Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Nghiên cứu 'Binh thư' của Đại tướng (kỳ 7): 'Khắc tinh' của chiến lược 'Tìm và diệt'

(Thethaovanhoa.vn) - "Người Mỹ không thể thắng được ở Việt Nam chỉ vì một lý do đơn giản: tướng Giáp không bao giờ cho phép họ làm điều đó"-  John Keegn, sử gia quân sự người Anh, nhận định ngắn gọn về vai trò của Đại tướng trong chiến tranh chống Mỹ.

Không còn trực tiếp chỉ huy tác chiến như thời chống Pháp, tướng Giáp trong thời kì này đã trở thành một vị tướng chiến lược, với những quyết sách ở tầm vĩ mô để thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Và, từ thực tế rất độc đáo của cuộc chiến tranh phối hợp giữa 2 miền Nam - Bắc, học giả B.Currey nhận xét: nếu chiếu theo cách vận hành của quân đội Mỹ, có thể coi tầm ảnh hưởng của tướng Giáp tương đương với vai trò của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và Tổng tham mưu trưởng liên quân cộng lại.


"Bắt bài" chiến thuật "Tìm và diệt"
Theo lời đạo diễn Nhật Bản Matsumoto Takeaki, tướng Giáp đã kể lại một câu chuyện thú vị với ông vào năm 2004: "Lúc chuẩn bị đánh Mỹ, những người bạn lớn của Việt Nam đều khuyên: không thể được, các anh bỏ ý định ấy đi”. Và tướng Giáp trả lời: “Nếu đánh Mỹ theo cách của các anh, chúng tôi không đủ sức để chịu được một tiếng đồng hồ. Nhưng theo cách đánh của VN, chiến thắng là điều có thể".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một cuộc gặp gỡ với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam năm 1971
Giai đoạn mà tướng Giáp nhắc tới được đánh dấu bằng sự xuất hiện trực tiếp của quân đội Mỹ tại miền Nam từ 3/1965. Với chiến lược "Tìm và diệt", đại tướng Westmoreland, tổng tư lệnh các lực lượng Đồng minh tại VN khi đó, là đối thủ của tướng Giáp. Theo phân tích của B. Currey, ngay từ khi nhập cuộc, Westmoreland đã mắc một sai lầm căn bản, khi nhìn cách đánh của quân đội VN chỉ dưới góc độ một cuộc chiến tranh du kích đơn thuần.
Chiến lược quân sự Tìm và diệt (Seek and destroy) của Westmoreland được xây dựng như một cách tác chiến đặc biệt để khắc chế chiến tranh du kích. Vắn tắt, dựa trên ưu thế tuyệt đối về hỏa lực và khả năng cơ động bằng trực thăng hoặc chiến xa, các lực lượng quân sự Mỹ sẽ thâm nhập trực tiếp vào những vùng căn cứ của đối phương để tác chiến nhanh, tiêu diệt lực lượng đối kháng và rút lui – thay vì "sa lầy" trong việc giữ các khu vực cần chiếm đóng như người Pháp. Ngoài ra, việc sử dụng lực lượng phục kích dài ngày trong rừng rậm và phong tỏa, cắt đứt các đường vận chuyển Bắc Nam cũng được coi là những biện pháp hỗ trợ cần thiết.
"Người Mỹ, với sự bài bản và tính toán của họ, không bao giờ hiểu được sự biến hóa, kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy của tướng Giáp" - TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử Quân sự VN) nhận xét. Còn theo cựu phóng viên quân đội B.T, ngay từ khi nghe tới tên gọi chiến thuật Tìm và diệt của Westmoreland, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích và đưa ra một ý kiến cực kì xuất sắc trong một buổi nói chuyện với các cán bộ của Học viện quân sự cấp cao Việt Nam.
"Khái niệm Tìm nói lên điều gì? Nói lên thế bị động của người Mỹ, khi chúng ta cơ động cao, ẩn hiện bất ngờ, nghi binh tốt, không cố định ở một chỗ, biết tận dụng địa hình rừng núi và dựa vào dân để giữ bí mật nơi trú quân và hành quân, để đối thủ phải lúng túng mày mò" - Tướng Giáp phân tích - "Còn Diệt nói lên điều gì? Đó là sự chủ quan, mù quáng, kiêu ngạo của người Mỹ, ỷ vào hỏa lực và sự cơ động để tìm thấy chúng ta là dễ dàng ập đến tấn công. Tâm lý "say mồi" ấy sẽ giúp chúng ta giăng bẫy để đưa họ vào cách đánh của mình".
Đại tướng Mỹ Westmoreland, tác giả của chiến lược Tìm và diệt
"Cẩm nang" Ia Đrăng
Thực tế, những chiến thắng đầu tiên của quân đội VN trong cuộc đối đầu với Mỹ đều diễn ra theo đúng kịch bản mà tướng Giáp dự liệu.
Giữa tháng 11/1965, khi trận Ia Đrăng diễn ra tại một thung lũng gần Pleiku, "cẩm nang chống Mỹ" coi như đã được đúc kết trên thực tế.
Trong 4 ngày từ 14- 17/11, những vận động liên tục từ phía VN đã khiến 3 tiểu đoàn của người Mỹ không thể phát huy được ưu thế về hỏa lực và không vận của mình. Giữa thế trận giằng co loanh quanh ấy, chiều tối 17/11, tiểu đoàn Không kỵ 2/7 của người Mỹ phạm một sai lầm chết người, khi rơi vào vị trí phục kích mà một tiểu đoàn VN chuẩn bị sẵn. Lối đánh "trộn trấu" này - theo cách gọi của các chiến sĩ VN - khiến tiểu đoàn này gần như bị xóa sổ hoàn toàn chỉ sau vài giờ đồng hồ.
Bộ binh Mỹ đổ bộ từ trực thăng trong trận Ia Đrăng năm 1965
"Anh em chiến sĩ rất sôi nổi khi các chỉ huy hỏi về kinh nghiệm lần đầu đánh Mỹ" - Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp thuật lại trong hồi ký. "Có cậu hào hứng bảo: Mỹ chỉ có bom và pháo là đáng sợ, chứ cồng kềnh và xoay xở chậm hơn ta nhiều. Nếu các thủ trưởng có cách kiềm chế hỏa lực, mình em chấp hẳn 3 thằng".
Các tài liệu đều ghi rất rõ: ngay sau khi diễn ra, chiến lệ và báo cáo từ trận Ia Đrăng đã được đưa về Bộ Tổng tham mưu của tướng Giáp để làm tổng kết và rút kinh nghiệm. Chỉ một thời gian rất ngắn, tổng kế này được viết thành các dạng văn kiện kèm bản đồ, in trên báo Quân đội nhân dân, tạp chí Quân đội nhân dân, thậm chí đọc chậm trên Đài truyền thanh Hà Nội và Đài Giải phóng để các đơn vị ở xa ghi lại. Theo đó, các bí quyết chiến thắng được đưa ra là chuẩn bị kỹ, hiểu rõ địa hình, phán đoán chính xác hành động của đối phương để dụ tới đúng "bẫy" phục kích, đánh nhanh, rút nhanh, luôn tận dụng các chiến thuật "đánh điểm, diệt viện", "vây điểm, diệt viện", biết khơi ngòi chiến dịch và kết thúc chiến dịch...
Rời VN để trở về Mỹ sau năm 1968, Westmoreland vào cuối đời đã dành cho tướng Giáp những lời đánh giá khách quan: "Những phẩm chất làm nên một nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại là khả năng đưa ra quyết định, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung và một trí tuệ hội tụ được những phẩm chất này. Tướng Giáp đã sở hữu tất cả".
Cải tiến chiến lược quân sự Việt Nam

Dưới con mắt tướng Giáp, việc người Mỹ sử dụng một lực lượng quá đông và mạnh để tác chiến cũng là một cách để hủy hoại mình. Bởi, ông sớm nhận ra những hoạt động tác chiến quan trọng của họ đều quá bài bản và không có độ mềm dẻo. Tầm nhìn bao quát của ông đã sớm hướng các đợt tấn công vào những điểm yếu nhất trong hệ thống bố trí quân sự của Mỹ: những căn cứ không quân và trung tâm hậu cần. Chính vì sự sắc sảo đó, tướng Giáp đã có sự cải tiến quan trọng trong chiến lược quân sự của Việt Nam (Tướng Giáp qua 2 cuộc chiến tranh Đông Dương - Peter Macdonald)

Không có nhận xét nào: