Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh lên tiếng (ST)

Đã là nông dân là cần có ruộng đất. Xưa hay nay đều vậy. Ruộng đất là tất cả cuộc sống của họ.

Dưới thời thực dân Pháp thống trị, ngay khi vận động cách mạng bí mật để giải phóng đất nước, Đảng đã nêu khẩu hiệu “Người cày có ruộng” đáp ứng khát vọng của nông dân, nên nông dân hăng hái theo Đảng, làm nên Cách mạng Tháng Tám giành độc lập tự do và để dân có ruộng cày (tất nhiên có cả nhiều tầng lớp tham gia nhưng nông dân vẫn là động lực chủ yếu).



Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, nông dân đã đưa con em mình tham gia bộ đội. Hàng chục vạn con em họ đã ngã xuống và để lại một phần thân thể của họ tại các chiến trường là vì Tổ quốc, vì ruộng đất, vì giữ chính quyền. Sao các ông bà chính quyền hôm nay lại phản bội lại nông dân?


Trong quá tình ép dân lấy ruộng giao cho công ty tư nhân Vinatex, chính quyền tỉnh Nam Định, huyện Vụ Bản đã dùng nhiều thủ đoạn xấu xa: 

- Định giá rẻ mạt 27.000đ/m2; dân không chịu mới nhích dần từng bước từng bước, đuổi việc, đuổi học con em họ để ép họ nhận tiền giao đất. 

- Đối với những đảng viên gọi là cứng đầu thì chỉ thị cho chi bộ khai trừ. Tuyệt đại đa số đảng viên không đồng ý thi hành kỷ luật, huyện vẫn khai trừ trái nguyên tắc, điều lệ đảng. 

- Lừa dân (đối thoại với dân, Chủ tịch Tuấn nói nhà đầu tư hỗ trợ thêm 10.000 đ/m2, cộng cả mới và cũ là 42.000đ/m2. Ai nhất trí thì đi nhận tiền để nhà đầu tư thi công; nếu không đồng thuận thì chuẩn bị trả tiền cho nhà đầu tư, nhà đầu tư trả lại ruộng cho bà con). Thế rồi chỉ là “đưa trâu qua rào”.

Đùng một cái, sáng 9/5/2012, chính quyền huy động công cụ bạo lực, khoảng 300 người có dùi cui, súng, chó béc - giê xông vào đánh dân tới tấp. Có chị phụ nữ bị đá vào ngực, có chị bị kéo lê trên đường. Có bà cụ 80 tuổi người thôn Cao Phương, xã Liên Bảo bị bóp cổ, bẻ quặt tay ra sau. Bà cụ Đạt 70 tuổi bị vụt và đấm đá sưng húp mặt mày, ngất tạ chỗ và bị quăng ra đường 10 phơi nắng, và nhiều người khác bị đánh túi bụi. Tiếng kêu la thảm thiết vang cả cánh đồng. Những người bị bắt không biết ra sao, không biết có ai bị đánh chết tại trụ sở công an như đã từng xảy ra ở một số nơi không?

Sao mà chính quyền bất nhân, vô đạo đức đến thế?
Sao công an tàn ác dã man thế, đánh dân như kẻ thù?

10h40 sáng 9/5/2012, trận chiến mà ông Chủ tịch tỉnh dàn dựng, và Phó Giám đốc Công an tỉnh (con trai một cựu chủ tịch tỉnh) chỉ huy với lực lượng mạnh đã chiến thắng nông dân tay không một cách vẻ vang (hay đê hèn), tách được nông dân ra khỏi đồng ruộng mà họ cố níu giữ hiến cho tập đoàn Vinatex.

Dân cày mất ruộng như cá không nước. Không có nghề, họ sống bằng gì? Giả sử có được đào tạo nghề thì với tuổi 40, 50, 60 thì xí nghiệp nào, công xưởng nào tiếp nhận?

Nắm số tiền đề bù rẻ mạt mấy chục triệu đồng, gia đình nông dân 5-6 người sống được bao nhiêu ngày? Trước mắt họ là con đường khốn khổ, vô định.

Trước đây đã có hàng ngàn hộ nông dân bị tước đoạt ruộng đất. Chỉ 3 tháng gần đây liên tiếp 3 cuộc cưỡng chế tàn khốc (Tiên Lãng - Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên và Vụ Bản - Nam Định), bắt bớ đánh đạp tàn ác dã man, tước đoạt nguồn sống của họ. Chưa bao giờ nông dân oan ức khổ nhục như bây giờ!

Thực trạng trên đây làm cho mệnh đề mà văn kiện vẫn nêu “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” không còn ý nghĩa nữa! Nhà nước của dân, nay người ta nói chính quyền là của tầng lớp giàu có, của nhóm lợi íchcá nhân tham nhũng. Nhà nước vì dân nay người ta nói là chính quyền áp bức dân. Các bậc lão thành cách mạng, các đảng viên cộng sản chân chính, mọi người dân lương thiện rất đau lòng!

Thương thay! Nông dân đổ máu xương ở chiến trường, góp công sức cho đất nước, cho chính quyền này, nuôi dưỡng chính này mà bọ đánh đập tàn nhẫn, tước đoạt dã man, nhà cửa tan nát!

Hãy dừng lại những chủ trương và hành động tội ác!

Nguyễn Trọng Vĩnh


2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cảm ơn bác đã vẫn trung trinh một lòng vì nước vì dân. Lịch sử sẽ vạch mặt bọn tham quan ô lại phản dân hại nước. Và người dân khắp nơi sẽ hiểu sâu sắc hơn một chân lý: muốn bảo vệ lợi quyền phải kiên quyết đấu tranh, dẫu phải hy sinh cũng không từ nan.

TranKienQuoc nói...

Chúng nó không tôn trọng trí thức (loại này hiểu nhưng nhưng lập trường không vững, chả theo Đ đến... c...). Chúng nó không tôn trọng lão thành (bảo: các cụ già rồi, để đó chúng con làm!). Và nhìn thấy chúng nó chuyện gì cũng biết nhưng sai thì vẫn làm.