Cái
tên Trường Đại học Kỷ lục thế giới làm cho tôi ngờ ngợ vì dùng các công cụ tìm
kiếm trên mạng không thể nào tìm ra một trường có tên như thế. Vậy mà ông Văn
Thịnh-tác giả bài báo-cho đăng bức ảnh trong đó có ông Thomas Bains là Hiệu
trưởng của trường này có lẽ để khẳng định trường này là có thật. Sách Kỷ lục
Guinness (The Guinness Book of Records) là một quyển sách được xuất bản hàng
năm để ghi lại những kỷ lục được công nhận trên toàn thế giới. Có lẽ ông Thomas
Bains-Tổng thư ký Tòa soạn của cuốn sách này- thấy cuốn sách có kích thước mang
tầm kỷ lục thế giới nên đã đưa tên cuốn sách vào Kỷ lục Guinness. Với độ dày
300 trang, kích thước 125x80x16 cm, nặng 120 kg, bìa và gáy sách được chế tác
bằng gỗ quý với nhiều hoa văn được chạm khắc tinh xảo thì không cứ là ông
Thomas Bains mà ngay bản thân tôi cũng nghĩ rằng nó xứng đáng được đưa vào Sách
Kỷ lục Guinness của thế giới.
Những dòng trên đây tôi viết về
hình thức của cuốn sách và bây giờ ta hãy bàn đến nội dung và hoàn cảnh ra đời
của nó. Ông Hoàng Quang Thuận kể rằng: “Ngày 24/11/1997 tôi cùng với
đoàn phật tử miền Nam do sư thầy Huệ Giác ở Giáo hội Phật giáo Đồng Nai ra Bắc
viếng thăm Yên Tử. Chúng tôi đang trên đường lên núi, đến chùa Hoa Yên thì có
một người đàn ông rao bán một con rắn nặng tầm chục ký, trên đầu có một chiếc
mào màu đỏ. Tôi dừng lại mua với giá 650.000 đồng, sư thầy Huệ Giác đặt tên rắn
là Kim Xà. Chúng tôi mua để phóng sinh, khi được thả Kim Xà ngỏng cao đầu gật 3
cái như chào trước khi bò vào rừng. Từ Yên Tử trở về Hà Nội, trong một căn nhà
ven sông Hồng, 3 đêm liền tôi đã viết được tập Thi Vân Yên Tử gồm 143 bài”.
Ngoài Thi Vân Yên Tử ông Hoàng Quang Thuận còn viết Hoa Lư thi tập gồm 121 bài
thơ cũng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Ông kể: “Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng
Long (2010), tôi và nhà thơ Dương Kỳ Anh đi Ninh Bình nghỉ ở Khách sạn Hoa Lư.
Chúng tôi trao cho nhau mỗi người một xấp giấy A4 đề làm thơ, tôi nhận 141 tờ
có chữ ký của Dương Kỳ Anh và ngược lại. Đến quá 12 giờ đêm tôi thấy lạnh và
choàng tấm chăn ngồi viết. Đến 4 giờ sáng thì những tờ giấy đã bày kín bàn với
tất cả 121 bài thơ”. Theo lời kể của ông Hoàng Quang Thuận, nhiều người đã nhẩm
tính rằng ông viết một bài thơ của Hoa Lư thi tập trong chưa đầy hai phút, bài
này kế tiếp bài kia và ngòi bút không hề rời khỏi mặt giấy. Thật là kinh hoàng!
Nhiều nhà thơ, nhà văn và nhà phê
bình-trong số đó có Trung tướng Hữu Ước và nhà thơ Hữu Thỉnh- có tuyên bố rằng
thơ của ông Hoàng Quang Thuận là thơ Thiền. Ông Hoàng Quang Thuận với tất cả
đức khiêm tốn nói rằng ông không dám nhận là tác giả những bài thơ do chính ông
viết ra mà là: “ do tiền nhân mượn bút tôi, sai khiến tôi chép ra”. Việc này
làm ta nhớ lại lời tâm sự của cố nhà thơ Hoàng Cầm khi ông viết bài thơ Bên kia
Sông Đuống. Ông viết bài thơ này vào tháng 4/1948 sau một chuyến đi vào vùng
địch hậu với những cảm xúc còn nóng hổi mắt thấy tai nghe, và ông viết trong vô
thức cứ như ai kể bên tai mình mà ông chỉ là người ghi chép lại. Dẫu sao bài
thơ đã góp phần ghi tên tuổi của Hoàng Cầm như là một nhà thơ lớn trong lịch sử
thi ca cận đại. Vì vậy tôi có lời khuyên ông Hoàng Quang Thuận hãy cứ nhận Thi
Vân Yên Tử và Hoa Lư thi tập là thơ của ông đi, rồi ông sẽ để lại dấu ấn của
mình trong lịch sử thi ca Việt Nam
hiện đại. Tôi không dám chắc dấu ấn đó là màu đỏ của vết son hay màu đen của
mực tàu, việc đó để cho hậu thế phán xét. Tôi có lời khuyên với ông-và với tất
cả những ai dù nổi tiếng đến đâu-đừng ngộ nhận rằng hai tập thơ đó là hai tập
thơ Thiền.
Muốn biết thế nào là thơ Thiền tôi
khuyên ông Hoàng Quang Thuận hãy tìm đọc Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng
giải-Hòa thượng Thích Thanh Từ-Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. Chí ít thì
ông cũng nên đọc lấy một bài, thí dụ bài thơ sau đây:
Thủ nê ngưu
Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu,
Đẳng tỵ khiên lai vị khẳng hưu.
Tương đáo Tào Khê đô phóng hạ,
Mang mang thủy cấp đả viên cầu.
Dịch nghĩa (của Huệ Chi):
Chăn con trâu đất
Một mình chăn một con trâu đất,
Xỏ mũi lôi theo chẳng chịu rời.
Vừa tới Tào Khê buông thả quách,
Mênh mông nước cuộn quả cầu trôi.
Và ông hãy đọc kỹ bài giảng của
Hòa Thượng Thích Thanh Từ để hiểu rằng “Người tu hành phải biết chế ngự cái tâm
của mình, không buông thả để đắm chìm vào ngũ dục. Ngũ dục là sắc-nữ sắc là đối tượng tham dục
của con mắt; thanh-là âm thanh êm ái, là đối tượng tham dục của tai; hương- là
mùi hương thơm, đối tượng tham dục của mũi; vị- là mùi vị thơm ngon, đối tượng
tham dục của lưỡi; xúc-là sự đụng chạm của da thịt, đối tượng tham dục của
thân. Người tu thiền chế ngự cái tâm của mình cũng giống như mục đồng chăn trâu
vậy”. Thiền là như vậy đó ông Hoàng Quang Thuận ạ! Tôi đã đốt đuốc soi kỹ hai
tập thơ ông đã viết mà chẳng thấy Thiền nó ở đâu cả.
Một số dịch giả như Nguyễn Đình
Tuyến, Hoàng Hữu Đản đã dịch hai tập thơ
sang tiếng Anh và ông Hoàng Quang Thuận đã làm hồ sơ để gửi tham dự giải Nobel
văn chương. Giải này do Viện Hàn lâm Stockholm Thụy Điển xét tặng. Ông làm như
thế là đưa người ta vào thế khó xử vì những ủy viên của Hội đồng xét tặng chẳng
có mấy người biết thế nào là Thiền đâu ông ạ! Theo tôi ông nên gửi hai tập thơ
đến các Thiền viện nổi tiếng trên thế giới như Dhammakaya
ở Thái Lan, Thiên Long Tự ở Nhật Bản, Yiga Choling ở Ấn Độ để các thiền sư đọc
và cho ý kiến. Bản tiếng Việt của hai tập thơ ông nên gửi đến Hòa thượng Thích
Thanh Từ. Ngài là một thiền sư nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam , người có
công phục hưng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Tôi là một người
lính già đã nghỉ hưu, học vấn chẳng đáng được bao nhiêu nên trong bài viết này
có chỗ nào viết không đúng thì trước hết xin ông Hoàng Quang Thuận đừng có mếch
lòng, sau nữa các độc giả thấy có chỗ nào sai sót xin vui lòng lượng thứ.
Lễ trao bằng tôn vinh Thi Vân Yên
Tử. Ảnh: CAND online
1 nhận xét:
Nếu đúng là Thơ Thiền(Đã nội chứng thật sự)thì chẳng có chuyện xuất nhập gì hết trơn...Những ý tứ(tạm gọi)trong đó đều là phương tiện thiện xảo để nói lên cảnh giới"không thể nghĩ bàn'(siêu việt).Tóm lại ,thơ Thiền mà có tính cách "mê tín"(đồng cốt )là trật rồi...
Đăng nhận xét