Lời toà soạn: Chúng tôi xin gởi đến quý bạn, trong nhiều kỳ, toàn bộ
bản dịch quyển « Man Without A Face » của Markus Wolf, trùm gián điệp
của Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Các hoạt động gián điệp của ông rất là tinh vi và lan
tỏa khắp thế giới, nhưng chung quy ông phục vụ cho quyền lợi của Liên Xô nhiều
hơn là cho đất nước ông. Ông Wolf tin vào hệ thống xã hội chủ nghĩa và từ đó
tin vào người anh cả Xô Viết đã cưu mang gia đình ông. Nhưng khi bức tường Bá
Linh sụp đổ, ông đã không được người anh cả Liên Xô giúp đỡ, trái lại chỉ muốn
xua đuổi ông cho rảnh nợ. Bao nhiêu thông tin gom góp với bao nhiêu hy sinh để
cuối cùng chẳng giúp cho nước CHDC Đức tồn tại. Tất cả chỉ vì hệ thống chính
trị xã hội chủ nghĩa đã hư hỏng từ trong nội tạng, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của
toàn khối xã hội chủ nghĩa Liên Bang Xô Viết và khối Đông Âu. Xin mời quý bạn
theo dõi nhật ký của Markus Wolf để thấy rõ nội tình và cách tổ chức tình báo
của ông.
Markus Wolf: Người không chân dung
Hồi kí của trùm gián điệp Cộng Sản Đông Đức
Lời Mở Đầu
Trong
vòng ba mươi bốn năm tôi đã giữ chức vụ giám đốc cơ quan tình báo hải ngoại của
Bộ Công An của nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Ngay cả những kẻ thù gay gắt nhất của
tôi cũng công nhân đây có lẽ là cơ quan năng lực và hiệu dụng nhất lục địa châu
Âu. Chúng tôi thu thập nhiều bí mật chiến lược và kỹ thuật của những đội binh
uy lực bày binh bố trận để đánh chúng tôi và chuyển chúng,nhờ tay của tình báo
Xô Viết, đến các bộ tư lệnh của Hiệp Ước Warsaw tại Moscow. Có rất nhiều người
nghĩ rằng tôi biết nhiều về những bí mật của Cộng Hòa Liên Bang Đức hơn cả Thủ
tướng tại Bonn. Thực ra, chúng tôi cài đặt điệp viên trong văn phòng riêng của
hai vị thủ tướng, trong số khoảng một ngàn văn phòng mà chúng tôi đã xâm nhập
vào trong tất cả mọi ngành của sinh hoạt chính trị Tây Đức, kinh doanh và các
lãnh vực khác của xã hội. Nhiều người trong số những điệp viên này là công dân
Tây Dức, họ phục vụ cho chúng tôi hoàn toàn vì lý tưởng.
Tôi
nhìn lại quãng đời cá nhân và nghề nghiệp của tôi như vòng cung lớn khởi sự từ
cái gọi là lý tưởng cao đẹp theo tiêu chuẩn khách quan. Chúng tôi, những người
Đông Đức theo đuổi xã hội chủ nghĩa, cố gắng xây dựng nên một loại xã hội trong
đó những tội ác của nước Đức cũ sẽ không bao giờ có cơ hội lập lại. Trên hết
mọi sự, chúng tôi quyết tâm không muốn chiến tranh tái diễn trên nước Đức.
Những
tội lỗi và những sai lầm của chúng tôi cũng là những tội lỗi và sai lầm của tất
cả mọi cơ quan tình báo. Nếu chúng tôi có khuyết điểm, và chắc chắn chúng tôi
có, đó là những khuyết điểm của tính chất nghề nghiệp quá đam mê không được tôi
luyện bởi đường chỉ không viền của cuộc sống bình thường. Giống như hầu hết mọi
người Đức, chúng tôi tuân thủ kỷ luật đến độ sai lầm.Phương pháp của chúng tôi
quá hữu hiệu nên chúng tôi đã vô tình phá hỏng sự nghiệp của một nhà chính trị
có tầm nhìn xa nhất của nước Đức hiện đại, ông Willy Brandt. Việc sát nhập cơ
quan tình báo vào trong Bộ Công An có nghĩa là cơ quan này và tôi gánh trách
nhiệm về những cuộc đàn áp trong nội bộ nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức và hợp tác
với bọn khủng bố quốc tế.
Thực
không dễ kể chuyện về cuộc chiến tình báo từ khía cạnh của kẻ thua cuộc đứng ở
bên này Bức Màn Sắt để cho những người sông bên kia hiểu được trọn vẹn. Kể lại
câu chuyện của tôi về cuộc chiến độc nhất vô nhị thời Chiến Tranh Lạnh, tôi
không có mục đích van xin để được tha lỗi trong vị thế của một kẻ thua cuộc.
Phía chúng tôi tranh đấu chống lại sự hồi phục của chủ nghĩa phát-xít. Chúng
tôi tranh đấu cho một mẫu mực xã hội chủ nghĩa phối hợp với tự do, một mục tiêu
cao cả nhưng đã hoàn toàn thất bại, nhưng tôi vẫn tin là vẫn có thể thực hiện
được. Tôi vẫn giữ nguyên niềm tin của tôi, mặc dù ngày nay niềm tin này đã bị
kiềm hãm vì thời gian và trải nghiệm. Nhưng tôi không phải là kẻ đào ngũ, và
hồi ký này không phải là một lời thú tội để xin được chuộc lại lỗi lầm.
Từ
khi tôi tiếp quản cơ quan tình báo hải ngoại Đông Đức vào những thập niên 1950
cho đến khi hình ảnh của tôi bị lén chụp năm 1979 và bị một kẻ đào thoát nhận
dạng, phương Tây không hề biết mặt mũi của tôi ra sao. Họ gọi tôi là
« người không chân dung », một biệt hiệu đã hầu như biến những sinh
hoạt điệp báo của chúng tôi và cuộc chiến tình báo giữa Đông và Tây thành ra
lãng mạn. Nhưng nó chẳng lãng mạn tí nào cả. Người người đau khổ. Đời sống chật
vật. Tha thứ hay nhân nhượng không có chỗ đứng trong cuộc chiến giữa hai ý thức
hệ. Cuộc chiến này đã bao trùm phần nửa thế kỷ của chúng ta và một cách nghịch
lý đã cho phép châu Âu có được một thời kỳ hòa bình lâu dài nhất kể từ khi đế
quốc La Mã sụp đổ. Đôi bên đều phạm những tội ác trong cuộc chiến toàn cầu này.
Giống như đa số những người trên thế giới, tôi cảm thấy hối hận.
Trong
quyển hồi ký này, tôi cố gắng kể lại dưới nhãn quan của tôi toàn bộ những sự
kiện mà tôi được biết. Những độc giả, những nhà phê bình và các chuyên gia có
thể xem xét chúng, tin chúng và kiểm chứng chúng. Nhưng tôi phản bác những lời
tố cáo của một vài đông hương của tôi là tôi không có quyền kể lại và xem xét
trong từng chi tiết những thành công và những thất bại trong suốt cuộc đời nghề
nghiệp của tôi. Tại Đức đã có những nỗ lực, bằng phương tiện tòa án hoặc phương
tiện khác, nhằm đưa ra quyết định chỉ có một phương hướng duy nhất giải thích
lịch sử được phổ biến. Tôi không đi tìm biện luận đạo đức để tự bào chữa và
cũng không đi tìm tha thứ, nhưng sau một thời gian tranh đấu khốc liệt đây là
thời gian để cả đôi bên suy gẫm.
Bất
cứ lịch sử nào đích thực có danh xưng là lịch sử không thể chỉ do kẻ thắng trận
viết ra.
Lời Tựa
(của Graig R. Whitney)
Khi một quốc gia là kẻ thù độc hại nhất của chính mình, có
được một cơ quan tình báo hải ngọai giỏi nhất thế giới cũng chẳng giúp nên trò
trống gì, điều này các lãnh tụ của Đông Đức đã khám phá ra khi chính quyền Cộng
sản sụp đổ như một toà nhà bằng giấy vào năm 1989. Sự trớ trêu này không thoát
khỏi nhận xét của Markus Wolf, nhân vật đã gầy dựng nên cơ quan tình báo Đông
Đức và lãnh đạo trong vòng 34 năm với những thành tích nổi bật. Đông Đức cần
gián điệp, vì các cấp lãnh đạo Cộng Sản muốn được an tâm trong những ngày đầu
của cuộc Chiến Tranh Lạnh, vì vị thế vượt trội của nền kinh tế Tây Đức, cộng
với sức mạnh quân sự của khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đe dọa chấn áp
Đông Đức. Nhưng mặc dù họ có 4.000 nhân viên điệp báo, 109.000 điềm chỉ viên
làm việc cho Cơ Quan Công An Nhà Nước và cứ 105 công dân thì có một tên điềm
chỉ, cấp lãnh đạo Cộng sản không nhận ra cho đến khi quá trễ là chính những sai
lầm nội tại, những đường lối chỉ đạo hỏng tự căn bản của tất cả những hệ thống
xây dựng trên sự đàn áp và cưỡng ép, đã đánh đổ họ.
Vì những lý do cá nhân, ông Wolf đã tự ý xin về hưu năm
1986 và dọn đến ở một căn phòng lầu 6 nhìn xuống con sông Spree, nơi trước đây
là trung tâm của Đông Đức. Đây là một địa điểm chọn lọc chiếu theo mô hình tổ
chức của Cộng Sản, kế cận một nơi được chế độ tân trang để nhắc nhở lại không
khí tiền chiến của Bá-linh (Berlin); đường phố lót gạch xanh cho bộ hành và
những cửa quán của những nghệ nhân chen lẫn vào cao ốc với màu sắc nước sáng
nhạt nhằm gợi lên hình ảnh dĩ vãng thế kỷ thứ 18. Sau khi Bức Tường Bá-linh sụp
đổ năm 1989, những tờ báo lá cải gọi căn phòng của Wolf là căn phòng sang
trọng, kiểu mẫu mà các chủ nhân ông trong Cơ Quan An Ninh Quốc Gia – các vị
« Stasi » đáng sợ, như người Đức thường gọi họ như vậy – tự dành
riêng, không một thường dân Đông Đức nào có được. Báo chí thường hay nói quá
đáng.
Có tất cả 99 bậc thang để lên lầu 6 và cao ốc này không
có thang máy. Mặc dù ở vào trung tuần 70, ông Wolf vẫn còn sức để leo những bậc
thang này. Trên lối đi xập xệ đến căn phòng, có kẻ nguệch ngọac viết
« Stasi chó má » trên hộp thư nhôm của ông Wolf, một hành vi có thể
đưa vào tù tức khắc trong những ngày cai trị của Cộng Sản. Cách đó vài căn, con
của ông Wolf trong cuộc hôn nhân trước đây nay kiếm tiền túi trong một quán bán
pizza nằm dưới gầm cầu xe lửa của nhà ga Friedrichstrasse S-bahn, ranh giới đầu
tiên giữa Đông và Tây khi quan khách đến trong những ngày Chiến Tranh Lạnh. Ông
Wolf là một người đã tuột dốc từ trên cao.
Không như các đồng nghiệp Stasi của ông, ông Wolf không
bao giờ dùng họat động tình báo để làm giàu cho cá nhân mình. Bản thân ông Wolf
có một sức quyến rũ mạnh, ông cao 1 thước 83, người gọn ghẽ, đầu tóc màu xám,
một khuông mặt cởi mở và thon dài, đôi mắt nâu sâu sắc, bàn tay với ngón dài
thon và thanh nhã của người trí thức. Giọng nói Đức của ông lịch lãm và hùng
hồn. Ông nói chuyện về Goethe và Brecht hoặc về Tolstoi và Mayakovsky cùng một
vẻ lưu loát. Để giết thời gian trong giai đọan ông bị ép buộc lưu đày (lần thứ
hai) tại Moscow sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, ông tổng hợp được
quyển sách mang tựa đề Những
Bí Quyết Nấu Nướng của nước Nga (Geheimnisse der russischen Küche),
một mớ thực đơn hấp dẫn để thực hiện món bò Stroganoff, blini, piroshki với
hình ảnh và những mẩu chuyện dí dỏm từ công tác điệp báo.
Nhưng nhìn ông ngày hôm nay, người ta không thể cầm lòng
tự hỏi ông sẽ đóng vai trò nào nếu ông là người Tây Đức: có thể là một ông
tướng hay là một bộ trưởng ngoại giao, hay là giám đốc của một xí nghiệp lớn
của Đức. Có lẽ ông sẽ thành công, cố nhiên là như vậy, giàu có và hãnh diện, có
thể ông sẽ thêm ít ký-lô ở bụng và có một chiếc Mercedès trên lối đi vào nhà.
Nhưng thay vì vậy, ông sống theo lối tiểu tư sản của cấp lãnh đạo Cộng Sản Đông
Đức, những khuôn mẫu tầm thường già nua mà ông vẫn trung thành nhưng đồng thời
cũng tự cảm thấy vượt lên trên trình độ trí thức của họ. Sống trong một trong
những môi trường khắc nghiệt và đàn áp chính trị mạnh bạo nhất tại Châu Âu, ông
đã thành công và sống sót nhờ trí tuệ, nhờ biết ứng dụng khả năng học hỏi và
nét duyên dáng thu hút để thuyết phục người Tây Âu phản bội quốc gia mình và
phục vụ cho lý tưởng Cộng Sản. Nhìn lại lý tưởng thảm não của Đông Đức, câu hỏi
được đặt ra là: Làm sao một người tài giỏi và thông minh như vậy lại có thể
lãng phí tài sức cho một hệ thống tồi tệ như vậy?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét