|
Chuẩn bị lên đường. |
Nhớ lại sự kiện giàn khoan 981 của Trung Quốc xâm phạm
lãnh hải ta, ai cũng lo lắng và bức xúc. “Chả lẽ biển cả của ta là ao nhà của
chúng?”, anh em tâm sự với nhau. Là người có thâm niên hơn bốn chục năm khoác
áo xanh màu trời, Nguyễn Văn Nam có ý tưởng mời bạn bè cùng lớp đến thăm Trung
đoàn E935 - đơn vị cũ từ khi còn là phi công cho đến khi là Tham mưu phó trung đoàn, rồi Sư đoàn không quân 370 - để mọi người hiểu thêm về Không quân và hiểu hơn về tiềm lực chiến đấu của QĐND Việt Nam. Nam liên hệ với ban chỉ huy E935 và được anh em chấp thuận.
|
Trên xe của E935. |
Sáng ngày 5 tháng 11 năm 2014, trung đoàn cho một xe Coaster xuống đón tại Bảo tàng Không quân phía Nam. Gần ba chục bạn Trỗi, chủ yếu là anh em khóa 6, ba bạn khóa 5 (Nhất Trung, Kiến Quốc, Phúc Cần), khóa 2 (anh Tài Chung), khóa 8 (Hồ Bá Đạt) và khóa 9 (Tuấn Ôn…). Ai nấy hồ hởi vì lâu lắm mới có chuyến đi như thế, chả khác gì chuyến xe đón lên trường ở An Mỹ hay Trung Hà năm xưa. Chiều nay, theo lịch Duy Đảo phải vào bệnh viện chạy thận nhân tạo, nhưng thấy chuyến quá vui, lại hiếm nên đã thu xếp cùng đi. Dọc đường chuyện trò như pháo rang.
|
Cán bộ, sĩ quan E935 đón. |
|
Với Trung đoàn trưởng tại đài chỉ huy. |
|
Duy Đảo không thể bỏ chuyến đi này. |
|
Hai anh em khi máy bay về. |
|
Các chú Trỗi với cháu Luân. |
|
Chú Trung tặng huy hiệu. |
|
Bên hệ thống radar đảm bảo, có công sức của Phan Công, Hiếu. |
|
Tại công viên E935. |
|
Trung đoàn tặng mô hình máy bay Su-30. |
|
Đón nhận 2 cuốn sách. |
|
Tặng huy hiệu Đại tướng cho chỉ huy E935. |
|
Tình nghĩa quá. Chú Đảo chia tay về trước cùng Phan Công. |
|
Phút giây chia tay. |
Xe qua sông Đồng Nai vào TP Biên Hòa rồi rẽ vào cổng số
2 của sân bay quân sự. Khi xe đang chạy trong đường nội bộ thì máy rung chuông
số chú em Bùi Tuấn: "Anh ơi, hai chiếc SU-30 đang lượn chào các anh đấy.
Lên “phây” mới biết sáng nay các anh Trỗi lên thăm sân bay Biên Hòa. Dân Đồng
Nai bảo lâu lắm mới được xem SU-30 bay lượn đẹp như hôm nay". Lát sau lại nhận
được tin nhắn của Luân (cháu Đức Dũng): Cháu vừa bay về.
Xe vừa dừng trước hội trường tập trung phi công trước giờ
bay, thấy các sĩ quan áo xanh dàn hàng ngang đón khách. Một cán bộ của E935 giới
thiệu lịch sử đơn vị rồi mời anh em ra đài chỉ huy. Đại tá Nguyễn Quang Hiền,
Trung đoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy buổi bay huấn luyện sáng nay, tiếp anh em.
Thật tuyệt vời khi được ngắm hình ảnh những chiếc SU-30
MK2 hiện đại cất cánh từ đường băng vút lên không trung. Rồi những pha bay lượn
ngay trên nóc đài chỉ huy chào đón khách. Thú vị hơn khi được nghe cựu phi công
Nguyễn Văn Nam với gần 2000 giờ bay an toàn, là thầy dạy bay của nhiều thế hệ
phi công sau những năm 1980 chính tại sân bay Biên Hòa, giảng giải về khí tài
và đội hình bay trong huấn luyện chiến đấu. Cảnh những chiếc máy bay tiếp đất,
đến giữa đường băng thì bung dù giảm tốc, cũng hết sức ấn tượng. Đúng là không
có hạnh phúc nào hơn thế.
Sau đó, anh em còn được ra khu vực tập kết máy bay vừa
bay huấn luyện trở về. Những cái bắt tay, những cái ôm thân thiết các phi công
vừa bước ra khỏi buồng lái. Các phi công lớp đi trước Nguyễn Văn Ba, Đào Văn Khẩn,
Trần Quốc Toản, Thắng… bay kèm lớp trẻ vừa ra trường mấy năm nay. Thợ máy hối hả
chuẩn bị xăng dầu, kiểm tra an toàn cho chuyến bay sau. Phi công nào cũng sáng
ngời ngời, đẹp trai khủng khiếp.
Những chiếc máy bay SU-30 MK2 có hai động cơ phản lực
có giá trị từ 35 đến 37 triệu đô-la Mỹ. Chúng tôi được nghe một câu chuyện cảm
động xảy ra với phi công Thắng. Trong một chuyến
bay huấn luyện, bất ngờ một động cơ ngưng làm việc. Thắng kiên quyết không nhảy
dù mà bình tĩnh lái chiếc máy bay của mình về sân bay, chỉ với một động cơ. Tới
sân bay, anh còn khéo léo điều khiển cho máy bay hạ cánh an toàn. Năm 2012, anh được VTV bầu chọn là “người của
năm” vì hành động dũng cảm này. Trò chuyện
với tôi, anh nở nụ cười hiền lành: “Khi xảy ra sự cố phải hết sức bình tĩnh,
anh ạ”.
Đang tác nghiệp ảnh thì thấy một sĩ quan trẻ, cao to,
đẹp trai, trên ngực gắn tên Trần Thanh Luân, ra chào: "Cháu là Luân,
cháu bác Đức Dũng”. Sau đó Luân được giới thiệu với các chú Trỗi. Các chú đùa: "Chết,
bay giỏi lại đẹp trai thế này thì tốn gái lắm. Mà tên cháu thiếu "dấu huyền" nên
chưa thành AHLLVT". Tôi tháo ngay huy hiệu trên ngực tặng Luân. Cháu năm
nay 27 tuổi, tốt nghiệp Sỹ quan Không quân năm 2012, tiếng Nga tốt. “Cháu từng
được cử ra sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa) nên tự hào là đã hạ cánh xuống hầu hết
các sân bay phía Bắc”, Luân tâm sự. Đúng, điều này không phải phi công nào cũng
có trong bộ sưu tập của mình.
Sau đó, đoàn được mời ghé thăm đài radar dẫn đường do
Phan Công khóa 8 cùng Đoàn Hiếu (học trò khóa 14 Học viện KTQS của thầy Kiến Quốc)
triển khai lắp đặt từ 1991, vẫn hoạt đông tốt hơn hai chục năm qua. Năm 2001, hệ
thống xử lí số liệu đã được số hóa. Thật tự hào vì anh em Trỗi có những đóng góp tích cực vào việc
hiện đại hóa QĐND Việt Nam nói chung và Trung đoàn 935 nói riêng.
Trưa hôm đó, đoàn có bữa cơm cùng các phi công. Trước
khi vào tiệc, Trung đoàn trưởng Quang Hiền có đôi lời và tặng đoàn mô hình chiếc
SU-30 MK2 đang vút lên không trung. Đoàn ta đã
chuẩn bị sẵn hai cuốn Tập 2 và 3 “Sinh ra trong khói lửa” tặng Thư viện trung
đoàn.
Bạn Kiến Quốc thay mặt BLL bày tỏ sự xúc
đông khi được anh em E935 đón tiếp thịnh tình như đón tiếp anh em trong một nhà đi xa nay mới về: "Để
ghi nhận sự kiện này, anh em TSQ chúng tôi có một món quà mà không ai, không
nơi nào có được. Đó là huy hiệu 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm QĐND
Việt Nam có hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng chữ
kí của người". Bạn nói về xuất xứ của huy hiệu này cách đây đúng 10 năm,
khi Đại tướng còn sống. Ông rất vui khi biết con em các tướng lĩnh đã tự làm để
vinh danh Đại tướng: “Đây là món quà của nhân dân tặng bác”. Và đến 2014 được
làm lần thứ hai với chút thay đổi, đúng vào giỗ đầu của ông.
Vì số huy
hiệu mang đi chỉ đủ cho số cán bộ chỉ huy trung đoàn và hai phi đội nên các chú
Trỗi liền tháo huy hiệu trên ngực mình, trao tặng cho các cháu lái trẻ. Một
hình ảnh quá gần gũi, hòa đồng.
Bữa trưa hôm
đó, có một thiếu tướng Nga về hưu, hiện là cố vấn kĩ thuật của Hãng Chế tạo máy
bay mang tên Sukhoj, ăn cơm ở phòng bên, được đồng chí Quang Hiền mời sang giới
thiệu. Ông cũng được tặng một chiếc huy hiệu. Ông rất vui và nâng li “cùng uống
vì QĐND Việt Nam, vì tình hữu nghị Việt – Nga”.
Moi người nâng cốc mừng hội ngộ. Sau đó là tiết mục
văn nghệ cây nhà lá vườn. Cuộc vui nào cũng đến hồi
kết. Cả ban chỉ huy trung đoàn tiễn các bác Trỗi ra xe. Quá là cảm động.
Qua chuyến đi thành công mĩ mãn mới hiểu
bạn mình đã sống thế nào với đồng chí, đồng đội.
6 nhận xét:
Sau khi đọc bài này ,xewm các ảnh phóng sự cầm thấy rất cảm động về tình người lính "Cụ Hồ" của hai thế hệ.Rât tin tưởng vào thế hệ đang chắc tay súng bảo vệ hòa bình cho dân tộc.Kháng Chiến
"phi công Thắng. Trong một chuyến bay huấn luyện, bất ngờ một động cơ ngưng làm việc. Thắng kiên quyết không nhảy dù mà bình tĩnh lái chiếc máy bay của mình về sân bay, chỉ với một động cơ. Tới sân bay, anh còn khéo léo điều khiển cho máy bay hạ cánh an toàn."
Vì thành tích này anh đã đc nhận giấy khen và 100.000 đ tiền thưởng!
HMK6
Mà máy bay trị giá 35-37T đô.
Thật ý nghĩa.
Phi công Thắng cứu chiếc Su 30 MK2 được thưởng bao nhiêu? Đừng nói là 100.000VNĐ nhé? 100.000USD phải k? Nếu đúng là 100.000VND thì đừng thưởng còn hơn, coi khinh mạng chiến sỹ quá
Đúng như HM đã viết trên còm. Bản thân tôi cũng nghe Hiền nói vậy. Thôi, buồn làm gì, lính mà!
Đăng nhận xét