Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Đi một ngày đàng... (KQ)

Lần đầu thấy piano bị phanh thây thế này.
Cả mấy năm nay đàn piano chưa được chỉnh, tiện quen chú em làm bên Yamaha, giới thiệu cho thợ chỉnh đàn. Đúng hẹn qua điện thoại, chiều, có thợ đến. Anh ta trẻ măng và xưng hô chú, cháu với mình.
Nhanh nhẹn bắt tay vào việc, Hòa (tên cháu) tháo các nắp đàn ra. Mang tiếng chủ đàn mà đây là lần đầu được xem "lục phủ ngũ tạng" của đàn. Hòa dùng cờ-lê căng lại dây.
Chiếc đàn Yamaha này có 88 phím, tương đương 88 nốt (đàn cổ chỉ có 85). Có nhiều nốt được căng 3 dây (phần những nốt trầm chỉ căng 2). Nghĩa là có chừng 250 dây đàn phải căng lại. Các búa nỉ sẽ nện vào dây khi ta gõ lên các phím.
Hòa lấy trong túi ra chiếc điện thoại di động đời mới, có gài đặt phần mềm cân chỉnh cao độ các nốt. Cháu giảng giải: "Thợ chỉnh đàn thì nhiều nhưng ông nào mà nói chỉ cần chỉnh bằng tai và tay là nói dóc, chú ạ. Tai thì làm sao phân biệt được sai số nhỏ tí". Anh ta chỉ cho xem sau khi căng lại dây mà vạch cộng hưởng của nốt trùng với vạch đỏ giữa trên màn hình thì chuẩn.


Phần mềm kiểm tra nốt được của Yamaha gài trên điện thoại đời mới.

Đang dùng cờ-lê chỉnh đàn.

Chỉ thị cộng hưởng.

Cháu tặng chú 1 bản nhạc.
Thấy tôi hiểu biết chút chút thì Hòa thắc mắc và được giải thích: "Chú có nghề viễn thông nên khi học Vật lý cơ bản có phần Âm học, hơn nữa trong thiết bị viễn thông thoại thì âm thanh cũng là tín hiệu đầu vào; khác là âm thanh của cháu cao cấp hơn... Và ngày trẻ, chú cũng chơi ghi-ta nên cũng biết lên dây, cũng biết cộng hưởng".
Hòa giảng giải cho công việc của thợ chỉnh dây, chỉnh hơi trong dàn nhạc hợp xướng. Sau khi chỉnh hết lượt dây giữa, Hòa mới chỉnh tiếp 2 dây còn lại. Lúc chưa chỉnh nghe chối tai, nhưng khi chỉnh xong thấy có cộng hưởng và âm thanh thoát hẳn.
Sau gần 2 tiếng, Hòa chỉnh xong toàn bộ dây đàn. Cháu vui vẻ:
- Cháu xin tặng chú 1 bản nhạc nhé!
- Hê, thợ chỉnh đàn mà chơi được à? Tài thật!
Được nghe Hòa chơi đàn không tài như "Đặng Thái... Thịt" nhưng rất có hồn. Cháu chơi say mê, lả lướt. Sau đó còn tặng chú bài thứ 2 diễn tả về 1 cơn mưa hè (quên béng nó tên). Nghe được cả tiếng tí tách khi giọt mưa rơi xuống thềm nhà...
Anh cu học hết 12, nhà không có nhiều tiền để học tiếp, nên xin đi làm thợ sửa đàn. Khi học nghề, thầy phát hiện Hòa có cái tai thẩm âm và có chút năng khiếu về âm nhạc đã cho học nghề cân chỉnh dây đàn. Sau đó, Hòa còn học kí xướng âm rồi học Piano cơ bản: "Cháu từng phụ giảng cho thầy khi thầy bận, mà chú. Cái nghề này gắn với cuộc đời cháu. Cháu có thể sống bằng nghề này".
Anh cu năm nay mới 28, vừa lấy vợ (là thợ OTK đàn xuất xưởng của Yamaha VN).
Hòa cũng có đam mê bóng đá nên chú, cháu hợp gu bốc phét. Theo Hòa, Đức và Nga là 2 nước đứng đầu thế giới về đàn piano; sau đó là Mỹ. Riêng Nhật là nước sản xuất đàn piano cho giới trung lưu (đây là quan điểm kinh doanh số đông) nên đàn Nhật ít dùng cho nhà giàu. Còn đàn Yamaha nhập về VN đa số là second-hand, đã qua sử dụng, được thu gom và xuất sang ta.
Một buổi chiều đẹp, học được bao kiến thức mới. Khi chia tay, đùa cùng cháu: "Theo gương cháu, chú cũng sẽ học piano". "Học đi chú, chơi không cần nhiều bản. Mỗi lần ngồi vào đàn chú sẽ thấy thư giãn lắm!".

Không có nhận xét nào: