Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Những câu nói 'bất hủ' của Mao và lãnh đạo TQ về VN (ST)


Thật khó khăn và mất nhiều thời gian mình mới tìm được cuốn “SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM-TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA”.


Đây là cuốn sách do NXB Sự Thật ấn hành tháng 10 năm 1979. Mở đầu cuốn sách là Lời Chú dẫn của NXB:  “Cuốn sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua là một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được công bố ngày 4 tháng 10 năm 1979 nhằm vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài. Cuốn sách này gồm toàn văn bản văn kiện nói trên”.
Chỉ cần mới đọc qua những dòng trên, mình biết ngay rằng đây là một cuốn sách vô cùng quí giá. Công sức tìm kiếm bấy lâu nay thật không uổng phí. Minh cho rằng cuốn sách vẫn có ý nghĩa vô cùng lớn cho đến tận ngày nay.


Mời bà con thử đọc hai đoạn sau đây:
“Trong 30 năm qua, những người lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với chiến lược của họ, luôn luôn tìm cách nắm Việt Nam. Muốn như vậy, nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc Trung Quốc. Trái lại, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh, có đường lối độc lập tự chủ và đường lối quốc tế đúng đắn là một cản trở lớn cho chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, trước hết là cho chính sách bành trướng của họ ở Đông Nam châu Á. Đó là nguyên nhân vì sao trước đây họ vừa giúp, vừa kiềm chế cách mạng Việt Nam, mỗi khi Việt Nam đánh thắng đế quốc thì họ lại buôn bán, thỏa hiệp với đế quốc trên lưng nhân dân Việt Nam, vì sao từ chỗ giấu mặt chống Việt Nam họ đã chuyển nhanh sang công khai thù địch với Việt Nam và đi tới trắng trợn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam”.(Trang 20)
Hoặc là:
“Chiến lược quốc tế ngày nay của những người lãnh đạo Trung quốc mặc dù núp dưới chiêu bài nào, đã phơi trần tính chất cực kỳ phản cách mạng của nó và những người lãnh đạo Trung Quốc đã hiện nguyên hình là những người theo chủ nghĩa sô vanh nước lớn, những người dân tộc chủ nghĩa tư sản.
Chính sách ngày nay của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mặc dù được ngụy trang khéo léo như thế nào, vẫn chỉ là chính sách của những hoàng đế “thiên triều” trong mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính Viết Nam, biến Việt Nam thành một chư hầu của Trung Quốc”. (Trang 21)
Mới thấy các thế hệ cha anh của chúng ta đã có những nhận định đúng đắn, chính xác như thế nào về Trung Quốc. Mong sao sự dũng cảm, bản lĩnh, khôn khéo của các bậc đi trước trong chính sách đối với Trung Quốc luôn luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi người Việt Nam, bây giờ và mai sau.
Vì nội dung của cuốn sách khá dài (109 trang) nên trong bài này, mình chỉ giới thiệu đến bà con những câu nói, một số phát biểu của Mao Trạch Đông và các lãnh đạo của Bắc Kinh nói về Việt Nam và các nước vùng Đông Nam Á được ghi rõ trong cuốn sách quí hiếm này. Qua đó phần nào cho thấy chân tướng của “ông bạn vàng” Trung Quốc trong quan hệ đối với Việt Nam từ năm 1949 đến năm 1979. Ngày ấy như thế nào thì bây giờ có lẽ cũng thế thôi, thậm chí âm mưu thâm hiểm hơn, trước đã tham lam thì bây giờ càng tham lam bội phần. Có điều nó đang được khoác bộ cánh mới rất màu mè “16 chữ vàng” và “4 tốt”, gây ngộ nhận cho một số người.
Mình sẽ trích lại nguyên văn các đoạn trong cuốn sách, còn các câu nói của Mao Trạch Đông và một số “lãnh tụ TQ” khác thì mình cho in nghiêng đậm. Mời bà con nhá:
- Tháng 9 năm 1959, tại Hội nghị Quân ủy trung ương, chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta”.
- Ý đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ qua câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam tại Vũ Hán năm 1963: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam châu Á”.
- Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965: “Chúng ta phải giành cho được Đông-nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái-lan, Miến Điện, Ma-lai-xi-a và Sin-ga-po… Một vùng như Đông-nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông-nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây”.

- Về việc sử dụng lực lượng Hoa kiều, ý đồ của Bắc Kinh đã được thể hiện rõ nhất trong ý kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Trần Nghị:“Xin-ga-po có đến 90% là người Trung Quốc, trong số dân hơn một triệu người thì có hơn chin mươi vạn làn người Trung Quốc. Cho nên Xin-ga-po hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia do người Trung Quốc ở đó tổ chức”.
- Trong cuộc gặp giữa đại biểu bốn Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và Lào tại Quảng Đông tháng 9 năm 1963, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: “Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra. Cho nên rất mong Đảng Lao động Việt nam mở cho một con đường mới xuống Đông-nam châu Á”.

- Lập trường của Trung Quốc tại Hội nghị Giơ-ne-vơ khác hẳn lập trường của Việt Nam, nhưng phù hợp với lập trường của Pháp.
- Tháng 11 năm 1956, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với những người lãnh đạo Việt Nam: “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm”.
- Tháng 7 năm 1955, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đạng Tiểu Bình dọa: “Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: Một là thắng, và một khả năng nữa là mất cả miền Bắc”.
- Tháng 7 năm 1957, Chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói: “Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17… Thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ  tốt”.
- Tháng 1 năm 1965, qua nhà báo Mỹ Ét-ga Xnâu, Chủ tịch Mao Trạch Đông nhắn Oa-sinh-tơn: “Quân đội Trung Quốc sẽ không vượt biên giới của mình để đánh nhau. Đó là điều hoàn toàn rõ ràng. Chỉ khi nào Mỹ tấn công, thì người Trung Quốc mới chiến đấu. Phải chăng như vậy là không rõ ràng? Người Trung Quốc rất bận với công việc nội bộ của mình. Đánh nhau ngoài biên giới nước mình là phạm tội ác. Tại sao người Trung Quốc phải làm như vậy? Người Nam Việt Nam có thể đương đầu với tình hình”.
- Câu nói của Thủ tướng Chu Ân Lai nói với Tổng thống Ai Cập A.Nát-xe ngày 23 tháng 6 năm 1965 do ngài Mô-ha-mét Hát-xê-nen Hây-can, người bạn thân thiết và là cố vấn riêng của Tổng thống A.Nát-xe, kể lại, là một bằng chứng hùng hồn: “Mỹ càng đưa nhiều quân vào Việt Nam thì chúng tôi càng vui lòng, vì chúng tôi biết rằng chúng tôi nắm chúng trong tay, chúng tôi có thể lấy máu của chúng. Nếu Ngài muốn giúp đỡ Việt Nam thì Ngài cần khuyến khích Mỹ ném càng nhiều lính Mỹ vào Việt Nam thì càng tốt”.
- Ngày 9 tháng 10 năm 1968, một nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam tại Bắc Kinh và yêu cầu báo cáo với lãnh đạo Việt Nam rằng họ coi việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc là “sự thỏa hiệp giữa Việt Nam với Mỹ”, là “một tổn thất lớn, thất bại lớn đối với nhân dân Việt Nam, giống như cuộc đàm phán ký Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 là một sai lầm”. Họ đề nghị phía Việt Nam “nên để cho Mỹ bắn phá trở lại khắp miền Bắc, làm như vậy để Mỹ phân tán mục tiêu oanh tạc, đồng thời cũng chia sẻ bớt khó khăn cho miền Nam”.
- Trong cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại thương Việt nam nói trên, họ còn trắng trợn vu khống Việt Nam đàm phán với Mỹ là do “nghe theo lời Liên Xô” và yêu cầu phía Việt Nam lựa chọn: “Hoặc là muốn đánh thắng Mỹ thì phải cắt quan hệ với Liên Xô, hoặc là muốn thỏa hiệp với Mỹ, dùng viện trợ của Trung Quốc để đánh Mỹ để đạt mong muốn đàm phán với Mỹ thì sự viện trợ của Trung Quốc sẽ mất hết ý nghĩa của nó”.
- Ngày 17 tháng 10 năm 1968, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Trần Nghị gặp đại diện Việt Nam thông báo tuyên bố của những người lãnh đạo Trung Quốc về cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ: “Lần này nếu các đồng chí chấp nhận bốn bên đàm phán tực là giúp cho Giôn-xơn và Hăm-phơ-rây đạt được thắng lợi trong bầu cử, để cho nhân dân miền Nam vẫn ở dưới sự đô hộ của đế quốc Mỹ và bù nhìn, không được giải phóng, làm cho nhân dân miền Nam Việt Nam còn có khả năng bị tổn thất lớn hơn… Như vậy giữa hai Đảng và hai nước chúng ta còn cần nói chuyện gì nữa?”.
- Trong cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 11 năm 1971, họ nói:“Việt Nam nên tranh thủ thời cơ giải quyết trước vấn đề rút quân Mỹ và quan tâm giải quyết vấn đề tù binh Mỹ; việc đánh đổ ngụy quyền Sài Gòn là lâu dài”.
- Trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh tháng 6 năm 1973, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Ở miền Nam Việt Nam cần ngừng (chiến đấu) nửa năm, một năm, một năm rưỡi, hai năm càng tốt”. Cách mạng miền Nam nên chia làm hai bước, gộp lại làm một người Mỹ không chịu đâu. Vấn đề là trong tay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu còn có mấy chục vạn quân”.
- Thủ tướng Chu Ân Lai thì nói: “Trong một thời gian chưa thể dứt khoát được 5 năm hay 10 năm, Việt Nam và Đông dương nghỉ ngơi được thì càng tốt; tranh thủ thời gian đó mà nhân dân miền Nam Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia thực hiện hòa bình, trung lập một thời gian”.
- Những người cầm quyền Bắc Kinh còn khuyên Mỹ: “đừng thua ở Việt Nam, đừng rút quân khỏi Đông Nam châu Á”.
- Đây là một văn kiện tuyệt mật của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc do tên Lê Xuân Thành, sinh ngày 20-3-1949 tại Quảng Đông, Trung Quốc cung khai. Tên Thành là công an của Trung Quốc, trú quán tại 165 đường Hồng Kỳ, khu Tuyên Vũ, thành phố Bắc Kinh. Tháng 3-1973 chạy sang Việt Nam làm gián điệp. Ngày 30-3-1973 bị bắt ở xã Ngư Thủy, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trong văn kiện đó có một đoạn như sau: “…Nước ta và Việt nam có mối hằn thù dân tộc hàng nghìn năm nay… Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ. Ngược lại chúng ta phải tìm mọi cách để cho nước họ không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ trong tình trạng hiện nay… Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta”.
- Ba lần họ phản bội Việt Nam, lần sau độc ác và bẩn thỉu hơn lần trước.
- Từ sự phản bội tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, việc lợi dụng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, đến việc dựng lên chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Xa-ry, vũ trang xâm lược Việt Nam và uy hiếp xâm lược Lào, tất cả đều do:
Một tư tưởng chỉ đạo: Tư tưởng đại dân tộc.
Một chính sách: Ích kỷ dân tộc.
Một mục tiêu chiến lược: Chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chủ nghĩa bá quyền nước lớn.

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Tư liệu này thật quý. Đọc mới càng thấy bộ mặt thật Đại Hán của lãnh đạo Bắc Kinh với VN.

Tran Hung nói...

Xem đây cho đầy đủ:

http://sachhiem.net/LICHSU/NXB_ST/NXBSuThat_1.php