Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Mikhail Gorbachev: Phản bội trên đỉnh Olympus

Có lẽ trong số các chính trị gia ở LB Nga hiện nay ít ai được báo chí phương Tây dành cho nhiều lời động viên như Mikhail Gorbachev, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên bang Xôviết. Và cũng ít có nhân vật nào bị ghẻ lạnh nhiều trong dư luận xã hội  như ông. Kể từ sau khi Liên bang Xô viết bị tan rã tháng 12-1991, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS), vị Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của siêu cường từng chiếm tới một phần sáu địa cầu Mikhail Gorbachev đã trở thành một  trong những biểu tượng bị ghét bỏ nhất ở đây. 

Nhiều người dân sống trong không gian Xô viết cũ cho tới hôm nay vẫn không thể tha thứ cho Gorbachev cái tội đã làm “tan đàn xẻ nghé” những nước cộng hòa đã từng chung vai làm nên không gian sinh tồn quen thuộc của họ. Bản thân Gorbachev cũng không thể hoàn toàn tai ngơ mắt lấp trước xu thế này. Trong một bài trả lời phỏng vấn cho đài Svoboda, ông đã phải cay đắng công nhận rằng, cùng với sự tan rã Liên bang Xô viết, nỗi đau của ông không chỉ là đánh mất quyền lực mà là mất cả nhân tâm. Mặc dù vẫn giữ cho mình ảo tưởng rằng, chính với công cuộc cải tổ mà ông đã mang lại tự do cho cho không gian SNG nhưng đối với nhiều người dân Xôviết cũ, cái gọi là tự do như thế chẳng có nghĩa gì khi tổ quốc của họ không còn như họ quen nữa… Những hệ lụy bi thương của sự kiện đó cho đến ngày hôm nay vẫn tiếp tục gieo họa cho không gian Xôviết cũ. Không ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng gọi sự tan rã Liên bang Xôviết là “một thảm họa địa chính trị khổng lồ”…
Chính vì ghét bỏ tới độ căm thù thủ phạm đã làm tan rã Liên bang Xô viết nên trong dư luận xã hội Nga thường xuyên xuất hiện những tin đồn về việc ông đã “bất ngờ qua đời” (lần gần đây nhất là vào trung tuần tháng 11-2015)… Tuy nhiên, Gorbachev vẫn chưa chịu thôi can dự vào đời sống chính trị quốc gia và thường xuyên đưa ra những lời khuyên không ai cần tới cho vấn đề thời sự trong nước và quốc tế…
Tìm hiểu về con người và con đường đi lên đỉnh Olypus chính trị của Gorbachev có thể sẽ giúp lý giải những nguyên nhân dẫn tới các diễn biến tiêu cực ở một bộ phận những người từng đi theo tư tưởng cộng sản nhưng rồi tha hóa dần và trở thành những kẻ phản bội.
Theo dòng chủ lưu 
Trong bản tự khai lý lịch dành cho một tạp chí, sau này, Mikhail Gorbachev đã viết: 
“Sinh ngày 2-3-1931 tại xóm Privolnoie, khu Stavropol, miền nam nước Nga. Tốt nghiệp khoa luật Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Mikhail Lomonosov (MGU). Có bằng kinh tế nông học tại chức, bảo vệ tại Trường Nông nghiệp Stavropol…
Chức vụ: Trưởng thành từ phụ lái xe công nông lên tới Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng thống Liên bang Xôviết…”
Tuổi thơ của cậu bé Misha trôi qua trong những điều kiện khó khăn chung của đất nước Xôviết. Năm lên ba tuổi,  vị tổng thống tương lai đã phải rời khỏi nhà cha mẹ tới ở với ông bà ngoại. Ông ngoại Panteley là chủ tịch nông trang Tháng Mười đỏ ở thôn quê, nằm cách Privolnoie 20 km, rất yêu cháu ngoại và cố gắng vun vén bù đắp cho cháu khỏi những thiếu hụt vì không được sống cùng cha mẹ. Tuy nhiên, việc phải ở xa nhà cha mẹ đã tạo một vết thương lòng không nhỏ ở cậu bé Misha vì với cậu, điều đó như một hành động phản bội từ phía họ… Khi Misha lớn lên một chút, ông ngoại đã bị bắt vì bị buộc tội “hoạt động phản cách mạng”. Đây là một cú sốc đầu đời đối với Gorbachev…
Nhìn lại các chặng đường hoạt động chính trị của Gorbachev, có thể thấy rõ một điều: bao giờ ông cũng là người trẻ nhất trong số các cán bộ đồng cấp. Khi còn học ở MGU, Gorbachev đã là  một trong những sinh viên trẻ nhất (bạn đồng môn của ông đa phần là các cựu chiến binh, trở về giảng đường đại học từ chiến trướng khói lửa nên đều đã đứng tuổi). Và ông cũng là chàng trai trẻ nhất được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô (KPSS): ở độ tuổi 21, khi mới chỉ học năm thứ hai. Gorbachev cũng từng là một trong những cán bộ đảng trẻ nhất trong Khu uỷ Stavrapol. Năm 1970, khi Gorbachev trở thành Bí thư Khu uỷ Stavrapol ở tuổi 34, ông cũng đã là một trong những người trẻ nhất giữa 200 cán bộ tỉnh uỷ, khu uỷ và nước cộng hòa ở Liên Xô cũ. Tới 40 tuổi, sau một năm ngồi ở ghế dự bị giống như tất cả mọi người, Gorbachev được đưa vào Ban chấp hàng Trung ương (BCHTW) KPSS. Một năm sau, ông trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị KPSS trẻ nhất thời đó; phần lớn các ủy viên BCT khác đều ở độ tuổi cha ông!
Tìm hiểu về con người và con đường đi lên đỉnh Olympus chính trị của Gorbachev có thể sẽ giúp lý giải những nguyên nhân dẫn tới các diễn biến tiêu cực ở một bộ phận những người từng đi theo tư tưởng cộng sản nhưng rồi tha hóa dần và trở thành những kẻ phản bội.
Được chế độ đào tạo chu đáo, lại có phong cách thủ lĩnh thanh niên, lúc nào cũng tỏ ra sôi nổi và nhiệt tình với công việc, Gorbachev ngay từ khi còn trẻ đã mau chóng được chuyển sang làm chuyên trách công tác Đoàn rồi công tác đảng ở khu Stavropol quê hương. Cần phải nói rằng, dấu ấn cán bộ Đoàn trong thời Xôviết vừa rèn luyện được cho Gorbachev cách hành xử linh hoạt vừa tạo cho ông ta thói quen về sau hay “khuyếch trương chiến quả”, nói nhiều và làm ít hơn hẳn, thậm chí nói một đàng làm một nẻo. Một trong những điểm yếu chí mạng của hệ thống Đoàn thanh niên lúc suy vi ở Liên Xô cũ là quá chạy theo hình thức và dung dưỡng trong đội ngũ mình những phần tử tuy ở những vị trí lãnh đạo nhưng lại “xanh vỏ, đỏ lòng”, dùng công tác thanh niên như phương thức tiến thân nhanh nhất, chứ không có sự giác ngộ cộng sản thực sự ở trong trái tim và trí tuệ. 
 Với tư cách đại diện cho “đội ngũ hậu bị tin cậy”, Gorbachev đã rất được các nhà lãnh đạo đàn anh, đặc biệt là nguyên Bí thư khu uỷ Stavropol ở đầu những năm 60 thế kỷ trước lúc đó là  Phiodor Kulakov (1918-1978) nâng đỡ. Kulakov, Anh hùng Lao động XHCN,  về sau lên giữ nhiều trọng trách trong bộ máy đảng ở trung ương và từ năm 1971, trở thành uỷ viên Bộ chính trị KPSS. Từ Moskva, Kulakov  luôn  hướng con mắt đầy thiện cảm của mình xuống  khu công tác cũ và tận dụng mọi cơ hội có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho vệc thăng tiến người cán bộ đàn em mà ông rất quý mến và tin cậy. Và thế là tới năm 1970, ở tuổi 39, Gorbachev đã được đưa vào cương vị bí thư khu uỷ Stavropol và trở thành UVTW KPSS. Đấy chính là thời điểm bước ngoặt trên con đường hoạn lộ của Gorbachev.
Stavropol là một trong những đơn vị hành chính trọng yếu của Liên Xô cũ, rộng bằng cả nước Bỉ, Thụy Sĩ và ba nước Luxemburg cộng lại và có mức đóng góp  to lớn vào tiềm lực kinh tế chung của quốc gia. Đây là nơi có nhiều nguồn khí thiên nhiên, dầu lửa, nhiều thủy điện lớn. Stavropol còn nơi vùng có nhiều nhà nghỉ nước khoáng nổi tiếng mà các nhà lãnh đạo liên bang thường thường là cao niên và hay đau ốm xuống chữa bệnh liên tục như Kislovodsk, Piatigorsk, Zhelenovodsk... Chính tại những nhà nghỉ này đã dần đã giúp Gorbachev, với cương vị vừa là “đàn em”  tận tụy vừa là “chủ nhà” hiếu khách thiết kế những mối quan hệ ngày một tin cậy hơn với thượng tầng chính khách liên bang. Chẳng bao lâu sau, Gorbachev đã trở nên thân thuộc với những “trụ cột quốc gia” như Mikhail Suslov, người phụ trách công tác tư tưởng và cán bộ, nhân vật có quyền lực thứ hai ở Liên Xô thời đó hay Yuri Andropov,  Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB)... Khi đi chữa bệnh, các nhà lãnh đạo quốc gia, vốn bận trăm công nghìn việc trong cơ chế ưu đãi đặc biệt ở Moskva, dường như trở nên cởi mở và bình dân hơn. Và họ hay tâm sự với gia đình vị bí thư khu uỷ trẻ trung, trí thức và niềm nở về những chuyện mà trước đó họ chưa nói với ai. Nhờ thế nên gia đình Gorbachev đã biết được rằng Yuri Andropov trông khắc khổ như thế, nhưng lại hay làm thơ và thuộc rất nhiều bài hát của dân Côdắc. Lúc rãnh rỗi, ông trùm an ninh Xôviết hay cất giọng hát với tâm trạng thực sự trữ tình. Còn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Aleksei Kosygin, trông bề ngoài có vẻ như chậm chạp và khô khan, thì lại rất mê nhảy những điệu tango và foxtrot sôi động và lẳng lơ. Có lần, Kosygin, nước mắt lưng tròng, tâm sự với Gorbachev về việc ông không thể không cùng ban lãnh đạo quốc gia đứng trên Lăng Lênin chào đón nhân dân lao động trong ngày lễ cách mạng tháng Mười nên phải rời khỏi người vợ đang ốm nặng ở nhà và bà đã ra đi vào cõi vĩnh hằng không có ông bên cạnh. Với Kosygin, đây là nỗi ân hận khó nguôi ngoai!
Vào những năm cuối thập niên thứ sáu và đầu thập niên thứ bảy của thế kỷ trước, Tổng bí thư KPSS Leonid Brezhnev vẫn đang trong giai đoạn phải tiếp tục vất vả tập hợp đội ngũ các cán bộ trung thành với mình. Cần phải nhớ rằng, Brezhnev lên được cương vị tối thượng trong điện Kremli tháng 10-1964 chính là nhờ sự nhất trí cao trong Đảng  về việc hạ bệ người tiền nhiệm là Nikita Khrushchev, lúc đó đã đánh mất vai trò tích cực của mình, trong những điều kiện rất không dễ dàng. Tham gia “tổ cốt cán” trong công việc này, ngoài Brezhnev còn có hai nhà lãnh đạo nổi tiếng khác là Nikolai Podgornyi và Aleksei Kosygin. Thế nhưng, khi đã trở thành người lãnh đạo tối cao rồi, vì những lý do dễ hiểu, Brezhnev lại muốn xoá đi vết tích của vụ “chính biến” cũ. Ông tìm cách đưa Podgornyi về hưu. Thế nhưng, với Kosygin, mọi sự lại phức tạp hơn. Là một nhà quản lý kinh tế rất có uy tín, lại đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Kosygin đã tạo được thế đứng vững vàng cho mình. Vô hình trung đã nẩy sinh ra một sự cạnh tranh có tác động rất mạnh tới toàn bộ bộ máy đảng và nhà nước giữa hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất là Brezhnev và Kosygin. Ở đâu thì cũng chỉ nên có một vị vua bao trùm thiên hạ!
   “Đừng vội vã” - đó là câu nói quen thuộc của Andropov với Gorbachev khi người bạn đồng nghiệp trẻ muốn sôi sùng sục đưa ra một sáng kiến chưa hợp thời điểm  nào đó. Xưa nay, chậm mà chắc vẫn hơn nhanh nhẩu đoảng! Gorbachev ở lứa tuổi sung sức của mình có vẻ như toát lên phong độ của tương lai vì biết khôn khéo giấu diếm điểm tận cùng triển khai tư duy của mình. Andropov đã tin vào sự biết  điều phải đạo đó, không ngờ rằng ngay từ khi trẻ Gorachev đã âm mưu đảo lộn chế độ.
 Vốn khôn ngoan, lại ở cương vị Tổng bí thư, Brezhnev đã tích cực thu phục nhân tâm của các bí thư tỉnh uỷ và khu uỷ ở khắp liên bang, đặc biệt nhằm vào những đối tượng được coi là trẻ như bí thư khu uỷ Stavropol. Với sự giới thiệu của “ông anh” Kulakov, Gorbachev mau chóng lọt vào “mắt xanh” của Tổng bí thư với tư cách một người chắc chắn sẽ tuyệt đối trung thành. Rồi Brezhnev đồng ý tiếp Gorbachev  tại trụ sở Ban chấp hành trung ương Đảng ở Quảng trường Cũ và với giọng nói đầy tin cậy, gần như thủ thỉ, ông đã thảo luận với vị bí thư khu uỷ trẻ về mọi vấn đề, từ chuyện kinh tế, cán bộ tới cả chính sách đối ngoại. Vừa nói, ông vừa quan sát, thăm dò người đối thoại với mình. Và ông cảm thấy hài lòng vì Gorbachev: một cán bộ ăn nói luôn có lý và lễ độ, tuy trẻ và nghe nói là có tài nhưng lại không tỏ ra hợm hĩnh, kiêu căng. Gorbachev biết cách đưa đẩy một cách đầy trí thức những câu chêm vào rất làm đẹp lòng lãnh đạo cấp trên. Sau buổi nói chuyện đó, Brezhnev đưa Gorbachev vào nhóm những uỷ viên trung ương, bí thư thứ nhất  tin cậy nhất tại các địa phương, luôn sẵn sàng tại các hội nghị trung ương “phản ứng nhanh” theo yêu cầu của Tổng bí thư để phê phán chính phủ do Kosygin đứng đầu và bằng cách đó củng cố thêm vị thế của Brezhnev (Về sau, Gorbachev cũng đã cùng Yegor Likhachev áp dụng “mô hình” tổ chức này, khi việc bầu ông làm Tổng bí thư phụ thuộc rất nhiều vào ý kiến của các uỷ viên trung ương trong đại hội). Và mặc dầu Gorbachev đã từ chối uống một hơi hết cả cốc rượu vodka to để “kỷ niệm” sự kiện này như những người khác nhưng bạn dồng liệu không ai nghi ngờ gì vị thế của bí thư khu uỷ Stavropol  khi nghe Gorbachev thuật lời những lời mà Brezhnev đã đích thân nói với ông ta.
Được nhà lãnh đạo quốc gia cao nhất sủng ái rồi, Gorbachev vẫn không quên củng cố các mối quan hệ hữu hảo với các nhân vật tai mắt khác ở Moskva. Ông ta đặc biệt lấy lòng Yuri Andropov, nhà chính trị gia  đàng hoàng và lão luyện cũng xuất thân từ những vị trí công tác ở Stavropol.  Bản thân ông Chủ tịch đầy quyền lực của KGB cũng cảm thấy thích vị bí thư tỉnh uỷ năng nổ, biết cách làm cho công việc sôi sùng sục lên hơn vốn nó có. Theo đà vị thế của Andropov gia tăng khi Brezhnev trở nên ngày một già yếu đi, Gorbachev cũng được cất nhắc dần lên từ vị trí một uỷ viên trung ương thường thường bậc trung thành thành viên của “thê đội đầu”. Chính vì thế nên khi Ủy viên BCT Kulakov, người bảo trợ vĩ đại của Gorbachev, bất thình lình qua đời trong phòng làm việc năm 1978, theo thông báo chính thức “vì một cơn đau tim” sau một vụ cơm không lành canh không ngọt trong gia đình , bí thư khu uỷ Stavropol đột ngột trở thành ứng cử viên số một vào chỗ trống vừa được giải phóng. Ngoài Gorbachev ra, lúc đó còn có hai ứng cử viên khác là bí thư khu uỷ Krasnodar và bí thư khu uỷ Poltava.
Nước cờ quyết định để tạo dựng tương lai cho Gorbachev là sự ủng hộ của Andropov. Vào thời điểm đó, Brezhnev, lúc này đã rất ốm yếu, chuẩn bị đi kinh lý bằng tầu hỏa xuống nước cộng hòa Azerbaizhan, nơi có “người bạn vàng” mà ông rất yêu quý là Gaidar Aliev đang làm Bí thư trung ương (con trai Gaidar Aliev là Ilham Aliev hiện là Tổng thống nước cộng hòa Azerbaizhan độc lập, nối nghiệp cha). Cùng đi có Konstantin Chernenko, người về sau cũng trở thành Tổng bí thư KPSS (trong giai đoạn từ tháng 4-1984 tới tháng 3-1985). Hành trình tới Baku có đi qua khu Stavropol. Do có chủ định trước nên Andropov cũng đã sắp xếp kế hoạch nghỉ dưỡng ở Stavropol đúng thời điểm đó. Khi đoàn tầu đặc biệt chở Tổng bí thư qua Stavropol, Andropov đã rủ bí thư khu uỷ Gorbachev cùng ra sân ga chào đón nhà lãnh đạo cao nhất quốc gia. Ngồi trong xe, ông dặn Gorbachev: “Cậu là chủ ở đây nên hãy nắm quyền chủ động trò chuyện”. Đấy đã là một cuộc gặp hi hữu vì trên sân ga Stavropol  tụ họp đủ bốn đời Tổng bí thư cuối cùng kế tiếp nhau của LB Xôviết cũ: Leonid Brzehnev, Yuri Andropov,  Konstantin Chernenko và Mikhail Gorbachev. Bí thư tỉnh uỷ Stavropol báo cáo với Tổng bí thư về công việc của khu do mình phụ trách. Brezhnev nghe với vẻ mệt mỏi  rồi bất ngờ quay sang hỏi Yuri Andropov: “Tôi nói thế được chứ?”  “Tốt mà, thưa đồng chí!” – Andropov trả lời nhanh. Gorbachev thoạt tiên không hiểu gì cả. Hóa ra là, lúc đó Brezhnev đang bị ốm nặng  nên nói hay bị líu lưỡi. Và ông sợ những người xung quanh không hiểu điều ông nói... 
Cuộc gặp mặt không mấy sâu sắc và ấn tượng nhưng thái độ có vẻ như lắng nghe Gorbachev nói của Brezhnev đã đủ để cho Andropov thuyết phục các ủy viên BCT khác rằng Tổng bí thư không có gì phản đối việc bí thư tỉnh uỷ Stavropol thay Kulakov làm bí thư trung ương đảng. Và hội nghị trung ương đã thông qua việc này rất chóng vánh.
Sau khi Gorbachev lên nhận cương vị mới ở Moskva, ông ta xin vào gặp Tổng bí thư để bàn về những hướng công tác chính. Brezhnev tiếp vị bí thư mới với vẻ bình thản. Và dường như không mấy quan tâm tới việc sự vụ, ông thốt lên với vẻ đau buồn: “Thật thương cho Kulakov!”
Chọn đúng “ông anh”
Thượng tầng chính trị Liên Xô cũ lúc đó có những đặc điểm khắc nghiệt của nó. Bên cạnh những ưu đãi vật chất hào phóng tới mức dư thừa, các cán bộ cao cấp lại phải rất thận trọng trong các mối quan hệ với nhau. Lắm khi các nhà lãnh đạo lại bị trở thành “con tin” của đội ngũ bảo vệ. Không ngẫu nhiên mà ngay cả các bí thư trung ương đảng cũng chỉ dám nói chuyện một cách cởi mở với nhau lúc đi dạo ở ngoài trời hay viết lên giấy chứ không nói ra lời khi ngồi trong phòng làm việc vì sợ bị nghe lén. Mâu thuẫn rõ rệt giữa Brezhnev với Kosygin đã làm phân hóa bộ máy lãnh đạo cấp cao. Các cán bộ Đảng cao cấp cũng phải rất giữ ý khi gặp nhau cá nhân. Lên Moskva không được bao lâu, Gorbachev rủ vợ tới thăm gia đình Andropov, coi đó như sự trả nghĩa tự nhiên. Thế nhưng, Anfdropov chẳng những từ chối tiếp vợ chồng ông ta mà còn dặn qua điện thoại: “Misha, từ nay trở đi, chúng ta nên hạn chế gặp gỡ trực tiếp để khỏi gây nên những hiểu lầm! Chỉ cần tôi đi sang nhà anh (hai người ở cạnh nhau trong khu nghỉ) là lập tức việc này được báo cáo lên trên ngay!” Là Chủ tịch KGB, Andropov biết quá rõ luật chơi. Chính vì thế nên ông không chỉ là người đồng hương  tốt bụng mà thực sự đã trở thành “ông thầy” hữu dụng dạy dỗ cho Gorbachev nhiều điều tinh tế trong cuộc sống trung ương. Chính ông đã đưa cho Gorbachev lời khuyên quý giá: hãy thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng hơn đối với sự cạnh tranh giữa Brezhnev với Kosygin, không thể tỏ ra “quan ba cũng ừ, quan tư cũng gật”. Hiểu ra điều này, Gorbachev đã có sự chọn lựa khôn ngoan. Mặc dù rất kính trọng Kosygin về những phẩm chất cá nhân của ông cũng như mối quan hệ tốt giữa hai người, được thiết lập tại Stavropol, Gorbachev hiểu: muốn thành công trên chính trường thì không thể hành động theo cảm tính; để đoàn tầu lao theo hướng đã định nhanh tới đích thì đôi khi cũng phải cán ai đó đã ngáng đường. Chính vì thế nên ông ta đã không ngại công khai giữa hội nghị Ban bí thư và Bộ chính trị phê phán Kosygin khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng không chịu chi thêm kinh phí cho lĩnh vực nông nghiệp. Vốn cả đời chuyên trách về công nghiệp, Kosygin cho rằng ý tưởng nâng cao hiệu quả của các nông trang bằng cách đưa vào thêm tiền nhà nước chỉ là trò “dã tràng xe cát”, tốn phí tài sản quốc gia. Còn Gorbachev lại đòi hỏi chi thêm kinh phí cho bộ máy Đảng phụ trách lĩnh vực này. Một lần, trước các uỷ viên BCT khác, khi nghe lời châm chọc thường lệ của Kosygin về các khoản kinh phí, Gorbachev đã gần như nổi nóng và táo tợn, không theo chức vụ, thốt lên đề nghị Kosygin thử tiến hành vụ thu hoạch lúa mì bằng các cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng thay vì các cơ quan Đảng. Thái độ có vẻ hỗn hào này khiến mọi người có mặt sửng sốt. Tuy nhiên, Gorbachev đã thực hiện một chiến thuật đúng vì Tổng bí thư ủng hộ ông ta trong việc bảo vệ các cơ quan của bộ máy Đảng. Brezhnev thốt lên: “Đồng chí Kosygin ạ, đồng chí không hiểu về vụ mùa bằng đồng chí Gorbachev đâu!”. Điểm số đã được ghi thêm cho cựu bí thư khu uỷ Stavropol.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử quốc gia Xôviết, Chủ tịch KGB Andropov “sủng ái” Gorbachev không hẳn chỉ vì hai  người là “đồng hương Stavropol” của nhau, cũng không phải vì Gorbachev từng đón tiếp nồng hậu ông tại khu nghỉ mát. Andropov từng giữ nhiều trọng trách ở Moskva và luôn luôn dược trọng thị tại các địa phương nên những cử chỉ tận tình không còn làm ông quá lưu tâm nữa. Còn thiếu gì những “trưởng giả” quê mùa luôn sẵn sàng làm theo ý ông mỗi lần ông xuống “lãnh địa” của họ! Andropov cần một điều gì đó khác thế và chân chính hơn thế. Thông qua những cuộc gặp gỡ cá nhân khi Gorbachev còn ở Stavropol và hai gia đình mặc nhiên kết thân với nhau trong những mối quan hệ bằng hữu, có thể hát cùng nhau và tâm sự thành thật cùng nhau, Andropov đã đánh giá cao vị bí thư khu uỷ này vì những phẩm chất cá nhân dường như mới mẻ của Gorbachev. Đã có lúc Andropov  nhìn thấy trong Gorbachev  đường nét của một trí thức xã hội chủ nghĩa mới mà ông muốn gây dựng nên. Khi còn trẻ, Gorbachev  có những sức hấp dẫn nhất định với Andropov, một người luôn phải hành động trong không khí khá căng cứng của nghề nghiệp, bởi cách tư duy tương đối khoáng đạt và có vẻ như chân thành. Như một nhà lãnh đạo quốc  gia chân chính, Andropov muốn tìm thấy một đội ngũ kế tục có sức bật mạnh mẽ hơn, biết thay đổi cơ chế theo đúng những đòi hỏi của thời đại, chứ không chỉ đơn thuần nhất nhất làm theo cách của người đi trước. Hiểu rõ những hạn chế của thế hệ mình, Andropov muốn gây dựng một không khí xã hội chủ nghĩa mới, vừa nghiêm ngắn về mặt kỷ luật vừa có những khoảng rộng đủ để cho những bay bổng trí tuệ. Không ngẫu nhiên mà Andropov đã truyền cho Gorbachev không chỉ một bí quyết hành xử hợp lý, biết kính trên và nhường dưới khi không thể làm gì khác thế, trên chính trường Xôviết. “Đừng vội vã” - đó là câu nói quen thuộc của Andropov với Gorbachev khi người bạn đồng nghiệp trẻ muốn sôi sùng sục đưa ra một sáng kiến chưa hợp thời điểm  nào đó. Xưa nay, chậm mà chắc vẫn hơn nhanh nhẩu đoảng! Gorbachev ở lứa tuổi sung sức của mình có vẻ như toát lên phong độ của tương lai vì biết khôn khéo giấu diếm điểm tận cùng triển khai tư duy của mình. Andropov đã tin vào sự biết  điều phải đạo đó, không ngờ rằng ngay từ khi trẻ Gorachev đã âm mưu đảo lộn chế độ.
Muốn nói gì thì nói, về sau, Vladimir Criuskov một trong những người kế nhiệm Andropov trên cương vị lãnh đạo KGB, đã  coi việc để lọt Gorbachev lên thượng tầng chính trị Xôviết như “một sơ suất” của cơ quan an ninh quốc gia…
 Thanh Dương – Ngọc Dũng
Nguồn: http://daidoanket.vn/chuyen-de/mikhail-gorbachev-phan-boi-tren-dinh-olympus/82117

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nếu không có Mikhail Gorbachev "phản bội", tương lai của Liên-Xô và cả phe XHCN sẽ như thế nào? Khủng hoảng chính trị có xảy ra không? Người ta nghĩ rằng nhiều khả năng đó lắm. Căn bệnh của Liên-Xô giống như căn bệnh tăng huyết áp mà mọi người đều thấy, đều biết, song không một ai dám chữa trị căn bệnh này. Điều tất yếu phải đến đó là biến chứng tai biến mạch máu não. Người khổng lồ đã bị tai biến mạch máu não - đáng tiếc thay! Thực chất của căn bệnh là sự trung thành tuyệt đối đến mức giáo điều, đến lỗi thời với chủ nghĩa Mác-Lênin trước một thế giới đang biến đổi như vũ bảo.
Người ta tự hỏi tại sao ĐCS Liên-Xô vững vàng, quân đội Liên-Xô hùng mạnh, nhân dân Liên-Xô giàu lòng yêu nước lại làm ngơ trước cuộc khủng hoảng chính trị long trời lở đất này? Câu hỏi tại sao ĐCS Trung Quốc lại thành công trong công cuộc đổi mới đất nước vẫn là câu hỏi còn mới mẻ với các lãnh đạo VN.