Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

NGÀY ĐẦU NHẬP “TRỖI” (Đỗ Thành Hưng k1)


Tôi thuộc “bọn Trỗi” khóa 1 (K1). Thời gian học có một năm, lại lâu rồi nên nhiều kỷ niệm đã mai một, phôi phai. Nửa thế kỷ đã qua (làm tròn), những gì còn lại trong ký ức chắc là kỷ niệm sâu đậm nhất. Nay muốn chia sẻ cùng các bạn.
Chúng tôi thường gọi nhau là “bọn Trỗi” K1, K2… hay là “trường Trỗi”. Xin các bạn và mọi người đừng cho là vô lễ hay xách mé. Bởi với chúng tôi, từ “Trỗi” đã thấm vào máu, thịt, tim, gan, nó không chỉ còn là tên riêng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, mà còn là một phần tình cảm của mỗi chúng tôi thời trẻ, lớn lên trong khói lửa đạn bom. Nếu chưa phù hợp, các bạn và mọi người góp ý.
Tôi vốn được sinh ra nơi đồng quê, lớn lên trong yên bình, tĩnh lặng, êm đềm. Cuộc sống vật chất, tinh thần đều thiếu thốn. Nhưng nhìn ra xung quanh, nhà nhà đều vậy, người người đều vậy nên những khó khăn, thiếu thốn một thời cũng chẳng làm gợn chút lăn tăn trong cái vô tư của tuổi thơ tôi. Chấp nhận cuộc sống vốn là như vậy. Ngày ngày vẫn cắp sách đến trường, bạn bè vui vẻ, chan hòa, chia nhau miếng khoai, miếng chuối lúc ra chơi. Rồi những đêm rủ nhau chui rào, làm vé giả vào bãi xem phim vui đáo để!


            Nếu lấy Thường Tín quê tôi làm tâm với bán kính 20km và nếu không có trường Nguyễn Văn Trỗi (1965) thì tuổi 17 của tôi vẫn chưa một lần vượt qua ranh giới đó.
            Tôi lan man rồi! Nhưng không, giới thiệu qua như vậy về mình để các bạn hiểu được vì sao những chuyện sau tôi kể nó là kỷ niệm sâu đậm trong tôi, dù đã nửa thế kỷ qua rồi. Kỷ niệm về những ngày đầu vào trường Trỗi.
            Tháng 7/1965 đứa em trai thứ hai của tôi vào lớp năm là Đỗ Thành Chiến nhập trường. Cuối tháng tám tôi mới có giấy báo. Một sáng tháng tám, từ Hà Nội tôi được xe của TCCT đưa đi. Cùng chuyến xe đó có mấy anh em, lớn có, bé có. Vốn là dân quê, ít giao du, lại nhút nhát, thấy cái gì cũng lạ… Tôi chọn ngồi vào một góc xe lắng nghe và quan sát mọi người. Thấy có hai thằng cũng trạc tuổi mình, một thằng da dẻ trắng hồng, mũi cao, yết hầu lồ lộ, nói năng tự nhiên như ở nhà. Chắc chắn hắn đẹp trai hơn tôi, dù ở quê cũng nhiều người, nhiều bạn khen tôi đẹp trai ngay trước mặt. Ừ! Thì biết vậy! Một thằng to cao, da hơi ngăm, nói tiếng miền nam nhưng có vẻ hiền lành, ít nói hơn. Tôi dỏng tai lắng nghe hai thằng nói chuyện với nhau, tôi đoán đúng là dân thành phố. Chúng toàn nói chuyện lạ, nào là thủ môn Y-a-sin, thủ môn Cóong… tiền đạo nọ, hậu vệ kia…Nào là vô tuyến truyền hình có màu như thật ở mãi tận trời tây. Nào là thuyết lục địa trôi dạt tạo ra nếp gấp ở vỏ trái đất, hình thành nên núi nên sông…Lạ thật! Tôi đã học hết lớp chín, cũng không phải loại tồi, là lớp trưởng đấy! Vậy mà có thầy cô nào, sách giáo khoa nào nói về cái ấy đâu…Núi sông là do thần thánh vác đá choảng nhau vì tranh ăn hoặc là tranh vợ mà tạo thành như truyền thuyết, trong sách giáo khoa đã viết đó thôi. Tôi há mồm nghe lỏm mà trong lòng bái phục, dân thành phố tài giỏi quá chừng! Cái gì cũng biết! Mà nói nghe có lý mới chết chứ! Sau vài lần mắt tôi phát tín hiệu xin được làm quen (với ánh mắt em xin bái phục hai anh). Tôi mon men lại gần lễ phép bắt chuyện…Rồi được biết thằng trắng trẻo đẹp trai là Bùi Nam, còn thằng ngăm đen nói giọng nam là Bùi Hữu Thích cùng vào lớp mười. Vậy ta là bạn của nhau rồi!
            (Cuối tháng 2/1972 tôi và Bùi Hữu Thích cùng về BTL-TG nhận công tác. Sau khi chia tay, mỗi thằng về một trung đoàn, gần một tháng sau được tin Bùi Hữu Thích đã hy sinh trên đường ra mặt trận. Nhiều năm sau nghe tin Bùi Nam bị bạo bệnh đã mất ở nước ngoài.Còn mỗi mình tôi sống sót tới nay, giờ viết vài dòng kỷ niệm về hai anh với ấn tượng đầu tiên khi gặp trên đường nhập Trỗi, cũng là tưởng nhớ tới hai anh).
            Nghỉ lại ở Trại Cờ một đêm, sáng hôm sau đi sớm. Chúng tôi nhận được khẩu phần ăn trưa là một nắm cơm và gói đồ ăn. Nghỉ trưa, giở khẩu phần ăn ra, có thịt rang, cà – là – thầu (mọi người gọi thế). Với tôi đây là bữa ăn thịnh soạn quá trời, cà – là – thầu là món gì lạ quá! Ngon quá! Ở quê, tôi chưa thấy bao giờ. Ăn xong xe đưa chúng tôi đi tiếp. À! Thế còn nước uống? Chắc không có nước uống rồi (tôi nhớ như vậy). Ăn xong chúng tôi đành đánh chịn (ăn xong không uống nước, quê tôi gọi là đánh chịn). Khoảng 2 giờ chiều, xe dừng dưới một gốc đa to, cành lá xum xuê mát rượi, trên một ngọn đồi thoai thoải. Sau tôi biết là hiệu bộ ở khu vực này. Gốc đa là một kỷ niệm sâu đậm trong ký ức mỗi học sinh trường Trỗi chúng tôi thuở ban đầu ấy.
            Ba thằng lớp mười chúng tôi phải vác ba lô quay lại chừng năm trăm mét, nơi hai lớp mười còn ở tạm nhà dân. Tôi được cán bộ phân về tiểu đội hai do Chu Thành làm tiểu đội trưởng thuộc trung đội một. Nam và Thích về tiểu đội khác. Nhà của tiểu đội hai ở lưng chừng đồi, từ đường cái lên phải bước qua một lạch nước nhỏ, không rõ dòng nước chảy ra từ đâu. Nước trong và mát quá chừng. Giữa cái nắng chói chang của mùa hè tháng tám, lại đánh chịn, nhịn khát nhiều giờ, tôi bỏ vội balô xuống rồi vụm hai tay vốc nước làm mấy hơi liền. Cái mát rượi và sảng khoái thấu tận tâm can. Tôi à một tiếng rõ to theo phản xạ tự nhiên của người vừa nhận được cái gì đó viên mãn nhất. Nghe tiếng lạ, mấy con trâu buộc rúc dưới bụi cây nằm tránh nắng cách tôi chừng năm bảy mét bật dậy rào rào. Tôi giật mình nhìn mấy con trâu và những bãi phân đen ngòm vương vãi cả trên bờ và dưới dòng nước phía đầu nguồn. Hơi rùng mình, nhưng thôi kệ! Đâu đã làm sao! Khoác balô và cúi đầu leo lên dốc…tới đầu sân tôi ngước lên thì chân tôi như không dám bước…Tưởng mắt bị hoa nhìn gà hóa cuốc…Trước mặt tôi ngoài hiên ngay chính giữa nhà, một anh cao to, da trắng, mặt có da có thịt, có nét thư sinh, trán hơi thấp so với khuôn mặt vuông vuông. Đôi lông mày cực rậm như muốn dính sát vào nhau, mũi không cao, miệng hơi rộng, đôi môi hơi dày và đỏ mọng. Mấy chiếc răng cửa hàm trên như tranh nhau muốn được là số một! Trước bụng đeo khẩu tiểu liên băng tròn mà tôi đã thấy ở trên phim, trông rất oai phong. Khép nép bước lại vài bước rồi lễ phép:
-          Thưa anh, cho em hỏi tiểu đội anh Chu Thành ở trung đội một ạ?
Anh ta hất hàm:
-          Lính mới hả? Tiểu đội hai đây, vào đi! Chỗ nào chưa có ai thì trải chiếu ở đó.
-          Vâng ạ!
Tôi len lét chọn một góc trống, trải chiếu và để gọn balô sát tường như mọi người. Trong nhà có năm, bảy anh em, người thức người ngủ, họ đưa mắt nhìn tôi. Tôi có cảm giác như họ đang soi mói nhìn một chú lính quê mùa mới vào nhập bọn. Tôi thẽ thọt với anh bạn nằm bên:
-          Anh ơi, anh Chu Thành là anh nào hở anh?
-          Đấy! Chu Thành là thằng ông vừa gặp đấy!
Trời đất! Tiểu đội trưởng mà anh này dám gọi là thằng?
-          Sao trông dữ tướng vậy anh? Mới nhìn em sợ hết hồn. Nhìn tướng mạo em thấy giống như ai đó trong truyện tranh Trung Quốc vẽ hảo hán Lương Sơn Bạc quá!
-          Suỵt! Nói nhỏ thôi!
À…thì ra cũng biết sợ! Tôi thì thầm với hắn và biết hắn là Phạm Duy Bổng cũng người Hà Nội, được cái hắn hiền lành chất phác và dễ mến (tôi cảm thấy như vậy). Sau này tôi và hắn kết thân cho tới tận bây giờ.Hai thằng có nhiều kỷ niệm với nhau trong suốt thời cùng học.

Chiều đó tôi lân la làm quen với mấy anh em trong tiểu đội, họ đều là người thành phố chỉ có mình tôi là dân quê chính hiệu.

3 nhận xét:

Nguyen Thi Thai nói...

Anh Hưng nhập trường khi lớp 10 nên nhớ đến chân tơ kẽ tóc bè bạn ngày ấy, cứ như thể mới gặp họ ngày hôm trước vậy. Đọc bài viết của anh thật thú vị. Bọn em khi đó mới hết lớp 4 nên mọi thứ chỉ loáng thoáng trong đầu, như nhớ nội dung một cuốn phim là chính. Anh nhớ được gì thì viết tiếp nhé, chắc cũng sẽ hay lắm đấy. Chúc anh khỏe mạnh, sống lâu với những kỉ ức đẹp về bạn Trỗi.

Nặc danh nói...

Hay ở đây là chất THỰC của câu chuyện. Cảm ơn anh Thành!

QV nói...

Hồi đó, lớp 9 và lớp 10 ở chung một đại đội, Trung đội 1 (lớp 10) do anh Tạ Xuân Hiền làm trung đội trưởng. Trung đội 2 (lớp 9) do anh Hoàng Quốc Trinh làm trung đội trưởng. Anh Trinh học lớp 10 nên khi vào năm học mới, thôi ko chỉ huy bọn lớp 9 nữa.Cán bộ đại đội có 3 người: thày Võ Tài Mạnh làm ĐĐT, thày Trần Hạ làm CTV, thày Nguyễn Biểu làm đại đội phó.
Sau khi ở nhà dân một thời gian, trước khi vào năm học mới (1965-1966) đại đội đã chuyển vào ở doanh trại trong rừng.
Thời gian ở trong rừng thật thích.