Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Những người Nga (ST: Trọng Bảo)

Đây là câu chuyện có thật 100% vì anh Nguyễn Huy Hoàng là bạn mình và mình cũng biết câu chuyện này từ nhiều năm trước. (Bảo N.T)



Nhà thơ-Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng

Đêm 1/8/1993, một tin dữ đến với tôi: con gái tôi bị lạc ở Xôchi, thành phố nghỉ mát nổi tiếng ở phía  Nam  nước Nga. Khi đó, tôi và vợ tôi đang ở Mátxcơva hoàn tất luận án để kịp bảo vệ vào cuối đợt nghỉ Đông. Con gái tôi đi nghỉ cùng hai vợ chồng một người quen với sự dặn dò chu đáo của tôi và sự nhận lời hết sức nhiệt tình chu đáo của họ.


Tôi đã thuê nhà ở thành phố Xôchi suốt nửa năm, chạy ngược chạy xuôi để nghe ngóng tin tức của cháu. Trong mấy tháng đó, tóc tôi bạc trắng hoàn toàn. Tôi thương con và ân hận. Cháu Nguyễn Quỳnh Nga, con gái tôi là một trong số những học sinh xuất sắc của trường số 22 Mátxcơva. Và chuyến đi nghỉ miền  Nam  lần này là phần thưởng cho cháu vì thành tích học tập. Lúc đó, chúng tôi chỉ hy vọng bọn mafia bắt cháu sẽ gọi điện chuộc tiền. Chúng tôi hoàn toàn không có tiền, nhưng bạn bè và người thân hứa là sẽ góp đủ cho gia đình tôi để cứu cháu khi nhận được tín hiệu yêu cầu.
Trong thời gian đó, vợ tôi ốm, không ở lại Xôchi được, phải bay về Mátxcơva để dưỡng bệnh và trông con nhỏ. Vợ tôi gọi điện cho Giáo sư V.N Turbin, thầy hướng dẫn của tôi thông báo chuyện cháu Quỳnh Nga. Trước đây, mỗi lần đến thăm thầy, tôi đều mang cả cháu đi theo. Con gái thầy và con gái tôi chơi với nhau rất thân thiết. Việc viết luận án của tôi thầy không quan tâm đến, thầy chỉ quan tâm đến việc làm sao tìm được cháu về. Thầy chỉ có một nguyện vọng là trao cho gia đình tôi toàn bộ số tiền thầy tiết kiệm suốt gần 40 năm giảng dạy của thầy để vợ chồng tôi đi tìm cháu. Thầy ở một căn hộ ba buồng thì hai buồng chật ních sách là sách. Thầy lên lớp với bộ com-lê cũ, đôi giày mòn vẹt gót và chiếc cặp da còn có dòng chữ mờ mờ: "1974 Mátxcơva". Vợ chồng tôi cảm ơn thầy, xin từ chối và coi như mình đã nhận. Cái mà tôi nhận được ở thầy là sự hàm ơn và kính trọng một giáo sư tầm cỡ tuổi cha tôi, một người đã đào tạo cho Việt  Nam  rất nhiều chuyên gia văn học. Sau khi con gái tôi thất lạc được hơn một tháng, thầy mất đột ngột, đứt mạch máu não trong khi đang làm việc. Tôi không kịp lên thăm thầy, lòng mang nặng một nỗi niềm thương tiếc.
Trong những ngày vợ chồng tôi ở Xôchi tìm cháu, rất nhiều lái xe taxi biết chuyện buồn của chúng tôi đã không lấy tiền khi chở vợ chồng tôi đi trong thành phố. Ở gần nhà tôi thuê trọ, có một bà già tên Sura cùng với cháu nhỏ trạc tuổi con tôi. Bà đưa chúng tôi đến gặp thầy Extơraxen (thần giao cách cảm) để giúp chúng tôi về liệu pháp tinh thần. Bà là một người sùng đạo, khi biết chúng tôi thờ Phật, bà bảo trời chỉ có một, thờ Phật hay thờ Chúa cũng là thờ một sự thiêng liêng, nghĩa là niềm tin về con người của bà cũng giống chúng tôi. Bà đưa vợ tôi ra nhà thờ để cầu nguyện, xin Chúa lòng lành thương vợ chồng tôi và con gái của tôi. Sau đó, bà đứng ra kêu gọi mọi người giúp đỡ "một người phụ nữ gặp phải điều bất hạnh" là vợ tôi. Những bàn tay già và nhân hậu đã đặt vào tay vợ tôi một tập tiền lẻ 9.600 rúp, số tiền lúc bấy giờ mua được gần 20 chiếc bánh mỳ. Than ôi, lúc Chúa Jesu đi quyên tiền để xây Thánh điện, có những thương gia đã cho Người tiền muôn bạc vạn, nhưng có một người đàn bà goá chỉ góp được 2 xu. Jesu tuyên bố rằng, người đàn bà góa đã trao cho chúa nhiều tiền nhất, vì bà đã cúng toàn bộ tài sản của mình. Và vợ chồng tôi cũng vậy, chúng tôi đã nhận được món tiền vô giá từ những trái tim vàng của những người dân Nga khốn khổ.
Bên cạnh nhà bà Sura là bà Valia. Bà ở một mình bảy năm nay. Bà làm ở một cửa hàng ăn. Tối tối, quãng 10 giờ, bà mang cho chúng tôi một túi xách, khi thì bánh, khi thì thức ăn mặn, khi thì hoa quả. Bà biết tôi buồn, luôn bỏ ăn. Bà động viên "Cháu ạ, phải biết tin và phải sống. Hãy nghĩ đến cái tốt rồi nó sẽ tốt lên, con gái của cháu nhất định sẽ tìm được đường về với cháu". Mãi về sau, tôi mới biết rằng, 7 năm trước bà phải chịu ba cái tang: tang mẹ, tang chồng và tang con gái 21 tuổi. Đã có lúc bà định tự tử, nhưng rồi bằng nghị lực phi thường bà đã đứng vững.
Đối với chúng tôi, năm 1993 là một năm nghiệt ngã. Trở về Mátxcơva, vợ tôi bỏ làm luận án, dù chỉ còn một chương cuối cùng chưa viết. Phần vì mất hết tinh thần, héo hon vì không có tin con, phần vì nếu làm tiếp thì không đủ tiền gia hạn. Chúng tôi hoàn toàn không đặt vấn đề với nhà trường, nhưng đích thân bà Nađêgiơda, Trưởng Phòng Đối ngoại đã tìm hai vợ chồng tôi và thay mặt nhà trường gia hạn cho chúng tôi một năm miễn phí. Nếu đường ngay, mực thẳng, chúng tôi phải nộp cho trường 12.000 USD, một số tiền khổng lồ mà tôi khó lòng kiếm được.
Sau khi thầy Turbin mất, Ban Chủ nhiệm khoa cử Giáo sư Nhina Konxtanchinovna Petertrova tiếp tục hướng dẫn luận án cho tôi. Ở tuổi 70 bà vẫn minh mẫn lạ thường, bà vẫn nhớ tên những nghiên cứu sinh Việt  Nam trước đây bà hướng dẫn luận án. Bà treo ảnh cháu Quỳnh Nga ngay trước bàn làm việc của bà, thường xuyên gọi điện cho tôi, động viên tôi như một người mẹ. Bà ở một mình trong căn hộ ba buồng rộng thênh thang, gần ga Kiev , bà khẩn khoản mời vợ chồng tôi đến ở cho vui và để có điều kiện hướng dẫn cho tôi viết. Tôi nhớ trong bài hát "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" có câu "có qua cơn hoạn nạn mới thấu hiểu được lòng nhau...". Không có những người như bà Sura, bà Valia, bà Nađêgiơda, thầy Turbin, và cả bà nhũ mẫu trông coi con nhỏ của tôi thì tôi khó lòng mà qua được đau khổ để đứng vững đến ngày hôm nay.
Người nào đã từng ở Mátxcơva cuối những năm 1980 và trong những năm 1990 khó lòng mà có được ấn tượng về hình ảnh đẹp về công an Nga. Cũng đã có lúc tôi không chịu đựng nổi phiền hà và bất bình trước thói hống hách của đội kiêu binh này. Tuy vậy, hình ảnh ông Dubiaghin Iuri Petertrovic vẫn là một tấm gương không thể lu mờ được. Trong chuyến bay "con đường đau khổ" từ Xochi về Mátxcơva, tình cờ cô chiêu đãi viên ấn vào tay tôi tờ tạp chí có tên Tiếng kêu cứu. Tôi giở đọc qua quýt, và cuối cùng dán mắt vào bài viết về một đại tá công an, Giám đốc Trung tâm tìm kiếm trẻ em thất lạc toàn nước Nga Dubiaghin, sau này tôi mới biết ông là Tiến sĩ triết học, Phó Tiến sĩ Luật, Viện sĩ Thông tấn Viện Thông tin quốc tế. Nhờ một luật sư quen biết, vợ tôi đã tìm đến được văn phòng của ông. Ngay trong ngày đầu tiên, với sự giúp đỡ của ông, buổi phỏng vấn vợ tôi, hình ảnh con gái tôi và lời phát biểu của ông đã phát ngay trên đài truyền hình kênh 1. Sau đó, ông cho các cộng tác viên đến nhà tôi làm việc, lập hồ sơ và thực hiện photorobot để dựng lại hình ảnh người đàn bà đã gặp con gái tôi trên bãi biển Xochi. Ông Dubiaghin đã liên hệ cho phát hình ảnh về con gái tôi khắp tất cả các kênh truyền hình của các nước cộng hoà. Trong các buổi quay phim, phỏng vấn của chương trình Tema với các cán bộ cao cấp của ngành công an Nga, ông đều tạo điều kiện để chúng tôi trình bày ý kiến để họ hiểu hơn về những người Việt  Nam  làm công tác khoa học tại Nga, và để họ hiểu hơn về Việt Nam. Đài truyền hình kênh 4 cũng đồng ý để chúng tôi nói tiếng Việt với hy vọng ở một nơi xa xăm nào đó, con gái tôi nghe được lời nhắn nhủ của tôi. Tôi thực sự không biết cảm ơn ông thế nào, vì cứ mỗi một phút phát hình, ngoài các thủ tục cần thiết, còn phải trả tới 14.600 USD, trong lúc đó, ông không hề nhận của tôi một xu nào. Ông đã tự viết hai lá thư gửi cho Interpol Mỹ và Đức đề nghị giúp đỡ và tìm kiếm con tôi. Hai quyển sách ông in ở Nga viết về con tôi với một tình cảm và niềm hy vọng mãnh liệt đã tiếp sức cho tôi rất nhiều. Quả thật, xung quanh tôi có rất nhiều người tốt, nhiều bạn bè tốt.
Họ là những người Nga hết sức bình thường, hàng ngày phải lo toan bát cơm manh áo, có thể ngày thường họ lạnh nhạt và thậm chí dửng dưng với tôi, nhưng trong những giờ phút cam go của cuộc đời, họ trở thành những người bạn, người đồng cảm rất đỗi chân thành. Nước Nga bây giờ không thiếu những kẻ hãnh tiến, phân biệt chủng tộc, ngồi trong những chiếc xe sang trọng, xài tiền như nước. Nước Nga mới cũng không thiếu những kẻ mất hết tính người, bàn tay sẵn sàng nhúng vào máu và tội ác. Nhưng các bạn hãy tin tôi, đó không phải là những đại diện của nước Nga, mà là cặn bã của nước Nga. Giữa thế kỷ 19, khi nhà thơ Levmontov nói rằng: "Vĩnh biệt nhé, nước Nga ô uế" thì có nghĩa là ông phỉ nhổ vào nước Nga của những kẻ quan liêu, tàn bạo và dơ bẩn, còn nước Nga đau khổ của nhân dân thì Nhà thơ luôn cúi mình tôn thờ. Thiên nhiên Nga, tính cách Nga chân chính đó là sự thuần khiết, nhân hậu và cao thượng. Không có cội nguồn tính cách ấy, làm sao nước Nga có thể sản sinh ra những Pushkin, Levmontov, Gogon, Tolstoi, Sekhov, Turghenhep và những bậc nhân văn vĩ đại của loài người. Và đó là lý do để giải thích vì sao, một nạn nhân của nước Nga như tôi lại có thể yêu nước Nga mãnh liệt và hết mình đến như vậy.
TS Nguyễn Huy Hòang 

1 nhận xét:

Kháng Chiến nói...

Người Nga là như thế.