Sang Đức đã hơn 20 năm nay. Vợ chồng tôi kiếm sống bằng cách mở cửa hàng bán tạp hoá ("năng khiếu puôn pán” của hầu hết người VN tha phuơng) tại 1 khu dân cư ở Leipzig. Những năm đầu trẻ, khỏe thì tự làm hết, hùng hục như trâu. Giữa trời đông đầy tuyết, thức dậy từ 5g sáng, xách chổi xuống gạt tuyết đã phủ kín trên xe đêm qua, rồi ngửa cổ uống vội cốc trà gừng nóng vợ pha để nạp năng luợng rồi nổ máy, đánh xe ra đường cao tốc. Vừa đi vừa gặm bánh mì kẹp Bockwurtz, kịp phi tới chợ bán buôn ngọai ô, mua hàng. Vội “tranh cướp” chọn hàng tốt, rồi đóng bao tải, cửu vạn lên xe, chở về, sắp đặt hàng, bán… Không khác gì phu, nhưng mà có thu nhập. Sinh hoạt hàng ngày, tiền cho con đi học cũng từ đấy.
Thời gian trôi qua, tuổi càng cao, càng già thì sức khỏe càng giảm. Phải kiếm người phụ việc. Nói vậy, thuê người giúp việc ở Đức cũng là vấn đề. Thuê có hợp đồng thì chủ phải đóng thụế, đóng bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp… Tỉ thứ chi phí, cao không chịu nổi. (Ý là “tiền bỏ túi” giảm). Nguợc lại “thuê chui” thì giảm khối chi phí; tuy nhiên nếu bị nhà đuơng chức phát hiện thì… coi như toi. Và chúng tôi từng rơi vào truờng hợp… toi!
"Là lính có tính thuơng người", vợ chồng tôi thuê hẳn một em da vàng mũi tẹt (đi du lịch sang rồi “tuột xích” ở lại. (Thuê Tây tốn lắm!). Dĩ nhiên không kí hợp đồng hợp cháo gì sất. (Dân Cộng “ít tiếng” thì biết nói chuyện gì, với ai, khó lộ!). Làm đuợc 1 thời gian, em giúp đựoc khối việc. Hết bưng lô hàng này, giao tận nhà khách túi hàng kia… Nhà cửa thì đã có đồng huơng lo. Doanh số tăng đáng kể.
Nhưng, chả hiểu sao (hay có ai “xì”?) mà một lần, thanh tra thuế đến kiểm tra sổ lao động. Họ phát hiện ra tôi “thuê lao động chui”: “Firma của Ngài đã vi phạm Luật Lao động. Chúng tôi sẽ gửi giấy mời Ngài lên Sở làm việc”. Quả này chết, nghe đồn trong cộng đồng Việt có thể bị phạt đến vài nghìn Euro - vợ chồng tôi lo lắng.
Theo giấy gọi, tôi cùng cô con gái lên Sở Thuế. (Cháu vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ việc, nay “có việc” giúp bố). Mà cháu làm thông ngôn thì quá chuẩn rồi. Còn tôi (theo kịch bản dàn dựng với vợ) sẽ tỏ ra “rất nai”, không thông thạo tiếng Đức, chỉ cuời, lắc rồi “Ja... danke schoen…”. (Biết đâu đấy sẽ đuợc chiếu cố “vì dù kinh doanh nhưng chưa thông hiểu ngôn ngữ và luật pháp nuớc sở tại”!). Nghĩ bụng, người Việt ta chỉ đuợc cái khôn!!!
Sáng đó, bà thanh tra béo núc cầm giấy hẹn, đọc rồi mời bố con tôi ngồi vào bàn “Nehmen Sie Platz!”. Đeo mục kỉnh lên bà giở hồ sơ của doanh nghiệp rồi huyên thuyên, theo điều này điều nọ, ông đã cố tình làm trái pháp luật... mà trái tức là phạt.. mà phạt mức cao nhất có thể đến 108 nghìn, thấp nhất là 3600…
Nghĩ bụng, quả này chắc chết. Chả hiểu mình vào vai có giống kịch bản? Còn bà thanh tra nói lăng nhăng, lập biên bản rồi hí hoáy mổ cò trên máy tính. Lách cách, lách cách in ra rồi đưa cho tôi: “Mời ông đọc! Nếu nhất trí thì kí tên xuống dưới!”.
Tôi đọc từ đầu đến cuối, chậm rãi làm như không hiểu gì. Lắc đầu, nhún vai rồi đưa biên bản cho con gái. Đọc xong thấy cháu thản nhiên nói:
- Thưa bà, trong biên bản của bà viết có 3 lỗi chính tả. Nhưng, có 2 lỗi không bao giờ có thể được chấp nhận.
Bà nhăn trán, mặt tái dại, rồi đỏ dựng lên. Bà gằn giọng: “Cho tôi xin lại tờ biên bản!”. Nhận tờ giấy từ tay cháu, không thèm đọc, bà ta vò nát rồi thản nhiên vứt vào sọt rác. Tôi nghĩ bụng “Chết mẹ, quả này chắc ăn đủ. Đã làm sai, nó lập biên bản thì “lên lớp” dạy nó. Quả này mà phạt đến 108 nghìn thì có mà sạt nghiệp… Con ơi, giết bố rồi!”.
Bà ta bỏ ra ngoài 1 lát rồi quay về. Chắc sắp đọc quyết định đây? Phạt bao nhiêu? Đúng là chả cái dại nào giống cái dại nào!
Nhưng (lại nhưng!), chẳng hiểu ra làm sao bà ta xin lỗi rồi nói: “Ông bị phạt 3600 Euro về sự vi phạm… theo điều này…!”. Tôi có cảm giác hụt hẫng rỗi thăng hoa. Suớng quá! Thầm cảm ơn con gái.
Về nhà chỉ dám kể lại chuyện này cho vợ (sợ lộ mánh, rồi Sở Thuế biết mà truy thu thì bỏ mẹ!).
Cứ thắc mắc hoài, chả lẽ đó là bài học từ lòng tự trọng của dân Đức???
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét