Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Về bạn Trần Bắc Hải (ST: Thế Thịnh)

Hồi trang web KGU (Đại học Tổng hợp Kirshinjev - BT5) chưa mở, email của tôi có hôm đến hàng chục cái email từ những người mà tôi chưa từng quen biết, hoặc chỉ mới biết qua mạng, đó là các anh chị cùng trường, có những người học trên tôi đến cả 20 khóa. Nhiều lúc rảnh, tôi cũng tò mò lắng nghe cái chợ ảo ấy bàn đủ thứ chuyện, rất sôi nổi, chủ yếu về chuyện thầy xưa bạn cũ. Giữa cái chợ ồn ào ấy, tôi bỗng để ý thấy có một món hàng độc. Một bài hát, bài “Hải đội Hoàng Sa”, kèm theo cái “cover email” rất khiêm nhường, đại ý xin lượng thứ nếu ai đó thấy lạc đề. Còn ai quan tâm đến Hoàng Sa, nếu thấy hay thì xin bỏ phiếu ủng hộ, và tác giả sẽ vô cùng biết ơn nếu con cháu của người KGU sau này cũng biết về Hoàng Sa…


Tôi đã biết đến cái tên TBH từ cái email ấy. Dạo ấy, các phương tiện truyền thông chính thống đều ít nói đến Trường Sa. Hoàng Sa thì lại càng hiếm hoi, hầu như chỉ thấy trên các blog cá nhân, có lẽ vì thế mà tôi thấy phản ứng của mọi người sau khi nhận cái email ấy không nhiều, đa số là dè dặt. Tò mò, tôi vào mạng và tìm ra khá nhiều kết quả về tác giả bài hát này. Qua mạng, tôi biết anh là từ “trường Trỗi”, đã từng là đại úy quân y, hiện đang sống và làm việc ở Adelaide, Úc. Trên mạng, bạn bè hay gọi anh là Bachai. Tôi còn nhớ tôi đã gửi email hỏi các anh chị: tại sao lại gọi là Bachai, có nghĩa là …”ba chai chưa say” phải không? Tôi có cảm giác sau khi đọc cái email ấy, mọi người đều bò lăn ra cười. Sau đó tôi nhận được một lời giải thích rất đầy đủ từ một anh đồng khóa với Bachai. Hóa ra là một cách chơi chữ, rất duyên dáng và thông minh, và anh “chết  tên” là Bachai, không những ngoài đời mà còn trên mạng, không tin mọi người cứ lên mạng gõ thử từ “Bachai” xem nhé! Còn tôi, cũng xin phép trong bài này tôi được gọi anh như thế .


Ngẫm về đời mình, tôi có nhiều nỗi tiếc nuối, trong đó có nỗi tiếc nuối là sao mình không biết lấy nửa nốt nhạc. Không biết nhạc cũng “tủi” lắm. Tôi nhớ hồi tôi mới vào Quảng Ngãi,  hôm hội diễn văn nghệ của trường, tôi cũng bị nhét vào dàn đồng ca của lớp (hihi). Sau một buổi tập, tôi bị loại thẳng thừng, vì tôi chẳng biết nhạc dạo đến chỗ nào thì mình bắt đầu “vào”. Còn mới đây, lũ bạn tôi bàn chuyện thời sự, chúng nói đến anh “Si Thứ” hôm nay chắc đang chuẩn bị vi hành bằng xe buýt, tôi ngơ ngác hỏi “Si Thứ” là ai khiến cả lũ cười ầm. Tôi ấm ức, “La Thăng” thì cứ nói là “La Thăng”, còn vẽ chuyện “Si Thứ” để bịp kẻ dốt nhạc!  Điểm lại, tôi không có bất cứ bạn bè, người quen nào là nghệ sĩ, có lẽ vì tôi thấy cuộc sống của họ quá xa lạ đối với tôi, xung quanh họ có một thứ hào quang  lấp lánh, hào nhoáng và cả phù phiếm nữa.  Chính vì thế, tôi đã có chút ngạc nhiên thú vị, khi lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông với mái tóc hoa râm, gầy gò, ăn mặc xuề xòa,  bước nhanh nhẹn ra khỏi xe taxi để đến chỗ hẹn ăn trưa với mấy anh chị em KGU Sài Gòn với nụ cười rộng mở. Hóa ra, anh không có vẻ ngoài “nghệ sĩ” như tôi tưởng, trái lại rất bình dị, thân thiện. Tiếc là lần ấy, tôi không có cơ hội được nói chuyện nhiều với anh.


Lần này, anh về lâu hơn. Anh nhắn tôi rủ Phước bạn tôi tới nhà anh chơi, anh muốn gặp Phước.


Lại nói về Phước, thằng bạn thời cấp 3 của tôi. Tiếng là bạn học, nhưng chỉ mới đây tôi mới “chơi lại” với nó. Nó là tác giả của bài thơ “Búi tỏi Lý Sơn” mà tôi đã có lần giới thiệu trên web KGU, là người nặng lòng với Lý Sơn, với Quảng Ngãi, nên tôi có giới thiệu Phước với anh Ba Chai. Nhưng nguồn cơn cái sự Phước và anh Ba Chai “thân” nhau là từ bài thơ Phước viết về một lần gặp lại bạn bè xưa:


“…Ba mươi năm,


Trong góc tối, tao thu mình rất khẽ


Chợt vỡ òa, ngày rất trẻ đầu xanh...





Ở nơi đó,


tao đã từng lỗi hẹn,


Nợ tình em  ngày hôn lén bờ môi ....


Nay trở lại bâng khuâng chiều chửa tối


Giữa quê mình lạc lối chạy loanh quanh...."





Cái tứ “lạc lối chạy loanh quanh” ấy đã thu hút sự chú ý của anh Bachai, anh đã phổ nhạc cho bài thơ này. Sau đó ba anh em trao đổi qua một loạt email để góp ý, hoàn thiện bài hát. Tiếc là cho đến nay, bài hát “Lạc lối loanh quanh”, nhạc TBH- lời Nguyễn Đức Phước vẫn còn nằm trong danh sách chờ phối khí.


Hôm đó mãi 7 h tối  mới vãn việc, tôi và Phước  bắt taxi tới nhà anh Bachai ở Phú Mỹ Hưng. Sau một hồi lò mò hỏi đường, chúng tôi đến gần sát một chung cư xinh đẹp, tôi và Phước nhận ra anh Bachai đang bồn chồn chờ khách ở phía dưới sảnh. Bên cạnh anh là một cụ bà nhanh nhẹn, trẻ hơn nhiều so với tuổi ngoài 80 của mình và chắc chắn đã trải qua một thời xuân sắc. Anh giới thiệu: Mẹ anh đấy, nghe nói có khách là thích lắm, cứ đòi xuống tận nơi đón khách! Bố anh, cựu chuẩn đô đốc Hải Quân Việt Nam Trần Văn Giang là một cụ già rất phúc hậu, còn khỏe và minh mẫn, dù tuổi đã gần 90. Hai cụ đon đả mời tôi và Phước ăn cơm, thậm chí còn xới cơm ra chén, nhưng tôi và Phước đều xin cáo lỗi. Anh Bachai lôi từ kệ rượu của gia đình ra một chai rượu vang Úc, rót ra ly mời hai cụ, giọng người đàn ông đã qua tuổi tri thiên mệnh ấy trở nên hết sức ân cần, lễ phép và dịu dàng.  Hai cụ chỉ nhấp môi rồi rút, nhường chỗ cho ba anh em vừa nhâm nhi, vừa nói chuyện.  Tôi hỏi thăm anh Bachai là bao giờ “nội tướng” của anh về. Anh bảo: “- Đến 30 chị mới về, anh đang mong từng ngày đây”! Chợt thấy tôi và Phước tủm tỉm cười tinh quái, anh gãi tai: “- Ừ thì cứ cho là mình đang enjoy những ngày “tự do”, không có vợ kèm bên cạnh vậy!” Tất cả cười vui, thấy anh Bachai trở nên gần gũi hơn. Ngại ồn ào làm phiền hai cụ, anh rủ tôi và Phước lên sân thượng nói chuyện tiếp.  Mấy anh em cầm theo chai rượu uống dở, mấy cái ly.


Sân thượng của chung cư yên tĩnh, rất mát mẻ.Phước và anh Bachai kể về những chuyến đi Lý Sơn, chuyện đã gặp những người dân ở đảo, nơi cuộc sống đầy khó khăn, khắc nghiệt với sóng gió và cát trắng. Chuyện Lý Sơn mất mỗi năm bao nhiêu hecta đất vì bị biển xâm thực, về những người dân chài thật thà, yêu biển như máu thịt. Hàng năm, Lý Sơn vẫn tổ chức lễ  “Khao lề thế lính”, một ngày lễ truyền thống của đảo từ hàng trăm năm nay, khi cả làng làm lễ tiễn đưa những người lính vâng mệnh triều đình đi Hoàng Sa gìn giữ bờ cõi. Những chuyến đi xa kéo dài vài tháng, vài năm và có khi không có ngày về. Những người lính ra ra đi như những người lính cảm tử, được cả làng nước tế sống. Sắp tới, lễ Khao lề thế lính năm nay sẽ vào ngày 24/2 Âm Lịch, Phước rủ anh Bachai đi Lý Sơn dự lễ nhưng tiếc là anh không đi được, vì mới xin nghỉ dịp Tết này để về Việt Nam. Vốn sinh ra ở Lý Sơn, Phước bảo còn nợ Lý Sơn nhiều lắm, dù đã từng vài chục năm “lưu lạc” ở Mỹ, cuối cùng lại trở về Việt nam. Còn anh Bachai, một người Việt đang sống ở Úc cũng có một nỗi niềm chung với Phước, muốn được chia sẻ. Họ nói với nhau về những kế hoạch, những chương trình đang thu hút sự tham gia của rất nhiều người, giúp ngư dân bám biển, giúp gia đình chiến sĩ, chương trình “góp đá xây Trường Sa”. Có lúc, anh Bachai đầy nỗi ưu tư khi nghe giọng Phước chùng hẳn xuống, thoáng chút buồn:- Nhiều lúc cũng nản lắm anh ơi, vất vả mấy cũng chịu được, nhưng khi người ta nhìn mình bằng một cái nhìn… khó nói lắm, Phước phẩy tay.


 


Câu chuyện lại về những bài hát về người lính, về biển đảo. Chợt nhớ ra điều gì, anh Bachai chạy xuống nhà và trở lại với cây đàn ghi ta, đi cùng anh là cháu gái, con của cô em út, cháu cũng học ở Úc về, hiện đang làm cho một trong “big  four” về kiểm toán. Anh ngồi xuống bên thềm, thử dây đàn và cất giọng trầm, ấm. Cháu gái nũng nịu bảo bác hát tặng bài “Sài gòn nơi góc phố”, “Mì gõ”… những bài hát đậm chất Sài Gòn của anh Bachai. Rồi anh hát một bài hát mà anh bảo chỉ hát tặng bạn bè, bài gì tôi quên mất, chỉ nhớ có điệp khúc da diết về một “con cá ngược dòng, con cá anh hùng”. Khi các bài hát chuyển chủ đề, cháu gái xin phép đi chơi với bạn, chỉ còn tôi và Phước làm khán giả. Chúng tôi chăm chú lắng nghe. Dường như khi cầm đàn và hát, anh quên hết mọi chuyện xung quanh, anh đang thực sự thả hồn mình với từng nốt nhạc.  Thú thật, khi lần đầu tiên gặp Bachai, tôi không nghĩ đó là tác giả của những bài hát rất trữ tình như “Anh về thăm hội quê em”, “Trăng sáng mắt đen”, “Chuyện tình không tên”, “A còng”…., những bài hát về tình yêu người lính, tình yêu thời chiến, về biển đảo.  Không hiểu sao, tôi lại nhớ tới Vưxoski, khi ngồi nghe anh Bachai đàn và hát trên sân thượng vào một ngày cuối năm, bên cạnh là cái chai rượu đã cạn và mấy cái ly không…


X x


X


Mấy hôm sau, tôi lại có dịp gặp anh Bachai, anh có việc đi qua chỗ tôi làm việc nên tiện thể rẽ vào, hai anh em uống cà phê ngay dưới tầng trệt tòa nhà. Đó là chỗ yêu thích của tôi, dành để tiếp bạn bè, người quen và cả khách hàng.  Chúng tôi chọn cái bàn sát bên cửa kính nhìn ra ngoài đường náo nhiệt, hai ly café đen không đường, không đá. Tôi hỏi về tác giả Nguyễn Hồng Sơn, người được giải A trong một cuộc thi các ca khúc về biển đảo mà tình cờ tôi nhìn thấy cái bằng chứng nhận ấy trong phòng khách nhà anh ở Phú Mỹ Hưng. Hóa ra đại tá- bác sỹ - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn, tác giả bài hát “Phút lặng im trên biển” lại là em rể của anh. Anh bỗng hoạt bát hẳn, ngón tay nhịp nhịp xuống bàn nhẩm theo giai điệu của bài hát. Anh bảo bài này thành công có lẽ do cái tứ của bài khá lạ, và chính là sự kết hợp giữa ca từ và nhạc điệu đã tạo nên một hiệu ứng cảm động:


“Vị tướng lặng người, mắt lệ nhòa run run đôi vai


Cả con tàu ngàn tấn thép như muốn nghiêng cùng ông


Về nơi ấy thăm thẳm đáy sâu kia


Như có tiếng thét gào nghẹn ngào bóp chặt trái tim ông


ở nơi ấy có bao người, có bao người đồng đội của ông…”


Có phải chăng, đó chính là hình ảnh vị tướng già, mang tên “sông”, muốn truyền lại cho con cháu khát vọng biển rộng sông dài, nên đã đặt tên cho các con trai của mình là Hải, là Dương…  


 Rồi anh kể cho tôi nghe “hoàn cảnh” mà anh viết bài hát “giàn mồng tơi nhà giàn” là dựa vào câu chuyện tình yêu đầy cảm động của một người chiến sĩ trên nhà giàn DK1 giữa biển khơi trập trùng sóng vỗ. Nhà giàn sau hơn 20 năm vẫn tồn tại, hiên ngang , và những ngọn mồng tơi vẫn cứ biếc xanh:


Ở nhà giàn có giàn mồng tơi


gió cuồng phong không làm ướt lá


bởi lính nhà giàn có màu phép lạ


che nắng mưa bằng trái tim mình…


 





Anh kể cho tôi nghe về chiến dịch CQ88 bảo vệ biển đảo, về những người lính công binh Hải Quân, trong  tay không có vũ khí, có vũ khí cũng được lệnh không được dùng để tự vệ. Anh dự định sẽ viết một bài hát về họ, bởi sự hy sinh của họ thật lớn lao mà âm thầm, mấy ai biết đến.  Anh ưu tư: “- Nếu thế hệ mình mà còn không biết, biết đời sau còn nhớ đến họ hay không?” Tôi góp lời, như một sự an ủi: “-Mấy hôm trước, em thấy ở mấy phố lớn có băng rôn tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, ghi rõ “Hoàng Sa- Trường Sa”. Còn những phong trào như góp đá xây Trường Sa cũng bắt đầu thu hút được sự quan tâm rộng rãi của mọi người, nhất là lớp trẻ. Không phải mọi điều đều rơi vào im lặng…”. “Ừ, mình cũng chỉ mong góp được một hòn đá nhỏ. Bây giờ chính cái tụi thanh niên lại hăng hái nhất! Thôi, cũng mong là sau này không gặp cảnh “cha làm thầy đồ, còn đốt sách”, anh chia sẻ.


Chợt anh hào hứng: “- Cậu có biết năm vừa rồi tớ viết bao nhiêu bài không? 58 bài, nhưng chỉ mới phối khí xong có mấy bài, còn lại đang xếp hàng chỗ nhạc sỹ Quỳnh Hợp và một số nhạc sĩ khác nữa! Cậu biết không, phối khí quan trọng vô cùng, nó gần như quyết định sự thành bại của một bài hát, hiểu không?” Tất nhiên là tôi không hiểu, vì tôi chẳng biết gì về nhạc, nhưng tôi ngạc nhiên: “- Anh viết nhiều thế thì lấy thời gian đâu mà làm việc, mà lo cho gia đình?” Anh cười ngượng nghịu: - Thì cũng chịu vậy thôi, công việc thì vẫn phải làm, mọi thứ vẫn phải lo, nhưng đam mê thì không bỏ được! Tôi chép miệng: “- Anh nhiều đam mê thế, nghệ sỹ thế thì chắc chị ấy phải lo hết mọi chuyện trong nhà rồi!”. Anh gãi tai: “- Thì chị ấy lo hết ấy chứ tớ có làm được gì đâu! Nhưng mà cậu biết không, chị ấy cũng có niềm đam mê mà tớ không có, chị ấy mê làm vườn lắm, suốt ngày có thể ở ngoài vườn được! Dường như với chị ấy, cái cây, bông hoa cũng có hồn…”.


Câu chuyện lại chuyển sang chuyện đọc sách. Anh bảo: “ – Không biết tớ dạo này có “sến” không, khi chỉ thích đọc mấy quyển sách viết nhẹ nhàng, dễ hiểu như của Nguyễn Nhật Ánh”. Nghe đến chữ “sến” từ một người như anh, tôi không nín được cười và bảo anh: “- Bác không “sến” khi đọc Nguyễn Nhật Ánh đâu, , mà chỉ rất lãng mạn thôi, vì Nguyễn Nhật Ánh có yếu tố thực và huyền ảo (magic) trong tác phẩm của mình, bác đọc “cô gái đến từ hôm qua”, “đảo mộng mơ” hay “tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… sẽ thấy”. Dường như anh đồng ý với tôi nên cũng gục gặc đầu.


Chuông điện thoại của anh reo, tôi ý tứ bước ra phía ngoài để anh nói chuyện. Ít phút sau tôi quay lại, anh đang ngồi chống tay vào cằm, mắt nhìn mông lung ra phía ngoài cửa sổ, ánh sáng phía bên ngoài chiếu vào mặt anh tạo những đường nét gồ ghề sáng tối. Ly cà phê trước mặt thì đã cạn từ bao giờ.


 


Anh có việc phải đi, còn tôi cũng phải tiếp tục làm việc nên chúng tôi chào nhau, hẹn gặp hôm khác. Lúc chia tay, anh nói: “- Tớ sẽ viết rock, tớ chưa viết rock bao giờ cả!” Rồi anh xốc cái túi xách theo người, đội cái mũ bảo hiểm lên đầu, cài quai cẩn thận và chào tôi. Tôi bật cười: “ - Cụ khốt ơi, lần sau đi xe ôm là không phải mang theo mũ bảo hiểm, họ có trang bị sẵn cho khách rồi!” “Thế à?”. Anh lại cười, vẫn nụ cười hiền lành pha vẻ bối rối.


Anh rảo bước về hướng Đồng Khởi, dáng đi chúi về phía trước, cái dáng mà các cụ vẫn bảo tất bật, vất vả. Tôi nhìn theo anh và bỗng chợt nhớ đến câu thơ của một nhà thơ Xô Viết nào đó:- Không có ai đơn độc trên đời!
























Người post: VanNH


Ngày đăng: 08-01-2012 21:09

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thịnh "cồ" email cho BT5 bài này, hỏi thử xem có đăng được không? Quá được, bạn mình mà!
Cảm ơn Thịnh!
BT5

Nặc danh nói...

Thịnh là dân KGU cùng BaChai mà.

tranbachai nói...

2 tuần nay Bắc tiến không có máy tính chả biết là các bác đang nhắc đến iem. Trưa nay đánh lẻ với Nhất Trung, Tăng Lực ở nhà KQ mới hay.

Hẹn gặp các bác trưa mai tại gốc Cây Sứ, cạnh Bảo tàng QK7. Bác nào cần chỉ đường xin kêu bác Lảnh Tu Khi.