Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Cảm nghĩ về phim “Những người làm CMT8 ở Hà Nội”

Sau khi xem đầy đủ 6 tập của bộ phim tài liệu độc đáo này, tôi thấy mình được bổ sung nhiều kiến thức mà trước đây mình chưa biết, hoặc “biết” nhờ học lịch sử Đảng nhưng bản thân luôn cảm thấy “hụt hẫng”, thiếu thuyết phục.
Đầu tiên:
-      Khởi nghĩa Tháng 8 tại Hà Nội là một sự kiện không hoàn toàn phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Trung ương Đảng đứng đầu là Hồ Chí Minh.
-      Quyết định Tổng khởi nghĩa được đưa ra rất tức thời. Cụ thể: Sau sự kiện tại quảng trường Nhà Hát Lớn ngày 17/8, Nguyễn Khang chứng kiến. Buổi tối cùng ngày, ông này về Hà Đông thông báo lại với Trần Tử Bình và các đồng sự. Rồi lập tức quyết định quyết định phát động tổng khởi nghĩa. Quyết định này được “tập thể hóa” bằng cuộc họp của “thành ủy HN” đêm 17/8. Ngày 18/8 thành lập Ủy ban Quân sự Cách mạng HN do Nguyễn Khang làm chủ tịch. Liền đó là triển khai thực hiện ngay ngày 19/8...


-      Quyết định của Nguyễn Khang và Trần Tử Bình hoàn toàn không có sự chỉ đạo nào, không có một mệnh lệnh nào từ Trung ương. Ngày 13/8, Hồ Chí Minh đã quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc. Hội nghị Tân Trào ngày 16/8 và ra Quân lệnh số 1 về Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Nhưng tất cả những văn bản ấy của Trung ương đều chưa thể về đến Hà Nội vào ngày 17/8, khi tối hôm ấy, tại Hà Đông, Nguyễn Khang và Trần Tử Bình cùng các đồng sự đã quyết định Tổng khởi nghĩa. Chính ông Nguyễn Văn Trân- bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ khi ấy nói: Từ Tân Trào về Hà Nội mất 4 ngày. Khi đến bến Chèm (bên Vĩnh Phúc) đã thấy cờ đỏ sao vàng trên các thuyền trên sông. Thế là biết Hà Nội đã thành công rồi! Như vậy, những người quyết định Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội đã làm một việc hoàn toàn độc lập, nhưng phù hợp với chủ trương và cả kế hoạch của Trung ương. Một sự trùng lặp tuyệt vời về tư duy và sự nhạy bén thời cơ.
-      Hai người (Nguyễn Khang và Trần Tử Bình) ra quyết định và trực tiếp lãnh đạo Tổng khởi nghĩa đều chỉ là thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, không ai là ủy viên TƯ Đảng khi ấy.
-      Những người trực tiếp thực hiện các trọng trách hàng đầu của cuộc Khởi nghĩa đều là những thanh niên học sinh ở độ tuổi đôi mươi. Họ không chỉ gồm những người Cộng sản, mà nhiều người thuộc các tổ chức chính trị, đảng phái yêu nước khác hoặc chưa theo đảng phái nào.
-      Lực lượng nòng cốt của cuộc cách mạng Hà Nội và của sự kiện Tổng khởi nghĩa Tháng 8 là tầng lớp thanh niên học sinh, với “hậu phương” của họ là gia đình họ đều thuộc tầng lớp giàu có ở Hà Nội (thương gia, tư sản, trí thức thời thực dân).

Thứ hai:
Khởi nghĩa Tháng 8 thành công nhờ rất nhiều yếu tố may mắn, như “thời vận đã định” vậy.
-      Quyết định khởi nghĩa đưa ra rất tức thời, hoàn toàn không theo một “kế hoạch” nào có trước. Ngay sự kiện 17/8 tại quảng trường Nhà Hát Lớn cũng diễn ra ngoài sức tưởng tượng của lãnh đạo Việt Minh khi ấy chỉ muốn biến mít tinh của chính phủ Trần Trọng Kim thành mít tinh cách mạng; không thể tưởng tượng nổi lại biến thành biển người biểu tình, làm xuất hiện tình huống “khởi nghĩa”.
-      Sự kiện 17/8 xảy ra đột ngột trong những ngày quân Nhật ở VN “không biết phải làm gì” sau khi đã có quyết định đầu hàng của Nhật Hoàng. Yếu tố này tạo thuận lợi khó tưởng cho việc chiếm Trại Bảo an Binh ở phố Hàng Bài và tạo thành công cho việc ông Lê Trọng Nghĩa “đơn thương độc mã” đến điều đình với tổng chỉ huy quân Nhật ở 33 Phạm Ngũ Lão.
-      Lực lượng quần chúng tham gia khởi nghĩa cũng là một yếu tố hoàn toàn bất ngờ và may mắn. Đảng viên CS khi ấy chắc chỉ vài chục người. Thành viên các tổ chức của Việt Minh chắc cũng đôi ba trăm là nhiều. Nhưng khi mit tinh ngày 17/8 biến thành biểu tình, thì rất đông đảo quần chúng tự phát nhập vào đoàn biểu tình ấy. Rồi biểu tình các ngày tiếp theo cũng thế. Biểu tình có tổ chức chỉ số lượng ít, nhưng đi đến đâu thì người tự phát nhập vào đến đấy, như lời kể của ông Xuân Oanh. Đa số những người tự phát nhập vào đoàn biểu tình này thậm chí chưa biết ĐCS là gì, chưa biết cả Việt Minh nữa. Nhưng họ đều bị cuốn vào dòng thác cách mạng hừng hực. Đây không phải là kết quả của “sự lãnh đạo”, “công tác dân vận”, hay “đường lối quần chúng” của Đảng khi ấy; mà chính “nhờ” chế độ thực dân- phong kiến- phát xít đã khiến sự căm uất, bất mãn của đông đảo người Việt Nam khi ấy lên đến cực điểm, không thể chịu đựng thêm được nữa!  (Ý kiến cuả ông Nguyễn Đồng Thoại: Chính nạn đói năm 45 là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy nổ ra cách mạng). Cả xã hội Việt Nam khi ấy như một đồng cỏ khô, mà Việt Minh chỉ là một tàn lửa xuất hiện đúng lúc khiến bùng lên một đám cháy không gì khống chế nổi!
Nếu cứ phân tích theo tư duy “khoa bảng”, theo “logic lập trường”, thì rất khiên cưỡng. Như:
-      Ông Lê Khả Phiêu nói: Lúc ấy cũng có ý kiến cho là “phải đợi chỉ đạo của Trung ương”, vì những người lãnh đạo ở Hà Nội lúc ấy “cũng sợ mất đầu chứ” (ý nói bị Trung ương cách chức?)... Tôi cho là ông Phiêu này suy diễn. Đảng khi ấy chưa cầm quyền. Hoạt động của các tổ chức Đảng chưa bị ràng buộc bởi các quy định hành chính khắt khe. Làm gì có liên lạc thuận lợi để mà “chỉ đạo” và “chờ chỉ đạo”. Các ông Lê Trọng Nghĩa, Trần Tử Bình hồi đó còn rất trẻ; đều “ăn cơm nhà, làm việc Đảng”, có lợi lộc gì đâu mà “sợ mất đầu”! Hơn nữa, nếu cứ chờ chỉ đạo, thì thời cơ trôi qua mất rồi!
-      Ông PGS TS Nguyễn Mạnh Hà- viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thì khẳng định rằng “quần chúng nhân dân” đóng vai trò quyết định cho thắng lợi của Khởi nghĩa Tháng 8! Đúng là tư duy “lịch sử Đảng” bất chấp sự thật lịch sử!

Thứ ba:
Ý tưởng của “các nhà làm phim” rất đáng hoan nghênh: Làm sáng tỏ vai trò “lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa” thuộc về tầng lớp thanh niên học sinh trí thức, với sự trợ giúp đắc lực về mọi mặt của giai tầng giàu có trong xã hội Hà Nội lúc bấy giờ. Đây là một sự thật lịch sử đã bị “ý thức hệ” cố tình lờ đi, xóa nhòa và ngụy tạo. Với các quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “công nhân là giai cấp lãnh đạo”, “nông dân là quân chủ lực”... những lý giải của “lịch sử Đảng” về Cách mạng Tháng Tám đã làm một việc có thể liên tưởng tới “Lý Thông cướp công Thạch Sanh”!


Thứ Tư:
Câu hỏi đã được nêu ra trong phim: Những nhân vật chủ chốt của cuộc Tổng Khởi nghĩa Tháng 8 ở Hà Nội hầu như không được nhắc tới trong các tài liệu lịch sử chính thức của hệ thống văn hóa- tư tưởng Việt Nam đương thời.
Có một lý giải: Trước nay, Đảng không chú trọng vai trò cá nhân trong lịch sử.
Nhưng đó chỉ là ngụy biện để lờ đi một quá trình đã thực sự diễn ra, mà trong đó nhiều nhân vật của lịch sử đã bị loại khỏi “sử sách” chỉ vì họ bị quy là thuộc “giai cấp bóc lột”, “tiểu tư sản”, “sản phẩm cuả đế quốc- phong kiến”...
16/8/2015
NGUYỄN NGỌC HÙNG


8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Báo liếp số hôm nay có bài vừa sai về nhận thức vừa sai về phương pháp luận, đó là bài "Nghĩ về phim Những người làm CMT 8 ở HN". Đúng là quyết định Tổng khởi nghĩa ở HN là quyết định tại chỗ (Điều này nói lâu rồi) nhưng không thể nói là không có TW. Tư tưởng chỉ đạo chiến lược chính là "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (12-3-1945) đấy. Cái giỏi của các cụ lãnh đạo tại HN lúc đó là biết "dám làm-dám chịu trách nhiệm", chớp được thời cơ. CM không có ăn may đâu, có một chút may mắn, nhưng tuyệt đối không có ăn may.
Phạm Đình Trọng

Nặc danh nói...

Nói đến cuộc CMT8 năm 1945 không thể bác bỏ được đó là một cuộc cách mạng "ngàn năm một thưở" & "long trời lở đất". Ta có thể nói vui rằng, đó là một cuộc cách mạng màu - màu đỏ. Ta nói "long trời lở đất" là nói tầm vóc lớn lao của nó, là sự tham gia của toàn thể dân tộc VN. Ta nói "ngàn năm một thưở" là đánh giá cao yếu tố thời cơ mang tới. Cụ Hồ có câu thơ rất hay:
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công.
Cuộc CMT8 sẽ còn được hội thảo nhiều với tinh thần đổi mới, tự do, dân chủ. Các tài liệu, chứng cứ lịch sử phải được trưng ra đầy đủ từ nhiều phía. Các nhân chứng, các góc nhìn phải được soi sáng. Có tranh luận, có phản biện. Đặc biệt, phải làm sáng tỏ vai trò của tầng lớp trí thức để có sự đánh giá công bằng. Đến ngày nay, nghe lại những bài ca: Chiến sĩ VN (Văn Cao), Tiếng gọi thanh niên (Lưu Hữu Phước), Lên đàng (Lưu Hữu Phước), Cương quyết ra đi (Phạm Ngọc Bạch),... Người VN yêu nước nào mà không tự hào về cuộc cách mạng mùa thu 1945.

TranKienQuoc nói...

Nhất trí với thầy Phạm Đình Trọng:
- Từ 19/5/1941, Đảng lãnh đạo, thông qua tổ chức Việt Minh, đã vận động được đồng bào cả nước tham gia giành độc lập dân tộc.
- Chỉ thị "Nhật, Pháp bắn nhau..." (ngày 12/3/1945) chính là kim chỉ nam cho Việt Minh ở các địa phương tiến hành khởi nghĩa khi thời cơ đã chín muồi.
Tại HN, Thường vụ Xứ ủy đã dựa trên chỉ thị này, thấy thời cơ đã đến, nhất là khí thế sục sôi của "hiêu ứng đám đông" chiều 17/8/19454, đã dũng cảm cho HN khởi nghĩa vào 19/8.
Nhưng, sáng 18/8, ông Trần Tử Bình (Thường vụ Xứ) cùng ông Đặng Kim Giang (Xứ ủy viên) đã tới đồn Nhật ở Hà Đông "làm phép thử". Họ đã đồng ý án binh bất động...
Tại Nam Bộ, Lý Chính Thắng được Xứ ủy Nam Kỳ (ông Hà Huy Giáp) cử ra HN nhận chỉ thị này từ TBT Trường Chinh.
Nói như vậy để ta thấy được sự lãnh đạo của Đảng.

Nặc danh nói...

Có một bài thơ viết về CMT8 ở Hà Nội rất hay, song ít được độc giả biết tới. Có lẽ, vì tác giả bài thơ chỉ đồng hành với cách mạng một giai đoạn ngắn ngủi. Ngày nay, với quan điểm đổi mới, xin giới thiệu các bạn bài thơ này để cảm nhận một thời oai hùng, hân hoan tột độ của dân tộc VN trước tiền đồ xán lạn của Tổ quốc.

Nhớ về Hà Nội vàng son

Ôi ngày mười chín, ngày oanh liệt!
Sóng đỏ hoa vàng khắp bốn phương
Hà Nội tiếng reo hò bất tuyệt
Vang sang bờ nọ Thái Bình Dương.

Ba mươi sáu phố, ngày hôm ấy
Là những nhành sông đỏ sóng cờ
Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại
Năm cánh hoa xoè trên năm cửa ô.

Xôn xao hành khúc "Xây đời mới"
Tráng khúc du dương "Ngọn Quốc kì"
Tóc bạc má hồng mê vận hội
Cùng trai nước Việt hát "Ra đi"

Chen tiếng hoan hô, này khẩu hiệu
Muôn năm Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Muôn năm người lính già tiêu biểu
Vì giang sơn quyết bỏ gia đình.

Ôi ngày mười chín, ngày sung sướng!
Vạn ước mong dồn một ước mong!
Ôi mùa thu ấy, mùa tin tưởng!
Một tấm lòng mang vạn tấm lòng.

Ba kỳ hỡi người dân Việt!
Mau võ trang cùng tiến bước lên
Cùng tiến bước mau! Thề một chết
Đòi hoa Hà Nội, sóng Long Biên.

Cho hoa kia nở vàng như cũ
Cho sóng này dâng đỏ gấp xưa…
Ôi lá cờ sao! Từng đã ngự
Giữa lòng dân tộc, giữa kinh đô!

Kinh đô ngàn thuở, đòi cho được
Và quét hôi tanh sạch đất này
Trả hôm mười chín mùa thu trước
Về cho mười chín thu mai đây.
Vũ Hoàng Chương - 1947

Kháng Chiến nói...

Khi xem phim "Những người làm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội" , mỗi người xem có nhân xét rất riêng của mình về nội dung của tác phẩm này.Chúng tôi hoan nghêng mọi ý kiến ,mọi suy nghĩ, mọi nhận xét .Sự quan tâm của người xem đến nội dung bộ phim là phần thưởng tinh thần lớn nhất đối với những người làm phim.
Chắc chắn còn nhiều điều,nhiều điểm của bộ phim này cần rút kinh nghiệm ,chúng tôi luôn lắng nghe ,tiếp thu mọi ý kiến đóng góp.
Xin cám ơn mọi người.

Quang Vinh nói...

Bộ phim tư liệu lịch sử này không đi vào lỗi mòn PHIM MINH HỌA, tìm hình ảnh để minh họa cho một lý thuyết, một tư duy định sẵn mà cung câp cho khán giả SỬ LIỆU để mọi người phải tự suy ngẫm tìm ra kết luận của chính mình. Và đương nhiên tùy thuộc nhận thức quan điểm của từng người mà có nhận thức khác nhau về một sự kiện lịch sử. Cái cần nhất của một bộ phim tư liệu lịch sử không phải là KẾT LUẬN SÁNG SUỐT mà là ở SỬ KIỆN TRUNG THỰC. Mong có nhiều bộ phim như thế này.

Nặc danh nói...

Tôi đã xem kĩ hết sáu tập film của các bạn làm. Cảm nhận của tôi là rất thích thú. Bởi vì, tôi còn có "tham vọng" tìm hiểu nhiều về cuộc CMT8. Tôi hiểu rõ mục đích của những người làm film này. Tôi thành thật chia sẻ với các bạn.
Tôi cũng đã đọc kĩ bài viết Cảm nghĩ về phim “Những người làm CMT8 ở Hà Nội” của học giả Nguyễn Ngọc Hùng. Tham luận của học giả thật là mới mẻ, có tính đột phá, đổi mới tư duy. Tôi chưa có bằng chứng mạnh mẽ để chấp nhận hay bác bỏ tham luận của học giả. Song, tôi nghĩ rằng tham luận của học giả sẽ "châm ngòi nổ" trong các cuộc hội thảo về CMT8. Vài năm trước, ở Sài Gòn cũng có nhiều cuộc hội thảo về CMT8, về vai trò của Thanh niên tiền phong, vai trò của Trần Văn Giàu và các đồng chí của ông trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn năm 1945. Vấn đề này vẫn đang tiếp tục. Riêng cá nhân tôi, Trần Văn Giàu, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiễn và tổ chức Thanh niên tiền phong có sức hấp dẫn tôi ghê gớm. Nếu trở lại thời đó, tôi sẵn sàng "xếp bút nghiên" theo tiếng gọi của non sông.

Kháng Chiến nói...

Trong cuộc Cách mạng tháng 8-1945 ngoài Hà Nội còn rất nhiều địa phương không chờ đến khi nhận được Quân lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương đã chủ động không bỏ lỡ thời cơ tiến hành giành lấy chính quyền,thành lập chính quyền nhân dân.Bộ Phim chúng ta vừa xem chỉ liên quan đến những người làm các mạng tháng 8 tại Hà Nội .
Tại Huế,Sài Gòn với khí thế cách mạng của nhân dân khao khát tự do,độc lập ,quyết tâm của những người lảng đạo cao nhất Cuộc Tổng khởi nghĩa 8-1945 cũng không khác gì tại Hà Nội.
Riêng tại Nam Bộ lúc đó tồn tại hai Xứ Ủy .Xứ ủy Giải phóng,Xứ ủy Tiền phong (do những người công sản tự đứng ra thành lập sau Khởi nghĩa Nam Kỳ,sau khi tổ chức Đảng bị khũng bố trắng. Xứ ủy Tiền phong có các đảng viên thời lập Đảng ,từng ngồi tù Côn Đảo như các đồng chí Hà Huy Giáp,Trần Văn Giầu, Dương Quang Đông ,Nguyễn Văn Tây,Ung Văn Khiêm...Sau 3-1945 Xứ ủy viên Hà Huy Giáp cử Lý Chính Thắng là cháu trong họ,từng học Trường Thăng Long ra Hà Nội để bắt liên lạc với Trung ương.Lý Chính thắng với sự giúp đỡ của vợ chồng bạn học cũ là Tụy Phương,Danh Ngọc đã tìm đến làng Vạn Phúc gần Thị Xã Hà Đông ,an toàn khu của Trung ương gặp được Tổng bí thư Trường Chinh . Lý Chính Thắng đã mang chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta " về Nam Bộ. Bí thư Xứ ủy Trân Văn Giầu đã cùng các đồng chí của mình giác ngộ bác sỹ Phạm Ngọc Thạch,kết nạp bác sỹ vào Đảng.Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đã chữa bệnh lao cho một sỹ quan cao cấp Nhật tại Sài Gòn. Dưới sự chĩ đạo cũa Xứ Ủy bác sỹ đứng ra thành lập tổ chức Thanh niên tiền phong (được Bộ chỉ huy quân đội Nhật tại Nam Bộ ủng hô ) tập hợp những thanh niên yêu nước,thiết tha với dộc lập dân tộc .Trong một thời gian ngắn,lực lương Thanh niên tiền phong đã tập hợp được 1 triệu thành viên. Xứ ủy do bí thư Trần Văn Giầu đã lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tại Sài Gòn vào ngày 25-8-1945, mà lực lượng xung kích là Thanh niên tiền phong đã cùng nhân dân Sài Gòn tiến hành tổng khởi nghĩa ,giành chính quyền ,thành lập chính quyền cách mạng .
Nếu có một bộ phim lịch sử để tôn vinh những người là cách mạng tháng 8 tại Sài Gòn thì cũng hay lắm chứ?