Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

“XUNG CHẤN KỶ NGUYÊN ĐỘT BIẾN”: Tập sách bình luận chính trị hấp dẫn


Đăng lúc: Thứ hai - 13/08/2012 07:40 - : Bài và ảnh: KHÁNH TƯỜNG

(DVHNN) Nhà báo chuyên viết bình luận thời sự quốc tế Hồ Quang Lợi mới ra mắt bạn đọc tác phẩm báo chí mang tựa đề “Xung chấn kỷ nguyên đột biến” do NXB QĐND ấn hành. Tập sách dầy hơn 400  trrang, chia làm 5 phần, là: Những biến cố khốc liệt, Đi tìm siêu cường đã mất, Giấc mơ đế chế và khả năng thực tế, Bàn cờ lớn trong tay ai? Tiếng gọi của lợi ích. Đây là quyển sách riêng thứ 7 của anh kể từ năm 1997. Điều tôi muốn nói là khía cạnh hấp dẫn của các bài báo ở thể tài ngôn luận này.




Thường thì những bài bình luận nói chung, bình luận thời sự quốc tế nói riêng, hấp dẫn ở tính thời sự thông qua cái nhìn sắc sảo và tài năng dự báo chính xác của người viết. Vì nó nhằm đáp ứng nhu cầu “thời sự” của bạn đọc nên khó có giá trị lâu bền. Sự kiện đã thuộc “thì quá khứ”, tính thời sự không còn, thì sức hấp dẫn cũng…biến! Ấy là chưa kể những bài ngôn luận nhạt nhẽo, toàn nói những điều người ta đã biết hoặc là sản phẩm của những “nhà bình” ăn theo, nghĩ bằng cái đầu người khác, ngôn từ cũng của người khác nốt. “Xung chấn kỷ nguyên đột biến” lại khác. Tuy là tập hợp các bài viết cũ nhưng từng bài, từng bài lôi cuốn chúng ta. Với riêng tôi, nó có ba điều tạo nên sự hấp dẫn:

Một là, những vấn đề tác giả đặt ra ở mỗi bài, hầu hết là những sự kiện lớn, mang ý nghĩa toàn cầu trong hơn một thập kỷ qua; và vì vậy, dư chấn của nó đến nay vẫn còn lớn. Chỉ cần lướt qua “tít” các bài ta cũng thấy rõ điều này: Cơn địa chấn vô tiền khoáng hậu, Ngạo mạn bạo lực, V. Putin: Lộ trình quyền lực kỳ lạ, Đường cong đế chế, Thời khắc chuyển giao lịch sử v.v…Dư chấn còn, nghĩa là tính thời sự vẫn còn và do đó nó vẫn đón đúng sự quan tâm của người đọc.

Thứ hai, với sự học tập bài bản và công phu tích lũy từ thực tế cộng với tài năng bẩm sinh, Hồ Quang Lợi có những dự đoán khá chính xác, khiến cho bài viết không chỉ nói rõ được bản chất sự kiện đang xảy ra mà đôi khi còn ghé tai mách thầm với bạn đọc: Nó sẽ phát triển như thế. Điều này quả thật rất khó bởi tự ngàn xưa, một triết gia nổi tiếng của phương Đông đã dạy: “Tri kim nhật bất tri lai nhật sự” – biết chuyện hôm nay chứ không thể biết chuyện của ngày mai. Viết tới đây, tôi chợt nhớ khi cuộc chiến tranh I-rắc lần thứ nhất chưa xảy ra, Hồ Quang Lợi được thủ trưởng tòa soạn báo QĐND giao viết bài bình luận. Điều bạn đọc muốn biết là liên quân do Mỹ cầm đầu có đánh ông Xát-đam Hút-xen không? Sau nhiều ngày nghe động tĩnh và một đêm thức trắng, nhà báo trẻ Hồ Quang Lợi trả lời: Có! Chiến tranh đang ập đến rồi. Ít ngày sau khi báo QĐND đăng bài “Khi gươm đã tuốt ra khỏi vỏ” thì bom đạn dội suốt từ Cô-oét tới Bát-đa.

Thứ ba, yếu tố văn học trong các bài nghị luận chính trị trong tập sách. Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng biên tập báo QĐND, một bậc thầy trong thể tài chính luận, đã viết: “… Rất nhiều bài báo cần có hơi thở của văn học, vẻ đẹp, sự truyền cảm của ngôn từ, của âm hưởng, những bài viết đó nhiều khi gây tác động rất lớn với độc giả. Vì lẽ đó, theo tôi nghĩ, nhà văn không nhất thiết kiêm nhà báo song nhà báo nhất thiết phải có khả năng của nhà văn nữa và đó là điều nhà báo chúng ta phải phấn đấu…” – (bài “Báo chí và trường học lớn của cuộc đời”, trong sách “Trần Công Mân-Nhân cách và Tài năng”, NXB QĐND).

Hồ Quang Lợi rất sắc sảo khi nhìn nhận, bình luận và đánh giá sự kiện; luôn luôn cố gắng phát hiện góc quan sát mới, độc đáo. Anh lại có một kho  ngôn ngữ phong phú, giầu hình ảnh để diễn đạt khiến cho bài viết, câu văn trở nên sống động, có hồn. Hồ Quang Lợi học ông Mân ở sự phấn đấu nâng tư duy lên tầm chính khách, học phương pháp luận khoa học đồng thời phát huy khả năng văn học của mình. Vài ví dụ: “Năm 2000, rót cốc rượu đầy hương thơm vào thời khắc chuyển giao vĩ đại của thời gian – lịch sử, không mấy người có thể ngờ rằng năm mở đầu thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới lại nhuốm mầu bạo lực đáng sợ đến như vậy. Loài người đã bước vào thiên niên kỷ mới qua một cổng lửa. Bình minh của thế kỷ mới đã nhanh chóng bị xé nát bởi chớp lửa chiến tranh” (Khi siêu cường bị trúng thương). “Sau đoạn truyền hình trực tiếp ở Kamaishi là cảnh sóng thần tràn vào vùng đồng bằng ven biển Sendai. Trước mắt thế giới là cảnh tượng con nước mầu đen kinh dị dội lên đầu nó nhà cửa, ô tô và vô số những mảnh gỗ bị xé tung từ các căn nhà (…) Nhật đã bị nghiền nát thành đống rác khổng lồ. Không còn bóng dáng đô thị, làng mạc. Cả một vùng rộng lớn tan hoang trông giống hệt vụ ném bom nguyên tử xuống Hirôsima và Nagasaki”.(Trận đại hồng thủy ở Nhật Bản). v.v…Đọc Hồ Quang Lợi, ta hay gặp những thú vị bất ngờ về khả năng làm chủ ngôn ngữ.

*

*                 *

Nếu ví tờ báo là mâm cơm và các món ăn trên đó là những bài báo thì, theo tôi, món nào cũng khó nấu cho thật ngon. Tôi đồng ý rằng, thể tài ngôn luận có đặc thù riêng, rất cần có sự từng trải và tích lũy; hợp với nó là lớp người bước vào tuổi “Bất hoặc-40”, thậm chí là ngưỡng “Tri thiên mệnh-50”. Riêng anh Hồ Quang Lợi, khi cầm bút viết bình luận là năm 1981, lúc mới 25 tuổi, vừa học xong đại học. Qua hơn 30 năm hành nghề, anh đã có thương hiệu về thể tài ngôn luận trong làng báo Việt Nam, được nhiều bạn bè và đồng nghiệp quốc tế biết đến. Có lẽ bàn về sự xuất sắc của anh trong nghề nghiệp bây giờ thì hơi sớm bởi anh mới ngoài 50 xuân, sức đang xung và chặng đường trước mắt còn dài. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng nhà báo chính luận Hồ Quang Lợi có “ba điều may” khi xông pha trên đường đời vạn dậm để kiến tạo sự nghiệp:

Thứ nhất, anh xuất thân trong một gia đình nghèo xứ Nghệ. Xưng Nghệ An là muốn nói truyền thống hiếu học. Học trò họ Hồ ở Quỳnh Lưu vừa có gien thông minh vừa hiếu học. Xưng cái “nghèo” là muốn nói khát vọng “đổi đời” của các chàng trai xứ Nghệ. Hãy nghe lời tâm sự của Hồ Quang Lợi: “Tôi chỉ hơn Lộc (Liệt sĩ Hồ Quang Lộc)hai tuổi. Nhà nghèo, bố đột ngột mất sớm, một mình mẹ chèo chống nuôi 8 miệng ăn gồm 6 đứa em nhỏ trong đó đứa em gái út lúc bố mất chỉ mới 3 tháng và hai người già là bà ngoại gần 80 tuổi cùng bà cô ruột của tôi gần 90 tuổi. Năm nào nhà cũng thiếu ăn đến 6, 7 tháng. Tuổi thơ của tôi và Lộc chìm trong đói rét…”. (bài “Điều mãi đọng lại”, trong sách “Nghề báo-Nợ đời-Tình người”, NXB Thanh Niên). Những kỷ niệm về vùng quê nghèo và nỗi đau mất em là những động lực không nhỏ cho Hồ Quang Lợi “dùi mài kinh sử” để trở thành một học sinh xuất sắc, giành một suất đi du học nước ngoài.

Thứ hai là, Hồ Quang Lợi sớm định vị làm một bình luận viên của phòng Thời sự Quốc tế báo QĐND, một tờ báo chính trị uy tín không chỉ ở VN mà còn cả quốc tế. Quỹ thời gian của một con người là hữu hạn. Không ít người có năng khiếu một nghề gì đó nhưng vì nhiều lý do, khi làm đúng sở trường thì đã muộn, lực bất tòng tâm, không còn sức bật. Còn Hồ Quang Lợi, vừa giành được tấm bằng xuất sắc tại trường Đại học Tổng hợp Bu-ca-rét (Ru-ma-ni), về nước nhập ngũ là được tuyển về báoQĐND. Có thể nói Hồ Quang Lợi trưởng thành nhanh chóng chính tại môi trường này. Ở đây có các lão tướng và những người anh không chỉ có tài mà còn có tâm, hết lòng dìu dắt thế hệ trẻ. Hồ Quang Lợi từng bước trưởng thành, lên Phó phòng, Trưởng phòng, Phó Tổng biên tập báo QĐND, sau đó chuyển ra làm Tổng biên tập báo Hà Nội mới rồi lên giữ chức Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Nơi nào cũng tạo cho anh điều kiện và cảm hứng sáng tạo trong nghề viết báo.

Thứ ba, Hồ Quang Lợi sớm gặp được người thày đức độ và tài năng. Đó là Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng biên tập báo QĐND. Đây quả là điều may mắn với anh thanh niên đang ôm hoài bão trở thành nhà báo thực thụ. Tuy thời gian làm lính trực tiếp dưới quyền ông Mân không nhiều nhưng ông Mân đã ảnh hưởng lớn tới anh. Hãy xem một đoạn Hồ Quang Lợi viết trong “Dấu ấn vị tướng làm báo Trần Công Mân”: “Ông ra đi mãi mãi đã hơn 12 năm rồi (25-3-1998), thế mà mỗi lần nhớ đến ông, lòng tôi lại nhói lên một nỗi đau mất mát, trào lên một nỗi nuối tiếc-tiếc nuối một con người đức độ, một trí tuệ uyên thâm, một ngòi bút sắc sảo, một phong thái lịch lãm…”. “…Trong ông ẩn chứa một năng lực trí tuệ, một năng lực ứng phó đầy bản lĩnh mà đôi khi trong phức tạp, cam go, rối rắm của tình thế, được ông chỉ bảo bằng những lời ngắn gọn và bình dị, bỗng thấy mở ra một lối đi sáng rõ”(sách “Trần Công Mân-Nhân cách và Tài năng” NXB QĐND)

Tổng biên tập Trần Công Mân là người hết sức coi trọng thể tài ngôn luận. Ông viết: “Riêng với tôi, văn chính luận là một thể loại quan trọng nhất đối với người quản lý báo chí…” (sđd). Phóng viên chỉ cần có chút năng khiếu nghị luận là đã lọt vào mắt xanh của ông. Sau bài phóng sự đầu tiên của Hồ Quang Lợi về một vùng biên giới phía Bắc đầu năm 1981, ông điều ngay anh phóng viên trẻ về Phòng Thời sự Quốc tế. Có lẽ chủ yếu không phải vì anh có hai ngoại ngữ (mặc dù ngoại ngữ là nhu cầu nhất thiết phải có của phóng viên hời sự quốc tế), mà vì ngay trong bài báo đó đã lấp lánh một năng lực viết ngôn luận./.

Bài và ảnh: KHÁNH TƯỜNG
Nguồn tin: dvhnn.org.vn


1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Điểm sách của thầy Phạm Đình Trọng. Đúng là có nghề có khác!