Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: “Tính cách làm nên số phận” (ST: Thắng, Leipzig)

 Tập truyện ngắn Dị hương vừa nhận giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam đầu năm 2011. Và cho tới tận bây giờ, vẫn tiếp tục làm dậy sóng văn đàn, vốn lâu nay lững lờ, bình lặng. Có nhà phê bình đã nhận xét, “Dị hương là một dòng chảy lãng mạn đầy huyền bí được phóng đại lên quá chiều kích hiện thực thông thường”. Và những nhân vật ngồn ngộn sức quyến rũ tới ma mị trong cả chín truyện ngắn ấy, phần đa đều có những nét tính cách bạo liệt làm nên những đẩy đưa số phận khiến độc giả thực sự bất ngờ. “Gieo tính cách gặt số phận” – qua lăng kính của ngòi bút đầy cá tính chẳng thể trộn lẫn này được diễn giải vô cùng ngắn gọn “tính cách làm nên số phận”….

- Thưa nhà văn Sương Nguyệt Minh! Ông có thể giải thích rõ hơn khái niệm “tính cách làm nên số phận”… ?
Người ta hay nói “Gieo tính cách gặt số phận”. Theo quan niệm của tôi, gieo và gặt là cách diễn đạt mang tính biểu tượng văn chương, với hàm ý nhân quả, gieo gì gặt nấy. Đúng là trong thực tế, tính cách quyết định và làm nên số phận của mỗi cá thể.
Khổng Tử đã dạy “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Phàm là con người, ai sinh ra cũng thánh thiện, cũng trong veo như mặt nước hồ thu, sạch sẽ như tờ giấy trắng. Chỉ những bài học mà họ phải vất vả gom nhặt trên suốt chặng đường đời khó nhọc mới nhuộm hồng hoặc nhuộm đen dần trang giấy trắng tinh khôi ấy mà thôi.
Vậy sẽ lý giải thế nào với những trường hợp sinh ra dưới cùng một mái ấm, cùng thụ hưởng nề nếp giáo dục gia đình như nhau mà người anh trở thành một trí thức thành đạt còn cậu em đầu trộm đuôi cướp, sở hữu một bản thành tích vô cùng bất hảo? Rồi những gia đình mà anh em ruột thịt trở thành người thuộc hai chiến tuyến, rơi vào cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn? Tôi nghĩ, lý do chính nằm ở yếu tố thời đại. Mà cụ thể là môi trường văn hóa ở gia đình, trong trường học và ngoài trường đời. Ba “cuốn sách” đó sẽ cộng hưởng, nhào nặn con người để ra những nét tính cách khác nhau và từ đó có được những số phận, những con người thật khác xa nhau.
Nhưng mổ xẻ vấn đề thêm chút nữa, sẽ thấy những bài học giáo dục ấy vẫn chỉ thuộc về phạm trù khách quan, tác động từ bên ngoài. Điều quan trọng hơn nữa vẫn là nội lực chủ quan của từng cá nhân, cái thứ cốt lõi ấy được rèn luyện thành bản lĩnh sẽ giúp họ vượt lên hoàn cảnh, môi trường và cả số phận tưởng như đã định sẵn để đi tới tận cùng thành đạt.
- Nội lực đó hình thành nên từ hoàn cảnh “lửa thử vàng, gian nan thử sức”hay đã sẵn có trong mỗi con người từ lúc cha sinh mẹ đẻ, thưa ông?
Người ta hay dùng những cụm từ “ý chí mãnh liệt”, “tinh thần thép” hay “nghị lực phi thường” để lý giải về những cá nhân vượt lên và chiến thắng số phận. Và cũng vì thế mà ta thường có cảm giác ý chí, nghị lực đó chỉ xuất hiện khi con người rơi vào những hoàn cảnh đặc biệt mới xuất hiện, lại tưởng như gieo số phận gặt tính cách. Nhưng tôi nghĩ nội lực ấy đã tiềm ẩn trong họ từ khi mới sinh ra, như một yếu tố di truyền. Đường đời gập ghềnh, hiểm trở chỉ giống như một mảnh đất tốt hoặc xấu và hạt giống bằng sức mạnh nội sinh nảy mầm, rèn luyện thành bản lĩnh vươn lên sống vững chãi, nhưng nội sinh không đủ mạnh thì sẽ èo uột, chết yểu mà thôi.
- Nói tính cách làm nên số phận, vậy có thể lý giải ra sao về lá số tử vi ứng với mỗi vòng đời, trong đó giờ sinh – ngày sinh và chòm sao chiếu mệnh sẽ dẫn dắt mỗi số phận theo một ngã rẽ khác nhau?
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình, rằng “tính cách làm nên số phận”. Nhưng nếu con người không có số mệnh định sẵn thì tại sao những môn dự đoán học như Tử vi lại có thể dựa trên quy luật âm dương ngũ hành để dự báo tương đối chính xác những khúc quanh, ngã rẽ suốt một đời người? Bởi cho dù nhân loại có tới dăm bảy tỷ cá thể thì về cơ bản cũng chỉ xếp vào 12 loại người, ứng với 12 con giáp (Tí, Sửu, Dần, Mão…) hay 12 cung mệnh (Thiên Bình, Xử Nữ, Nhân Mã, Song Ngư….). Rồi từ một tá cá thể ấy, ngày giờ sinh khác nhau, tháng đẻ khác nhau, rồi mệnh – tuổi của bố mẹ, vợ chồng khác nhau chi phối thì sẽ có thêm nhiều phân nhánh khác nhau.
Rồi nếu cùng là nam (hoặc nữ), cùng ngày giờ sinh thì tính cách di truyền khác nhau, môi trường gia đình - xã hội - văn hóa được thụ hưởng khác nhau thì số phận lại tiếp tục có thêm nhiều biến thể nữa. Chúng giúp đa dạng hóa - để mỗi cá nhân trở thành “là một, là riêng, là duy nhất”. Tử vi không sai, nhưng tính cách – một lần nữa – vẫn tìm được con đường dẫn dắt số phận theo cách riêng của nó.
- Một ví dụ cụ thể, từ số phận của chính nhà văn Sương Nguyệt Minh chẳng hạn?
Bạn văn của ông nói rằng: Lá số tử vi của ông, cung “quan – lộc” có sao Hồng Loan - Đào Hoa, cung “mệnh” có cả sao Quốc Ấn, Tướng Quân. Cứ từ đó mà suy thì ông có số làm quan (lãnh đạo nhiều quân), thành đạt (có chứng chỉ của nhà vua), ở tuổi 21, ông đã đeo hàm chuẩn úy và là một trong số ít sĩ quan trẻ nhất toàn quân vào thời điểm năm 1978. Ra trường sĩ quan, ông đã không về đơn vị chỉ huy quân mà chấp nhận làm một anh trợ lý văn hóa văn nghệ bình thường. Rồi sau này đang giữ chức Trưởng Ban Văn Xuôi cơ hội quan chức văn nghệ đang chờ ông thì ông lại làm đơn xin nghỉ để chuyên tâm sáng tác.
- Giải thích thế nào về “Tính cách làm nên sống phận” đây thưa ông?
Người có sao Hồng Loan, Đào Hoa thì luôn có đời sống tinh thần tình cảm lãng mạn. Đã làm quan thì phải lý trí, quyết đoán và lạnh lùng; vậy thì lãng mạn, mơ mộng phỏng có làm quan được không? Vả lại, trong cung “mệnh” của tôi còn có sao Văn Xương. Giải nghĩa: “Có năng khiếu về văn chương, mỹ thuật, âm nhạc. Dễ xúc động, đa tình, đa cảm, dễ buồn…” Cái sao Văn Xương nầy nó quá mạnh đến mức chi phối làm lu mờ cả sao Quốc Ấn, Tướng Quân. Thưa chị! “Dễ xúc động, đa tình, đa cảm, dễ buồn,… thì có làm quan được không? Đấy là do sao mệnh chủ Xương - Khúc quá mạnh đã át đi những sao còn lại. Tính cách ấy làm nên con người tôi, vì vậy muốn hay không muốn giữa đám đông mình cứ “chòi” ra và bỏ hết, chỉ để theo nghiệp văn chương cũng là điều dễ hiểu. Trong các phẩm chất làm quan thì còn cần có sự nhã nhặn, mềm rẻo, trung dung, quyền biến. Liệu một người nóng tính, bộc trực, và cực đoan, yêu thương vô cùng nhưng khi đã ghét thì ghét vô tận như tôi phỏng có làm quan được không? “Tính cách làm nên số phận” nó là như thế đấy. Tôi không tiếc một điều gì, tôi vừa lòng với số phận của tôi.
- Trở lại những tác phẩm của nhà văn nam có bút danh phụ nữ Sương Nguyệt Minh. Độc giả yêu văn ông có thể nhận ra, đàn bà trong văn chương của ông – nhất là ở giai đoạn sau này có tính cách và số phận thật dữ dội, bạo liệt. Vận vào cái tứ “gieo tính cách gặt số phận” mà chúng ta đang thảo luận, ông có thể nói gì?
Nhân vật văn học của tôi đã từng nửa đùa nửa thật khi phát ngôn rất sốc rằng: “Đàn bà không có linh hồn!”, “Đàn bà là động vật cấp cao chưa hoàn thiện”. Trong các truyện ngắn Chuyến đi săn cuối cùng, Đồi con gái, Đàn bà… tôi đã từng vẽ nên những chân dung đàn bà kinh hoàng, mô tả sự bạc tình khủng khiếp của giống cái, tôi đã từng hoài nghi thói tráo trở khó lường của phụ nữ. Nạn nhân của những người phụ nữ ấy là những ông chồng, những người tình khù khờ, ngây thơ đến tội nghiệp. Nhiều người hỏi: “Chuyện của anh toàn đi ngược lại những nét đẹp truyền thống người phụ nữ Việt?” Tôi bảo: Thì rõ là những chuyện bạc tình ấy nó không nằm trong phạm trù đạo đức truyền thống phụ nữ Việt Nam rồi. Tôi muốn làm một việc là đưa thực trạng cuộc sống đau lòng ấy lên trang sách qua cái nhìn khách quan của nhà văn. Đàn ông yếu đuối lắm. Tôi muốn nói hộ nỗi ẩn ức, dày vò của họ - những người đàn ông hèn đớn, tội nghiệp... khi cái xã hội nam quyền đang dần dần yếm thế.”
Phụ nữ Việt đã qua rồi cái chân dung truyền thống cá thể gia đình, công dung ngôn hạnh. Bây giờ họ là con người xã hội đa tính cách, cực kỳ phức tạp trong thời đại công nghiệp mới. Họ vừa ngoan hiền, vừa nanh nọc. Họ vừa gần gũi vừa xa xăm. Họ vừa làm cho ta cáu giận, độc đoán quyết liệt lại vừa làm cho ta run rẩy, mềm lòng mà khuất phục. Họ vừa làm cho ta sung sướng mê ly, hạnh phúc vừa làm cho ta đau đớn, buốt giá. Họ vừa làm cho ta thông minh, tỉnh táo, vừa làm cho ta khù khờ, dại dột. Họ vừa là mẹ, là chị gái, là người tình, là vợ nhẫn nại, hy sinh theo chế độ phụ hệ, lại vừa là sếp, là cá thể bình đẳng sẵn sàng chia tay chồng, bỏ rơi người tình, xách vali ra khỏi nhà không một giây lưỡng lự. Họ vừa làm cái bếp quanh năm đỏ lửa, vừa làm căn nhà lạnh lẽo suốt bốn mùa không ấm nổi chiếc bàn ăn. Nói tóm lại là đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể cắt nghĩa, không thể hiểu được đàn bà.
Tôi đã đọc truyện ngắn của ông. Còn nhiều, rất nhiều những nhân vật đàn bà dị thường khác. Như những cô gái nửa người nửa ma trong Đồi con gái, dường như ông muốn nói đến một tình yêu bản năng trong kìm nén, bên là trung trinh gìn giữ, bên là sự ham muốn xác thịt, muốn vượt thoát, phá bung ra. Rồi người vợ kỳ lạ chấp nhận cưu mang cả cô gái trẻ vốn là người tình của chồng mình trong truyện ngắn Đàn bà. Trong lúc cô bé không có nơi trú ngụ thì người vợ lại nhân ái đến mức cho tình địch ở trong nhà mình làm người giúp việc. Đúng là “đàn bà dễ có mấy tay”, người đàn bà này rất cao tay, đáo để đã làm một việc có một không hai là biến người tình của chồng thành ô sin hầu hạ gia đình mình. Ghen như thế, đến Hoạn Thư cũng phải ngả mũ bái phục. Kỳ lạ thế, dị thường thế nhưng đọc thật kỹ, tôi cũng nhận ra từ tính cách đến số phận luôn là cả một quá trình logic.
- Tính cách ấy thì số phận phải thế, không thể khác?
Vâng! Chị nói đúng. Trong sáng tác, tôi thường đẩy sự việc, cảm xúc tới tận cùng, nói vui là để người đi sau khi động vào những địa hạt ấy không còn gì để viết nữa. Chính vì thế, nhân vật của tôi luôn có tính cách mạnh, họ rất gai góc, dữ dội và từ đó, hình thành nên những số phận bất hạnh. Như nhân vật công chúa Ngọc Bình trong truyện ngắn Dị hương đang gây những phản ứng trái chiều trong dư luận chẳng hạn. Tôi xây dựng nhân vật văn học Công chúa Ngọc Bình ngay từ khi còn nhỏ, cá tính mạnh mẽ, quyết liệt đã khiến nàng xác định, trong đời chỉ có hai người đàn ông xứng được nàng nâng khăn sửa túi: người anh hùng Nguyễn Huệ áo vải đất Tây Sơn hoặc bậc kỳ nhân Nguyễn Ánh. Quang Trung đã trở thành anh rể khi kết duyên cùng công chúa Ngọc Hân, còn Nguyễn Ánh thì đang còn bôn tẩu lang bạt ở nơi cùng trời cuối đất phía Nam, nàng đành lòng chọn vị vua nhỏ tuổi Quang Toản. Rồi Quang Toản chết, sau đó Nguyễn Ánh lấy lại Phú Xuân – người đẹp ngay lập tức thuận theo khát vọng của đời mình lấy bậc kỳ tài ấy, không gợn chút băn khoăn “tam tòng” mà lễ giáo phong kiến quy định. Dị hương vừa đài các vừa phảng phất quyến rũ để nói về cái chính thống đẹp mê hồn của Công chúa Ngọc Bình. Tính cách ấy đã làm nên số phận kỳ lạ ấy, như câu ca dân gian “gái đâu có gái lạ lùng/ con vua lại lấy hai chồng làm vua”.
- Xin cảm ơn ông về cuộc chuyện trò thú vị này.
Tôi nhớ đã đọc đâu đó một câu nói của John McCain và Mark Salter: “Chúng ta không sinh ra để trở thành thế này hay thế khác, bất lực trôi theo dòng đời do một bàn tay vô hình vẽ trước, mặc cho vị trí huyền bí của các ngôi sao kéo theo một hướng nào đó, phó mặc hạnh phúc cho thứ này và bất hạnh cho thứ khác quyết định...Chính là tính cách của chúng ta, và chỉ có tính cách của ta, sẽ biến cuộc sống thành hạnh phúc hay bất hạnh... Mọi người có thể khuyến khích ta chọn đúng hay ngăn cản ta. NHƯNG TA LÀ NGƯỜI LỰA CHỌN”. Xin được dùng nó làm cái kết, chỉ để khẳng định một lần nữa quan điểm của tác giả của Dị Hương, “tính cách tạo nên số phận”.

Không có nhận xét nào: