máy bay khá nhiều. Máy bay phản lực đánh phá,
quần đảo khoảng gần 1 giờ thì chúng tôi nghe tiếng trực thăng đổ
quân. Ở trong rừng già, chúng tôi chỉ nghe tiếng mà phán đoán chứ
hầu như không nhìn thấy gì. Một lúc sau, lại nghe tiếng súng nhỏ,
rồi lựu đạn…nổ từng đợt. Bọn tôi vừa làm, vừa nghe ngóng và sẵn
sàng. Khoảng gần trưa, thì tiếng súng thưa dần và khoảng 3 giờ chiều
thì tắt hẳn. Lác đác có các nhóm quân ta chạy qua lại gần cứ bọn
tôi và có cả mấy anh bị thương được dìu đi về phía trạm xá gần đó.
Thì ra sau chiến dịch Chenla 1 và Chenla 2, quân Mỹ, quân Sài Gòn và
quân Lonon không đủ sức đánh lớn nữa nên dùng biệt kích đánh vào căn
cứ đầu não của ta. Trận này chúng đánh phá và đổ biệt kích vào
gần cứ của BCH Miền, lực lượng bảo vệ cảnh giác vây đánh từ đầu,
bắn rơi 1 trực thăng và tiêu diệt một số biệt kích. Trong số chiến
lợi phẩm thu được tôi rất ấn tượng với bộ accu kiềm của trực thăng vì nó làm
bằng nhựa trong suốt và rất đẹp.
Tôi đón Tết năm 1972 tại cứ này. Không khí gần Tết cũng chộn
rộn ra phết, nào chuẩn bị giết heo, giết gà, gói bánh chưng, bánh
tét…Tôi chả biết làm gì, chỉ lăng xăng làm ba việc lặt vặt, còn anh
em khác làm tất. Họ làm rất gọn và khéo. Ngoài món ăn là món
uống. Hồi đó tôi không thể nào uống nổi 1 giọt rượu, mà rượu thì
là loại nấu từ củ mì rồi cho vài giọt phẩm màu đỏ, vàng…vào. Vậy
mà toàn chuẩn bị cỡ vài can nhựa loại 20 lít, cắm ống nhựa vào
hút ra, uống bằng chén ăn cơm…Có Tết tôi được uống bia, đó là nước
pha với 1 loại men gì đó, sau đó cho vào bi đông nút kín lại, buộc
dây thả xuống giếng ngâm, vài tiếng sau là uống được, nó cũng có vị
như bia thật. Ngoài khoản ăn uống, cũng đi thăm nhau, chúc Tết, đánh
bài và lại nhậu…có khi say sưa tới vài ngày. Lần đầu tiên tôi được
thấy mai vàng. Lẫn trong cây rừng, có khá nhiều mai rừng. Ở cứ tìm
được cây nào thì anh em trẩy lá cho ra bông vào dịp Tết. Còn thì vào
rừng tìm và chặt cành về cắm. Tôi nhớ khi chiến dịch Nguyễn Huệ
xảy ra, trên đường đi công tác, tôi còn thấy vô số mai rừng nở vàng
rực đẹp vô cùng.
Vào khoảng đầu tháng 3/1972, công việc đầu tiên anh Trung giao cho
tôi là thiết kế lại và lắp ráp máy thu sóng ngắn, kiểu phản ứng
(siêu tái sinh). Tôi được biết bộ máy AB67 gồm máy phát và máy thu,
phần máy phát sau cải tiến nhiều lần đã khá ổn, riêng máy thu thì
đang tồn tại 2 mẫu. Một là máy thu kiểu phản ứng và hai là máy thu
kiểu đổi tần dùng toàn đèn điện tử. Mỗi loại có ưu và nhược riêng.
Loại phản ứng thì đơn giản nhưng không ổn định. Loại đổi tần thì
chất lượng tốt hơn nhưng vật tư linh kiện và lắp ráp khá phức tạp.
Anh Trung giao cho tôi thiết kế lại với ý tưởng chỉ dùng đèn điện tử
cho tầng khuếch đại cao tần và tầng hồi tiếp dương, còn khuếch đại
âm tần bằng bán dẫn. Cấp nguồn cho 2 đèn 1R5 và 1T4 là 1 bộ đổi
điện bán dẫn. Tôi lớ ngớ tìm hiểu, xoay sở mất đến 2, 3 tuần gì đó
mới tạm quen. Và sản phẩm cũng ra đời. Anh Trung xem xét kỹ và không
hài lòng phần hồi tiếp dương. Nếu hồi tiếp nhiều cho đủ độ nhạy
thì rất mất ổn định, mà để ổn định thì không nhạy. Hai anh em loay
hoay vài hôm rồi đành xếp lại. Việc xếp lại cũng còn nguyên do khác,
là trước đó, khoảng đầu tháng 2/1972, anh có giao cho tôi 2 cái máy
thu bán dẫn của Nhật là SONY 911 và SONY TR816Y là 2 loại máy dân
dụng khá nhạy để tôi tìm hiểu và cải tiến thêm chế độ thu báo. Tôi
lắp bộ dao động báo BFO và điều chỉnh cho tốt nhất. Kết quả khá ưng
ý
Cứ mỗi khi chỉnh xong, tôi lại nhờ anh Châu, vốn là báo vụ, thu
thử và cho ý kiến. Cuối cùng hình như là Phòng quyết định chọn
phương án mua máy thu SONY và cải tiến để cấp theo bộ máy AB67.
Trong khoảng thời gian này công tác chuẩn bị chiến dịch Nguyễn
Huệ diễn ra sôi động, đa số anh em ban tôi như anh Trung, anh Bôi, anh
Thanh Ngọ, Thục, Quang, Đạo, Hùng,
Chỉnh, Châu, Xuyên…đi tiền phương và tăng cường cho các đơn vị hết. Họ
phải hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị bảo đảm cho tuyến điện thoại
từ SCH cơ bản đến SCH tiền phương gần 200km. Tuyến này chủ yếu dùng
hệ thiết bị tăng âm do anh Trung thiết kế và X35 lắp ráp. Tuy có ưu điểm là
gọn nhẹ, tốn ít pin, và bảo đảm
liên lạc xa, nhưng do đường dây dài và không đồng nhất nên rất nhiễu
loạn và đặc biệt việc chuyển tiếp cực khó. Anh em kỹ thuật
phải trực tiếp
điều khiển chiều thu phát tại máy tiếp
vận xa nhân
công. Còn máy tiếp vận tự động thì rất dễ nhảy lung tung vì
nhiễu loạn. Khi chiến dịch phát triển dần về phía trước, lực lượng
bị kéo căng ra, thiết bị hư hỏng và trục trặc gia tăng. Tuy tôi là
lực lượng “dự bị” và đang nghiên cứu máy thu, nhưng cuối tháng 5/1972
phòng cũng điều tôi xuống các trạm để giải quyết sự cố. Sau vài
ngày đi đường tôi đến trạm. Sau khi giải quyết xong một số sự cố của
loại máy 102E, anh em đưa tới 1 máy tải ba TCT-1. Quả thực tôi chưa
biết loại này bao giờ. Mò mẫm tìm hiểu, đọc tài liệu tôi mới hiểu
sơ sơ. Sau khi xác định bộ dao động thạch anh chuẩn 6Khz bị hỏng, tôi
ngây thơ hì hục lắp 1 bộ dao động 6KHZ dùng R và C với hy vọng mong
manh... Đương nhiên là máy không làm việc được. Phải đợi vài ngày có
máy khác thay, tôi mới quay về ban.
Thời kỳ này ăn uống không còn quá khó khăn, nhưng gạo vẫn không
đủ, phải ăn độn mì, độn khoai, độn đậu phộng, nhưng nhiều nhất là
độn đậu xanh. Mấy hôm đầu ăn sao mà ngon thế, nhưng chỉ vài bữa sau,
ngửi thấy mùi cơm đậu là thấy sợ. Lúc đó ban tôi hay cử Năm, Xuyên,
Chỉnh và vài anh em khác đi chợ Sơ long để mua rau, thịt, cá khô,
muối, mắn, trà thuốc, đường thốt nốt…Anh em còn có sáng kiến là ra
bờ sông Mê Kông bắt dăm con chó hoang về nuôi và thịt ăn dần. Ở
Campuchia hồi đó đàn chó hoang cỡ vài trăm con, chúng đói chạy kiếm
mồi khắp nơi nên rất dễ dụ bắt. Dân không ăn thịt chó nên bà con hay
hỏi chúng tôi: “Giải phóng ơi có lấy chó không?”. Có lần chúng tôi
nuôi 2 con chó, một con tham ăn, xấu tính, chúng tôi đặt tên là Vàng
Pao. Để phạt Vàng Pao, cậu Dật y tá đã ném 1 khúc xương vào sát tổ
ong, con chó lao vào khúc xương làm động tổ ong, ong lao ra đốt cho anh
chàng chạy có cờ. Con thứ 2, to con, lông xù dựng đứng, nó có vẻ lai
chó sói nên chúng tôi gọi là Sói. Sói rất khôn ngoan, ăn uống từ
tốn, thường đi tuần quanh cứ. Bọn tôi rất quí nó, đặc biệt là anh
Trung, mỗi khi đi công tác về, nó thường nhảy lên bá vai anh mừng rỡ.
Đến đầu năm 1973 chúng tôi chỉ giữ lại mình nó vì coi nó như 1 thành
viên của ban. Vậy mà khi chuyển cứ nó bị ai đó bắn bị thương vào chân,
nó lê cái chân gãy chạy về cứ. Tôi và anh Sang muốn cứu chữa cho nó,
nhưng anh Bôi và các anh khác thì muốn thịt để làm bữa nhậu. Nói
không được chúng tôi bỏ đi. Khi anh Trung về và biết chuyện, anh đã
nặng lời với anh Bôi và mấy anh khác, anh cũng trách tôi mãi.
Nhân đây tôi nhớ lại cậu Dật y tá. Lúc thành lập ban, chị Trinh
làm y tá, khoảng vài tháng sau cậu Dật thay. Đó là 1 anh chàng thấp
người, nhỏ con, trắng trẻo, phải cái răng hơi hô. Dật có vẻ thành
thạo chuyên môn và có tay nghề khá, nhưng nói hơi nhiều. Ai nói gì anh
ta cũng có thể tham gia được với ý: chuyện đó tôi biết trước và còn
rành rẽ hơn anh cơ. Khoảng giữa năm 1973, Dật ra đơn vị và chị Huỳnh
Hồng Liên về thay.
Tôi nhớ có chủ nhật mọi người tính xay gạo tráng bánh cuốn.
Mọi thứ đều có sẵn chỉ có thịt là chưa biết tính sao. Tôi chợt nhớ
hôm xuống C35 về ngang đường, thấy một con gà mái to đứng trên gò mối
sát cạnh lối mòn. Khi đến gần nó chậm rãi chạy vào bụi cây, tôi
nghĩ chắc gà của ai nuôi bị xổng ra. Tôi nói lại với Quang chuyện
này. Hai đứa bèn xách súng đi. Gần tới chỗ gò mối tôi đã thấy con
gà hôm trước đứng ở đó. Quang ngắm kỹ và bóp cò. Vậy là chúng tôi
có 1 bữa bánh cuốn nhân thịt gà.
Việc tăng gia sản xuất là 1 việc quan trọng chiếm nhiều thời gian và công sức. Ngoài việc trồng
mì, khoai, bắp, còn phải trồng rau, bí, mướp, bầu…Rồi nuôi heo, nuôi
gà…Nuôi heo thì nuôi tập thể, còn gà thì cá nhân tự nuôi. Gà cậu
Chỉnh nuôi là đẹp nhất, giống gà tốt, nuôi mát tay nên con nào con ấy
lớn nhanh như thổi. Có lứa gà mới, Chỉnh lại cho tôi 1 đôi, tôi lại
nhờ Chỉnh nuôi hộ. Khi nào có trứng thì mời nhau ăn, khi nào cần bồi
dưỡng thì thịt nấu cháo. Có lứa mới tôi lại xin 1 đôi rồi gửi nuôi
tiếp... Heo, gà nuôi cứ thả cho chúng tự kiếm ăn, tối đến heo vào
bếp nằm, gà leo lên các bụi cây ngủ. Có tối chồn vào bắt gà, thế
là náo loạn lên, mọi người soi đèn đuổi bắn chồn…Săn thịt thú rừng
cũng là 1 cách tăng gia cải thiện. Bọn tôi cán bộ mỗi tháng được
bồi dưỡng…5 viên đạn súng thể thao để săn thú. Nhưng thường anh em lấy
súng quân dụng loại nhẹ, có giảm thanh để đi săn. Chồn, cheo, voọc,
gà rừng, nhím, thỏ, trút… là các loại thú nhỏ dễ săn. Còn heo
rừng, mễn, nai là các loại thú lớn khó săn hơn. Có khi phải cử vài
người đi cả tuần mới bắn được 1 con. Tôi vẫn nhớ anh Nguyên quản lý
của ban tối đến hay đi săn. Nhưng anh lại nhát và không thạo săn bắn
nên cứ đi loanh quanh gần cứ thành ra ít khi bắn được thú. Có hôm anh mang
về 1 con chuột to, anh nói thấy mắt nó bắt đèn lớn lắm nên tưởng là
mễn. Có hôm gần sáng mới về, mặt mày phờ phạc vì suốt đêm vần 1
cụ rùa hơn chục kí lô. Anh nói thấy thú bắt đèn, anh nằm xuống kê
súng lên 1 tảng đá để bắn, súng nổ thú chạy mất còn khẩu súng thì
bị tảng đá lôi đi, nhìn kỹ hóa ra anh đã kê súng lên mai 1 con
rùa…bọn tôi cười trêu anh suốt. Có lần Chỉnh và vài anh nữa đi săn
thú dài ngày. Họ tìm bãi thú ăn, rình rập suốt 1 tuần mới bắn
được 1 con nai to đang có thai. Bọn tôi thay nhau ra tải thịt về và
được ăn 1 bữa cháo bao tử nai cực ngon. Nhưng cũng có lần Chỉnh và
Hùng đi săn bị lạc, mấy hôm sau mới tìm về được. Hồi giữa năm 1973,
tôi và Quang Nam đi làm nhà ở cứ dự bị. Khu này có 1 đàn gà rừng
rất đông. Thế là sẩm tối gà kéo về ngủ, Quang Nam xách khẩu AR15 đi,
khoảng tiếng sau đã thấy xách 1 con gà về. Sáng sớm trước khi gà
kéo đi kiếm ăn, Quang Nam lại ra đó và bắn được 1 con. Cứ vậy chúng
tôi ăn thịt gà mệt nghỉ. Để đạn khỏi phá tan con gà, Quang Nam đã
tháo đầu đạn ra, bỏ bớt thuốc đạn rổi lại lắp đầu vào, viên đạn
sẽ giảm sức công phá đáng kể.
Chuyện ăn thì vậy còn chuyện mặc thì cũng hay hay. Quân lính B2 mặc khá
thoải mái. Anh em ngoài Bắc vào có quân phục vải kaki, vải Tô Châu khá đẹp và
bền, nhưng vất vả như vậy nên sau 1, 2 năm cũng rách hết. Quần áo do hậu cần
Miền cấp phát 1 năm 2 bộ gồm quần đùi, quần áo dài may kiểu quân phục và 1 tấm
khăn rằn. Quần áo do quân trang may bằng các loại vải bông thường đủ màu sắc,
thường mặc hơn nửa năm là rách. Chiếc khăn rằn dùng vào khá nhiều việc: rửa
mặt, tắm, quấn cổ cho ấm, che đầu tránh nắng và đêm đắp tạm cho đỡ lạnh. Anh em
quê Nam Bộ mỗi khi gặp gia đình thế nào cũng được may vài bộ đồ mới. Đây là
những bộ đồ vải kate, nilon, hoặc dù mà thời đó là khá sang, được may kỹ lưỡng,
kiểu quân phục nhưng thường là biến tấu rất điệu…Tôi cũng được bà má nuôi may
cho 1 bộ như vậy, còn vài bộ vải kate thì tôi chữa lại đồ cũ của bố tôi cho,
cũng tốt chán. Hồi nhỏ tôi cũng thường chữa đồ cũ của bố để mặc nên quen rồi.
Chằm lá trung
quân lợp nhà
Còn ở thì thường là nhà có hầm âm xuống 1,5m. Tôi rất ấn tượng với việc
làm nhà. Dụng cụ làm nhà cơ bản có 3 cái: một là cái lưỡi cưa, cuộn tròn khi di
chuyển và căng bằng 1 khúc cây rừng khi cưa. Hai là mũi khoan gỗ to cỡ ngón tay
trỏ. Ba là cây dao rựa. Chỉ với 3 thứ đó chúng tôi đã làm biết bao là nhà và
hầm. Mái lợp tạm thì bằng mấy tấm vải mưa, lâu dài thì bằng lá trung quân và cỏ
tranh. Nhưng đặc biệt là lá trung quân, nó mọc đầy rừng, đi hái vài buổi là đủ
lá lợp nhà. Lá rất bền, đẹp và đặc biệt là hầu như không cháy.
Vào giữa tháng 6/1972, tôi được giao nhiệm vụ tới H19 để hỗ
trợ các giáo viên đang giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng và đào tạo
cơ công. Thời kỳ này các loại máy thu phát VTĐ bán dẫn của TQ viện
trợ như 71C, 81B…đã được trang bị khá phổ biến. Trong thực tế sử
dụng có nhiều vướng mắc về kỹ thuật do hạn chế về kiến thức. Buổi
tối trước khi đi, anh Trung đã trao đổi và dặn dò tôi một số việc
chính. Hôm sau, tôi và 1 anh lái xe HONDA của phòng lên đường. Sau khi
vất vả ra khỏi rừng, chúng tôi tạm nghỉ ở thị trấn Sơlong. Anh lái
xe và tôi vào 1 quán hủ tiếu Nam Vang của Việt Kiều để ăn uống và
nghỉ ngơi. Lần đầu tiên ăn hủ tiếu tôi chả thấy ngon gì cả, rồi lại
caffe cũng vậy, uống nó làm sao ấy. Thế là 2 ngón “ăn chơi” đó không
hợp với tôi. Khi xong, anh lái xe trả tiền cho cả 2 người. Tôi cứ ân
hận mãi vì lúc đó mình đã không trả tiền. Thực ra, hàng tháng tôi
được cấp sinh hoạt phí là 120 Riên, chỉ mua xà bông, kem đánh răng,
bàn chải…nên cũng còn kha khá. Chỉ có 1 nỗi là mình chưa quen cách
sinh hoạt này. Rời Sơlong, chúng tôi cứ phóng xe dọc theo bờ sông
Mêkong xuống phía Nam. Dọc đường rất nhiều trạm gác của Khơme đỏ
được dựng nên. Một số trạm thì có cây chắn đường, có 2-3 người mặc
đồ đen cầm súng gác, cách đó 10-15m có công sự chiến đấu với 1 nhóm
lính súng ống sẵn sàng. Tới những trạm như vậy, anh lái xe đưa 1 tờ
giấy chữ Khơme với dấu đỏ to tướng. Bọn lính săm soi, nhìn xuôi nhìn
ngược, hỏi vài câu rồi cho đi. Hồi đó những chuyến đi xuyên qua vùng
Khơme đỏ, lái xe thường là Việt kiều gia nhập QGP. Có những trạm chỉ
có 1-2 đứa trẻ độ 14-15 tuổi, vác súng hoặc cầm cây xà cóc to, chặn
lại hỏi giấy. Thường thì anh lái xe nói vài câu là đi, nhưng có khi
thấy mấy thằng nhóc vác dao, anh ta chẳng nói gì cả mà co chân đạp
cho 1 phát rồi vù đi. Tôi ngồi sau lạnh gáy quá, nhỡ mà có thằng nào
mang súng nấp ở đâu đó, bắn theo 1 phát thì có mà toi. Chiều tới 1
trạm giao liên của ta, tôi liên hệ qua sông, còn anh chàng lái xe lại
đón khách và quay về cứ. Mãi tối, nghe ngóng không thấy máy bay AC130
bay tuần dọc sông, giao liên nhanh chóng đưa chúng tôi qua sông, tới trạm
giao liên của ta ở bờ sông bên kia, vùng này thuộc tỉnh CôngPôngChàm.
Sáng hôm sau trạm cho giao liên lấy xe đạp thồ chở tôi đi. Đoạn nào
đường tốt thì đi xe, đường xấu lầy lội thì dắt bộ. Anh chàng giao
liên này khá trẻ và có vẻ ham chơi. Đi khỏi trạm khoảng 1 tiếng, anh
chàng ngó trước, ngó sau rồi dẫn tôi chui tọt vào 1 khu rừng um tùm.
Hóa ra đó là khu rừng mít của 1 đồn điền nào đó, nay đang bỏ hoang.
Anh chàng nói: ăn mít đã. Thế là 2 thằng tìm quả nào chín, ngon, dễ
lấy kéo xuống, đập đánh bộp 1 cái cho nó vỡ ra rồi ăn. Thấy ngon
thì ăn dăm múi rồi lại tìm quả khác…Cứ thế cũng mất hàng tiếng đồng
hồ. Tới lúc không thể ăn thêm được nữa chúng tôi chui ra. Lúc này anh
chàng giao liên mới nói: Ông biết tôi vào đây sợ cái gì nhất không?
Sợ gặp heo rừng đang ăn mít rụng, thấy mình là nó lao vào liền,
chạy trối chết…Trời ơi. Khoảng vài tiếng sau, khi đang vất vả trên
đường đất đỏ lầy lội, anh ta lại kéo tôi vào 1 khu rừng cao su bên
dưới trồng cơ man nào là thơm. Và 2 thằng lại vặt, đập, cạp…cho tới
khi rát lưỡi, ê răng mới thôi. Cứ thế quá trưa thì tôi tới cứ của
H19, anh chàng kia lại dẫn khách ra, còn tôi vào làm việc. Hôm sau mọi
việc diễn ra theo kế hoạch, chỉ có điều khi 1 giáo viên thắc mắc về
mạch điện mới lạ, tôi cũng ú ớ chạy mạch mãi không thông và rồi
cùng cười xòa…Mấy hôm sau tôi về, người đón tôi lần này cũng là anh
giao liên lần trước. Qua rừng thơm anh ta đưa tôi đi thẳng. Khi tới rừng
mít anh ta lại rủ tôi vào, nhưng lần này anh ta và tôi hái mấy quả to
để mang về cho anh em trong trạm. Đợi ở trạm tới tối hôm sau tôi lên
xuồng và ngược về Sơlong. Suốt đêm đi không yên vì nhiều lần tắt máy
tấp vào bờ tránh AC 130. Hôm sau lên bờ tôi phải đi bộ mãi mới về
đến cứ.
Khoảng giữa tháng 7/1972, tôi được điều theo 1 đoàn của Phòng
tới các đơn vị để kiểm tra mọi mặt công tác chuyên môn và các vấn
đề kỹ thuật ở 2 tiểu đoàn VTĐ của Phòng vừa qua đợt cao điểm phục
vụ chiến dịch Nguyễn Huệ. Đoàn gồm có anh Quang ban tham mưu, anh Tư
trợ lý VTĐ, người của C35, và tôi ở ban Kỹ thuật. Từ ngày 10 – 15/7
chúng tôi làm việc với tiểu đoàn 38. Chúng tôi xuống từng tổ đài
kiểm tra công việc liên lạc, kiểm tra chất lượng thiết
bị, kiểm tra anten, kiểm tra khả năng và tác
phong làm việc của báo vụ…Tôi phải trực tiếp điều chỉnh các máy
phát để xác định công suất phát, kiểm tra từng mối nối anten-phido,
kiểm tra ragono và các khối nguồn…Phải nói mấy lần đầu tôi rất lúng
túng nên cứ ra lệnh cho báo vụ:
chỉnh máy cho tôi xem…sau khi đã quen, tôi làm khá thạo, đồng thời chỉ
ra ngay các sai sót của anh em báo vụ nên đoàn kiểm tra khá tin tưởng.
Ngày 16/7 khi họp sơ kết, tôi đã chỉ ra hàng loạt vấn đề kỹ thuật
cần khắc phục ngay…Sang ngày 17/7, chúng tôi qua tiểu đoàn 44, mọi
việc cũng tương tự như ở d38. Tới tiểu đoàn nào chúng tôi cũng được
ban chỉ huy tiểu đoàn và các đơn vị đón tiếp thân tình. Bữa trưa,
bữa chiều cũng cố có tí thịt vọoc hoặc cheo. Tối lại ngồi quây
quần uống trà “củ măng”, hút thuốc rê khét mù…Tôi rất sợ thịt voọc
vì cứ thấy nó như người ấy nên không ăn. Vài ngày sau, sau khi làm
việc xong ở d44 và kết thúc đợt kiểm tra chúng tôi trở về cứ.
Thời kỳ này có khá nhiều đợt học tập chính trị và sinh hoạt
Đảng. Theo sổ công tác còn lưu lại: ngày 8/2/1972 học tập về “Tình
hình và nhiệm vụ mới”. Ngày 14/3/1972 họp đại hội đại biểu liên chi.
Rồi ngày 17/4/1972 học tập về “Mục tiêu lý tưởng CSCN”…Chúng tôi cứ
học, cứ quyết tâm nhưng đang ở mãi đông-bắc Campuchia thế này không
biết bao giờ mới về được đất Việt. Vậy mà tháng 5/1972, chúng ta đã
giải phóng Lộc Ninh, đường về đất Mẹ đã thông.
Thấm thoắt đã là tháng 11/1972, tình hình chiến sự trên toàn
Miền vẫn rất căng thẳng, lâu lâu lại có đợt B52 đánh vào khu vực cứ,
nhiều đêm chui lên chui xuống hầm mấy lần. Cho tới lúc này tôi cũng
đã có chút hiểu biết về bom đạn, nếu thấy tiếng bom réo âm thanh cao
thì khỏi lo vì nó sẽ rơi xa; còn nó kêu tiếng trầm đục thì coi
chừng nó sẽ rơi sát hầm cho mà coi…ban Kỹ thuật cũng đang triển khai
khá nhiều việc chuyên môn. Gần sang năm 1973, trên phổ biến, radio đưa
tin về kết quả hội đàm Paris, khả năng ký một hiệp định ngưng chiến
là có thật. Chúng tôi theo rõi, chờ đợi nhưng không hy vọng gì nhiều
vì công việc cho các chiến dịch mùa khô 1972-1973 vẫn rất khẩn trương.
Đầu tháng 12/1972 tôi được phòng giao nhiệm vụ đưa một đài VTĐ SN đơn
biên 4w sang phục vụ bên TW Cục. Đây là đài mà tôi đã thử ngoài Bắc
năm 1971 và đưa vào Nam sau đó. Công việc cụ thể là đặt đài này tại
cứ của TW Cục làm đường dây nóng với BCH Miền. Hồi đó BCH Miền ở
khu vực ĐầmRâyPhông phía đông sông Mê Kông, còn TW Cục ở phía Tây sông
Mê Kông. Hai cứ cách nhau theo đường chim bay cũng cỡ cả trăm km. Về lý
thuyết ở cự ly này 2 đài đơn biên sẽ liên lạc thoại khá tốt, ngoài
ra có ý kiến cho là đơn biên cũng sẽ có tính bí mật. Nhóm của ban
đi gồm có tôi, Thục, Hùng, Chỉnh, Xuyên. Năm anh em ra Sơlong nằm chờ
trong nhà bè của cơ sở Việt kiều. Chiều tối mới ra tắm rửa, hít
thở một chút. Có chiều ra tắm hơi sớm, bà con cứ nhìn mấy anh giải
phóng mà cười ngặt ngẽo vì bọn tôi anh nào anh ấy trắng xanh, trông
rất tương phản với bà con da đen thui. Mãi mấy hôm sau mới qua sông. Lên
bờ chúng tôi đi bộ ngược dòng Mêkong, mãi chiều tối mới tới cứ.
Chúng tôi được bố trí trong 1 nhà hầm nhìn ra 1 rẫy nhỏ trồng rau.
Quanh rẫy còn vài nhà hầm nữa nằm kín đáo dưới tán lá rừng. Chúng
tôi được lệnh triển khai máy và ngồi trực 24/24. Hôm sau, cứ tới phiên
liên lạc thì có 1 báo vụ tới làm việc. Hai bên đọc các bức điện đã
mã hóa cho nhau, chất lượng thoại khá tốt. Một hôm, tôi được gọi tới
1 căn nhà hầm gần đó và gặp Ông Mười K. Ông hỏi chuyện công tác của
tôi, chuyện gia đình, chuyện quê hương (Ông cũng có chút họ xa với bà
nội tôi). Về việc bảo đảm liên lạc, Ông khen như vậy là tốt, giúp Ông
rất nhiều trong công việc. Thì ra để chuẩn bị ký kết hiệp định Paris
vào tháng 12/1972, Ông Mười K từ BCH Miền sang TW Cục làm việc cùng
Ông Bảy C (Phạm H) để chỉ đạo tác chiến, giành lợi thế khi ký hiệp
định. Đang nói chuyện thì Ông Bảy C từ một nhà hầm khác bước sang,
Ông Mười K giới thiệu tôi. Ông Bảy C cười thân thiết và bắt tay tôi.
Nói vài câu chào hỏi xong, tôi xin phép đi làm việc. Vậy là tôi thật
may mắn có dịp gặp và phục vụ các thủ trưởng cao nhất của Miền
lúc bấy giờ. Mấy hôm sau tôi còn được dẫn tới làm việc với ông Mười
H là cán bộ kỹ thuật thông tin của TW Cục (theo tôi lúc đó ông Mười
cũng như anh Trung ở ban tôi). Ông Mười nói thoại đơn biên không có gì
là bí mật cả, tôi cũng đồng ý và nói: mọi bức điện đều đã mã
hóa xong mới truyền đi. Gần đến ngày dự kiến ký hiệp định Paris thì
Mỹ trở mặt không ký. Chúng tôi được lệnh thu hồi thiết bị và quay
về ban. Hôm qua sông và hành quân về cứ, từ Sơlong chúng tôi thấy từng
đợt B52 và các loại máy bay khác luân phiên đánh vào khu vực cứ của
ta. Lửa rực lên và tiếng nổ dội nghe tức ngực. Chúng tôi vội vã trở
về. Trên đường chúng tôi phải qua mấy bãi bom vẫn còn ngổn ngang cây gãy đổ và cháy xém. Về đến
cứ thật may mà không có ai bị gì, nhà cửa vẫn nguyên vẹn.
Năm 1973, trước
khi rời căn cứ ở ĐầmRâyPhông
Sau đợt này tôi bị sốt rét quật ngã, anh em phải cáng đi nằm
bệnh xá của cục tham mưu gần đó. Tôi nằm li bì mấy ngày không dậy
nổi, đến đi tiểu cũng phải có y tá cầm lon hứng hộ. Đã vậy B52 và
các loại máy bay khác đánh phá dữ
quá, có lúc tôi lăn khỏi võng chui vào hầm, có lúc cô y tá phải
chạy vào dìu tôi chạy, lúc nó đánh dữ nhất cũng là lúc tôi không
còn sức đâu mà dậy nên cứ liều nằm trên võng nghe bom rơi và đất đá
bắn vào nóc nhà hầm ào ào. Rồi cũng hết bom. Hóa ra trước khi đánh
phá Hà Nội, Mỹ đánh phá căn cứ của Miền trước. Mấy ngày B52 đánh
Hà Nội, chúng tôi thường tập trung theo rõi qua đài phát thanh TNVN,
đài BBC, đài tiếng nói Hoa Kỳ. Mọi người vô cùng lo lắng và căm
giận. Tôi lo cho mẹ tôi và các em tôi cùng những người thân yêu của tôi
đang ở Hà Nội. Khi chúng phải ngừng ném bom, chúng tôi vui mừng khôn
xiết. Nhưng chúng tôi không thể tiên đoán được một giai đoạn mới sắp
đến.
Đầu năm 1973, hiệp định Paris được ký kết, Mỹ chính thức không
còn trực tiếp tham chiến. Cái thấy rõ rệt nhất là tiếng máy bay ít
hẳn, bom pháo cũng không còn bao nhiêu. Tình hình chiến sự thì được
quán triệt là tích cực chống lấn chiếm của địch và tích cực giải
phóng giành đất giành dân. Tuy vậy không thấy có các chiến dịch lớn
vì lúc này về tổng thể ta đang củng cố lực lượng, bố trí lại đội
hình, tìm mọi cách áp sát và chuyển dần về bên đất ta. Các năm
1970-1972 chúng ta chủ yếu đứng chân bên đất Campuchia.
Chúng tôi khẩn trương chuẩn bị di chuyển về phía Nam. Trong khi
thu dọn và chuyển cứ thì anh Trung được điều đi công tác đặc biệt.
Anh tham gia phái đoàn 4 bên và vào nằm ở trại Davit, Tân Sơn Nhất. BCH
Miền yêu cầu đích danh anh đi vì việc bảo đảm kỹ thuật cho bộ phận
thông tin của đoàn có ý nghĩa sống còn. Ngoài ra như sau này anh kể,
anh được yêu cầu phát hiện và vô hiệu hóa các thiết bị nghe trộm mà
Mỹ gắn ở khu trại của phái đoàn ta. Nhưng để cho thật yên tâm, các
cuộc trao đổi, hội ý quan trọng đều được làm ngoài sân trống.
Kỳ chuyển cứ này tiến hành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tất cả
số anh em mạnh khỏe đi trước và làm cứ. Khi được một số nhà hầm
thì số còn lại đi tiếp tới cứ mới. Tôi ở tốp sau, khi đến cứ mới
tôi nhận thấy vùng này khá bằng phẳng, rừng thưa thớt ít cây to, chủ
yếu là rừng chồi và le. Tốp đầu đã làm được 2, 3 cái nhà hầm. Mới
thu dọn sơ sơ thì lại có lệnh
chuyển cứ. Tốp đầu lại đi trước, vài tuần sau chúng tôi đi tiếp tới
cứ mới. Cứ này lại nằm ngay bờ sông, rừng thì có vẻ
dày hơn. Cũng mới xong vài ba cái nhà
hầm, xem ra cũng không có chỗ mà làm tiếp. Bên kia sông là cứ
của ban Chính trị. Thì ra chúng tôi đang bám theo 2 bờ sông biên giới,
cứ của ban Kỹ thuật còn nằm trên đất Campuchia.
Hồi này tôi sốt rét thường xuyên, sức khỏe rất kém, khi chia
tay Bố tôi đã cho tôi 2 lọ thuốc bổ của Nhật (hình như là Moriamin gì
đó). Hai lọ thuốc này sau đó đã giúp tôi và cậu Khách đủ sức để
ngày đêm lắp ráp trung tâm thông
tin đầu tiên của Miền. Hôm
rồi gặp lại Khách (4/2009), cậu ta nhắc lại tôi mới nhớ, chứ thực ra
mình cũng quên nhiều.
Khăn rằn và tấm đắp dù.
|
Ca inox của Mỹ và đèn dầu làm từ vỏ máy bay.
|
Hòang Trung năm 1974 và máy AB67 do M1 sản xuất.
|
Máy thu kiểu phản ứng SG68 (trên).
Máy thu kiểu đổi tần 398 (dưới)
|
Năm 1971-1972 vô cùng ác liệt
|
Làm việc trong nhà hầm năm 1973
|
Từ Lộc Ninh vào, rẽ phải sẽ tới cứ của BCH Miền. Rẽ trái se ̃qua rẫy của ban Kỹ thuật (sau tấm biển) |
Gia đình tôi và đồng đội vẫn thường về thăm lại căn cứ
Sóc Tà Thiết xưa và chụp ảnh bên chân dung Bố tôi tại bảo tàng.
|
Cha con chia tay 17/3/1974 tại cứ Sóc Tà Thiết. |
4 nhận xét:
Tác giả viết đơn giản mà hay.
Tôi đọc mà như thấy lại được những năm tháng hào hùng của dân tộc.Tôi luôn rất kính nể các bạn Trỗi được "qua lửa". Vì đã từng đối mặt với muôn van hiểm nguy, họ rất bản lĩnh và đầy tình cảm chân thực.
Truyện tác giả viết thật hay, cảm động, chân thực, dung dị. Những người như anh Trung thật đáng kính nể.
Chúc tác giả luôn vui khỏe, hạnh phúc.
Anh Trần Thắng là lính chuyển tiếp 2 ĐHKTQS, từ Bách khoa nhập ngũ vào học tiếp ở trường ta, sau đó đi B. Những năm sau 1975, anh về Viện Kỹ thuật thông tin. Chúng tôi hay gặp nhau khi khai thác những máy mới của Liên Xô và đưa học viên về thực tập. Con người anh bình dị, gần gũi.
Loạt bài viết của anh rất dễ đọc.
Các bạn Trỗi biết và quen nhiều về Trần Thắng cũng là lẽ thường, cứ đọc cách viết ,kể về những câu chuyện thời máu lửa của bản thân và gia đình tác giả,cảm nhận ra, đây là một bạn rất chín chắn, tỷ mỷ,sâu sắc, chừng mực và có lòng yêu nước đức độ. 90% nhiều người chưa gặp Tr.T bao giờ nhưng trong họ đều bảo: Biết Tr.T.!
Ngạc nhiên,rồi trầm lắng một tý,nhận ra cái ý bảo "biết Tr.T" là đúng:
Trong nhiều chuyện kể về Cụ Tr.Đ.,người ta cảm khái, nhận ra câu nói rất bản lĩnh ,khí tiết của anh con trưởng Cụ: "Tôi thay mặt gia đình xin không nhận..." tất nhiên là không phải nhiều người trực tiếp được nghe, nhưng giai thoại ,truyền mịêng mà là tiếng thơm thì người ta tự nhận mình được nghe tận tai,thân biết gần gũi cái ông náy...là một vinh hạnh. (TĐ)
Đăng nhận xét