Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Nhớ những ngày ấy... (2) (Trần Thắng)


Cha, con gặp nhau ở B2, xuân 1972.
Đường Trường Sơn, xe ta qua (11/1971 - 12/1971)
    Tôi không còn nhớ hôm lên đường là ngày mấy tháng 11, có lẽ từ ngày 10 đến 15/11 gì đó. Hồi này Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, nên xe chạy trên quốc lộ 1 khá nhanh và trưa hôm đó do chạy “tung tăng” thế nào đó mà đã có 1 xe lao xuống ruộng, may mà không sao.   Đến tối chúng tôi đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Chuẩn bị một ngày chúng tôi bắt đầu vào tuyến lửa. Tôi không nhớ là ở đâu nhưng trên đầu chúng tôi thường xuyên có tiếng máy bay. Rồi bắt đầu vào đường Trường Sơn. Tiếng máy bay to hơn, nhiều hơn và có cả tiếng bom, tiếng súng. Lúc này vẫn đi ban ngày, đi theo con đường dã chiến được san ủi qua núi qua đèo. Xe đi khá vất vả, lái xe thật sự căng thẳng. Chiều tối đến trạm nghỉ, chúng tôi mới biết đoàn xe chúng tôi có sự cố, một xe lên dốc bị tụt, lái xe quay đít xe lao vào taluy đường cho xe dừng lại, nhưng xe bị lật và cứ thế quay tròn. Bị thương gần hết. Vậy là ở lại mất 1 xe. Cái cảm nhận về 1 chuyến đi khó khăn đang rõ dần.


    Sáng hôm sau, trước khi lên đường, lại có một sự cố nhưng không phải ở đoàn tôi. Hôm đó tại trạm nghỉ còn có 1 đoàn nữa đi vào B5, nghe nói đó là đoàn của ông bí thư khu ủy. Trong khi sắp xếp quay đầu xe, 1 xe lùi thế nào đó mà làm 1 anh lái xe khác bị dập chân. Sau một hồi bàn cãi, anh chàng bị thương  nhất quyết theo đoàn đi tiếp. Họ đã khiêng anh ta lên xe và đoàn đó lên đường. Tôi thầm nghĩ: đây thật là những con người dũng cảm. Nhớ lại chuyện anh Cẩm, tôi mới lờ mờ cảm thấy cuộc sống và con người thật sẽ rất khác những gì mà tôi được giáo dục lâu nay.

    Trong những ngày tiếp theo, chúng tôi lúc đi từ sáng sớm, lúc đi giữa ban ngày, lúc trời chiều muộn mới đi tùy theo qui luật đánh phá của địch hoặc tình trạng đường xá, kết quả rà phá bom, thời tiết… Tháng này cơ bản là mùa khô, nhưng ở rừng Trường Sơn thỉnh thoảng cũng có mưa. Có những đoạn không có đường, toàn đi theo lòng suối cạn…Trước mắt tôi luôn hiện ra những quang cảnh thật hùng vĩ, thật dữ dội và thật đẹp. Không thể tưởng tượng được tại sao những người lính, những anh chị thanh niên xung phong lại có thể làm được như vậy, sống được ở 1 nơi bom đạn khốc liệt hàng ngày như vậy. Đã có thấy xe máy san ủi, đào phá núi, nhưng cơ bản vẫn là sức người. Những con đường cheo leo vắt vẻo qua hết núi này tới núi khác. Có những đoạn lầy sụt, họ đã lấy cây gỗ lát nền đường dài hàng km. Có những vách núi quá lộ, họ đã chăng dây rồi treo cây lá ngụy trang rất khéo. Những lúc tầm nhìn mở rộng, tôi mới thấy có lẽ tất cả những lời thơ, câu văn không thể nào mô tả hết được cái vĩ đại của đường Trường Sơn, cũng như những cảm xúc của con người khi tận mắt nhìn thấy nó.

   Mấy hôm đầu, khi dừng chân nghỉ lại, có trạm chúng tôi treo võng trong nhà hầm. Có trạm treo võng ngay ngoài trời. Tôi cứ tìm chỗ nào cao ráo sạch sẽ mà mắc võng ngủ, có một anh trong đoàn nói: sao mày ngu thế, đang ngủ nó đánh bom thì sao? Phải tìm chỗ gần hầm và nhất là nằm càng thấp càng tốt. Tôi cũng chưa hiểu lắm thì ngay tối khuya máy bay nó đánh gần đó, phải nói là chả còn biết hầm ở đâu mà chui. Cứ thế giữa các khoảng ngủ ngắn là tiếng bom, tiếng pháo, tiếng xe, tiếng máy, tiếng người la hét…rồi pháo sáng, đèn dù cứ sáng rực lên từng chặp. À ra chiến tranh đây. Trong khung cảnh đó, có những giây phút mà tôi nhớ mãi. Có 1 chiều chúng tôi đi tắm suối, phía xa có 1 nhóm các cô TNXP rất trẻ cũng đang tắm rửa, nó thu hút chúng tôi ghê lắm. Chúng tôi lén nhìn, lắng nghe họ nói chuyện lao xao và cười đùa vui vẻ. Tối đó họ lại ồn ào đi qua chỗ bọn tôi để ra đường làm việc…Rồi lại tiếng máy bay, tiếng bom, tiếng súng, pháo sáng, đèn dù…Sáng sớm họ quay về, chúng tôi thấy có mấy cái cáng phủ kín, các cô đi vây quanh và khóc than nức nở. Chúng tôi im lặng nhìn, nghe và trong lòng thật đau đớn. Đây cũng lại là chiến tranh.

    Kỳ này chúng tôi chủ yếu đi đêm, vì phải qua mấy trọng điểm đánh phá. Có tối chúng tôi phải dừng lại hai ba lần vì máy bay AC130 và các loại khác đánh. Thường là tắt máy, chạy khỏi xe và tìm hầm hoặc bất cứ chỗ nào có thể tránh bom mà chui xuống. Có khi máy bay mất dấu đoàn xe, nó quần đảo một hồi, đánh phá vu vơ rồi đi. Có khi pháo cao xạ bắn lên dữ quá nó quay ra đánh phá trận địa pháo. Tôi nhớ mấy chuyện. Có lần  gặp máy bay, xe dừng và mọi người mau chóng tìm chỗ nấp, tôi ra đầu tiên vì ngồi ghế trên. Tuy khá sợ nhưng đợi mọi người ra hết tôi lên xe cố gỡ mấy khẩu súng AK, rồi mới chạy tìm hầm. Đang lúc loạng quạng, có tiếng người gọi. Tôi chạy lại thì thấy 1 anh trong đội bảo vệ của ông Tư đang đứng trên miệng hầm, anh ấn tôi xuống hầm đã chật ních người rồi gắt: mày làm đéo gì mà chậm thế. Tôi nói tôi phải mang theo mấy khẩu AK. Anh ta càng cáu: súng ống cũng vứt mẹ nó đấy, chạy lấy cái thân đã. Tôi cố nép vào và bảo anh xuống hầm đi. Anh vẫn đứng trên đó quan sát, bom nổ ầm ầm, anh chỉ cúi thấp xuống thôi. Lạ thật. Lần khác, máy bay đánh ở chỗ mà hầu như không có hầm hố gì cả. Mọi người nằm bẹp xuống đất. Còn đội bảo vệ ông Tư thì vòng tay ôm sát nhau thành một cái hầm nổi bao quanh “Ông già” của mình. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy xúc động vì cái tình người rất đặc biệt trong thời chiến. Sau này khi ở B2, tôi càng thấy rõ tấm lòng của cán bộ chiến sĩ đối với các “Ông già” trong Bộ chỉ huy Miền.

    Có lần khi nhìn thấy hàng đoàn dài xe tải, xe chở xăng dầu cháy đen nằm bên vệ đường, tôi hỏi 1 anh lái xe tải của binh trạm: nghe nói anh em lái xe thường dũng cảm cứu xe cứu hàng, sao xe cháy nhiều thế? Anh ta cười hô hố và nói: Cũng có đấy, nhưng thường thì cứ “nổi lửa lên em” là chạy cái đã, mặc xe đấy. Còn sống, về binh trạm lấy xe khác đi tiếp. À! Tôi nghĩ, thực tế cũng có khác. Cho nên cái vụ tôi cố mang mấy khẩu AK để “bảo vệ vũ khí như tính mạng mình” chắc cũng không phù hợp lắm với thực tế. Còn cái “công sự người” cũng là một thực tế khác khó tưởng tượng nổi.

    Kỳ này chủ yếu chạy đêm, lái xe vô cùng vất vả còn tôi cũng căng thẳng không kém. Tôi phải căng mắt cùng nhìn đường giúp lái xe. Có khi tôi hô xe dừng kịp trước 1 hố bom sâu hoắm. Tai phải phân biệt tiếng máy nổ với tiếng máy bay, hoặc tiếng bom rít…Tôi có 1 lọ sâm viên do cơ quan cán bộ cấp riêng cho sĩ quan. Tôi lấy ra và thỉnh thoảng lại mời anh Thành lái xe: ông 1 viên, tôi 1 viên cho tỉnh ngủ. Bi đông trà phải luôn sẵn sàng, lâu lâu lại mồi 1 điếu thuốc cho bác tài, chả là tính mạng chúng tôi trong tay bác ấy hết mà. Chạy đường bộ đã vất vả, những lúc qua sông, qua ngầm càng vất vả hơn. Ngầm qua sông bao giờ cũng là trọng điểm đánh phá, cho nên thường phải chọn thời cơ thuận lợi để qua. Ngoài cái vất vả vì lội nước sâu, chảy xiết, còn đá ngầm rất dễ gây tai nạn, một xe trong đoàn tôi đã gẫy cần chuyển hướng tay lái vì đá. Có khi đang qua ngầm chết máy, thế là hò nhau đẩy, nhưng phần lớn là phải điều xe tải tới kéo mới qua được. Cứ thế “hết ngày dài lại đêm thâu” chúng tôi tiến dần vào Nam. Nhưng trong đoàn lại có chuyện. Có 1 anh trong số lái xe tải không muốn đi tiếp vào B2, anh nhất mực kêu bệnh. Thuyết phục mãi không được, đoàn giao anh ta lại cho binh trạm. Sau khi đi được vài tiếng mọi người tìm cái đài ORIONTON của đoàn để nghe tin tức thì không thấy đâu. Mọi người nhớ lại mấy hôm nay anh chàng kêu bệnh nhận giữ cái đài đó. Vậy chắc là anh ta ở lại và “thủ” luôn cái đài rồi. Lại có 1 thực tế khác nữa.

    Càng đi về phía Nam, núi đồi thấp dần, có chỗ đã mang hình dáng của cao nguyên. Tôi đoán có lẽ đã tới Nam Lào. Hôm đó, thay vì chạy đêm, đoàn chúng tôi xuất phát vào khoảng 3 giờ chiều. Hình như binh trạm điều hành chúng tôi tranh thủ vượt trạm. Đoạn đường này khá bằng phẳng và trống trải, xe cứ theo đuôi nhau mà chạy nhanh, đường không hình thành rõ ràng. Khoảng gần 6 giờ chiều xe tôi chạy gần tới điểm tập kết là một khu rừng dầy đặc. Thấy chiếc xe thông tin thứ 2 đậu bên đường vì hỏng, chúng tôi dừng lại và muốn cùng nhau khắc phục. Nhưng anh lái xe đó nói không cần, các anh cứ đi trước đi. Vừa lúc đó 2 chiếc xe tải cũng chạy tới và mọi người xúm lại giúp cái xe hỏng. Chúng tôi thấy hơi yên tâm nên lên xe nhằm khu rừng đang tối dần chạy tới. Vừa vào lọt khu rừng một quãng, chúng tôi nghe tiếng hét: dừng xe lại tắt máy ngay và liền sau đó là tiếng máy bay AC130, tiếng đại liên rít dài, và tiếng súng 40ly thì thụp. Thôi chết, mấy cái xe tải và xe thông tin bị rồi. Lòng tôi như lửa đốt. Máy bay quần đảo, bắn phá tới khoảng 9, 10 giờ đêm. Khi im hẳn tiếng máy bay, anh em binh trạm kéo nhau ra hiện trường tiếp cứu. Một lúc sau mấy anh em ở xe thông tin chạy về, may mà không ai hy sinh và bị thương, nhưng xe cộ hàng hóa cháy sạch. Sau khi nắm tình hình, ông Tư và anh Minh kêu tôi cho đài liên lạc với Hà Nội. Thái định mở máy 50W và P-311, nhưng anh Minh không đồng ý. Tôi nói Thái lấy bộ máy 81B có công suất 15W ra làm việc. Mấy anh em nhanh chóng mắc anten, quay ragono cấp điện. Anh Minh đưa điện cho cậu cơ yếu mã hóa sau đó Thái phát tín ra HN. Khoảng 30 phút sau, Thái nhận điện của HN và tôi giao cho anh Minh. Sau này tôi mới biết, thiệt hại hôm đó khá nghiêm trọng về vật chất, nhưng tin tức rò rỉ méo mó sao đó mà mọi người nghi là có người chết trong đó có tôi…Trong thời gian hành quân, cứ vài ba ngày xe tôi lại điện ra Hà Nội, còn hàng ngày anh Minh gửi điện qua thông tin của binh trạm. Hôm sau, đoàn tập trung và thông báo kế hoạch hành quân thay đổi. Do đi xe sẽ rất nguy hiểm, nên đoàn ông Tư và non nửa nhóm thông tin sẽ đi bộ. Tôi, cậu Thái, cậu cơ yếu họp thành tổ thông tin, chúng tôi chia nhau mang theo bộ máy 81B. Số còn lại chủ yếu là lái xe sẽ đưa xe đi tiếp theo kế hoạch của binh trạm.

    Ngày đi bộ đầu tiên thật vô cùng vất vả. Chiều xuống dần, hai chân tôi rã rời, mỗi khi leo dốc tôi phải lấy 2 tay nhấc từng chân lên. Cái balô gọn gàng là thế mà vẫn trĩu nặng, lại thêm khẩu AK (vâng lại khẩu AK mà có lần tôi bị chửi), nó vừa nặng vừa vướng víu khó đi…Tôi ngẫm nghĩ, quả mình là “lính cậu” thật. Mãi cũng tới binh trạm. Chỗ nghỉ cheo leo bên một vực sâu, dưới là con suối nhỏ. Lọ mọ lên xuống tắm rửa…cũng mất cả tiếng. Rồi sáng lúc nào không biết, lại lên đường đếm từng bước với đôi chân đau nhừ. Nhìn mọi người tôi thấy họ cũng không khá hơn mình bao nhiêu.


Trèo đèo, lội suối…(ảnh Ông Tư C chụp)



    Nhưng rồi sức trẻ quen nhanh, sang ngày thứ ba là thấy đỡ lắm rồi, đi nhanh hơn, chân ít đau hơn, có thể thư thả ngắm người ngắm cảnh. Lúc nghỉ giải lao cũng rút súng ngắn bắn chim, xách AK ra suối bắn cá… cho vui vậy thôi chứ có được con gì đâu. Càng xuôi về phía Nam chúng tôi đi xuyên qua nhiều vùng dân cư hơn. Mấy ngày đầu qua các bản làng của bà con dân tộc, mấy ngày sau qua các làng của người Lào. Họ có một cuộc sống thật đơn giản, bản tính chân thật, rất cảm tình với bộ đội. Chiều xuống, chúng tôi thường nghỉ ngay trong bản làng, mắc võng dưới gầm nhà sàn, cơm nước ngay dưới đó. Cho nên có nhiều chuyện vui. Đầu tiên là phụ nữ hầu như không mặc áo, dưới là váy, trên để trần. Con gái thì còn mặc cái mà chúng tôi gọi là “chung chiêng”, thôi thì đủ màu đủ kiểu, đủ cỡ, xem ra rõ là hàng may thủ công do bộ đội ta đổi chác mà có. Quả đúng vậy, năm 1973 anh Hồng Minh ở ban kỹ thuật, Phòng 2 vào có kể chuyện: khi đi vợ anh ấy sắm cho chục cái để trên đường đổi đồ ăn dần. Có hôm, khi chúng tôi xúm lại bếp để rót nước sôi vào bi đông chuẩn bị lên đường thì các cô gái trẻ ngồi trên sàn nhoài người xuống xem. Lính ta phát hiện các cô rất khỏe mạnh nở nang, đeo những cái “chung chiêng” hàng chợ bé tí, nên “hàng” lộ ra khá nhiều. Vậy là được dịp “rửa mắt”, có anh mất tập trung tới mức rót ngay nước sôi vào tay mình, bỏng mà không dám kêu. Thật là khôi hài. Còn chiều đến, có 1 bến sông thì mọi người ào cả xuống tắm, chị em hồn nhiên phơi bày làm lính ta vừa ngại vừa … khoái. Nói chuyện đổi chác thì tôi cũng có vài “thành tích”. Đầu tiên là đổi cái máy P105 cho mấy anh lính tăng gia ở một trạm nào đó lấy hai quả bí xanh. Rồi lúc thèm thịt gà tôi đã đổi cuộn quai dép cao su đúc cho một bà mẹ người Lào. Nói chung ai cũng hài lòng với món đồ đổi được, không hề so đo thiệt hơn.

    Vào những ngày cuối đợt đi bộ, tôi được anh Minh giao cho 1 việc rất đặc biệt. Lúc này tôi mới biết trong đoàn có 1 nhóm 6 anh, ngoài vũ khí tư trang, các anh còn xách 2 tay 2 thùng sắt. Mỗi thùng cỡ 40X30X20cm, trông thì nhỏ nhưng rất nặng. Có lẽ là sĩ quan, đảng viên nên tôi được tin cậy giao cho mang 2 thùng để thay cho một anh nào đó. Xem kỹ cái thùng sắt tôi thấy: bên ngoài là lớp thép dày cỡ 7-8ly hàn ghép lại nhưng có khe hở, bên trong là thùng tôn kín nhưng lắc thì thấy như có cát, có thể trong lớp cát là 1 lớp tôn nữa. Trong cùng là gì thì tôi chịu. Có lúc tôi nghĩ hay là tài liệu mật? Rồi thời gian, công việc, tôi dần quên chuyện này. Cho tới 1 lần tình cờ tôi biết là chuyến tôi vào có mang theo nhiều ngoại tệ cho B2. Có thể bọn tôi đã xách cả đống đô la chăng?

Ngày đi, đêm nghỉ, khoảng hơn tuần sau chúng tôi đến 1 bến sông, có lẽ đây là đoạn sông Mê Kông ở biên giới Lào-Cămpuchia. Chúng tôi sẽ lên xuồng và xuôi theo dòng qua Stungtreng tới điểm cuối là Crache. Lúc này ta và Khơ Me Đỏ




Cùng vượt Trường Sơn với anh Liễm, bác sĩ của Ông Tư C



đã hầu như làm chủ vùng Đông Bắc và nhiều vùng khác của Campuchia. Một tối, chúng tôi xuống một chiếc xuồng máy dài cỡ gần chục mét, rộng khoảng hơn 2m. Xuồng này chỉ chở nhóm của ông Tư. Do tôi phải xách 2 thùng sắt đặc biệt nên tôi cũng đi xuồng này. Số còn lại đi xuồng khác. Trên xuồng tôi thấy 2 bên mạn có khoảng hai chục anh trang bị vũ khí rất mạnh, chủ yếu là B40, B41 và trung liên RPD với dây đạn dài, mũi súng hướng ra xunh quanh sẵn sàng. Ông Tư và bọn tôi ngồi thấp xuống giữa lòng xuồng. Một anh chỉ huy ra lệnh hành quân với mệnh lệnh nhất cử nhất động do anh ta xử trí. Anh ta lệnh riêng cho đội bảo vệ: sẽ bắn với toàn bộ hỏa lực khi có lệnh. Tôi thấy lạnh người, nhưng lại nghĩ: thế mới là chiến tranh chứ. Xuồng lao nhanh theo dòng chảy cuồn cuộn, những lúc qua thác tôi lo quá. Nhìn anh chàng lái xuồng, đầu đội mũ phớt, cổ cuốn khăn rằn, miệng ngậm điếu thuốc sâu kèn to đùng khét mù mà lo thêm. Anh ta đứng tỳ người trên 1 một cái khung, tay điều chỉnh ga số gì đó, nhưng để lái anh ta dùng…chân đạp lên cái cần lái, đưa qua đưa lại một cách hững hờ…vậy mà chẳng sao cả, xuồng trôi ngon lành. Chúng tôi cùng chăm chú theo rõi động tĩnh trên không đề phòng AC130 và 2 bên bờ sông. Lâu lâu thấy trên bờ có ám hiệu ánh sáng, xuồng lại ghé vào, anh chỉ huy hành quân lên 1 lát rồi lại đi. Trước khi lên anh đều lệnh cho đội bảo vệ sẵn sàng. Tôi được biết đó là các trạm gác của Khơ Me Đỏ, bọn này nổi tiếng là bất trắc khó lường. Mặc dù anh chỉ huy hành quân đã có đủ các giấy tờ đặc biệt nhất, nhưng vẫn phải đề phòng. Trời về khuya khá lạnh, tôi ngồi co ro cạnh anh Được bảo vệ đoàn ông Tư. Anh dúi cho tôi 1 cục nhỏ bằng quả chanh, thấy dẻo và thơm mùi gừng, ăn vào cay ngọt dễ chịu vô cùng, người ấm dần lên. Tôi nhớ mãi cục mứt gừng dẻo ngày nào. Hóa ra anh Được chính là người đã mắng tôi hôm chạy máy bay. Sáng sớm, xuồng cập bến. Ông Tư và hàng hóa đặc biệt lên xe Jeep, đội bảo vệ và số còn lại trong đó có tôi lên xe HONDA 90, hành quân vào căn cứ. Trên đường đi, đoàn xe có chạy qua thị xã Crache. Sau đó đi dần vào rừng sâu nơi đóng quân của BCH Miền, ở đâu đó về phía Đông, giữa hai thị xã Crache và Sơlong.




Cha, con và mùa Xuân năm 1972



    Vậy là chúng tôi đã tới đích sau hơn một tháng hành quân. Đối với tôi thật quá nhiều cảm nhận, đúng như các cụ nói: “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Mới qua mấy chục ngày mà tôi thấy mình lớn hơn, từng trải hơn rất nhiều.

    Tôi đã được gặp Bố tôi, gặp nhiều người quen mới và sống mấy ngày thật tình cảm trong căn nhà hầm của Bố tôi. Quá mệt mỏi và nhiễm sốt rét, tôi nằm mất mấy ngày. Tôi thực sự đã ở chiến trường.


2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Với lối hành văn đơn giản, rất thực làm ta thấy lại được những ngày gian nan, vất vả nhưng đầy bi hùng của dân tộc. Cảm ơn anh Thắng!

TranKienQuoc nói...

Trông anh Thắng giống cu Trung hay Đan (con Điền-Lan). Lúc anh vào gặp ông già, chắc cụ mừng lắm khi thấy anh trưởng thành, rắn rỏi?
Năm ngoái có mặt trong ngày cưới cu Trung mới thấy anh Thắng rất vui khi con cái trưởng thành.