Bác Lê Phương Cảo nguyên là Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự đã nghỉ hưu. Là thế hệ đàn anh, bậc cha chú của nhiều cán bộ, giáo viên, học viên HVKTQS và nhiều lớp Trỗi. Nhân dịp đầu năm 2012, Báo liếp BT5 đã đăng một phóng sự bài và ảnh về bác Cảo nhân chuyến bác vào thăm Cơ sở phía Nam. Trong bút comment một bạn đọc BT5 xác nhận khi thấy tình cảm đón tiếp quý trọng, quấn quýt quanh thủ trưởng cũ của các giáo viên, học viên, trò Trỗi bên thầy Cảo đã cho rằng: Thầy là một người „Tử Tế“ và tử tế được như Thầy là điều rất khó! Từng là cấp dưới của Thủ trưởng Cảo, tôi xin kể vài chuyện vế Bác mà tôi biết:
Anh Lê Phương Cảo, kháng chiến chống Pháp có thời làm việc trong nhóm thư ký cho tướng Trần Đăng Ninh, phong Đại úy 1958. Năm 1962 sau thời gian học văn hóa và Nga văn tại Trường Văn hóa Kiến An, rồi Lạng Sơn, anh được cử đi Liên xô học kỹ thuật, là trưởng đoàn lưu học sinh quân sự tai Học viện Phòng không Kiep (Đại úy Đỗ Hữu là bí thư, chính trị viên).
Năm 1964, từ Liên Xô về nghỉ hè, sau chỉnh huấn "chống xét lại" (Nghị quyết 9), đại úy học lớp Trung văn tại Trường Văn hóa quân đội Lạng sơn (10-1964). Lớp Trung văn rất vui vì cùng là "Liên xô quay", học viên trong lớp gồm trẻ gìa, lính trơn, úy tá lẫn lộn. Người về từ Học viện Xe tăng Mockva, người pháo binh Penza, có cả Hoá học QS-Mat, Hải quân Bacu, Tên lửa- Phòng không Kiep, Thông tin Leningrat, Không quân Giukov, Biên phòng Minxk…
Giữa khóa học có đêm vui liên hoan văn nghệ nhân kỷ niệm một ngày lễ lớn. Tiết mục ca kịch của lớp Trung văn C20 do tôi là phó “đạo diễn", có đại úy Cảo vai khổ tù Sơn La, thiếu tá Thái vai sỹ quan cai tù Pháp và nhiều anh em của lớp tham gia các vai phụ họa, quần chúng. Màn kịch vừa bắt đầu thì xảy ra chuyện vui, cười ra nước mắt: Anh Cảo và 5-6 sỹ quan khác có dáng người nhỏ thấp nên được chọn đóng vai tù binh, chiến sỹ bị địch bắt. Tù nhân đang làm khổ sai nên cởi trần mặc quần đùi, một sợi sắt dài xích đoàn tù thành hàng (do các cụ mới từ Liên xô về, còn béo tốt nên đạo diễn dùng nhọ nồi vẽ các dải xương sườn trên lưng, giả gầy còm, ốm yếu!). Thiếu tá Nguyễn Công Thái cao to, phong cách oai vệ, tay cầm dùi cui, quát tháo đánh đập tù nhân…
«Sơn La âm u ...đồi núi nhấp nhô… đoàn quân hùng trong lao tù". Hàng tù binh lom khom từ cánh gà đi ra trong tiếng hát trầm hùng của dàn đồng ca và cả tiếng violon réo rắt của nhạc sỹ Doãn Nho. Hội trường gần nghìn người im phăng phắc .
Cai ngục Thái nhập vai qúa đạt, anh khệnh khạng theo nhịp bài hát, vung roi quất thật lực lên lưng đám khổ sai! Bị đau thật sự, tù nhân Cảo oằn lưng quay lại: "Đóng kịch mà? Đánh đ. gì mà đánh đau thế?". Cai tù CôngThái bừng tỉnh, anh cúi xuống nhìn bạn, thoáng không biết cười hay mếu! Hội trường đang im lặng do tiết mục hút hồn, bật vang tiếng cười huyên náo.
Vào cuối khóa học, anh em học viên Học viện Phòng không Kiep trong lớp nhận được thư của cô giáo dạy tiếng Nga Irina từ Liên xô gửi qua tay người nhà sang cho cả lớp. Cô giáo thăm hỏi từng người và do không biết việc các học trò của mình bị giữ lại ở Việt Nam, không được sang để học tiếp nữa, cô lo lắng cho các bài khóa tiếng Nga bị lãng quên. Cô mong thầy trò sẽ sớm gặp mặt nhau trên giảng đường… Cảm kích trước tình cảm của cô giáo gìa, với lòng kính trọng và biết ơn, cả lớp đã cử lớp trưởng Cảo thay mặt anh em viết thư trả lời (bằng tiếng Nga) an ủi cô.
Các anh cũng không quên kể để cô biết, từ 5-8-1964 cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lan ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các anh là người lính, lại là lính phòng không, vị trí của họ là ngoài mặt trận! Thư viết bị kiểm duyệt từ cấp chính trị viên đại đội học viên! (Cán bộ khung của trường thời đó được điều từ các "đòan thu dung" chiến trường miền Nam trở về. Nhiều người chỉ có trình độ văn hóa lớp 4, lớp 5, không biết ngọai ngữ, không hiểu nội dung và điều tệ hại sau chỉnh huấn nghị quyết 9 là nhận thức chung cho rằng "cứ Liên xô thì xét lại"!)…
Chính trị viên khung của C20 là trung úy Phùng Văn Tằng (người dân tộc Thái). Anh Tằng đã viết một bản báo cáo gửi lên trên với xác nhân cho rằng, đai úy Lê Phương Cảo vẫn còn có liên hệ với xét lại Liên xô. Bằng chứng là lá thư anh viết gửi cho một phụ nữ Nga tên là Irina Patranopva đang lưu giữ tại ban chỉ huy đại đội!
Không biết việc xét xử sau đó ở cấp cao hơn thế nào, (không ai được giải thích!) nhưng việc đi học tiếp về kỹ thuật quân sự của anh Cảo bị đình lại. Bốn tháng sau, trong lúc các học viên trong lớp Trung văn chúng tôi lần lượt về lại Hà Nội nhận hộ chiếu đi học tiếp chuyên ngành tại Trung Quốc thì đại úy Cảo quay về một đội thu dung, nhận việc phụ trách tổ đào hầm phòng không cho một xưởng Quân giới tại Yên Bái, dưới sự giám sát của trung úy Đỗ Văn Thọ. (Anh Thọ sau này do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã được anh Cảo giúp đỡ bằng cách nhận cả hai vợ chồng về làm giáo viên công nghệ. Anh Đỗ Thọ có thời gian đã là chủ nhiệm Khoa Vũ khí của HVKTQS)!
Chú thích ảnh: Bác Lê Phương Cảo (đội mũ) trong buổi gặp tiệc hôn lễ của cháu Trần Đình Quân (con trai Trần Đình Ngân). Quây quần bên là các anh Đinh Bá Trụ, Vũ Quốc Hùng Nguyễn Viết Tiến, Phạm Ngọc Việt, Nguyễn Quang Việt, Nguyễn Thanh Chiêu, Nguyễn Văn Thàng, vợ chồng cháu Quân và chị Điềm (vợ anh Ngân). Xa xa hàng đứng nhìn thấy Nguyễn Mạnh Kính, Dương Minh Đức, Trần Kiến Quốc.
Ba năm đào hầm phòng không. Đến tháng 2-1968, đại úy Lê Phương Cảo có quyết định về Phân hiệu 2 ĐH Bách khoa, làm cán bộ khung. Tháng 7-1968, sau khi học xong về nước, một lần nữa tôi trở thành cấp dười của anh Cảo. Thủ trưởng Cảo đang là chủ nhiệm khoa Cơ điện, (lúc này Phân hiệu 2 vừa tách ra thành Đại học KTQS), có quyết định phong lên thiếu tá.
Giữa một lán tre nứa trong rừng Hàm Yên (Tuyên Quang), trong tiếng cười khao nhận hàm mới, mời chúng tôi ăn kẹo lạc, uống chè Hồng đào phân phối riêng cho chức danh chủ nhiệm khoa, Thủ trưởng vừa rót nước pha chè, vừa nhẹ nhõm tâm sự: "Mười năm một cấp cũng sốt ruột nhưng đâu đã phải là dài !!!".
Trần Đình Ngân nguyên giáo viên khoa Cơ Điện HVKTQS
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Cây từ Vũng Chùa (Quang Việt)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- TRẦN THÁI TÔNG VÀ BÀI THƠ VÔ ĐỀ (ST: Trần Quốc Việt)
Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012
Chuyện về Thủ trưởng Lê Phương Cảo mà tôi biết (Trần Đình Ngân)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Một thủ trưởng được lính nhớ tới, dù đã về hưu, mới là thủ trưởng tài, tâm.
Thủ trưởng Cảo tai hơi ngễnh ngãng, nhưng còn tyinh nhanh lắm. Trong buổi gặp nhân kỷ niệm 45 năm HV KTQS, anh lên phát biểu khúc triết, đâu ra đấy và đưa đến cho mọi người (đặc biệt là đối tượng đã có tuổi) những thông tin đầy bổ ích và lý thú.
Lần đi công tác với TT ở Nha trang chuẩn bị cho việc đào tạo KS không quân, tôi được TT kể cho nghe chuyện này:
Sau ĐH 4 của Đảng, các nơi tổ chức học NQ ĐH. ĐH KTQS tổ chức đợt đầu tiên cho các thủ trưởng trên Tam Đảo. Buổi đó TT Đặng Quang Thịnh chủ trì thảo luận. Anh Cảo ngồi ngay cạnh anh Thịnh. Anh Cảo phát biểu:" Các chỉ tiêu ĐH 4 đưa ra tôi không có ý kiến gì nhưng riêng chỉ tiêu 20 triệu tấn lương thực thì tôi thấy hơi khó đạt". Phát biểu xong, liếc sang sổ của TT Thịnh thì đã thấy dòng chữ "Cảo - thiếu tin tưởng" và gạch đít.
Hồi đó, với cách làm nông nghiệp theo kẻng thì đúng là chỉ tiêu 20 tấn lương thực/năm không thể đạt được. May mà ít năm sau, đảng ta đã sáng suốt học theo bác Kim Ngọc. Chỉ khổ cho bác Ngọc, "được vạ thì má đã sưng".
Cụ Cảo thuộc lớp "Khai hiệu công thần" của Học viện KTQS, có mặt ở Đoàn 16 cùng các cụ Vũ Văn Hà, Lê Văn Chiểu, Tống Ngọc Cường ... từ giữa năm 1966 để chuẩn bị cho việc thành lập Phân hiệu 2 ĐHBK chứ không phải tháng 2.1968 mới được điều về trường. Và càng không phải lúc này Phân hiệu 2 vừa tách ra thành Đại học KTQS.
Đăng nhận xét