Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Nguyễn Ái Quốc, một cuộc đời (6)


                                               8. TRONG HANG PÁC BÓ

Năm 1938 Trung quốc đang trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến khởi nguồn từ năm 1931 khi bọn quân phiệt Nhật bất ngờ chiếm Mãn châu và thành lập chế độ bù nhìn Mãn châu quốc. Trong những năm sau đó, chúng tiến dần xuống phía nam, chiếm đóng các tỉnh Đông bắc quanh kinh đô cũ là Bắc kinh. Ban đầu Tưởng Giới Thạch chẳng quan tâm lắm đến điều đó. Bỏ qua sự quân sư của các đồng sự, Tưởng tiếp tục chiến dịch quét sạch cộng sản ở bờ nam sông Dương tử làm Mao phải bỏ chạy lên Di an. Năm 1937, Tưởng bị các đồng chí của mình bắt cóc khi đang đi thăm Tây an và buộc phải thay đổi thái độ. Lần thứ hai, liên minh Quốc-Cộng được thành lập nhằm chống lại sự xâm lược của Nhật. Cuộc chiến bùng nổ sau đó vài tháng sau trận đánh trên cầu Marco Polo. Cuộc xâm lược của Nhật mang đến sự thống khổ cùng cực cho nhân dân Trung Quốc nhưng lại mở ra một cơ hội mới cho Nguyễn Ái Quốc. Nhờ có liên minh Quốc-Cộng mới, Quốc có thể di chuyển tự do để liên lạc với các đồng chí của mình. Cuộc chiến cũng đe doạ sẽ lan đến các vùng khác của châu á, có thể kết liễu sự thống trị của Pháp tại Đông dương.


Quốc rời Matxcova đầu thu 1938, đi tàu hoả qua những thảo nguyên Trung á bát ngát. Sau vài ngày nghỉ ngơi ở Alma-Ata, Quốc theo một đoàn xe qua Urumgi đến Lan châu, thành phố phía đông của con đường tơ lụa nổi tiếng thời Trung cổ. Đại diện của Đảng CS Trung Quốc tại Lan châu đã giúp Quốc đến Tây an. Tại đó tư lệnh quân giải phóng Trung quốc (PLA) Vũ Thiếu Quân đã được lệnh của thượng cấp “phải tiếp đón một vị khách châu á quan trọng, chăm sóc cẩn thận và hộ tống ông ta đến Di an”. Đường đến Di an phải qua vô số những trạm kiểm soát của Quốc dân Đảng. Quốc phải đóng vai một anh đánh xe chở quần áo và thực phẩm cho các bộ tộc trên núi và hầu như phải đi bộ suốt chặng đường 200 dặm này.



Bị mất 1 trang, sẽ kiếm rùi post lên sau.

đảng viên tăng lên vài lần. Các tổ chức “hội phản đế” mọc ra khắp nơi, trở thành những trung tâm đào tạo và tuyển mộ. Một số gương mặt trẻ, ôn hoà xuất hiện như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Trần Huy Liệu. Chính sách mới cũng là một liều thuốc đắng cho những người chủ trương cứng rắn và giáo điều như Hà Huy Tập. Tại hội nghị TW 1938, Hà Huy Tập và Lê Hồng Phong đã cãi vã kịch liệt về Mặt trận Bình dân và chính sách liên minh với các đảng nhỏ khác. Cuối cùng, Nguyễn Văn Cừ, đảng viên từ Bắc bộ, theo chủ trương cân bằng giữa công khai và bí mật đã được bầu làm Tổng bí thư thay Tập vốn chẳng được mấy người ưa.

Quốc quan sát những thay đổi trên từ căn cứ tạm thời của mình ở phía nam Trung quốc. Ông hy vọng các đồng chí của mình sẽ nhận ra mình qua phong cách và nội dung các bài báo trong Notre Voix được viết dưới bút danh Lin (mà ông đã từng dùng ở Matxcova). Tháng 7/1939 Quốc đã liều hơn, gửi thẳng thư tay có địa chỉ của mình qua người quen cho các uỷ viên trung ương. Bức thư là bản tuyên ngôn ủng hộ chính sách mặt trận rộng rãi đã được đại hội 7 của QTCS thông qua.

1. Vào thời điểm này đảng cần phải kiềm chế không đòi hỏi như độc lập dân tộc, lập nghị viện... Điều đó chỉ có lợi cho bọn phát xít Nhật. Cần tập trung vào việc đòi các quyền dân chủ như tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tổ chức, tự do ngôn luận và đưa đảng ra công khai.
2.Muốn đạt được điều đó, phải thành lập mặt trận liên minh rộng rãi bao gồm cả những người Pháp tiến bộ ở Đông dương và giai cấp tư sản dân tộc.
3. Đảng phải bằng mọi cách lôi kéo được những tầng lớp tư sản có thể lôi kéo được, trung lập hóa những phần tử có thể trung lập được. Kiên quyết không để họ rơi vào tay bọn phản động kẻ thù của cách mạng.
4. Không thoả hiệp với bọn Troskist đang trở thành chó săn của chủ nghĩa phát xít.
5, Mặt trận dân tộc Đông dương cần phải có quan hệ chặt chẽ với Mặt trận Bình dân của Pháp để đấu tranh cho tự do và dân chủ.
6. Đảng không được phép đòi hỏi quyền lãnh đạo mặt trận. Ngược lại phải thể hiện đảng là lực lượng tích cực nhất, trung thành nhất và hy sinh nhiều nhất. Chỉ có qua cuộc chiến đấu hàng ngày, nhân dân mới có thể hiểu được những chính sách đúng đắn của đảng và thừa nhận vai trò lãnh đạo của đảng.
7. Đảng phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa bè phái, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá và chính trị của đảng viên và giúp đỡ những người chưa phải là đảng viên nâng cao trình độ. Đảng cũng phải duy trì những quan hệ mật thiết với đảng cộng sản Pháp

Nguyễn Ái Quốc gửi kèm bức thư này trong báo cáo chính thức đầu tiên cho QTCS. Quốc giải thích về sự chậm trễ này là do tình hình thực tế xấu đi. Quốc cũng xin lỗi và nhờ (có thể có chút châm biếm ở đây) các đồng chí tại Matxcova xem hộ liệu có sai sót gì về tư tưởng trong bức thư gửi Đảng CS Đông Dương. Quốc nói đã mất hết tài liệu chính thức của đại hội 7 và chỉ dựa vào trí nhớ. Quốc cũng thông bâo, mặc dù Mặt trận bình dân Pháp đã mang lại một số cải cách tại Đông dương, chính sách thiên hữu của chính phủ Daladier từ năm 1938 đang có nguy cơ xoá sách những cải cách đó. Một số cuộc đấu tranh của công nhân đã bùng phát trở lại và được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng.

Tháng hai năm 1939, Quốc - Cộng liên minh mở trường đào tạo quân sự tại Hằng dương, 200km về phía đông bắc Quế lâm. Khoá học đầu tiên bắt đầu từ 15/2 và kết thúc vào giữa tháng 5. Tưởng chỉ thị tướng Gia Gian Anh tìm một vài cán bộ cộng sản để giúp đỡ. Nguyễn Ái Quốc lúc đó vẫn với tên là Hồ Quang những đã mang hàm thiếu tá, được phân về làm quản lý, kiêm luôn phụ trách liên lạc vô tuyến. Sau khi kết thúc nhiệm vụ vào tháng 9, Quốc trở về Quế lâm, vài ngày sau lên đường đi Long châu để bắt liên lạc với hai đồng chí được Đảng CS Đông Dương cử sang. Đáng tiếc là khi Quốc đến nơi, hai đồng chí nọ đã tiêu hết tiền đành phải quay về. Thất bại, Quốc lại trở về Quế lâm tìm cách khác. Ông quyết định đi Trùng Khánh, thủ đô kháng chiến của Quốc dân đảng sau khi Nhật chiếm lưu vực sông Dương tử. Trên đường đi, Quốc nghỉ lại tại tầng thượng của văn phòng Bát lộ quân ở Quế dương, thủ phủ Quế châu cho đến tháng 7/11. Tại Trùng Khánh, Quốc nối lại quan hệ với Chu Ân Lai lúc đó đang phụ trách văn phòng đại diện của Đảng cộng sản. Quốc đã quen Chu từ thời Paris, sau đó là thời gian Chu làm chính uỷ của học viện Hoàng Phố. Sau này Chu kể lại, Quốc sống rất đơn giản như một ông nông dân và lúc nào cũng cặp kè cái máy chữ bên mình.

Rất ít người trong văn phòng biết nhân thân của Quốc. Thật trớ trêu, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp, đại diện cho chi nhánh Côn minh của Đảng CS Đông Dương (cùng với Hoàng Văn Hoan và Vũ Anh) đã đến Quế dương để gặp Quốc vào ngày 11/11. Biết Quốc đã đi Trùng Khánh Kiên quay lại và để Cáp ở lại đợi. Ngày 18/11, Quốc trở về Quế dương, nhưng Cáp lại bị lạc trong những ngõ hẻm gần văn phòng và không gặp được Quốc. Dù sao, Quốc cũng đã biết được sự tồn tại của Đảng CS Đông Dương tại Côn minh. Tháng 2/1940, Quốc lên đường đi gặp Phùng Chí Kiên và các đồng chí khác. Vũ Anh (lúc đó có bí danh là Trịnh Đông Hải) hồi tưởng lại: Một người đàn ông trung niên, cổ cồn cà vạt tiến tới hỏi tôI :ở đây có ai tên là Trịnh Đồng Hải. Khi được biết đó chính là tôi, ông ta xưng danh là Trần và hạ giọng mời tôI ra quảng trường thành phố nói chuyện. Trên đường tôI đặc biệt ấn tượng về tác phong nhanh nhẹn và đôi mắt sáng ngời của ông. TôI lờ mờ đoán ra đó chính là Nguyễn Ái Quốc, người mà Đảng đã cất công tìm kiếm lâu nay. Điều đó đem lại cho tôi sự tự tin.



Vũ Anh giới thiệu về mạng lưới ngầm của Đảng ở Côn minh dưới vỏ bọc của một hãng buôn, sau đó dẫn Quốc đi gặp Phùng Chí Kiên. Họ cũng gặp Hoàng Văn Hoan, người đã từng dự lớp huấn luyện cua Thanh niên Hội, sau đó đã công tác nhiều năm ở Xiêm, hiện đang làm thợ may ở Côn minh. Quốc ở trong một hiệu sách và tham gia các hoạt động cách mạng. Như thường lệ lúc nào ông cũng kè kè cáI máy chứ bên cạnh và viết rất nhiều bài báo cho báo Đồng Thanh của đảng. Tháng 4/1940, Quốc & Phùng Chí Kiên đi thăm các cơ sơ dọc theo tuyến đường sắt Côn minh - Hà nội mới được Pháp xây dựng. Cuối tháng 5, Quốc trở về Côn minh.

Điều kiện hoạt động của đảng tại Đông dương càng ngày càng trở nên khó khăn. Chính phủ Dadalier đang đặt dấu chấm hết cho Mặt trận Bình dân tại Pháp. Chính quyền tại thuộc địa được thể đặt thêm nhiều kìm cặp với hoạt động của đảng. Tháng 8 năm đó, nước Đức phát xít ký hiệp ước không xâm lược với Liên xô. Một tuần sau quân Đức vượt biên giới Balan. Anh và Pháp tuyên chiến với Đức. Diễn biến này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đảng. Toàn quyền Castraux ra lệnh triệt phá tất cả những hoạt động chống đối của Đảng CS Đông Dương và các đảng cánh tả khác. Lê Hồng Phong bị bắt lại vào tháng 9 tại Sài gòn. Hà Huy Tập thì đang ở tù sau những cuộc biểu tình tháng Năm từ năm ngoái. Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ vội vã triệu tập hội nghị TW tại ngoại ô Sài gòn để bàn biện pháp đối phó. Dưới sự truy đuổi gắt gao, chỉ có 4 thành viên có mặt trong đó không có đại diện Bắc bộ. Hội nghị nhận định, mặc dù sự đàn áp của Pháp bắt đảng phải rút vào hoạt động bí mật, thế chiến thứ hai bùng nổ sẽ là cơ hội tốt cho các mạng Việt nam giành độc lập như Lê nin đã từng chỉ ra. Lần đầu tiên từ khi Thanh niên Hội tan rã, vấn đề độc lập dân tộc được đặt lên hàng đầu. Hội nghị cũng quyết định chấm dứt chiến lược Mặt trận bình dân, thảo ra những chính sách mới chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Hai tháng sau, Nguyễn Văn Cừ cùng một uỷ viên TW trẻ mới là Lê Duẩn bị bắt và tống vào nhà lao Sài gòn.

Sau khi Quốc quay về Côn minh, Ban Chấp Hành TƯ đã cử hai đồng chí trẻ để tham gia huấn luyện: đó là Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Đồng sinh năm 1908 tại Quảng ngãI trong gia đình mà bố làm đến chức thượng thư dưới thời Duy Tân. Tốt nghiệp Quốc học Huế, Đồng trốn sang Quảng châu và học tại trường quân sự Hoàng Phố. Năm 1929, Đồng đã từng tham gia đại hội của Thanh niên Hội tại Hồng kông. Gò má cao, mắt sâu, phong cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, Đồng được anh em tôn làm thủ lĩnh. Sau khi bị bắt năm 1931 tại Sài gòn, Đồng được nếm mùi “chuồng cọp” Côn đảo và chỉ được ân xá năm 1937 trong thời kỳ Mặt trận bình dân.

Giáp sinh năm 1910 tại Quảng bình cũng trong một gia đình quan lại. Tuy nhiên cha Giáp tham gia kháng chiến từ những năm 1880s. Năm 1924, Giáp vào học viện quốc gia tại Huế. Tính dữ dội và mãnh liệt, sau vụ đám tang Phan Chu Trinh, Giáp bị cuốn vào các hoạt động cách mạnh và bị đuổi khỏi trường năm 1927. Giáp gia nhập Tân Việt nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang Đảng CS Đông Dương. Bị bắt tại Huế vì tham gia các hoạt động ủng hộ
Xô viết nghệ tĩnh, năm 1933 Giáp được tha và tiếp tục đi học. Sau khi lấy bằng Luật tại đại học Hà nội, Giáp dạy sử tại một trường tư. Tại đây, ông đã gặp Nguyễn Thị Minh Thái, em gáI của Nguyễn Thị Minh Khai và có một con gái. Giáp thường viết bài cho báo đảng Notre Voix và hợp tác với Trường Chinh trong việc xuất bản các cuốn sách mỏng về tình hình nông thôn. Lúc rảnh rỗi, Giáp thích được đọc về lịch sử quân sự trong thư viện thành phố Hà nội. Người giới thiệu Giáp đi Côn minh là Hoàng Văn Thụ, một người dân tộc Thổ, uỷ viên TƯ từ năm 1938 và là bí thư chi bộ Bắc bộ. Thụ cũng hay nói chuyện với Giáp về các vấn đề quân sự. Một ngày đầu tháng Năm, sau khi tan lớp, Giáp chia tay với người vợ trẻ và đứa con thơ tại Hồ Tây mà không biết đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng của họ. Giáp nhập nhóm với Đồng và theo tàu lên Lào cai vượt biên giới đi Côn minh.

Tại Côn minh, Giáp và Đồng được Kiên & Vũ Anh dẫn đi gặp ông Vương (chính là Nguyễn Ái Quốc) tại một địa điểm thơ mộng là Hồ Xanh. Vương khuyên hai thanh niên đi Diên an để theo học trường quân sự của Đảng CS Trung Quốc tại đó. Giáp & Đồng đến Quế dương để xin cấp các giấy tờ đi Diên an. Tại đây họ được lệnh chưa đi vội mà đợi ô Vương đến cùng đi.

Quốc có lý do để thay đổi kế hoạch. Ngày 20/6 Đức buộc Pháp đầu hàng và dựng lên một chính quyền bù nhìn. “Chắc chắn tình hình ở Đông dương sẽ thay đổi”. Mấy ngày sau, Kiên và Anh cũng đến Quế dương, sau đó cả hội đi Quế lâm và Quốc tổ chức cuộc họp ban biên tập tạp chí Đ.T. Quốc nhận định “Thất bại của Pháp là cơ hội to lớn của cách mạng Việt nam, chúng ta phải ngay lập tức tìm đường về nước để lợi dụng cơ hội này”. Khi ai đó hỏi “vũ khí ở đâu?”, Quốc trả lời: "Đây là vấn đề quan trọng nhất của cách mạng. Nếu chúng ta có vũ khí bây giờ, ai sẽ là người cầm vũ khí. Vì vậy chúng ta phải về nước và động viên quần chúng. Khi nhân dân đứng dậy, họ sẽ có vũ khí ".



Quốc chỉ thị cho Kiên & Anh cùng với Đồng Giáp chuẩn bị chuyển trụ sở hải ngoại của đảng về Đông dương. Một đ/c khác được phái đi liên lạc với Diên an, Quốc thì đi Trùng Khánh tư vấn với Chu Ân Lai và một số lãnh đạo Trung Quốc khác. Cuối tháng 7, Quốc trở về Côn minh. Tại đây ông nhận được một lá thư của Hồ Học Lâm, đảng viên Quốc dân Đảng nhưng có cảm tình với cách mạng Việt Nam từ những năm 20. Lấm thông báo: tướng Trương Bội Công, gốc Việt, khét tiếng chống cộng đã được lệnh chuyển về biên giới phía bắc Cao bằng để tập hợp lực lượng yêu nước từ Việt nam. Lâm khuyên Quốc nên cử các đồng chí của mình về khu vực này để bảo vệ quyền lợi của Đảng.

Sở dĩ Trung Quốc đột nhiên quan tâm đến Đông dương thuộc Pháp là vì sự xuất hiện của quân đội Nhật tại vùng này. Từ đầu năm 40, Nhật đã tiến dần xuống phía nam, chiếm đảo Hải nam và quần đảo Paracel (Qđ Hoàng Sa). Cuối mùa xuân, Tokyo gây sức ép đòi Castreaux phải đóng cửa biên giới không cho các đoàn tàu ngược sông Hồng tiếp tế cho quân Trung Quốc. Không được sự hỗ trợ của Paris, Mỹ thì đang lo bảo vệ những quyền lợi của mình, Castreaux phải nhượng bộ và vì thế bị mất chức. Toàn quyền mới Decoux lập tức phải đối diện với những đòi hỏi ngang ngược hơn của Tokyo: được đóng quân và sử dụng các sân bay tại Bắc bộ. Chưa biết tính sao, thì ngày 22/9, quân Nhật tấn công khiêu khích dọc biên giới Lạng sơn.

Cùng chiến đấu với quân Nhật có các đồng minh Việt nam từ Quang phục Hội do Cường Để lãnh đạo. Đảng CS Đông Dương đã may mắn có được ảnh hưởng ở khu vực gồm toàn các dân tộc Tày, Nùng, Thổ này từ đầu những năm 30. Năm 1935, một lãnh tụ người Tày là Hoàng Đình Gióng đã được bầu vào ban chấp hành TƯ tại Makao. Vài năm sau lại đến lượt Hoàng Văn Thụ. Các đảng viên đã thu phục đồng bào dân tộc bằng lời hứa quyền tự trị trong nước Việt
nam cách mạng tương lai. Chớp thời cơ các đồn binh Pháp đang hoang mang sau cuộc tấn công của Nhật, ngày 27/9 cơ sơ đảng địa phương đã xúi giục các bộ tộc tấn công và chiếm huyện lỵ Bắc sơn và một số xã, thu vũ khí. Tuy nhiên sau khi đạt được thoả thuận với Nhật, quân Pháp đã quay lại đàn áp. Quân khởi nghĩa phải chia thành từng nhóm nhỏ rút vào núi và vượt biên giới hy vọng tìm sự giúp đỡ của Trương Bội Công.

Trong khi đó, Quốc suy nghĩ kế hoạch thành lập một mặt trận đồng minh mới để lôi kéo các thành phần yêu nước ngoài đảng và được sự công nhận của Quốc dân đảng ở phía nam lúc đó do tướng Lí Jishen, khét tiếng về vụ tàn sát cộng sản ở Thượng hải năm 1927 lãnh đạo. Sau khi cân nhắc, Quốc đã quyết định lựa chọn cái tên là Việt nam Độc lập đồng minh Hội, gọi tắt là Việt minh. Tên này đã được Hồ Học Lâm dùng để liên kết các đảng viên cộng sản và quốc dân đảng Việt nam tại Nam ninh trước đó vài năm. Quốc cũng mời luôn Lâm làm chủ tịch, còn Phạm Văn Đồng làm phó dưới cái tên Lâm Bá Kiệt. Dưới vỏ bọc mới, đoàn đã tiếp cận tướng Lí nhờ giúp đỡ trong việc huy động nhân dân cho cuộc chiến đấu tương lai ở Đông dương. Tuy còn nghi ngờ, Lí đã đồng ý công nhận Việt minh với điều kiện không để cho Đảng cộng sản thống trị.



Trong thời gian này, hoạt động của UBTƯ tại Sài gòn bị rối loạn, trừ Phan Đăng Lưu tất cả các thành viên đều vào tù. Trần Văn Giàu được tha tháng 5/1940 nhưng sau đó 5 ngày lại bị bắt lại. Liên lạc với các xứ uỷ khác cũng như với uỷ ban Hải ngoại bị cắt đứt. Mặc dù tình hình mùa màng tại Nam bộ có khá hơn các vùng khác của cả nước, thuế quá cao làm nông dân không hài lòng, ước tính có tới 30% nhân dân có cảm tình với đảng cộng sản. Mùa xuân năm ấy, Pháp quyết định tuyển mộ quân tại địa phương để tham chiến ở châu Âu và đặc biệt đưa đi Cambodia chuẩn bị cho cuộc đụng độ với Xiêm, đang nhân cơ hội đòi lại phần đất bị Pháp chiếm năm 1907. Các đảng viên đã nhanh chóng lợi dùng tình hình đưa ra khẩu hiệu “đừng chết cho bọn Colons (gọi người Pháp ở Đông Dương) tại Cambodia” kích động sự chống đối của nông dân. Tháng 7, xứ uỷ Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của Tạ Uyên quyết định tiến hành khởi nghĩa theo nghị quyết của hội nghị TW6 (11/1939). Phan Đăng Lưu được cử đi tư vấn với các đồng chí ở Bắc kỳ. Lưu chưa kịp trở về thì hàng ngàn binh sĩ nổi lên làm binh biến chống việc gửi sang biên giới Xiêm. Uyên vội vàng ra lệnh khởi nghĩa vào cuối tháng 11/1940.

Trên thực tế, Lưu đã họp với các đồng chí của mình tại ngoại ô Hà nội. Rút kinh nghiệm từ thất bại ở Bắc sơn, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ đều phản đối kế hoạch vội vã của Uyên, cho rằng phải chuẩn bị từ từ và đợi thời cơ chín muồi. Cuộc họp cũng cử Hoàng Văn Thụ tổ chức lại các lực lượng bị tan rã ở Bắc sơn để tiến hành chiến tranh du kích. Xét thấy BCHTƯ thực chất đã bị bắt hết, xứ uỷ Bắc kỳ qưyết định chuyển mình thành UBTƯ lâm thời và cử Trường Chinh làm bí thư. Hội nghị cử Lưu quay về ngay mang theo lệnh tạm hoạn cuộc khởi nghĩa. Lưu về đến Sài gòn ngày 23/11 và bị bắt ngay khi vừa xuống ga. Mọi sự đã quá muộn, cuộc khởi nghĩa đã bùng phát ở nông thôn trước đó một ngày, một số huyện ở tây nam Sài gòn đã bị quân khởi nghĩa chiếm. Khởi nghĩa cũng nổ ra ở nội đô Sài gòn nhưng do được báo trước nên chính quyền đã đàn áp một cách dễ dàng. 4 ngày sau, quân Pháp phản công và dìm cuộc khởi nghĩa vào biển máu. Hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị bắt. Trong đó có vợ cũ của Quốc: Nguyễn Thị Minh Khai. Tháng 3/1941, toà án binh Pháp xử tử hình Minh Khai, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ. Tạ Uyên bị giết trong cuộc khởi nghĩa. Trước khi chết Minh Khai được gặp lại chồng mình đã bị giam từ 6/1939. Lê Hồng Phong sau đó chết vì bị tra tấn dã man vào tháng 9/1942 tại Côn đảo.

Tại Quế lâm, Quốc nghe tin Bội Công đang tích cực chiêu mộ quân ở Jingxi bèn gửi Giáp và Vũ Anh đến xem xét tình hình. Tại đó 2 anh này đã thuyết phục được Công mời chủ tịch Việt minh là Học Lâm đến để cùng hợp tác. Biết chuyện khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, Quốc căn dặn các đồng nghiệp “Tình hình trong nước và quốc tế đang có lợi cho ta. Tuy vậy giờ khởi nghĩa vẫn chưa điểm. Đã chót vùng lên rồi thì bây giờ phải tìm đường lui càng nhanh càng tốt để bảo toàn lực lượng”.

Trên thực tế tình hình thế giới đang biến đổi rất khó lường. Sau khi chiếm nước Pháp, Đức chuẩn bị làm cỏ nước Anh bằng không quân. Mặc dù hiệp định Xô-Đức vẫn còn hiệu lực, việc Đức đưa quân vào Bankan rất gây căng thẳng. Tại Trung Quốc, Nhật tiếp tục tiến sâu vào trung nguyên và đưa quân vào Đông dương. Để tận dụng đội ngũ cách mạng sẵn có ở Jingxi, Quốc quyết định chuyển trụ sở hải ngoại về đó. Đồng thời cử Vũ Anh vượt biên về nước thăm dò để tìm địa điểm cho hội nghị TƯ sắp tới. Tại Jingxi, Quốc cùng với Kiên, Đồng, Giáp tổ chức các khoá học 2 tuần cho thanh niên, dạy về tình hình thế giới, vận động quần chúng và các phương pháp tổ chức tuyên truyền. Như thường lệ, Quốc chuẩn bị tài liệu dưới dạng tờ rơi gọi là “Con đường giải phóng”. Quốc thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử với dân địa phương, yêu cầu các học viên học tiếng và ăn mặc như người địa phương. Tại lễ tốt nghiệp, các học viên hôn biểu tượng của đất nước độc lập trong tương lai: lá cờ đỏ sao vàng trước khi trở về nước. Để xây dựng quan hệ tốt với Công, Quốc đề xuất thành lập Việt nam Dân tộc giải phóng Uỷ viên Hội gồm thành viên của cả Quốc Dân Đảng và Đảng CS Đông Dương, đồng thời đứng luôn chân chủ tịch thường vụ với bí danh Hoàng Quojun. 



Tuy nhiên đa số thời gian Quốc dành cho việc chuẩn bị cho hội nghị TƯ sắp tới, sẽ được ghi nhận trong lịch sử đảng như Hội nghị 8 nổi tiếng. Đầu tháng Giêng 1941, BCH lâm thời gồm Chinh, Thụ, Việt cũng đã có mặt ở Jingxi. Vũ Anh cũng đã trở về báo cáo tìm được địa điểm thích hợp ở hang Cốc bó (Nguồn) cạnh làng Pacbó. Ngày 28/1, sau khi ăn Tết âm lịch, Quốc cùng với Vũ Anh, Kiên và Lê Quảng Ba và một số đồng chí khác lên đường về nước. Chặng đường có chừng 40 dặm nhưng khá vất vả vì luồn rừng lội suối. Đầu tháng 2, họ đến biên giới và từ đó xuôi về Pacbó cách biên giới khoảng hơn nửa dặm. Sau này, Quốc và các đồng chí của mình luôn nhớ lại những ngày ở Pacbo là những kỷ niệm khó quên nhất. Đốt lửa sưởi ấm, bắt cá, tắm suối, dịch sách, viết báo... Giáp kể lại: “Hàng đêm chúng tôi ngôi quây quanh bếp lửa nghe Quốc kể chuyện lịch sử thế giới và cách mạng như những đứa trẻ nghe chuyện thần thoại”

Trong vòng 3 tháng sau đó, Quốc xuất bản tờ báo Việt nam độc lập (bán hẳn hoi để có giá) và thành lập Hội cứu quốc. Hội nghị 8 được tiến hành ngày 10/5/1941 tại Pacbó. Quốc chủ trì hội nghị với tư cách đại diện của QTCS. Đây là lần đầu tiên Quốc chủ tri một cuộc họp của đảng kể từ hội nghị thống nhất tháng 2/1930. Tham dự có Vũ Anh, Chinh, Thụ, Việt, Kiên và một số đồng chí khác từ các vùng của Đông dương. Hoan, Giáp, Đồng vẫn ở Jingxi để cùng với Công chuẩn bị hoạt động cho Giải phóng Uỷ viên Hội. Mục tiêu chủ yếu của hội nghị là chính thức tuyên bố thành lập Việt minh (Việt nam độc lập đồng minh Hội). Tên gọi của tổ chức mới cho thấy trọng tâm chủ yếu của đảng là Độc lập và cho Việt nam, chính thức từ bỏ quan điểm của hội nghị tháng 10/30 về việc thành lập liên bang Đông dương, tiến tới tiến hành cách mạng thế giới. Nhiệm vụ của Việt minh là chuẩn bị để giành chính quyền vào thời điểm thích hợp. Hai cương lĩnh chính của Việt minh là độc lập dân tộc và công bằng xã hội. Bằng việc thành lập Việt minh, Quốc đã chơi một canh bài đánh cược vào việc Nhật sẽ làm Pháp suy yếu và thắng lợi cuối cùng của đồng minh. Không thể áp dụng chính sách khởi nghĩa thành thị của Nga, không có được nông thôn rộng lớn của Mao, Quốc cho rằng vấn đề không phải là phương pháp mà thời cơ. Trong lúc thời cơ chưa đến, đảng phải kiên trì chờ đợi, xây dựng cơ sở chính trị rộng rãi, chuẩn bị lực lượng quân sự nhỏ để có thể chớp lấy thời cơ tiến hành khởi nghĩa. Nhiệm vụ cuối cùng của hội nghị 8 là bầu ban chấp hành mới. Do Quốc kiên quyết từ chối, chức Tổng bí thư được trao cho Chinh người đang tạm thời giữ cương vị này từ mùa thu 1940.

Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) sinh năm 1907 trong một gia đình nhà giáo ở đồng bằng bắc bộ. Chinh đã tốt nghiệp trường Albert Sarraut nổi tiếng ở Hà nội. Tham gia Thanh niên Hội vào cuối những năm 20, bị bắt giam cho đến tận năm 1936, sau đó Chinh trở thành phóng viên đồng thời cũng là thành viên quan trọng của xứ uỷ Bắc kỳ. Kiêu hãnh trong thái độ, thận trọng và chu đáo trong suy nghĩ, mô phạm trong quan hệ với đồng chí, Chinh không có được sự hấp dẫn cá nhân như Quốc. Nhưng rõ ràng là trong giai đoạn mới này, đảng cần có tiếng nói chín chắn của Chinh. Sau khi hội nghị kết thúc ngày 19/5, Chinh trở về Hà nội để tìm trụ sở cho UBTƯ mới. 



Quốc rất vui được trở lại quê hương sau 30 năm. Khi trốn lên tàu đi Hạ môn ở HongKong, vai trò lãnh đạo của Quốc rất mờ nhạt. Chiến lược được Quốc xác định từ thời Thanh niên Hội đang bị Matxcova xem xét lại, các đồng nghiệp trẻ phần đông tốt nghiệp từ trường Stalin cũng liên tục tấn công những quan điểm tư tưởng của ông. Vậy mà lần này quay lại, xem ra vai trò lãnh đạo của Quốc được tất cả chấp nhận một cách không do dự. Một phần chắc chắn là những thay đổi về trong chiến lược của đại hội QTCS lần thứ 7 trùng với những quan điểm của Quốc cho rằng cách mạng châu á có những đặc thù riêng và không thể copy mù quáng mô hình bolsevic. Quốc cũng phải cám ơn phòng Nhì Pháp đã hoạt động quá tốt và loại bỏ tất cả những đối thủ chính trị của ông như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong. Tại thời điểm này không ai có thể thách thức được vai trò lãnh đạo của Quốc trong đảng. Vậy thì vì cớ gì mà ông không chịu nhận chức vụ Tổng Bí Thư? Phải chăng Quốc vẫn tự cho mình là chiến sĩ quốc tế một ngày nào đó sẽ lại lãnh đạo cách mạng tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc khắp vùng Đông Nam Á. Cũng có thể Quốc đã ngắm đến trong tương lai chức chủ tịch sẽ giúp ông đứng trên đấu tranh giai cấp để đại diện cho tất cả nhân dân đấu tranh cho một Việt nam độc lập và giàu mạnh.

Không có nhận xét nào: