Những
cái “không” của người Thái
Chuyến du lịch Thái lan vừa rồi là chuyến xuất ngoại thứ 3 của tôi trong 3
năm nghỉ hưu (Năm 2010 tôi có sang Singapo và Quế lâm TQ) . Cảm tưởng chung của
cả 3 chuyến đi là lòng tự hào dân tộc bị tổn thương. Nếu như trong những lần
xuất ngoại trước đây (sang Trung quốc trong đội hình trường Trỗi, đi học đại
học ở Liên xô, NCS ở Tiệp khắc), tôi luôn tự hào mình là người Việt nam – là
con cháu của một dân tộc anh hùng, thông minh, giỏi giang, thì trong những lần
xuất ngoại gần đây, lòng tự hào đó đã bị suy giảm nghiêm trọng, mà thay vào đó
là một cảm giác buồn man mác khó tả, là cảm giác thiếu tự tin khi giao tiếp với
bạn. Sau chuyến đi cứ nghĩ vẩn vơ – sao trí tuệ Việt nam được cho là vào hàng
thông minh trên thế giới, con người Việt nam được đánh giá là cần cù, chịu khó,
khéo léo…tài nguyên thiên nhiên thì không phải là thiếu, mà đất nước lại cứ đì
đẹt chậm phát triển đến vậy? Ở các nước thì người ta « làm cái gì ra cái
đó», còn ở ta thì « chưa cái gì ra cái gì ». Nói thế kể cũng hơi quá,
nhưng quả thật, ngoài những giá trị của quá khứ (nền văn hiến từ ngàn xưa với
Văn miếu, với những di tích lịch sử đã được UNESCO công nhận, các chiến công
oanh liệt …do các thế hệ trước để lại) và những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp
(do ông trời ban cho), chúng ta chẳng có gì để mà tự hào khoe với bạn về thời
hiện đại. Chiến tranh đã lùi xa 37 năm mà mọi thứ vẫn được đổ cho «vì chiến
tranh kéo dài » và chúng ta vẫn đang gặm nhấm cái «quá khứ hào hùng» của
dân tộc.
Trên các trang mạng đã có rất nhiều bài viết về đất nước và con người Thái
lan. Ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ cảm nhận của tôi về những cái « không » của người Thái.
1.
Đường phố không còi. Ngay trên đường từ sân bay về khách sạn tôi đã cảm nhận được điều
đó. Trong khu vực sân bay, lượng khách
đến, khách đi lớn gấp nhiều lần sân bay Nội bài của ta (hàng ngày có khoảng 800
lượt chiếc máy bay đi và đến), các loại xe to nhỏ vào ra liên tục, nhưng không
hề nghe thấy tiếng còi. Tất cả cứ theo luật mà đi. Về đến thành phố Băng cốc
cũng vậy. Dòng xe cộ nườm nượp, nhưng đường ai nấy đi một cách trật tự, không
có chuyện tranh cướp đường, không có chuyện xe máy lạng lách, không có chuyện
cố tăng tốc cho kịp đèn xanh, càng không có chuyện vượt đèn đỏ. Trong suốt hành
trình 4 ngày đêm đi hàng mấy trăm km, đến nhiều điểm du lịch tôi đều cảm nhận
được ý thức của người tham gia giao thông rất tốt. Có những khi kẹt đường, xe
nối duôi nhau hàng cây số và phải đứng chờ đến hàng 40 phút không nhích nổi 1
mét (giờ cao điểm lúc tan tầm ở Băng cốc hoặc cao điểm đông khách du lịch ở
Pataya) mà mọi người vẫn bình tĩnh và kiên nhẫn, không hề cáu bẳn, không bấm
còi ầm ĩ để tranh cướp đường. Nhân nói về ý thức người dân, tôi kể thêm một chi
tiết này : Chiều T2 30/4, trong khi cả đoàn đi mua sắm, tôi tìm đến 1 công
viên lớn của Băng cốc để xem dân tình ra sao. Công viên này rộng cỡ như CV
Thống nhất của Hà nội. Cũng có hồ nước với bến cho thuê thuyền và xe đạp nước,
có nhiều cây xanh và hoa. Điều làm tôi ngạc nhiên là khoảng 18h, mọi người
trong công viên đang ngồi chơi, đi bộ, chạy thể thao, tập thể dục nhịp
điệu...khi nghe thấy nhạc trên hệ thống loa phóng thanh đều đứng nghiêm tại chỗ
cho đến hết bài nhạc. Cả mẹ con cô bán vé bơi thuyền đang ngồi trong ki ốt cũng
đứng nghiêm. Trong không khí đó, đương nhiên khách vãng lai cũng phải tôn trọng
và đứng nghiêm cùng với họ. Hỏi ra thì biết
rằng hàng ngày, giờ đó (và lúc 8h sáng nữa) là giờ chào cờ theo qui
định. Một anh bạn trong đoàn cho biết dân bán hàng ở các chợ (nơi anh ta học
cách Băng cốc 50 km) cũng làm như vậy. Mới biết ý thức tự giác của dân Thái
thật là cao, đáng học tập.
2.
Nơi công cộng không hút thuốc lá. Các không gian công cộng (Nhà ga sân bay, khách sạn, tiệm ăn, siêu
thị...) đều là không gian khép kín có điều hòa. Tôi không nhìn thấy các biển
« No smoking » nhiều như ở bên ta. Có chỗ có một biển duy nhất ở lối
vào đề là « No smoking area » (« Khu vực không hút
thuốc »). Người dân luôn tự giác chấp hành. Trên đường phố hầu như không
gặp đầu mẩu thuốc lá vứt lung tung.
3.
Đám tang không nước mắt. Đất nước không nghĩa địa. Ngay sau khi
lên xe từ sân bay về khách sạn, cô Tiên – HDV DL đã thông báo cho đoàn tôi rằng
ngày hôm sau cô bận, không cùng đoàn đi Pataya được vì ông nội cô vừa mất buổi
sáng. Cô cũng nói luôn : Người Thái quan niệm rằng sống chết là việc của
trời, đời người ai chả chết một lần, nên khi có người thân chết, người Thái
không tỏ ra đau buồn, khóc lóc. Nói chung, trong các đám tang không có nước
mắt. Chúng tôi nói lời chia buồn với cô thì cô bảo « có buồn đâu mà
chia ?». Theo phong tục người Thái, người chết được hỏa thiêu, một chút
tro được đựng trong cái lọ nhỏ gửi trên chùa, còn lại thả xuống sông. Đi suốt
chặng đường mấy trăm km tôi không hề nhìn thấy cái nghĩa địa nào.
4.
Sùng đạo nhưng không đốt mã. Dân Thái lan sùng đạo Phật thì ai cũng biết. Trong đời, thanh niên nào
cũng phải có 2 năm đi tu ở chùa. Ở Thái lan, chùa được xây dựng khắp nơi, chỗ
nào cũng có chùa. Trên đường phố Băng cốc có thể gặp rất nhiều màu vàng của áo
cà sa. Thế nhưng người Thái tuyệt đối không đốt mã. Con cái tỏ lòng hiếu thảo
với các bậc tiền nhân bằng cách cúng tiền cho nhà chùa để nhà chùa làm từ
thiện. Người Thái quan niệm làm như vậy là cách thiết thực nhất để tich đức cho
ông bà siêu thoát và để phúc cho con cháu.
5.
Chợ không cân thiếu. Cô Tiên đưa chị em đoàn tôi đi chợ. Trước khi đi, cô bảo các chi mua bán
ở đây cứ yên tâm, không bao giờ có chuyện cân thiếu. Thực tế xưa nay đã chứng
minh điều đó. Bạn có thể bị hớ khi mặc cả giá nhưng khi đã thống nhất giá cả
rồi thì hoàn toàn yên tâm là không bao giờ trả tiền 1 cân mà chỉ nhận được 8-9
thậm chí là 7 lạng. Nhưng bạn cũng phải cẩn thận khi mặc cả, vì đã có trường
hợp trước khi sử dụng dịch vụ đã thống nhất là 300 nhưng không nói rõ 300 gì.
Đến khi khách đưa trả 300 bạt thì bị phía cung cấp dịch vụ dứt khoát đòi 300
USD.
13 nhận xét:
Đáng học và buồn cho cái chính thể nhà ta. Bản chất là văn hóa đấy!
Vụ chào cờ ở Thái ko phải là quốc ca mà là bài tôn vinh đức Vua. Ở Bangkok, trước tất cả các show diễn, chiếu phim, hôi nghị ... nói chung là tụ tập đều phải đứng nghiêm chào với bài hát này (tương tự như Đông phương hồng thời ĐCMVH vậy). Nhưng nói chung chỉ ở các thành phố lớn thôi. Ngay như ở tp Pattaya cũng ko có vì là tp ăn chơi và chỉ biết ăn chơi!
HMK6
Con gái tôi khi cháu 8 tuổi được về thăm VN lần thứ hai. Cháu được dạy dỗ yêu quí quê hương,gia đình VN một cách thật tâm. Cháu giao tiếp tiếng Việt thành thạo. Non tháng ở VN, cháu tuyên bố chấp nhận được mọi hoàn cảnh khác biệt- kể cả việc bữa cơm quê đầy ruồi, các bà cụ( cả bà nội!)ăn trầu mồm đỏ như máu. Duy có hai điều thì không thể chịu được đó là tiếng còi xe ôtô ( Đèn đỏ mọi người phải dừng mà người đi sau lại bấm còi xin vượt!)và điều thứ hai là tai nạn do muỗi, con muỗi cứ nhằm trẻ ở Đức về," máu ngọt" hơn mà đốt.Vết muỗi đốt sưng tấy, ngứa đỏ bằng quả ổi quê.( TĐ)
Cháu tôi cũng ở bên Đức. Trước khi về VN, bố mẹ cháu dặn là không được chê VN bẩn nhé. Nó nghe lời và mãi đến thời điểm sắp lên máy bay trở lại Đức, cháu mới dám ghé tai bà ngoại thì thầm:" Bà ơi, cháu không dám chê VN bẩn đâu, nhưng chỉ sạch hơn c... một tí thôi". Lúc đó cháu lên 4.
Tôi chưa đi hàng không Thái, nhưng tin chắc QV khi rời máy bay, những nhân viên trên máy bay đều xếp hàng ở lối ra, cám ơn hành khách và "COME BACK AGAIN".
Tất cả business ở những nước có cạnh tranh đều phải theo nguyên tắc: sống ngày hôm nay, sống ngày mai, sống tuần này, sống tuần sau, sống năm nay, sống năm sau. Nên để có tiếng, business không được giở trò ma mãnh, (người Việt cũng có câu đó "tiếng lành đồn xa", nhưng người Việt không biết nhìn vào lợi ích lâu dài). Nếu QV đi mua bị cân thiếu QV có bực mình không? và nếu có thì lần sau QV sẽ mua ở chỗ đó hay chỗ khác mặc dù đắt hơn một chút nhưng cân đúng liều lượng?.
Nếu QV là một người khách du lịch đến VN và đi taxi bị lừa như chuyện 2 cảnh sát Interpol của Singapore năm trước liệu QV có quay lại VN nữa hay không?
Tất cả là do trình độ nhận thức về xã hội của toàn dân và những biện pháp thi hành của chính quyền như thế nào?
Thailand cũng mới chỉ bắt đầu văn minh hóa từ khoảng 1980 trở đi thôi.
Nói thế để QV và các bạn tham khảo và suy nghĩ.
Chợt nhớ ra một chuyện nữa, anh tôi có kể anh ấy đi Thailand khoảng vài năm về trước, có một lần mua cái gì đó, trả thừa tiền, người bán sau đó chạy theo trả lại tiền thừa, tôi có trả lời: đúng, họ làm việc như thế đấy.
Còn tôi sau đó lúc ở Vũng Tầu, ghé qua chợ, vợ tôi hỏi giá mực 1 nắng, sau đó không mua, sang hàng khác hỏi, thế là chửi liền. Giả sử QV là tôi lúc đó QV nghĩ thế nào? và QV có quay trở lại nữa hay không?
Hãy suy nghĩ.
Chắc hôm nay hơi say, nhưng không thành vấn đề, kỷ niệm không phải chỉ là những ngày trong trường Trỗi, còn xa hơn nữa, từ những ngày còn ở trong T, từ những ngày chắc chúng mình chỉ độ 5,6 tuổi, từ những lúc mà mình với QB suốt ngày "tỉ thí", hôm nay được mai được tiếp, hôm nay thua mai được.
cho gửi lời hỏi thăm BB (anh em sinh đôi của QV).
Chắc hôm nay hơi say, nhưng không thành vấn đề, kỷ niệm không phải chỉ là những ngày trong trường Trỗi, còn xa hơn nữa, từ những ngày còn ở trong T, từ những ngày chắc chúng mình chỉ độ 5,6 tuổi, từ những lúc mà mình với QB suốt ngày "tỉ thí", hôm nay được mai được tiếp, hôm nay thua mai được.
cho gửi lời hỏi thăm BB (anh em sinh đôi của QV).
Hê, bạn ND ơi, đây là bác Đỗ Quang Việt k2, anh em trong gia đình với anh Hoàng Sơn k3. Không phải Quang Việt, Bắc Bu k5.
Mới đọc báo liếp nên không biết anh cả anh hai thường lui tới nhà chới, hihi
Cứ vào cột bên phải - mục "Tìm kiếm" - ghi "Xuân Dũng" hay "Huỳnh Úc"... thì ra.
Để xây dựng một xã hội văn minh không phải là chuyện có thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai, chính người VN cũng nói: người VN không biết xếp hàng, hãy vào tất cả những siêu thị ở HN,SG như Big C sẽ thấy. Xếp hàng là sự tôn trọng lẫn nhau (một suy nghĩ thông thường nhất của một con người biết suy nghĩ thế nào là phải thế nào là trái), nếu những trường hợp đó xẩy ra ở một nước đã phát triển thì những người chen hàng hãy cẩn thận vì có thể bị ăn đòn( và chết như đã xẩy ra ở một vụ án ở ... vài năm trước).
Tất cả là do nhận thức xã hội của từng người dân và CÁCH HÀNH XỬ LUẬT PHÁP CỦA MỘT CHÍNH QUYỀN.
Một việc rất cỏn con, nếu những người đọc ở đây vào bảo với giám đốc của những siêu thị đó, đặt cái biển :HÃY TÔN TRỌNG NHỮNG NGƯỜI ĐẾN TRƯỚC VÀ XẾP HÀNG, sau đó chỉ thị cho nhân viên phục vụ người đến trước.
Phải chăng vì người VN không dám nói thẳng, không giống như những nước khác người ta nhìn thẳng vào mặt mà nói? hay các bạn toàn sai vài thằng em út đi chợ mà không biết cuộc sống thật thế nào?.
Ý kiến hay!
Đăng nhận xét