Ngày ấy bạn ở đâu? làm gì? Cùng kể nhau nghe!
Lê Chí Hòa, Hoàng Sơn k3 và tác giả trước hệ thống anten của đài Tropo Sơn Trà. |
... Trưa 30/4/1975, sau chuyến vượt đèo Hải Vân, con đèo dài nhất VN, chiếc Zil "khơ" do tài Thắng điều khiển chở chúng tôi dừng trước cổng Sân bay quân sự Đà Nẵng. Đà Nẵng vừa được giải phóng từ mấy ngày trước, chế độ Quân quản áp dụng, cổng hạ barie kiểm soát mọi xe ra vào.
Đoàn Khai thác hệ thống viễn thông của Mỹ-ngụ do thượng úy Lê Khôi (Chủ nhiệm bộ môn Hữu tuyến, Đại học KTQS) dẫn đầu, chờ làm thủ tục vào sân bay, nơi có đại bản doanh của Bộ chỉ huy Quân quản Đà Nẵng.
Lính ta (trái qua): Trần Kiến Quốc, Đỗ Ngọc Khôi, Hoàng Sơn, Phạm Văn Kỉnh, Lê Chí Hòa. |
Lập tức ai đó hét lên: "Sài Gòn giải phóng rồi! Sài Gòn giải phóng rồi!". Trên xe thầy trò sung sướng nhảy cẫng lên, mũ cối tung lên trời, rồi anh em nhảy cả xuống đất, gào: "Thống nhất rồi! Thống nhất rồi!". Lính quân cảnh bỏ cả chốt gác, chạy ra reo hò. Chả cần có quen biết hay không, mọi người ôm lấy nhau.
Cả đoàn xúm lấy thầy Ngô Hai và anh Kỉnh chúc mừng. Hai người con Nam bộ tập kết ra Bắc, nước mắt lưng tròng. Đã 20 năm xa quê hương, gia đình, nay sắp được về gặp má.
Đâu đây nghe từng loạt AK bắn lên trời, có cả tiếng nổ lớn của lựu pháo hay mọt chê.
Rồi từng đoàn người tay cầm cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng, phi xe Honda ra trung tâm Tp.
Thật không ai có thể hiểu hết niềm hạnh phúc, sung sướng của những người lính trong giờ phút chiến thắng! Để có được cái giây phút này thì ai còn, ai mất? Bạn bè, người thân của chúng ta ra sao? Ở Hà Nội, Vĩnh Yên, mẹ và anh em, bạn bè đón nhận giờ phút này thế nào?... Bao nhiêu câu hỏi.
Chờ lệnh của Bộ chỉ huy Quân quản, đoàn tá túc tại 1 trại lính ở Hòa Cường ít bữa. Sau đó, chúng tôi lên đài Tropo Sơn Trà. Xe chạy gần đến Quân cảng Đà Nẵng thấy trên mặt đường la liệt quần áo lính, ba lô, va ly, súng ống vứt bừa bãi. Hình ảnh còn lại của chuyến di tản. Binh lính, gia đình và cả bà con đã cố chạy ra Sơn Trà, xuống tầu để vào Sài Gòn.
Chiếc Zin "khơ" ì ạch leo đèo. Rừng Sơn Trà xanh rì, được giữ gìn cẩn thận vì đây là khu vực quân sự. Sáng vừa có trận mưa rào, không khí mát lành. Ngạc nhiên khi thấy từng đàn khỉ dắt díu nhau chạy xuống đường. Khỉ con bám khỉ mẹ, kêu chí chóe. Thấy xe ì ì chạy qua cũng chẳng sợ. Chắc chúng quen rồi vì trước đây mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở dầu ngược đỉnh, cung cấp cho đài Tropo, đài dẫn đường không lưu và đài truyền hình. Vì nhiều khỉ mà Mỹ đặt tên cho Sơn Trà trên bản đồ quân sự là Monkey-Mountain (núi Khỉ).
Từ dưới Đà Nẵng đã nhìn thấy những anten Tropo như những cánh buồm no gió, đặt ngang sườn núi. Nay lên đến đài, thấy 6 anten to tổ bố, lừng lững ngay trước mặt. Dưới chân anten là khối nhà máy móc, nhà ở, nhà ăn...
Bắt đầu những ngày làm việc với hệ thống thông tin viễn thông rất mới mẻ so với những kiến thức đã học trong đầu.
8 nhận xét:
Năm 2007, 08 trở lại Đà Nẵng, tôi có phi Honda lên thăm đài. Giờ chỉ còn 2 tấm parabol (trước họ đã dỡ 4tấm đi bán sắt vụn). Còn lại 1 ngôi nhà cấp 4 xây mới do 1 sĩ quan thông tin cùng 1 chú lính trực giữ đất. Những ngôi nhà thời Mỹ dùng làm nơi đặt hệ thống máy móc, nhà ở đã cũ nát, không còn.
Cái tảng đá mà mọi người đứng trên chụp ảnh vẫn còn đó.
37 năm trước sao các anh, các bạn trẻ thế?
Có Hoàng Sơn k3 là anh bác Quang Việt k2 Trỗi. Anh em Trỗi ở đài Tropo này có 3 người: Quốc, Hòa k5, Sơn k3. Dưới đài Cáp đại dương ở biển Mỹ Khê có Đỗ Trung Việt k3. Còn BTLTT có Nguyễn Hữu Dũng k3. Phải nói anh em Trỗi đã kết hợp làm việc rất "xuya".
hồi đó anh lê khôi trưởng bộ môn hữu tuyến là thượng úy chứ có phải trung tá?
Sửa ngay! Hình như đại úy?
ảnh ba người chụp với nhau ở tảng đá.kể cả trung việt phía dưới đều là bạn thân với tôi.một hoàng sơn có cú đá xoay học được của đặc công nước(thời ông già làm chính ủy quân chủng)một trung việt học giỏi vui tính luôn tếu táo với lê chí điền và cao long tĩnh.nguyễ đông khu.đã lâu lắm chẳng được thông tin về đông khu?
Trung Việt đã mất. Lê Chí Điền sang Nga (Len) làm ăn gần 20 năm, mới quay về VN. Hoàng Sơn sau khi rời BTLTT, lang bạc kì hồ, từng làm chung với Nguyễn Thắng, nay làm riêng (dịch vụ thông tin taxi).
Còn Đông Khu dạy ở Học viện Cao cấp, mới nghỉ hưu 2 năm nay.
Đã 37 năm rồi. Thời gian trôi thật nhanh. Nhưng hình như Đảng chưa làm gì được nên hồn cho đất nước, cho dân tộc ngoài việc buông tay, không bắt mọi thứ phải theo "kế hoạch" nữa, không cấm chợ ngăn sông nữa (gọi là đổi mới). Và Đảng đang dần tách xa dân, dần đối lập với dân, coi dân là "địch".Sự hy sinh của thế hệ cha mẹ Trỗi và của bản thân thế hệ Trỗi chẳng lẽ lại trở nên vô nghĩa sao? Các cụ ở đâu đó trên trời chắc đau lòng lắm lắm.
Đăng nhận xét