Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Cùng Diva Hồng Nhung chứng kiến điều khủng khiếp trong rừng châu Phi



Cơ quan chức năng có mặt, mổ, khám nghiệm tử thi con vật quý mới bị giết để phục vụ công tác điều tra. AND của con tê giác này được lưu giữ, có thể sau này sừng của nó được phát hiện ở bên kia bán cầu, người ta sẽ hiểu về đường đi đáng sợ và đắt đỏ hơn cả

Vừa qua, đoàn đại biểu Việt Nam với sự tham gia của Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Việt Nam; Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV); đặc biệt là ca sĩ nổi tiếng Hồng Nhung… đã sang thăm và làm việc tại Nam Phi 10 ngày nhằm cùng điều tra, thị sát, tổ chức hội thảo, họp báo, cùng lên tiếng đanh thép bảo vệ loài tê giác trước thảm họa bị săn trộm, cắt sừng phục vụ các thị trường nóng ở Châu Á. Với những nỗ lực đầy hiệu quả của mình, đây là lần thứ 2 liên tiếp, phóng viên Báo Lao Động được mời tham gia hoạt động này.


    Sau những chuyến bay dài, chưa kể thời gian quá cảnh chờ đợi ở Hồng Kông, riêng ngồi trên bầu trời đã gần 20 tiếng đồng hồ, không thể nói là không mệt mỏi, ca sĩ Hồng Nhung đã bị cuốn ngay theo những câu chuyện đau lòng mà loài tê giác của nhân loại đang phải đối mặt. 
                   
     Gương mặt đau khổ và cảnh ca sĩ Hồng Nhung đứng trước đàn tê giác hoang dã (ở khoảng cách 100m) để đưa thông điệp bảo tồn về với khán giả Việt Nam, thông qua ống kính của phóng viên VTV.
    Nam Phi đang sở hữu khoảng 80% số lượng cá thể tê giác của thế giới. Hiện nay, mỗi ngày trôi qua, đều đặn, có ít nhất 3 con tê giác bị giết để lấy sừng phục vụ nhu cầu mù quáng và nhẫn tâm ở các thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng chính là lý do mà bên cạnh nỗ lực bảo tồn ở hiện trường tê giác đang sinh sống, nhân loại tiến bộ đã hướng tới việc nâng cao nhận thức cho “thị trường cuối cùng” của các sản phẩm lấy từ việc giết chết con tê giác như nước ta. 
    Liên tiếp các đoàn đại biểu cán bộ, văn nghệ sỹ, những người nổi tiếng trong giới showbiz, học sinh… từ Việt Nam đã được mời sang Nam Phi. Và bây giờ là ca sĩ Hồng Nhung. Chứng kiến vẻ đẹp của các loài muông thú trong đó có tê giác, ở trạng thái hoàn toàn tự nhiên của chúng ở Vườn Quốc gia Kruger, VQG lớn nhất Nam Phi, lớn hàng đầu trên thế giới, ca sĩ Hồng Nhung đã phải thốt lên: “Thiên nhiên hoang dã quá đẹp. Chúng tôi đã đi bộ xuyên rừng, trong cái lạnh buốt đầu, trong nắng nóng hầm hập, để chứng kiến từng đàn tê giác vui đùa. Cả tê giác con lẫn tê giác bố mẹ. Xung quanh là sư tử, báo, hươu, nai, ngựa vằn… 
    Các bạn Nam Phi bảo, tê giác là loài vật khổng lồ đến từ thời tiền sử, nó hầu như không có đối thủ trong tự nhiên”. Vị tướng phụ trách cao nhất của lực lượng kiểm lâm và an ninh của VQG Kruger đã xúc động nắm tay từng người trong đoàn chúng tôi: “Tôi biết ơn lắm. Quý vị là những người bạn mới của tê giác Châu Phi, trong cuộc chiến đầy súng đạn, đầy mồ hôi và máu để bảo vệ chúng này”.

     Con vật bị khoét mất mắt, cắt mất sừng, cắt mất cả bộ phận sinh dục trong tư duy “ăn/uống gì bổ nấy” của những kẻ mông muội.
     

    Thế rồi, phía bạn cung cấp cho đoàn đại biểu Việt Nam 6 người “toàn quyền sử dụng” 2 máy bay trực thăng dã chiến để thị sát rừng Kruger rộng 2 triệu hécta. Phi công ở đây rất thân thiện và hy vọng vào “những người bạn mới của tê giác đến từ Việt Nam”, thậm chí họ còn lượn vè vè cho trực thăng nọ bay lên đầu trực thăng kia để gã nhà báo như tôi có một góc máy: Tiền cảnh là trực thăng đang bay, phía dưới là các loài muông thú. Hồng Nhung thả sức “tự sướng” với thiên nhiên và các loài động vật tuyệt đẹp.
    Đột nhiên, thật hãi hùng: Hậu cảnh của cú bấm máy đó của tôi là xác một con tê giác khổng lồ nằm bên bờ suối. Hạ cánh khẩn cấp. Ca sĩ Hồng Nhung đến, sừng và dương vật con tê giác khổng lồ đã bị cắt đi, máu mủ vẫn nổ lép bép rồi ròng ròng chảy ra trên cát suối. Máu của loài vật vô tội bắn đỏ gấu quần và đôi giày vải của Hồng Nhung. Ca sĩ thổn thức: “Các nhà khoa học đã chứng minh, sử dụng sừng tê giác để mài ra uống, thì có khác gì gặm móng tay móng chân của chính mình, có khác gì gặm sừng bò. 
    Vậy mà không hiểu sao tê giác vẫn bị giết tàn độc đến vậy! Tôi thấy trách nhiệm đè nặng lên vai mình, tôi muốn có nhiều cơ hội hơn để nói với người hâm mộ của mình rằng: Hãy nói không với các sản phẩm từ sừng tê giác. Nó không thể là thứ khẳng định đẳng cấp hay là thần dược đối với bạn được”. Hồng Nhung bảo, suýt nữa thì cô bật khóc thành tiếng, khi chứng kiến tội ác khủng khiếp trong rừng Châu Phi như thế.
    Trong cuộc họp báo tại thành phố lớn nhất Châu Phi Johannasburg sau đó, đang nói tiếng Anh làu làu, chợt Hồng Nhung dừng lại nói một câu tiếng Việt: “Mắt không thấy thì lòng không đau”. Rồi cô nói tiếp bằng tiếng Anh: “Người Việt Nam chúng tôi có câu nguyên văn như thế, dịch ra tiếng Anh là thế này… (…). 
    Nếu không chứng kiến tê giác bị giết khủng khiếp tại hiện trường, nếu không mắc những đêm sau đó mất ngủ vì ám ảnh như tôi, thì có lẽ ít ai hiểu được tâm trạng của tôi lúc này. Chuyến đi khép lại sau chuyến bay dài về Việt Nam ngày mai, đó cũng là lúc mà các chuỗi các hoạt động hướng tới nỗ lực bảo vệ loài tê giác cho nhân loại tiến bộ được bắt đầu”. Cô rỉ tai tôi, 
    “Hồng Nhung bắt đầu bằng việc mua ủng hộ tổ chức bảo tồn ở Nam Phi hai cái balô hình con tê giác cho hai đứa con nhỏ của mình ở Việt Nam. Các cháu sẽ dần có ý thức bảo tồn bằng việc yêu loài vật đáng yêu và linh thiêng của người Châu Phi này”.
    Chúng tôi mỗi nhóm một trực thăng, khám phá thiên nhiên hoang dã Châu Phi, dưới suối là xác một con tê giác.
    Con vật khổng lồ nằm chết thê thảm, máu vẫn phun ra từ cơ thể nó. Mỗi ngày có 3 con tê giác như thế này bị giết, chỉ tính riêng ở Kruger.

    1 nhận xét:

    TranKienQuoc nói...

    Con người là loài thú ác nhất!