Trở về
Nam chiến đấu
Võ Dũng – bạn tôi theo đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn” về Nam.
Lúc đi xe qua những cánh rừng đã bị bom phạt hết cây cối, khi hành quân bộ qua
những dốc, những đèo... Ngày hành quân, đêm nghỉ ở các binh trạm dọc đường.
Trong đoàn có nhiều cán bộ, cả văn nghệ sĩ, có cả những cặp vợ chồng. Vợ chồng
anh Long, chị Phương, đi cùng đoàn với Dũng sau này kể lại: “Dọc đường hành
quân rất vất vả, nhưng Dũng rất vui vẻ và sẵn sàng giúp mọi người. Khi thì đeo
hộ ba lô, lúc quàng thêm khẩu súng, tới đâu cũng kể chuyện vui ngày đi học để
quên đi vất vả…”. Chẳng ai nghĩ một chàng trai có tiếng nghịch ngợm như Dũng,
khi vào chiến trường, lại hòa nhập như thế.
Hàng mấy tháng trời đi dọc Trường Sơn, Dũng mới vào tới căn
cứ. Hai ba con gặp nhau, chú Sáu ôm Dũng vào lòng, không nói lên lời, nước mắt
tràn mi. Chỉ ở với ba dăm bữa, Dũng nằng nặc xin về Đặc khu Sài Gòn – Gia Định
để tham gia đánh giặc, trả thù cho má. Biết rằng càng vào sâu, cái chết càng
cận kề nhưng hiểu tính con, chú Sáu gật đầu đồng ý, dù lòng thắt lại vì lo lắng.
Chú Sáu có thể giữ Dũng lại bên mình vì tổ chức quá hiểu, ông đã mất quá nhiều
cho cách mạng. Nhưng Chú Sáu không làm thế. Ông để con trai mình đi vào nơi bom
đạn khốc liệt nhất.
Biết Võ Dũng là con cán bộ cao cấp, chỉ huy đơn vị biên chế
Dũng vào đơn vị thông tin, vì dù sao cũng an toàn hơn, ít phải đối mặt với quân
thù. Nhưng Dũng không chịu, Do căm thù giặc đã giết má và 2 em, cộng thêm bản
tính hiếu động, không muốn ngồi một chỗ, Dũng một mực xin xuống đơn vị chiến
đấu và đề nghị được về Rạch Giá: “Má cháu đã bị giặc giết hại, các chú phải cho
cháu về quê má chiến đấu”.Đến tháng 6/1971, Dũng được điều từ miền Đông Nam bộ
về Mặt trận T3 thuộc Khu 9 miền Tây.
Tháng 10 năm đó, một lần nữa Dũng giấu ba và xin bằng được về
trung đội 2 trinh sát (thuộc tiểu đoàn 3). Thấy con trai thủ trưởng quá quyết
tâm, chỉ huy đành chấp thuận. Không cậy mình là con ông to, hay vừa từ miền Bắc
quay về, xuống đơn vị Dũng cũng lặn lội
đi trinh sát cùng đồng đội; no đói, gian khổ cùng chia sẻ. Không ngờ ngày
21/4/1972 là ngày định mệnh! Sớm hôm đó trong chuyến trinh sát cùng 2 đồng đội,
không may cả nhóm rơi vào ổ phục kích. Địch bất ngờ xả súng. Không kịp phản
ứng, 3 anh em đã hy sinh trên kênh Tây Ký, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Vân, tỉnh
Rạch Giá. Võ Dũng ra đi khi vừa tròn 21 tuổi, ngay trên quê hương của má Trần
Kim Anh.
Sau ngày giải phóng, tháng 11/1975, chú Sáu và gia đình tới
đơn vị nhờ tìm mộ Dũng. Khi lấy thi hài lên, lần trong túi quần vẫn còn bịch
ni-lông đựng thuốc rê. (Nghe Hiếu Dân kể đến đây, nhớ lại những ngày học ở
trường, Dũng là một trong những số ít “tay nghiện” thuốc lá của lớp). Dũng được
cải táng, đưa về nghĩa trang An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.
Chú Sáu Dân mang trong lòng mình một nỗi đau mất mát khôn
nguôi vì sự ra đi của những người thân. Sau này, khi tìm lại nơi chiếc tầu
Thuận Phong đắm và cẩu lên thì chẳng còn tìm thấy hài cốt nào sau bao năm nằm
sâu dưới lòng sông Sài Gòn, chú Sáu đã đưa hài cốt tượng trưng của má Kim Anh
cùng 2 em Ánh Hồng, Chí Tâm cùngVõ Dũng về Nghĩa trang liệt sĩ Tp Hồ Chí Minh.
Mộ phần 4 mẹ con cùng 5 liệt sĩ nằm quây quần bên nhau như 9 cánh của một bông
hoa (vừa tròn đội hình một tiểu đội), không xa cánh trái bức phù điêu lớn Bà mẹ
Việt Nam anh hùng ở trung tâm. Cứ dịp 27/7 hàng năm, bạn bè thuở học Thiếu sinh
quân cùng gia đình lên thắp hương cho má, Dũng và 2 em.
Chuyện
kể từ chú Sáu Dân
Võ Dũng (Phan Chí Dũng) là một trong 28 bạn và 2 thầy giáo của
Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (thuộc Tổng cục Chính trị, QĐNDVN thời
gian 1965-70) chúng tôi đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước và bảo vệ Tổ quốc. Thầy, bạn ra đi khi đa số tuổi đời mới mười chín đôi
mươi. Chúng tôi những người còn sống coi cha mẹ, gia đình liệt sĩ như cha mẹ,
gia đình mình. Những ngày kỉ niệm thành lập trường, chúng tôi đều mời chú Sáu
cùng cha mẹ các bạn đến dự. Cứ rảnh là chú đến và không quên dặn, chúng tôi
phải tiếp bước cha anh. Còn nhớ, nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1993, Ban
Liên lạc nhà trường do bạn Phan Đình Nhân dẫn đầu đến
thăm gia đình Võ Dũng. Gặp bạn bè con trai, chú Sáu Dân thân tình như người
cha. Nhớ đến con, ông tâm sự: “Đất nước có chiến tranh kéo dài thì khó có gia
đình nào không có mất mát, hy sinh. Nhà chú chỉ là một trong hàng triệu hàng
triệu gia đình Việt Nam như thế. Cô và 2 em mất, không tìm thấy hài cốt; may mà
còn tìm được thằng Dũng. Nhưng hy sinh, mất mát cứ để cho buồn bã, đau thương kéo dài thì sẽ làm
được gì? Còn phải sống, còn phải làm việc vì tương lai…”.
Rồi ông kể lại, ngày cha con gặp nhau tại R, Dũng đã kể chuyện
được gặp Bác Hồ: “Cuối năm 1968, Bác cho đón các cháu học sinh đạt danh hiệu
“Cháu ngoan Bác Hồ: Hà Nội - Huế - Sài Gòn” về Dinh Chủ tịch chơi. Là con em
miền Nam, Dũng và Dân cũng vinh dự được gặp Bác. Các cháu thiếu nhi vây quanh
Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình học
tập, có ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, thầy cô rồi chia kẹo cho từng cháu. Đến
lượt Võ Dũng nhà chú, Bác hỏi : "Cháu có ngoan không?". Nó khoanh tay
lễ phép: “Dạ, cháu còn nghịch, chưa ngoan ạ!”. Bác xoa đầu: “Giỏi, cháu thật
thà như vậy là tốt, nhưng phải cố gắng lên để bằng các bạn nhé!”. Nói rồi Dũng
cũng được nhận quà của Bác. Vậy đó cũng là một vinh dự, một kỉ niệm đẹp trong
cuộc đời ngắn ngủi của nó. Năm sau nó đi B và 3 năm sau nó hy sinh…”. Chú Sáu Dân nói thế, nhưng tôi biết lòng chú
vẫn đau đớn khôn nguôi. Khi còn sống, chú vẫn hỏi bạn bè của Võ Dũng về cuộc
sống của Dũng khi còn ở trường Thiếu sinh quân. Chú Sáu Dân còn hỏi: ‘Ngày xưa
Dũng có thương ai không? Để chú đi tìm…”. Trước khi chú Sáu mất, ông đã đưa cả
4 mẹ con về chôn cất ở nghĩa trang gia đình tại quê hương Vĩnh Long, để tiện
hương khói.
Cuộc đời Võ Dũng bạn tôi là thế. Chúng tôi luôn tự hào về Võ
Dũng và các bạn liệt sĩ của trường!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét